Ba người bị bắt theo điều 331 Bộ luật hình sự
VNTB, 26/02/2023
Cơ quan điều tra cũng đã thi hành lệnh khám xét nơi ở của các bị can Đặng Thị Hàn Ni, Đặng Anh Quân và Trần Văn Sỹ, thu giữ các tài liệu liên quan phục vụ công tác điều tra.
Nhà báo Hàn Ni, Tiến sĩ Đặng Anh Quân, Luật sư Trần Văn Sỹ – Ảnh minh họa
Luật sư Trần Văn Sỹ bị bắt tại Khánh Hòa
Tối 25/2, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Trần Văn Sỹ (66 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long, luật sư) để điều tra về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo điều 331 Bộ luật hình sự.
Các quyết định, lệnh trên được Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê chuẩn.
Theo một nguồn tin, ông Sỹ bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt khi đang ở trong một căn hộ chung cư tại tỉnh Khánh Hòa và được lực lượng chức năng di lý về Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Trần Văn Sỹ nguyên là chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long. Năm 2008, ông Sỹ bị xóa tên khỏi danh sách Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên, UBND tỉnh Vĩnh Long lại ra quyết định đình chỉ quyết định nói trên.
Theo yêu cầu của bà Nguyễn Phương Hằng, ông Nguyễn Quang Tuấn (con trai bà Hằng) đã làm đơn đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh xử lý 35 cá nhân, trong đó có ông Trần Văn Sỹ.
Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh xác định tiến sĩ luật Đặng Anh Quân (SN 1978, chỗ ở hiện nay : xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, giảng viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) đã trực tiếp tham gia nhiều buổi livestream cùng bị can Nguyễn Phương Hằng.
Trong các buổi livestream này, ông Đặng Anh Quân đã phát ngôn, bình luận, cùng tương tác với bà Nguyễn Phương Hằng về những nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhiều cá nhân.
Hành vi của ông Đặng Anh Quân là giúp sức tích cực cho bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện hành vi phạm tội liên tục, nhiều lần trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm phức tạp tình hình trên không gian mạng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn xã hội.
Tối 24/2, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phê chuẩn lệnh bắt để tạm giam của công an cùng cấp đối với tiến sĩ luật Đặng Anh Quân (giảng viên Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ông Đặng Anh Quân bị bắt giam với vai trò đồng phạm của bà Nguyễn Phương Hằng (CEO Công ty cổ phần Đại Nam),
"Bông hồng thép" Đặng Thị Hàn Ni
Phòng cảnh sát hình sự Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với bà Đặng Thị Hàn Ni (SN 1977, luật sư, nhà báo, chỗ ở hiện nay : phường Tân Thuận Đông, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại điều 331 Bộ luật hình sự.
Trước đó, Phòng cảnh sát hình sự Công an Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận, thụ lý xác minh tố giác của ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo bà Đặng Thị Hàn Ni và ông Trần Văn Sỹ đã đăng tải các đoạn ghi hình với nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của ông Huỳnh Uy Dũng, bà Nguyễn Phương Hằng, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Công ty cổ phần Đại Nam và Quỹ từ thiện Hằng Hữu.
Quá trình điều tra, xác minh, cơ quan công an xác định : bà Đặng Thị Hàn Ni và ông Trần Văn Sỹ đã cố ý đăng tải nhiều đoạn ghi hình trên kênh YouTube, với các nội dung chưa được kiểm chứng, những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư.
Các nội dung đăng tải trên đã thu hút hàng trăm ngàn lượt xem và bình luận ; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, gây hoang mang trong nhân dân, xâm phạm quyền cơ bản của công dân.
Cơ quan điều tra cũng đã thi hành lệnh khám xét nơi ở của bị can Đặng Anh Quân, và bị can Đặng Thị Hàn Ni, Trần Văn Sỹ, thu giữ các tài liệu liên quan phục vụ công tác điều tra.
Nguồn : VNTB, 26/02/2023
*********************
Nhà báo từng tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt giữ
VOA, 26/02/2023
Một nhà báo từng tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng, nhân vật đình đám trên mạng xã hội Việt Nam trong năm 2021 với những buổi livestream đả kích những người nổi tiếng, bị bắt giữ vào ngày thứ Sáu về cáo buộc lợi dụng các quyền tự do dân chủ.
Nhà báo Hàn Ni (áo đỏ) nghe một viên chức công an đọc quyết định bắt tạm giam, khởi tố bà về cáo buộc lợi dụng các quyền tự do dân chủ, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24/2/2023.
Bà Đặng Thị Hàn Ni, 45 tuổi, công tác tại báo Sài Gòn Giải phóng, trước đây là một trong những người thường bị bà Hằng nêu tên trong các buổi phát trực tiếp thu hút hàng triệu lượt xem. Đơn tố cáo của bà và những người khác đã góp phần khiến bà Hằng bị bắt giam và khởi tố về cáo buộc lợi dụng các quyền tự do dân chủ hồi tháng 3 năm 2022.
Một đoạnvideo được truyền thông Việt Nam đăng tải ngày thứ Bảy cho thấy bà Hàn Ni được đưa đến Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Thành phố Hồ Chí Minh để nghe quyết định bắt tạm giam và khởi tố.
Bà bị cáo buộc đã có hành vi "cùng đồng bọn lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", và sẽ bị tam giam trong khoảng thời gian ba tháng.
Một bản tin của báo Công an Nhân dân cho biết chi tiết về vụ bắt giữ, nói rằng nhà chức trách hành động sau khi đã "tiếp nhận, thụ lý xác minh" tố giác của ông Huỳnh Uy Dũng và vợ ông là bà Hằng tố cáo bà Hàn Ni và một cộng sự đăng tải các đoạn ghi hình với nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hai vợ chồng ông, xâm phạm lợi ích hợp pháp của một công ty và quỹ từ thiện do họ đứng đầu.
Công an cáo buộc bà Hàn Ni cố ý đăng tải nhiều đoạn ghi hình trên kênh YouTube, với các nội dung chưa được kiểm chứng, những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư, "gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, gây hoang mang trong nhân dân, xâm phạm quyền cơ bản của công dân", theo Công an Nhân dân.
Cơ quan điều tra cũng đã thi hành lệnh khám xét nơi ở của bà Hàn Ni và ông Tiến sĩ thu giữ các tài liệu liên quan phục vụ công tác điều tra, theo Zing News.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 1 cho biết đã điều tra xong về bà Hằng và đang chuyển sang truy tố.
Theo kết luận điều tra, bà Hằng đã nói nhiều điều "xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng uy tín và xâm phạm đời tư" nghệ sĩ hài Hoài Linh, các ca sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Vy Oanh, Thủy Tiên, cầu thủ bóng đá Công Vinh, nhà báo Hàn Ni và phó Tổng biên tập báo Pháp Luật Nguyễn Đức Hiển.
Nhà chức trách nói trong quá trình thẩm vấn, bà Hằng thừa nhận các thông tin mà bà đưa ra là do bà đọc qua các nguồn và nằm mơ và không đưa ra được các căn cứ chứng minh.
**************************
Bắt tạm giam Tiến sĩ luật tham gia livestream của bà Nguyễn Phương Hằng
RFA, 24/02/2023
Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân, người đã tham gia các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, vừa bị khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Ông Đặng Anh Quân và bà Nguyễn Phương Hằng trong một lần livestream - Hình cắt từ video (VnExpress)
Báo Nhà nước vào tối ngày 24/2 cho biết ông Quân, giảng viên Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, bị bắt với vai trò là đồng phạm của bà Nguyễn Phương Hằng.
Bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt giam vào ngày 24/3/2022 để điều tra với cùng tội danh giống như của ông Quân.
Kết luận điều tra của cơ quan công an xác định bà Hằng thông qua 12 tài khoản mạng xã hội, YouTube và TikTok tổ chức nhiều buổi phát sóng trực tiếp (livestream) qua mạng internet tại Thành phố Hồ Chí Minh để xâm phạm bí mật đời tư, xúc phạm uy tín, danh dự của tám cá nhân trong đó có nhà báo Hàn Ni là người vừa bị bắt giam vào ngày 24/2 với cùng tội danh.
Theo cơ quan điều tra, trong các lần bà Hằng livestream nói về ca sĩ Vy Oanh, nghệ sĩ Hoài Linh, có mặt hai khách mời là ông Quân và luật sư Nguyễn Đình Kim, hai chuyên gia luật này bị cho là đã có phát ngôn "không chuẩn mực" về các bị hại. Ông Quân tham gia livestream 11 buổi (từ tháng 10/2021 đến 3/2022).
Trước khi bị bắt, các livestream của bà Nguyễn Phương Hằng thường hu hút hàng trăm ngàn người theo dõi mỗi buổi. Đáng chú ý là một buổi livestream vào ngày 14/11/2021 khi bà Hằng và những khách mời của buổi này trong đó có Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân đã "đổ đồng" báo chí cách mạng với báo chí phản động vì đã chỉ trích bà Hằng.
Phát biểu trong buổi livestream này, ông Quân nói :
"Chúng ta đề cập tới khái niệm truyền thông ở đây là truyền thông bẩn, báo chí là loại báo chí bẩn. Tức là bản thân tờ báo thì có thương hiệu và tờ báo không có lỗi mà vấn đề là nhà báo biến chất làm việc cho tờ báo đó mới là người có vấn đề".
"Tức là họ lợi dụng chức vụ và công việc tại tờ báo đó cùng với thành phần biên tập đưa lên bài viết đó chứ bản thân tờ báo đó là đúng. Báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, giúp cho nhân dân hiểu về đường lối chính sách của Đảng, giúp người dân hiểu về văn hóa của dân tộc Việt Nam. Cho nên chỉ có một số nhà báo bẩn mới đi xuyên tạc đả kích các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp lớn. Cho nên chúng ta phải hiểu đúng và đừng qui kết "các tờ báo".
Những phát ngôn về "báo chí cách mạng" trong livestream này sau đó đã bị Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử xác định là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tung tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Cũng liên quan đến vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, hồi tháng 12 năm ngoái, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét chỗ ở đối với ba người khác là : Nguyễn Thị Mai Nhi (39 tuổi, trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (30 tuổi, nhân viên Công ty cổ phần Đại Nam) và Huỳnh Công Tân (28 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam).
Cả ba người đều bị cáo buộc tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
***************************
Nhà báo Hàn Ni bị bắt với cáo buộc "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ"
RFA, 24/02/2023
Nhà báo Hàn Ni của báo Sài Gòn Giải Phóng vừa bị Công an Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 24/2 về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Nhà báo Hàn Ni - Tiền Phong
Nhà báo Hàn Ni (tên đầy đủ là Đặng Thị Hàn Ni), đồng thời là thành viên Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, là người bị bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) tố cáo tới công an là có hành vi xúc phạm, vu khống" và tấn công quỹ Hằng Hữu của Công ty Cổ phần Đại Nam. Bà Hằng yêu cầu cơ quan chức năng xử lý bà Hàn Ni ; buộc chấm dứt việc sử dụng hình ảnh của bà khi không được sự đồng ý, đồng thời bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, hiện Công an Thành phố Hồ Chí Minh chưa đưa ra lời giải thích về hành vi phạm tội cụ thể của bà Hàn Ni là gì.
Bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt giam vào ngày 24/3/2022 để điều tra với cùng tội danh giống như của bà Hàn Ni.
Kết luận điều tra của cơ quan công an xác định bà Hằng thông qua 12 tài khoản mạng xã hội, YouTube và TikTok tổ chức nhiều buổi phát sóng trực tiếp (livestream) qua mạng internet tại Thành phố Hồ Chí Minh để xâm phạm bí mật đời tư, xúc phạm uy tín, danh dự của tám cá nhân trong đó có nhà báo Hàn Ni.
Tám cá nhân bị bà Hằng xúc phạm bao gồm : ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni), ông Nguyễn Đức Hiển (Phó tổng biên tập Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng Lê Công Vinh, ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Đinh Thị Lan.
Liên quan đến vụ án của bà Nguyễn Phương Hằng, hồi tháng 4 năm ngoái, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho báo chí biết đã nhập đơn tố giác của nhà báo Hàn Ni đối với bà Hằng vào vụ án đã khởi tố đối với bà Hằng.
Nhà báo Hàn Ni (sinh năm 1977) được báo chí Nhà nước đặt biệt danh là "Bông hồng thép" của làng báo Thành phố Hồ Chí Minh sau loạt bài điều tra về quán cà phê Xin Chào hay còn được biết đến là vụ án "Xin Chào" hồi năm 2016. Bài điều tra được cho là đã giúp chủ quán này thoát khỏi tù oan. Bài báo được giải Nhất giải Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 34 thể loại Phóng sự điều tra.