Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

24/02/2023

2023 : Năm than lỗ của các doanh nghiệp nhà nước

RFA tiếng Việt

Đầu năm 2023, hàng loạt doanh nghiệp nhà nước than lỗ từ vài trăm đến đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Vì đâu nên nỗi ?

Lỗ triền miên…

Tổng công ty Hàng không Việt nam -Vietnam Airlines dù có doanh thu trong năm 2022 phục hồi bằng hai năm dịch trước đó cộng lại, nhưng vẫn than lỗ hơn 10.000 tỷ đồng với nguyên nhân được hãng này giải thích là do giá nhiên liệu và tỷ giá biến động mạnh. Dù theo truyền thông Nhà nước, các hãng hàng không tư nhân khác tại Việt Nam đã có lãi.

lola1

Thợ điện đang mở công tơ điện trong nhà dân. Ảnh minh họa. AFP Photo

Một doanh nghiệp nhà nước độc quyền khác là Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN cũng cho biết năm 2022 lỗ đậm gần 29.000 tỷ đồng. EVN còn cho biết con số lỗ này còn có thể sẽ tăng gấp đôi trong năm 2023. Đại diện EVN còn đưa ra dự đoán "u ám" trong năm 2023 khi hôm 24/2 cho rằng EVN có thể mất cân đối tài chính, dòng tiền, nếu giá điện không thay đổi. Số lỗ trong năm 2022 và có thể trong năm 2023 sẽ làm mất vốn Nhà nước tại EVN (mất 44,8% vốn Nhà nước tại EVN).

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu từ Việt Nam hôm 24/2 nhận định về việc này :

"Việc một số doanh nghiệp lớn của Nhà nước thua lỗ không phải là điều ngạc nhiên. Trước nhất Vietnam Airlines thua lỗ từ lúc đại dịch ập đến. Sau dịch thì các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn phục hồi, trong đó vấn đề về xăng dầu, vấn đề nguồn nhân lực... Rồi đường bay quốc tế cũng chưa được phục hồi dù trong nước thì người ta đã đi máy bay rất đông, nhưng khách quốc tế còn rất hạn chế. Thành ra tất cả những cái đó đưa đến việc Vietnam Airlines thua lỗ".

Đối với trường hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ngoài việc quản lý kém hiệu quả thì giá nhiên liệu như xăng, than tăng... mà giá điện không tăng đủ, cũng gây ảnh hưởng.

Không chỉ Vietnam Airlines và EVN than lỗ, Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam - TKV, một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, cũng vừa báo cáo nợ 74.000 tỉ đồng - tương đương khoảng hơn ba tỉ USD, lớn gấp 1,6 lần vốn sở hữu 45.000 tỉ đồng.

Với việc than lỗ của TKV, tờ Người Lao Động hôm 17/2/2023, đăng bài viết với tít khá châm biếm rằng : "Đào than lên bán mà TKV nợ tới 74.000 tỉ đồng, ai tin !"

Phân tích về câu chuyện thua lỗ của TKV, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói :

"Vấn đề khai thác than không phải chỉ có đào than lên là có, mà thật sự cần rất nhiều nguồn nhân lực. Đặc biệt là lương cho công nhân ở các mỏ than cao hơn lương trung bình cho người lao động ở Việt Nam, vì làm trong những mỏ than bụi bặm, có những vấn đề bệnh hiểm nghèo... Khai thác than đối với con người là một công việc vô cùng nhọc nhằn, thành ra lương của họ cao. Thế rồi vấn đề vận chuyển than cũng đội giá thành lên".

Cựu Bộ trưởng Thương mại Lê Minh Triết khi trả lời RFA liên quan vấn đề này nhận định :

"Không chỉ có Hàng không Việt Nam hay ngành điện mà ngành xăng dầu, nhập về bán cũng lỗ. Cái đó do một cái chung là nền kinh tế quốc doanh mà mình chưa sửa được nên Nhà nước phải bù lỗ. Tất nhiên không phải tất cả năm nào cũng lỗ. Có năm này, có năm khác. Bây giờ Nhà nước có chương trình giao cổ phần hóa. Nhưng chưa làm hết tất cả được vì cần thời gian, nhưng rồi cũng phải đi tới đó thôi".

lola2

Tổng công ty Hàng không Việt nam -Vietnam Airlines. AFP.

Vướng cơ chế độc quyền

Việt Nam đã thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước từ năm 1990. Cho đến nay, Việt Nam đã cổ phần hóa được một số doanh nghiệp nhà nước, nhưng vẫn còn những doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước và độc quyền. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, nhận định với RFA về vấn đề này :

"Theo tôi thì việc độc quyền vẫn tiếp tục thực hiện và một cái khó khăn của việc cổ phần hóa các doanh nghiệp là việc ấn định giá. Trong đó có vấn đề giá đất sẽ được ấn định như thế nào ? Đó là điều rất tế nhị và nhạy cảm hiện nay. Giá đất sẽ được ấn định theo giá thị trường hay được ấn định theo giá Nhà nước ? Chênh lệch giữa hai mức giá này sẽ được giải quyết như thế nào ?"

Vì sao việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn không hiệu quả ? Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu giải thích :

"Tôi nghĩ rằng Việt Nam vẫn chưa thực hiện hoàn hảo chương trình cổ phần hóa, dù đã nói đến cả chục năm nhưng mà gặp rất nhiều trở ngại. Thứ nhất là muốn cổ phần hóa thì phải có người mua cổ phần và dĩ nhiên đối với những công ty làm ăn có lãi, có uy tín thì nhà đầu tư sẵn sàng trả giá phù hợp. Nhưng ngược lại những công ty làm ăn thua lỗ thì bán cổ phiếu ra có thể là không có người mua hoặc chỉ mua giá rất thấp. Thế thì việc cổ phần hóa không phải là dễ dàng. Bên cạnh đó có những ban quản lý công ty không hỗ trợ cho việc cổ phần hóa, vì họ biết rằng một khi cổ phần hóa thì họ không còn vị trí của họ và tôi nghĩ họ tìm cách cản trở cổ phần hóa".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, dĩ nhiên Chính phủ Việt Nam không muốn doanh nghiệp nhà nước bị thua lỗ, nhưng những công ty hiện đang có vốn của Nhà nước, thì không ít công ty thua lỗ. Một mặt, theo tiến sĩ Hiếu, do quản lý không chặt chẽ, bên cạnh đó có những hiện tượng tham nhũng ảnh hưởng đến công ty... Do đó nhà nước muốn cổ phần hóa để trở thành những doanh nghiệp tốt hơn. Tuy nhiên ông Hiếu cho rằng, dù Chính phủ muốn thế, nhưng vấn đề cổ phần hóa không dễ dàng. Ông Hiếu đưa ra khuyến nghị :

"Theo tôi thì có lẽ phải có một sàn giao dịch riêng cho vấn đề cổ phần hóa các doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Sàn giao dịch đó phải là một sàn hết sức công khai minh bạch và tất cả những dữ liệu về công ty đó cần phải đưa lên mặt bàn. Lúc bấy giờ sẽ có người mua, người bán và đặc biệt nữa tôi nghĩ rằng cần phải cho phép và mạnh dạn hơn để mời gọi những nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào sàn giao dịch cổ phần hóa đó".

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào tháng 3 năm 2022 đã phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021-2025". Mục tiêu của Đề án này được nói nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước.

Sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tiếp tục ký ban hành Công điện số 478 về đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Nội dung công điện thể hiện Chính phủ đã nhìn nhận thời gian qua, dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo để đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước... tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chưa đạt kế hoạch đề ra.

Nguồn : RFA, 24/02/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 238 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)