Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/02/2023

Tổng Trọng ra sách, bắt người - tù nhân lương tâm mất tiền

RFA tổng hợp

Xuất bản 55.000 cuốn sách chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

RFA, 02/02/2023

Ban Nội chính Trung ương cùng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật hôm 2/2 vừa tổ chức lễ ra mắt cuốn sách mới xuất bản của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về chống tham nhũng được các lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam ca ngợi là "cẩm nang phòng, chống tham nhũng".

sach1

Sách mới về chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Đảng cộng sản

Truyền thông nhà nước cho biết 55.000 cuốn sách của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam kiêm Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được xuất bản nhân dịp này.

Cuốn sách có tên "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" với hơn 600 trang và gần 100 hình ảnh minh hoạ được báo chí Nhà nước miêu tả là : "cung cấp rất nhiều tài liệu, tư liệu, hình ảnh có giá trị, không chỉ về hoạt động của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua, mà còn có những hình ảnh về hoạt động của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ thời sinh viên (như bức ảnh năm 1965 được đăng ở trang 485 của cuốn sách), những bài viết cách đây tròn nửa thế kỷ khi Tổng bí thư còn là Biên tập viên của Tạp chí Cộng sản (như bài "Bệnh sợ trách nhiệm" đăng trên Tạp chí Cộng sản năm 1973 với bút danh Người xây dựng và được đăng ở trang 464 của cuốn sách)".

Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi ra mắt cuốn sách vào dịp kỷ niệm 93 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Ông Thưởng ca ngợi "Cuốn sách cho thấy sự nhất quán giữa nói và làm, sự kiên trì, đấu tranh không ngừng nghỉ ; sự thống nhất giữa những nung nấu nhiều năm và hành động quyết liệt trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng". 

Ông Thưởng cũng đánh giá rằng cuốn sách cho thấy sự đồng tình, ủng hộ, cổ vũ của các tầng lớp nhân dân, đại biểu quốc hội, chính khách, học giả nước ngoài đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nổi tiếng với công cuộc chống tham nhũng được ông phát động rầm rộ từ hồi năm 2016 và thường được người dân gọi là "đốt lò". Người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định công cuộc chống tham nhũng của Đảng là "không có vùng cấm", ý nói không phân biệt bất kỳ ai.

Tổng kết của Đảng cộng sản Việt Nam được công bố trên báo chí hồi giữa năm ngoái cho thấy, trong 10 năm qua, Trung ương đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168 ngàn đảng viên ; trong số này hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng.

Gần đây nhất, vào trước dịp Tết Nguyên đán, ba lãnh đạo cao cấp của Đảng cộng sản Việt Nam đã phải xin từ chức vì những sai phạm liên quan đến tham nhũng bao gồm hai phó thủ tướng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Một báo cáo mới được công bố về tham nhũng (CPI) của tổ chức Transparency International cho thấy điểm số của Việt Nam về nhận thức chống tham nhũng là 42/100 (trong đó 0 điểm là xấu nhất, và 100 là rất sạch). Transparency International xếp hạng Việt Nam 77 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng ba bậc so với năm 2021.

***********************

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bị bắt tạm giam với cáo buộc "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ"

RFA, 02/02/2023

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển (SENA) Nguyễn Sơn Lộ vào ngày 2/2 vừa bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt tạm giam sau sau khoảng sáu tháng có quyết định Khởi tố về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự".

sach2

Ông Nguyễn Sơn Lộ - RFA

Trang web Bộ Công an  vào tối ngày 2/2 đưa tin cho biết, quyết định khởi tố ông Nguyễn Sơn Lộ được đưa ra vào ngày 27/7/2022 nhưng "xét tình tiết bị can là người già yếu (74 tuổi), có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú".

Cũng theo thông báo mới, "trong quá trình điều tra vụ án, bị can Nguyễn Sơn Lộ có dấu hiệu tiếp tục phạm tội. Ngày 02/02/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với bị can này".

Thông báo không cho biết cụ thể ông Lộ tiếp tục phạm tội gì.

Như RFA  đã đưa tin trước đây, ông Lộ là người có nhiều kiến nghị xây dựng Đảng cộng sản. Ông Nguyễn Sơn Lộ (còn được biết đến với tên Minh Đường) cũng từng ký tên với tư cách Viện trưởng SENA vào một lá thư ngỏ đề ngày 9/12/2015 gửi Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đề nghị lãnh đạo Việt Nam đổi tên Đảng, đổi tên nước, thay đổi đường lối đối ngoại bị cho là lệ thuộc vào Trung Quốc. Bức thư có 127 người ký tên, trong đó có những nhân sĩ trí thức nổi tiếng như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Chu Hảo…

Một bài viết của Công an huyện Bạch Thông – tỉnh Bắc Kạn với tiêu đề "Góp ý xây dựng Đảng hay chống Đảng"  đề cập đến viện nghiên cứu SENA, và cho rằng gửi thư ngỏ góp ý xây dựng văn kiện Đại hội 13 của Đảng, nhưng thực chất là một hình thức thể hiện quan điểm sai trái, phụ họa cho những luận điệu xuyên tạc chống Đảng, Nhà nước.

Trước khi ông Lộ bị khởi tố, vào ngày 4/7/2022, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam ra quyết định đình chỉ hoạt động của Viện Nghiên cứu công nghệ và phát triển SENA để thực hiện các thủ tục giải thể do viện này vi phạm quy định về thành lập, đăng ký hoạt động.

***********************

Công an mời cựu tù nhân lương tâm Lê Thị Bình làm việc vì nói "bị mất 250 triệu đồng khi bị bắt"

RFA, 01/02/2023

Cựu tù nhân lương tâm Lê Thị Bình, người mới mãn hạn tù vào cuối tháng 11 năm ngoái, nói bà bị mất số tiền tương đương 250 triệu trong quá trình bị bắt giữ bởi Công an quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ) cuối năm 2020.

sach3

Cựu tù nhân lương tâm Lê Thị Bình - Fb Lê Bình

Bà Bình, người vừa thụ xong án tù hai năm về tội danh "lợi dụng quyền tự do dân chủ" theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự, bị công an quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ) mời lên làm việc về phát ngôn trên.

Trong sáng 01/2, bà phải làm việc với thiếu tá Nguyễn Thái Trung- đội phó an ninh và nhiều cán bộ của đơn vị này tại trụ sở công an phường An Thới.

Trong buổi làm việc, phía công an cho rằng buổi nói chuyện trực tuyến (livestream) trên Facebook của bà Bình hôm 22/1 có nội dung nhạy cảm, gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước, trong đó có Công an quận Bình Thủy.

Trong khi phát trực tiếp, bà Bình nói bị mất số tiền 211 triệu đồng và 1.700 USD trong lúc bà bị bắt ba năm trước.

Hai khoản tiền mất trong ngày bị bắt

Nói với RFA, bà Bình cho rằng trong ngày bà bị bắt (22/12/2020), công an có thu giữ hai khoản tiền của bà nhưng không đưa vào biên bản.

Khoản thứ nhất bao gồm 28 triệu đồng và 1.700 USD bà mang theo người khi đi taxi cùng một người quen.

Công an Bình Thủy bắt khi bà đang trên xe taxi còn số tiền trên thì bỏ trong ví và để trong một túi xách.

Phía công an thu giữ túi xách này, và sau này có trả lại cho con của bà nhưng không nhắc đến số tiền có trong đó.

Bà Bình cho biết bà khai với công an là số tiền trên thuộc về người quen đi cùng xe, và bà cứ đinh ninh rằng công an sẽ đưa số tiền này cho người đó. Bà chỉ biết số tiền này không được công an đưa vào biên bản và không trả lại cho người quen kia hoặc trả lại cho gia đình bà khi đã mãn hạn tù.

"Số tiền này chắc chắn là ông Kỳ (Trương Ngọc Kỳ, cán bộ công an điều tra vụ bà Bình- PV) có lấy," bà Bình khẳng định.

Bà Bình cho biết sau phiên tòa xử bà, công an có trả túi xách và ví của bà cho gia đình, nhưng không có số tiền trên, chỉ trả lại vài đồng đôla mệnh giá nhỏ có trong ví.

Khoản tiền thứ hai là 183 triệu, là số tiền thu được từ đám cưới của con gái mà bà dự định sẽ dùng để sửa lại nhà. Bà cho biết bà để số tiền đó trong cuốn album ảnh của gia đình và bọc lại ở trong phòng ngủ.

Khi công an đưa bà về nhà khám xét, do không có chìa khóa mở cửa nhà bà, nên họ dùng cưa sắt phá cửa mặc cho lời đề nghị của bà là chờ con trai bà về để mở khóa cửa nhà. Công an buộc bà phải ngồi một chỗ ở giường của con trai, do vậy bà không thể quan sát hết việc họ lục tung nhà để tìm kiếm.

Bà Bình cho biết trong biên bản khám nhà không nhắc đến số tiền 183 triệu nên bà tưởng rằng họ không thu giữ số tiền này. Sau khi mãn hạn tù, bà hỏi hai con về bọc tiền trên thì được hai con cho biết khi hai con về nhà thì thấy mọi thứ lục tung hết, cả cuốn album cũng bị lục và vứt bừa bãi trên nền nhà.

Trong buổi làm việc với công an sáng thứ ba, phía công an nói rằng họ không thu giữ số tiền trên và truy hỏi bà rằng có ai chứng kiến bà giấu số tiền nói trên không.

"Nó (đội phó an ninh Nguyễn Thái Trung- PV) nói số tiền này (183 triệu-PV) cũng mù mờ lắm".

Tuy nhiên, bà Bình không biết ai lấy số tiền trên nên không thể thưa kiện. Thêm nữa, vì thấy khó khăn trong việc đòi tiền nên bà chỉ chia sẻ việc bị mất tiền trên Facebook mà không nạp đơn lên chính quyền địa phương.

Báo chí viết không đúng khi khám nhà

Bà Bình cho biết trong buổi livestream, bà có nhắc lại việc nhiều tờ báo đưa tin sai về kết quả khám xét nhà khi bà bị bắt. Nhiều tờ báo viết công an thu được nhiều tài liệu trong khi thực tế thì bà khẳng định trong nhà không có tài liệu gì liên quan đến "chống phá nhà nước" ngoài vài cuốn sổ ghi nợ và việc làm ăn của bà cùng sách vở của hai con. Bà cho rằng các tờ báo này lấy thông tin từ phía công an quận Bình Thủy, và do vậy bà yêu cầu công an giải thích việc này.

Trong buổi làm việc, phía công an nói rằng "tài liệu" ở đây là những tập vở thu được ở nhà bà. Tất nhiên, bà không chấp nhận kiểu giải thích này.

Sau khi mãn hạn tù, bà Bình có trả lời phỏng vấn của RFA trong đó bà miêu tả lại việc tù nhân trong Trại giam An Phước (tỉnh Bình Dương) bị buộc phải lao động khổ sai trong điều kiện dinh dưỡng tồi tàn, tuần được ăn hai bữa cơm cải thiện là cá khô thối.

Trong buổi làm việc, phía công an cũng nhắc lại việc bà trả lời phỏng vấn trên. Bà thuật lại :

"Nó hỏi tôi ‘chị ra tù Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn chị’ và tôi nói "đúng rồi, trong tù ra sao chị nói y chang vậy.’" 

Phóng viên gọi điện cho Công an quận Bình Thủy để kiểm chứng thông tin bà Bình cung cấp, nhưng sĩ quan trực điện thoại yêu cầu phóng viên đến trụ sở cơ quan để được cung cấp thông tin.

Bà Bình, 47 tuổi, là thành viên của nhóm Hiến Pháp, bị bắt vào tháng 12 năm 2020. Ông Lê Minh Thể, anh ruột của bà cũng bị bắt vào tháng 10 năm 2018 và bị kết án hai năm tù cũng với cáo buộc trên.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 351 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)