Có cải tiến nhưng chưa đủ
Theo thống kê về chỉ số nhà vệ sinh công cộng trên mỗi kilomét vuông tại 69 thành phố du lịch trên toàn cầu của QS Supplies - một hãng chuyên cung ứng sản phẩm bồn cầu trên thế giới, được báo Nikkei Asia hôm 21/1/2023 trích dẫn, thì Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nằm cuối bảng xếp hạng về số nhà vệ sinh công cộng tính trên mỗi kilomét vuông.
Reuters
Cụ thể theo báo cáo, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh con số này là 0,01 ; trong khi đó tại Bangkok là 0,13 ; Paris là 6,72 và Los Angeles là 0,11… Thủ đô và thành phố lớn nhất Việt Nam nằm chót bảng trong nhóm 15 thành phố tệ nhất về số nhà vệ sinh công cộng ; chỉ trên Johannesburg của Nam Phi và Cairo của Ai Cập.
Thực trạng về nhà vệ sinh tại Việt Nam sẽ ảnh hưởng du lịch cũng như đời sống người dân ra sao ? Hôm 15/1, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Du lịch Lửa Việt, nhận định :
"So với 10 - 15 năm trước đây thì hệ thống nhà vệ sinh bây giờ tiến bộ nhiều. Trước đây nỗi khổ của khách du lịch là không có những trạm dừng dọc đường, hoặc là có nhưng rất bẩn, nhà vệ sinh không đủ, chỉ có một vài cây xăng có nhà vệ sinh. Nhưng đáng mừng là trong xu thế hiện nay, rất nhiều trạm dừng dọc đường mở ra, có những chỗ nhà vệ sinh rất tốt, chỉ có điều so với các nước thì mình còn lạc hậu, nhưng so với trước đây thì mình đã tiến bộ rất nhiều".
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Văn Mỹ, trong khi trạm dừng trên các tuyến du lịch đường dài tương đối đầy đủ và tốt, thì hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các trung tâm thành phố lại rất kém, gần như không có hoặc có nhưng không đáp ứng được. Và đó là lý do, ông Mỹ cho biết, khiến Việt Nam bị "chấm điểm" thấp như vậy. Ông nói tiếp :
"Nhà vệ sinh công cộng ở Sài Gòn thì chất lượng tương đối, có những chỗ rất đẹp như ở công viên 23/9, nhưng so với yêu cầu thì còn quá ít. Tôi là người Sài Gòn, khi tôi đi công việc có những lúc có nhu cầu vệ sinh phải tìm nhà người quen, hoặc là mình vô nhà hàng thì phải sử dụng dịch vụ của họ thì họ mới cho. Phải đánh giá lại, tất nhiên tất cả mọi đánh giá đều tương đối, nhưng tôi cho rằng đó là dấu hiệu tích cực, chính những đánh giá như vậy chắc chắn lãnh đạo thành phố, đặc biệt ngành vệ sinh công cộng sẽ nhìn lại và đáp ứng cho một yêu cầu rất quan trọng của con người. Mình có nhịn, xài nhịn ăn, nhịn uống, nhịn mặc… nhưng rõ ràng vệ sinh là không thể nhịn được. Cho nên ở các nước cái đó là điều mà người ta cho là quan trọng nhất".
Cô Mia Lê ở tiểu bang Maryland - Hoa Kỳ, hôm 25/1 cho biết, cô đã trải nghiệm thực tế về nhà vệ sinh tại Việt Nam khi cô cùng gia đình về thăm quê hương vào năm 2022 :
"Mùa hè năm vừa qua tôi du lịch đến Việt Nam cùng gia đình tôi. Tôi đi Sài Gòn, Mũi Né, Đà Nẵng, Phú Quốc… Tôi thấy nhà vệ sinh trong mấy khu shopping center (khu mua sắm) ở Sài Gòn sạch sẽ. Nhưng mà tôi thấy khi đi road trip (chuyến đi đường bộ) đến Mũi Né thì nhà vệ sinh ở mấy chỗ gas station (cây xăng) dơ bẩn, nó thúi, có đất, rác tùm lum… Những nơi khác thì trong khách sạn cũng sạch sẽ bình thường, nhưng mà ở ngoài đường thì nó cũng dơ dơ. Tôi thấy mấy nước khác như Mỹ nhà vệ sinh ngoài đường cũng sạch sẽ hơn".
Nhà vệ sinh ngõ Tân Thịnh, phố Đại La, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Courtesy cand.com.vn
Nỗi ám ảnh
Xây dựng nhà vệ sinh trước mắt để đáp ứng nhu cầu cho người dân và khách du lịch, ngoài ra còn giúp môi trường sống cộng đồng không bị ô nhiễm. Báo chí nhà nước cũng từng có nhiều bài viết phản ánh thực trạng "thiếu thốn", "nhếch nhác", đầu tư không đồng bộ về nhà vệ sinh công cộng ở Việt Nam, nhất là ở trường học, bệnh viện, nhà ga… Nhiều bài viết nêu rõ nhà vệ sinh ở Việt Nam từng là "nỗi ám ảnh" của người sử dụng.
Một sinh viên ở Thành phố Hồ Chí Minh không muốn nêu tên vì lý do an toàn, nói với RFA về thực tế này :
"Nhà vệ sinh công cộng trong thành phố thì thiếu mà nếu có thì rất dơ và những nút bấm xả nước đa số hư hỏng. Số lượng nhà vệ sinh công cộng không đáp ứng được nhu cầu của người dân thành phố. Những điểm du lịch cũng không thấy có nhà vệ sinh công cộng".
Theo số liệu của Cục thống kê năm 2019, tỉ lệ hộ gia đình có nhà vệ sinh ở Việt Nam đã đạt được 90,5% nhưng tỷ lệ hộ gia đình có nhà vệ sinh hợp chuẩn mới chỉ đạt 73,6%. Như vậy vẫn có gần 30% hộ gia đình tại Việt Nam chưa có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Tổng cục Thống kê cũng cho biết, năm 2019 vẫn còn khoảng 12 triệu người vẫn phóng uế bừa bãi.
Vậy đâu là giải pháp lâu dài cho hiện trạng này tại Việt Nam ?
Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và quản lý đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này nhận định :
"Nói về nhà vệ sinh công cộng thì ở Việt Nam đó là một trong những yếu tố về mỹ quan đường phố. Chưa thể có một hệ thống bao phủ các quận huyện. Có nơi thì dân cư đông đúc, có nơi không ; nhà cửa cũng không đồng bộ nên muốn thực hiện chương trình nhà vệ sinh công cộng thì có lẽ phải chọn một khu nào đó tương đối hiện đại để thí điểm thì sẽ thích hợp hơn. Cần những nhà đầu tư có tinh thần hợp tác. Phải làm sao cho cả xã hội quan tâm. Hay ít nhất là mỗi khi xây dựng một công trình nào đó như siêu thị, bãi đậu xe hay chợ thì phải đưa nhà vệ sinh vào quy chuẩn xây dựng".
Hồi cuối năm 2021, trang tin Ramber của Nga giới thiệu một khách sạn ở Hà Nội, Việt Nam có nhà vệ sinh dát vàng và cho rằng du khách đến đây thực sự sống giữa vàng. Tuy nhiên trong thực tế nhiều khách du lịch quốc tế từng trả lời truyền thông nhà nước rằng họ cảm thấy mùi khai rất kinh khủng khi đi qua những dãy nhà vệ sinh tại nhiều địa điểm du lịch ở Hà Nội.
Vấn đề nhà vệ sinh tưởng chừng như chuyện nhỏ vì ít có lãnh đạo Việt Nam nào khẳng định đây là một trong những "điểm yếu" khiến du lịch Việt Nam không tăng trưởng mạnh như các nước khác.
Năm qua, Việt Nam là nước thu hút ít khách du lịch quốc tế nhất tại Châu Á sau dịch Covid-19 ; chỉ 3,6 triệu lượt. Và, lý do khiến du khách không muốn đến thăm Việt Nam, theo chính quyền sở tại, là vì vấn đề visa.
Nguồn : RFA, 25/01/2023