Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/03/2023

Đấu giá đất và căn hộ tại Thủ Thiêm : sẽ không tái diễn bỏ cọc ?

RFA tiếng Việt

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho báo nhà nước biết đang có kế hoạch đấu giá các lô đất và 3.790 căn hộ tái định cư tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm.

daugia1

Bốn lô đất Thủ Thiêm (màu đỏ) đấu giá vào năm 2021 - Courtesy Google Map

Bốn lô đất được đấu giá lại thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Thành phố Hồ Chí Minh trước đó vào cuối tháng 12/2021 đã được công bố "đấu giá thành công" với mức giá 37.350 tỷ đồng, cao gấp bảy lần giá khởi điểm.

Công ty trúng đấu giá cao nhất là công ty Ngôi Sao Việt, một công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty Bình Minh, Công ty Sheen Mega và Công ty Dream Republic. Tuy nhiên sau đó, cả bốn công ty này đều bỏ cọc, rút lui.

Sau vụ đấu giá 30.000 mét vuông đất ở Thủ Thiêm, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào ngày 21/12 đã ban hành Công điện 1767 yêu cầu các bộ ngành, địa phương kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi. Tuy nhiên ông Thủ tướng không nói cụ thể về việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi trả lời RFA hôm 3/3/2023 cho biết ý kiến của mình :

"Tôi nghĩ đấu giá đất cần phải công khai minh bạch, cần phải công bố sớm và đầy đủ các điều kiện của đấu giá, tất cả những người nào đăng ký để tham gia cũng phải được đăng lên và phiên đấu giá cũng phải được công khai trên mạng. Phải có hội đồng độc lập giám sát vì đây là một tài sản rất lớn, đầu tư lớn... cho nên rất cần sự giám sát một cách độc lập và nghiêm túc để bảo đảm tính pháp lý, công bằng và công khai minh bạch".

Liên quan việc đấu giá 3.790 căn hộ nhiều lần trước không thành công, không có chủ đầu tư nào tham gia, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định :

"Có lẽ các điều kiện đấu giá không hấp dẫn chứ nhu cầu về nhà ở là rất lớn và người ta cần có nhà ở từ đường sức mua của người ta nếu cả quả sức mua của người có yêu cầu giá không được cao quá sức mua của người có nhu cầu còn những người đầu tư có tính chất đầu cơ thì có thể họ không quan tâm ngắm hình này nhóm hàng này vì nếu họ nâng giá lên thì cũng không có ai mua"

Tại buổi báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ tài nguyên môi trường hôm 2/3/2023, Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, phương thức khi tham gia đấu giá lần này sẽ phải đặt cọc trước 20% giá khởi điểm. Nếu trúng đấu giá, trong vòng một tháng phải nộp 50% giá trị trúng đấu giá, bao gồm 20% đã đặt cọc trước đó, 50% còn lại trong vòng 90 ngày phải thanh toán đủ.

Như vậy so với lần đấu giá 4 lô đất rộng khoảng hơn 30 ngàn m2 thuộc khu chức năng số 3, phía bắc Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 12/2021... thì quy định nộp tiền trúng đấu giá có điều chỉnh. Khi đó, người trúng đấu giá trong vòng 180 ngày phải nộp tiền đủ, rồi sau đó mới ký hợp đồng mua bán tài sản trúng đấu giá.

Tuy nhiên việc xử phạt nếu doanh nghiệp trúng đấu giá bỏ cọc đã không được Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh nói đến.

Ông Cao Thăng Ca, một người dân mất đất ở Thủ Thiêm hôm 3/3/2023 cho biết ý kiến :

"Việc thành phố Hồ Chí Minh bán đấu giá là coi thường kiến nghị của người dân Thủ Thiêm. Tại vì những căn hộ chung cư đó đúng ra là bây giờ thuộc quyền sử dụng của những người dân bị ảnh hưởng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhưng người ta không giải quyết cho người dân mà người ta đi bán đấu giá. Như vậy chứng tỏ coi thường những khiếu nại của người dân, người ta không cần biết chủ trương của đảng và luật pháp nhà nước quy định như thế nào hết. Đây là việc làm hoàn toàn gây mất niềm tin và không còn một chút hy vọng nào cho người dân Thủ Thiêm".

Theo ông Ca, những lô đất lần trước đấu giá trên trời là ý đồ chiếm đoạt tiền ngân hàng làm thiệt hại cho nhà nước. Nhưng ông Ca cho rằng với tình trạng bất động sản đang đóng băng hiện nay, người ta sẽ bỏ giá thấp và theo ông Ca, có thể Nhà nước sẽ căn cứ vào những giá thấp đấy để tính toán đền bù cho người dân Thủ Thiêm.

Liệu nếu đấu giá với quy trình cũ sẽ tái diễn tình trạng đấu giá cao, bỏ cọc như vừa xảy ra ? Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam từ năm 2002 đến 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này, nhận định :

"Tôi cho là giữ nguyên như vậy thì chắc chắn sẽ xảy ra tương tự như trước đây. Bởi vì với quy định như hiện nay trong Luật Đấu giá, cũng như những quy định về đấu giá trong Luật Đất đai thì chắc cũng không tránh khỏi câu chuyện mà ta đã gặp. Hiện nay cũng có nhiều đề xuất là phải thay đổi một số quy định, thế nhưng pháp luật chưa thay đổi. Tôi cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh chưa nên đưa ra đấu giá tiếp, mà chờ sửa Luật Đất đai lẫn Luật Đấu giá để theo đúng tinh thần của nghị quyết 18".

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, đó chính là cốt lõi mà Việt Nam cần tập trung để xem xét chỉnh sửa và khi đó đưa vào thực tế chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều.

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ khi trả lời RFA từ Na Uy trước đây liên quan vấn đề này, cho rằng :

"Chuyện ngăn ngừa doanh nghiệp thắng đấu giá không bỏ tiền ra mua nó không khó. Chỉ cần quy định rằng doanh nghiệp thắng đấu giá nếu không tiến hành mua thì sẽ bị phạt một số tiền theo một tỉ lệ với mức giá cuối cùng của phiên đấu giá. Mức giá cần cao để ngăn những hành động phá hoại, nhưng đủ vừa phải để khuyến khích các doanh nghiệp chân chính tham gia đấu giá bởi vì đôi khi vì không huy động được nguồn vốn để tiến hành thanh toán nên doanh nghiệp buộc phải bỏ. Một mức phạt có thể nằm trong khoảng 5% giá trị của mức giá cuối cùng chẳng hạn".

Theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, có hai vấn đề chính liên quan việc giá đất tại Việt Nam cao bất thường. Vấn đề thứ nhất theo ông Vũ, đó là người dân bị tước quyền sở hữu mảnh đất của mình thông qua cái gọi là đất đai thuộc sở hữu của toàn dân nhưng do nhà nước quản lý. Khi người dân mất quyền sở hữu đất thì lợi dụng kẽ hở đó, chính quyền địa phương dễ dàng đẩy họ đi và bán mảnh đất đó cho người khác nhằm kiếm lợi. Chừng nào mà vấn đề sở hữu đất và tôn trọng quyền sở hữu chưa được thực thi một cách nghiêm ngặt, chừng đó người dân còn bị mất đất và chuyện bồi thường một cách không công bằng còn diễn ra.

Về lâu về dài, theo ông Vũ, giải pháp để bình ổn giá đất chỉ diễn ra nếu chính quyền thực thi những chính sách nhằm tăng nguồn cung diện tích nhà ở. Nhưng điều này sẽ chỉ diễn ra khi mà chính quyền và các trùm đầu cơ đất không còn bắt tay nhau nhằm kiếm lợi từ đất — đó là điều không thể diễn ra trong thực tại.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một dự án phát triển đô thị mới tại bán đảo Thủ Thiêm, thuộc Quận 2 đối diện Quận 1 qua sông Sài Gòn. Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã giải tỏa Thủ Thiêm từ năm 2002 để phục vụ dự án này, khiến khoảng 15.000 hộ dân phải di dời. Người dân Thủ Thiêm đã nhiều lần khiếu nại từ cấp thành phố đến trung ương, nhận nhiều lời hứa hẹn của các vị lãnh đạo. Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn rất nhiều người dân Thủ Thiêm chưa được đền bù thỏa đáng.

Nguồn : RFA, 03/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 259 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)