Tăng trưởng là ảo, chỉ tiền từ "khúc ruột ngàn dặm" là thật
Minh Vũ, Thoibao.de, 27/01/2023
Tờ báo VnExpress.net trong ngày 24/1/2023 loan tin : "Lượng kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh đạt hơn 6,6 tỷ USD năm 2022, giảm gần 6,7% so với năm 2021 do ảnh hưởng từ suy giảm kinh tế tại nhiều nơi".
Nguồn thu kiều hối hiện đã tương đương và gần đây cao hơn so với nguồn vốn giải ngân FDI ở Việt Nam - Kiều hối về Việt Nam từ năm 2010-2022. (Nguồn : WB)
Đặc biệt, trong những năm gần đây, kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh bình quân thường tăng từ 7-10% mỗi năm. Lượng tiền do kiều bào và người đi xuất khẩu lao động gửi về nước thường phụ thuộc vào điều kiện kinh tế vĩ mô, tình hình của người lao động ở nước ngoài, các dịch vụ thu hút kiều hối…
Trong hai năm 2021 và 2022, ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 và cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga, đã ảnh hưởng nhiều đến lượng kiều hối chuyển về thành phố Hồ Chí Minh. Song, kiều hối vẫn là khoản đóng góp lớn vào mức 48% tổng thu ngân sách nội địa, 33% thu ngân sách của thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó, thành phố Hồ Chí Minh lại luôn vẫn dẫn đầu về lượng kiều hối của Việt Nam.
Dòng tiền này đã góp phần tạo nguồn thu ngoại tệ, ổn định tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối, tăng trưởng kinh tế thành phố.
Trong thời điểm này, hoạt động chuyển tiền của bà con người Việt đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài về cho thân nhân trong nước trở nên rất sôi động. Đây cũng là dịp các ngân hàng, các công ty kiều hối đẩy mạnh chương trình khuyến mãi nhằm thu hút thêm lượng khách hàng chi trả qua đơn vị mình.
Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid nhưng Việt Nam vẫn nằm trong tốp thu hút nhiều nguồn kiều hối. (Ảnh : Vietnam+)
Theo chu kỳ hàng năm, kiều hối cuối năm và dịp trước Tết Nguyên Đán thường chảy về nhiều khi người thân ở nước ngoài gửi ngoại tệ cho gia đình. Năm nay, lãi suất gửi tiết kiệm tăng cao càng kích thích nhiều người nhận kiều hối sẽ bán ra lấy VND gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất cao. Bên cạnh đó, nguồn cung ngoại tệ dồi dào có ý nghĩa lớn đối với việc ổn định tỷ giá USD/VND.
Bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu ngoại tệ từ xuất khẩu, kiều hối cũng là nguồn thu ngoại tệ quan trọng giúp đảm bảo cung – cầu ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, cũng như giảm sức ép tăng tỷ giá của đồng bạc xanh.
Theo một bài báo trên tienphong.vn đăng tải ngày 22/12/2022, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết : "Đặt trong bối cảnh kinh tế của một số quốc gia và khu vực trên thế giới gặp nhiều khó khăn, do lạm phát, do đồng tiền mất giá, suy giảm kinh tế, thu nhập của người dân, người lao động tại các quốc gia này bị ảnh hưởng thì việc kiều hối chuyển về trong năm 2022 đạt mức này vẫn tiếp tục có ý nghĩa và vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung và thành phố nói riêng".
Theo ông Lệnh, đây là nguồn vốn quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội và đặc điểm khác với các nguồn vốn khác. Đây là nguồn không phải hoàn trả, không phải trả chi phí sử dụng vốn, chi phí lãi vay. Đồng thời, vì đây là nguồn thu bằng ngoại tệ, nên giá trị mang lại từ nguồn kiều hối này là rất lớn, trở thành "nguồn lực vàng" cần được tiếp tục thu hút và huy động tích cực.
"Việc sử dụng hiệu quả nguồn lực này, cũng như tiếp tục thực hiện tốt cơ chế chính sách và chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào, đối với chính sách ngoại hối, hoạt động chi trả ngoại tệ, đặc biệt tiếp tục xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư với những dấu ấn nổi bật về thương hiệu quốc gia tại một đất nước Việt Nam hòa bình, bình yên, an ninh trật tự, thân thiện và tràn đầy khát vọng phát triển, sẽ là động lực to lớn nhất để nguồn kiều hối tiếp tục tăng trưởng qua từng năm và phát huy hiệu quả để góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn thịnh". Báo tienphong.vn viết
Cung cấp thêm thông tin về nguồn lực quan trọng này, báo bbc.com hôm 25/1, cho biết thêm :
"Trong một thống kê đáng quan tâm, nguồn thu kiều hối hiện đã tương đương và gần đây cao hơn so với nguồn vốn giải ngân FDI ở Việt Nam.
Theo đó, tổng kiều hối từ năm 1993 đến nay đạt hơn 200 tỷ USD so với khoảng 190 tỷ USD FDI được giải ngân từ năm 1986 đến nay".
Minh Vũ (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 27/01/2023
****************************
Năm 2022 : Kiều hối 19 tỷ USD cao hơn tổng xuất khẩu gạo, thủy sản 14,5 tỷ USD
VOA, 25/01/2023
Lượng kiều hối đổ về Việt Nam trong năm 2022 lên đến gần 19 tỷ đô la, các báo trong nước đưa tin mới đây, đồng thời trích dẫn Ngân hàng Thế giới và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư nói rằng Việt Nam đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm 2021.
Việt Nam nhận kiều hối lên đến gần 19 tỷ đô la trong năm 2022.
Tạp chí Lao động và Công đoàn thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận rằng trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hằng năm, Mỹ là quốc gia có số lượng người Việt Nam nhập cư và sinh sống nhiều nhất, tiếp đó là Anh, Úc, Canada.
Còn về xuất khẩu lao động, lượng kiều hối chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu lao động chính như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, tạp chí này viết.
Hồi tháng 8/2022, một số báo trong đó có VnEconomy và An Ninh Thủ Đô nêu ra ước tính rằng kiều hối từ xuất khẩu lao động gửi về Việt Nam chỉ là khoảng 3 tỷ đô la mỗi năm.
Các báo dẫn lời các chuyên gia kinh tế trong nước đánh giá rằng kiều hối là "nguồn lực quý giá" có vai trò "quan trọng" và góp phần "phát triển kinh tế-xã hội" cũng như giúp cho ngân hàng trung ương "điều hành chính sách tiền tệ có hiệu quả".
Tiền kiều hối của năm 2022 cao hơn 1 tỷ đô la so với năm 2021, đồng thời cũng cao hơn 24% so với tổng giá trị xuất khẩu gạo và thủy sản của Việt Nam trong năm 2022, theo tính toán của VOA.
Tin tức từ Việt Nam cho hay trong năm vừa qua, đất nước này "lập kỷ lục xuất sắc" về xuất khẩu thủy sản với kim ngạch là 11 tỷ đô la, cao nhất từ trước đến nay. Nhờ đó, Việt Nam lọt vào nhóm 3 nước xuất khẩu thủy sản nhiều nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Na Uy.
Trong cùng năm, dù đối mặt với nhiều biến cố của thị trường lương thực thế giới, song xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt gần 7,2 triệu tấn với giá trị 3,49 tỷ đô la, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin.
Như vậy, tổng giá trị xuất khẩu gạo và thủy sản của Việt Nam là chưa đến 14,5 tỷ đô la, bằng 76% của tổng lượng kiều hối mà đất nước nhận được trong cùng kỳ.