Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam hôm 20/2 công bố Kế hoạch hành động chống khai thác IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing, nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không theo qui định), chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu âu (EC) lần thứ 4. Theo đó, Bộ đưa ra kế hoạch trong 180 ngày Việt Nam sẽ gỡ thẻ vàng IUU.
AFP PHOTO
Nói rất dễ, làm rất khó…
Để thực hiện được điều đó trong lộ trình ngắn ngủi (sáu tháng), Bộ đề ra nhiều nhiệm vụ như thông tin truyền thông cho cộng đồng ngư dân về chống khai thác IUU ; Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo khuyến nghị của EC ; Theo dõi kiểm soát hoạt động tàu cá ; Truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác…
Tuy nhiên với "khẩu hiệu" quyết gỡ thẻ vàng trong 180 ngày của Bộ Nông nghiệp thực hiện theo kế hoạch của Thủ tướng chính phủ, theo quyết định 81, được các chuyên gia nhận xét là "rất khó".
Một trong những ý kiến mà RFA ghi nhận được hôm 1/3 là từ ông Đinh Kim Phúc, Nhà nghiên cứu Biển Đông từ Sài Gòn :
"Chúng ta biết vùng Biển Đông giữa Việt Nam với các nước Indonesia, Malaysia, nam Thái Lan, Philippines là có những vùng chồng lấn. Cũng có những vùng được nhà nước hai bên giải quyết, nhưng về phía ngư dân thì họ không xác định được tọa độ ở thực địa, do đó họ luôn có những vi phạm vô tình hoặc cố ý. Có nhiều nguyên nhân, thứ nhất là do nguồn hải sản ở Biển Đông ngày càng cạn kiệt, bắt buộc họ phải di chuyển ra xa, dẫn đến những va chạm với lực lượng chức năng các nước. Thời gian vừa qua, họ đã có những biện pháp rất mạnh như đốt tàu, phạt tù…"
Do đó theo ông Phúc, để giải quyết vấn đề này, không chỉ giáo dục ngư dân, mà nhà nước, các bộ ngành phải áp dụng những biện pháp răn đe về mặt pháp luật. Ngoài ra, vẫn theo nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc :
"Thứ hai nữa là vấn đề trang bị phương tiện cho các tàu đánh cá, ví dụ như máy định vị tọa độ, mỗi cái khoảng chừng vài triệu đồng, nhưng nó cũng là gánh nặng của ngư dân… Vậy sao nhà nước lại không gắn miễn phí cho ngư dân ? Và các lực lượng chức năng Việt Nam phải khóa cửa ở các điểm mà ngư dân Việt Nam có thể vi phạm dù vô tình hay cố ý. Vừa qua đại diện EU có phát biểu, chỉ cần có một trường hợp ngư dân Việt Nam vi phạm thì thẻ vàng cũng không bao giờ rút. Vì vậy 180 ngày để gỡ thẻ vàng thì tôi nghĩ rất khó với điều kiện hiện nay".
Ông Đinh Kim Phúc nhấn mạnh, khi nào người dân xác định được tọa độ của vùng chồng lấn giữa các quốc gia trong vùng để không vi phạm thì đó mới là điều quan trọng nhất. Ngoài hai yếu tố trên, ông Phúc còn nhìn nhận việc kiểm soát xuất bến hoặc cập bến của các tàu đánh cá Việt Nam cũng chưa được các các quan chức năng thực hiện nghiêm. Ông ngờ vực :
"Hay là vì thu thuế để tăng nguồn lợi thuế của địa phương, hay vì thành tích đánh bắt hải sản mà chính quyền địa phương lờ đi những vi phạm của ngư dân. Đó cũng là một câu hỏi cần phải đặt ra".
Tàu tuần duyên của Indonesia giữ một tàu cá Việt Nam gần khu vực quần đảo Natuna của Indonesia hôm 26/7/2020. AFP Photo.
Phải nhắm mục tiêu lâu dài
Năm 2017, EC đã ra quyết định cảnh cáo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam, vì không cải thiện kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của EC trong công tác chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU và đưa ra chín nhóm khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện để gỡ thẻ.
Đến tháng 11/2019, EC rút xuống còn bốn khuyến nghị. Năm ngoái, trong chuyến kiểm tra cuối tháng 10/2022, đoàn thanh tra của EC ghi nhận những bước tiến lớn trong việc minh bạch thông tin, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nghề cá tại 28 địa phương ven biển.
Trao đổi về vấn đề thẻ vàng và quyết tâm của Việt Nam trong sáu tháng tới, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng, hôm 1/3/2023, nói :
"Cái quan trọng không phải là gỡ thẻ vàng hay không gỡ, mà chúng ta phải cố gắng xây dựng được một nghề cá hợp pháp và có trách nhiệm. Việc đó là việc chúng ta làm lâu dài, còn việc gỡ thẻ vàng hay không phụ thuộc rất nhiều chuyện. Thứ nhất, nó phụ thuộc vào có vi phạm hay không trên các vùng biển chồng lấn, mặc dù chính phủ nỗ lực nhưng chính phủ khó thể kiểm soát tất cả. Thứ hai là tương quan chính trị và mục tiêu chính trị của các nước EU đối với mình để cho họ gỡ thẻ vàng. Cho nên từ đây đến sáu tháng nữa có gỡ được hay không cũng khó mà có thể nói chắc chắn được. Nhưng cả nhà nước và ngư dân cần phải nỗ lực để đạt được mục đích này".
Suy nghĩ của ngư dân ra sao về việc này, một ngư dân ở miền Trung chia sẻ :
"Chẳng thà làm có ít tôi ăn ít… có nhiều tôi ăn nhiều… chứ còn vi phạm… là tui nói thiệt tui không dám rồi… công mình gầy dựng từ hổm nay mà có gì… thì trắng tay đâu còn gì nữa…".
Vào tháng 4 năm 2022, Tổng cục Thủy sản Việt Nam từng có đề nghị các địa phương quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng cảng cá, và cho rằng đây là tiền đề then chốt để gỡ thẻ vàng khai thác IUU.
Tuy nhiên kể từ khi đó, tình trạng vi phạm IUU vẫn tiếp diễn. Trong khoảng từ tháng 10/2022 đến 17/2/2023, Cơ quan chức năng Việt Nam đã bắt giữ bốn tàu đang giữ và vận chuyển 66 thiết bị giám sát hành trình – VMS của tàu cá khác. Thông tin vừa nói do Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Trưởng ban Chỉ đạo chống khai thác IUU cho báo chí biết hôm 17/2/2023.
Mới nhất là vào ngày 9/2, tàu BRP Teresa Magbanua của Tuần duyên Philippines đã bắt gặp một tàu cá mang cờ Việt Nam tại khu vực Bãi Cỏ Rong mà Manila cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Tàu Tuần duyên Philippines đã phát loa yêu cầu tàu cá Việt Nam rời khỏi khu vực, đồng thời thả thuyền để tiến hành biện pháp khám xét. Chiếc tàu cá Việt Nam đã nhanh chóng rời khu vực Bãi Cỏ Rong khi bị yêu cầu.
Trước thực tế trên, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cho rằng Việt Nam phải tiếp tục làm một cách lâu dài, bởi vì chính nghề cá bền vững và ngày càng hợp pháp sẽ bảo vệ nguồn tài nguyên một cách bền vững có trách nhiệm cho thế hệ mai sau. Đó mới là mục tiêu, theo ông Lĩnh, Việt Nam cần phải theo đuổi nhiều năm, còn sáu tháng thì cũng chỉ là "mục tiêu ngắn hạn" mà thôi.
Dự kiến tháng 4/2023, Đoàn Thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam thanh tra lần thứ 4.
Nguồn : RFA, 01/03/2023