Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lãnh đạo chỉ nói ‘ngượng’ có đủ giúp Việt Nam gỡ thẻ vàng IUU ?

RFA, 22/05/2024

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn – Phùng Đức Tiến, tại cuộc họp triển khai thực hiện chống khai thác trái phép, không báo cáo và không được quản lý - IUU ngày 21/5/2024 đã nói : ‘ngượng với địa phương vì hướng dẫn chống khai thác IUU nhiều mà chưa hiệu quả’.

thevang1

Đội tàu khai thác xa bờ của ngư dân neo đậu tại cảng cá Mỹ Tân (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh : Nguyễn Thành/TTXVN

Một người sinh sống tại thành phố biển miền Trung Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 22/5/2024 nhận định với RFA :

"Nói ‘ngượng’ chỉ là ngụy biện về việc quản lý kém hiệu quả khai thác IUU. Hiện nay, tàu cá nào mà không gắn hệ thống định vị toàn cầu. Họ đánh bắt hải sản ở đâu, có xâm phạm hải phận nước khác không... thì qua VMS là biết. Nếu tàu đánh cá vi phạm, khi về đến cảng là cơ quan chức năng bắt, phạt tịch thu tàu vì cảng nào cũng có đồn biên phòng. Không thể tuyên truyền suông suông được mà bên cạnh tuyên truyền cần phải có giải pháp mạnh !

Quản lý đất nước nói chung, từng lĩnh vực nói riêng không thể chung chung được mà phải có chế tài thật mạnh mẽ thì mới mong các đối tượng bị quản lý chấp hành tốt luật pháp được !"

Ủy Ban Châu Âu (European Commission - EC) vào ngày 23 tháng 10 năm 2017 đã quyết định cảnh cáo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam, vì không cải thiện kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của EC trong công tác chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU.

Từ lúc đó đến nay EC đã bốn lần qua Việt Nam kiểm tra việc cải thiện tình trạng này của Việt Nam. Mới nhất là vào tháng 10 năm 2023, khi đó đoàn thanh tra của EC đã ghi nhận Việt Nam có nhiều nỗ lực, quyết tâm chính trị trong thực hiện những khuyến nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU.

Tuy nhiên trong kỳ kiểm tra thứ tư, EC cho rằng, kết quả tổ chức thực hiện trên thực tế ở địa phương đến nay vẫn còn hạn chế trong việc theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử phạt vi phạm khai thác IUU ; chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp gian lận chưa nghiêm khắc.

Một ngư dân ở Quảng Nam khi trả lời RFA cho biết những khó khăn khi đi đánh bắt :

"Khó khăn thứ nhất là bây giờ ngư trường hạn hẹp, và tổn phí cao… mà đi thì đi lâu ngày… mà tàu nhiều lúc mình không xâm phạm… mà họ nói mình xâm phạm… rồi họ bắt mình dắt về bên đó…"

Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, khi trả lời RFA liên quan việc này cho biết :

"Khi đã trang bị máy định vị thì đi đâu phải mở ra. Ở nhà có cái trạm gọi là ‘trạm bờ’ là người ta quan sát được hết những tàu đó đi đâu. Tàu nào mà vi phạm thì cơ quan kiểm soát gọi điện cảnh báo ngay. Đó là biện pháp chống khai thác ra vùng biển nước ngoài".

Tuy nhiên theo ông Hoàng, chỉ có những tàu lớn của công ty lớn khi về có người thu mua, cơ quan giám sát, thì mới xác nhận được khối lượng. Chứ còn ngư dân thì chỉ được phát cho sổ nhật ký để ghi đánh bắt vùng nào, ở tọa độ nào, giờ nào… Nhưng theo ông Hoàng, biện pháp thủ công như vậy thì khó có thể kiểm soát toàn diện.

thevang2

Cảnh Sát Biển Songkhla truy đuổi và bắt giữ tàu cá Việt Nam đánh bắt hải sâm trái phép ở vùng biển Thái Lan ngày 23/06/2023. (Hình : Chụp từ clip trên YouTube Cha Tua Songkhla)

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 22/5/2024, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng, nhận định :

"Thẻ vàng Châu Âu mang tính chất hơi chung chung, nói là xây dựng đánh bắt hợp pháp, mà pháp thì có hai phần… Một là công pháp quốc tế là không đánh bắt trong lãnh thổ nước khác, và pháp thứ hai là luật pháp Việt Nam trong việc bảo đảm tài nguyên có trách nhiệm và lâu dài. Hai cái pháp đó, ngay cả công pháp cũng không rõ ràng, vì đôi khi có vùng lãnh thổ chồng lấn nhau. Còn luật pháp Việt Nam về đánh bắt cũng mới xây dựng và vẫn còn bất cập. Bởi vì có những vấn đề mà khi thực tế khai thác không phải bao giờ cũng đúng như quy định pháp luật".

Theo ông Lĩnh, luật pháp muốn phản ánh đầy đủ và khách quan cần một quá trình dài với nhiều lần điều chỉnh. Trong khi đó Việt Nam điều chỉnh một cách chưa thật sự hoàn thiện. Ông Lĩnh nói tiếp :

"Mặt khác, để có thể chấp hành được công pháp lẫn pháp luật Việt Nam thì phải có điều kiện và phương tiện của những người chấp hành luật pháp, gồm phương tiện đánh bắt và phương tiện kiểm soát. Và cái khó nhất vì đây là ngành nghề kiếm ăn, ngư dân phải sống được… Có nhiều cái bất hợp lý, ví dụ như Việt Nam phân định ‘vùng khơi’ và ‘vùng lộng’, rồi ‘đi khơi’, ‘đi lộng’… một cách chủ quan. Ví dụ có những con hải sản ở vùng lộc như con cá cơm, khi xuất hiện với số lượng rất lớn, chỉ đánh bắt bằng tàu ven bờ thì đánh không hết, thì những tàu lớn cũng vào đánh bắt vì kiếm sống mà, như vậy là họ phải tắt định vị, và đó là vi phạm luật pháp".

Ông Trần Văn Lĩnh cho biết lý do vì sao việc kiểm soát tại cảng của cơ quan chức năng không thật sự hiệu quả :

"Hiện nay giá dầu cao, ngư dân khi vào bờ thì đôi khi chỗ nào bán được thì họ bán thôi. Trong khi đó chỉ cảng cá có chức năng quản lý, có thiết bị kiểm soát… Mặt khác, hiện nay mình vẫn chưa thực hiện nhật ký số, nhật ký khai thác vẫn phải chép tay… Luật pháp đã không cập nhật và điều kiện chấp hành luật pháp cũng kém, cho nên bảo gỡ thẻ vàng là điều rất khó".

Về phía Việt Nam theo ông Lĩnh, không nên quá phụ thuộc vào việc gỡ thẻ vàng hay không, mà phải coi thẻ vàng như một cái để thức tỉnh, để cả nhà nước lẫn nhân dân đều phải cố gắng xây dựng một ngành đánh cá mang tính bền vững, có trách nhiệm với tương lai, bảo vệ tốt môi trường, cũng như vùng lãnh thổ, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ông Lĩnh nói tiếp :

"Đó là một việc làm lâu dài mà vẫn phải làm, dù gỡ được thẻ vàng hay không, cho nên đừng nôn nóng, đừng ai cảm thấy mình có lỗi lầm khi chưa thể gỡ thẻ vàng. Theo tôi tốt nhất là Việt Nam nên hoàn thiện luật pháp và khai thác phù hợp với điều kiện Việt Nam, trang bị cho người dân và trang bị cho cơ quan công quyền những thiết bị để họ có thể chấp hành luật pháp và luôn luôn cập nhập, luôn luôn sửa đổi luật một cách tốt nhất".

Theo thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unreported and Unregulated Fishing) nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Quy định này bao gồm ba tiêu chuẩn với những hải sản nhập khẩu vào EU. Nếu tỷ lệ vi phạm các quy định này thấp thì không sao, nhưng nếu tỷ lệ cao thì EU sẽ kiểm tra toàn bộ lô hàng của nơi xuất xứ trong vòng ít nhất sáu tháng, hay còn gọi là phạt "thẻ vàng".

Nguồn : RFA, 22/05/2024

**********************

Vụ Vườn rau Lộc Hưng : dân tố cán bộ nói sai, yêu cầu được đối thoại thực sự

RFA, 21/05/2024

Liên quan đến vụ khiếu kiện đất đai ở khu Vườn rau Lộc Hưng, lãnh đạo UBND quận Tân Bình nói cần phải giải quyết dứt điểm, hỗ trợ để người dân sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, một số cư dân ở đây cho biết họ vẫn chưa thật sự được đối thoại về nguyện vọng của mình và những lời cán bộ nói với báo chí nhà nước là không đúng sự thật.

thevang3

Khu vực Vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế hồi tháng 1/2019. Amen TV

Không chấp nhận hỗ trợ

Mạng báo Dân Sinh và Bảo vệ Pháp luật, hồi cuối tháng 4, dẫn lời ông Lâm Mạnh Cường, Chủ tịch UBND phường 6 quận Tân Bình, cho biết nhằm đảm bảo sớm giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu kiện ở khu vườn rau Lộc Hưng và giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, từ tháng 12/2023, đã đồng ý nâng mức hỗ trợ lên 11,25 triệu đồng/m2. Đồng thời, chính quyền địa phương còn có phương án dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, vay vốn ưu đãi… để đảm bảo an sinh.

Ông Thiện, một người sinh sống ở khu vườn rau Lộc Hưng từ năm 1954 cho biết ông bị chiếm khoảng 700m2 đất vào năm 2019. Dù chính quyền tăng hỗ trợ từ mức 7,055 triệu đồng/m2 lên mức 11,25 triệu đồng/m2, ông vẫn không đồng ý nhận, bởi :

"Đương nhiên là không đồng ý rồi. Bởi vì có thể nói rằng gần như là chẳng có một pháp luật nào về bồi thường hết. Đầu tiên thì nói là 7 triệu mấy rồi mấy năm sau thì lên 11 triệu thì các ông ấy muốn bồi thường bao nhiêu là bồi thường hay sao ! 

Chúng tôi là đúng sự thật ở từ năm 54 cho đến giờ. Chúng tôi tìm hiểu về vấn đề luật pháp từ khi chưa có Luật Đất đai đến khi có Luật Đất đai. Bây giờ giống như thể là các ông ấy hỗ trợ mà không có theo bất kỳ một luật pháp nào hết".

Cán bộ nói sai sự thật

Ông Cao Hà Trực, một người dân vườn rau Lộc Hưng hiện vẫn đang còn khiếu kiện cho biết lãnh đạo quận Tân Bình, truyền thông nhà nước, đã cố tình bôi nhọ, nói sai sự thật về tình trạng sở hữu đất ở khu vườn rau Lộc Hưng, thuộc phường 6, quận Tân Bình.

Ông Đoàn Văn Đủ, Chánh văn phòng UBND quận Tân Bình được tờ Dân Sinh dẫn lời rằng khu đất Vườn rau Lộc Hưng rộng 48.000m2, sau năm 1975 giao cho ngành bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh quản lý. Đến năm 2008 thì ngành bưu điện không sử dụng nữa nên bỏ hoang. Người dân khu này thấy đất hoang nên đã tận dụng canh tác, trồng rau ; thậm chí có người còn làm nhà cho thuê… Đến năm 2019, UBND quận Tân Bình quy hoạch khu này thành trường Trung học cơ sở nên đã tiến hành giải toả khu đất này.

Ông Trực hoàn toàn bác bỏ những thông tin trên do cán bộ quận Tân Bình đưa ra. Ông nói thực tế là phường 6, nơi mọi người sinh sống đã xác nhận vào năm 2006 rằng bà con đã sử dụng mảnh đất này từ năm 1976, ổn định và không có tranh chấp. Những tờ giấy đó hiện bà con vẫn còn lưu giữ :

"Quận Tân Bình và Phường 6 họ đã lấp liếm cái quá trình người ta đã sử dụng từ năm 1976, sau khi thống nhất đất nước, và cũng đã xác nhận rồi.

Luật quy định là người dân sử dụng ổn định trước ngày 15/10/93 là phải được bồi thường đất, có nghĩa đất đó là có chủ thể. 

Nhưng ở đây phường với quận và Sở Tài nguyên Môi trường có bao che trong vấn đề này là không xác nhận cho bà con đủ điều kiện để được bồi thường, vì vậy chỉ được tiền hỗ trợ. Như thế là không thỏa đáng theo như thực tế. Vì vậy bà con không đồng ý với giá 11,25 triệu". 

Tiếp tục tố cáo

Theo ông Trực, cái giá này chỉ là mức hỗ trợ về rau trồng trên khu đất bị cưỡng chế chứ không phải là giá đền bù thu hồi đất, nhà cửa trên đất này. Do đó, Hiện vẫn còn 64 hộ gia đình không đồng ý với phương án hỗ trợ này. Ông Cao Hà Trực, người đại diện của những hộ gia đình này cho biết họ vừa mới gởi một lá đơn tố cáo chủ tịch UBND quận Tân Bình lên thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 1/4 vừa qua. 

Theo lá đơn tố cáo mà ông Trực gởi cho RFA, người dân cho rằng UBND quận Tân Bình đã có một số sai phạm như sau : Không thông báo cho các hộ dân biết về lý do thu hồi, thời gian, phương án đền bù thiệt hại ; Không ban hành quyết định thu hồi đất ; Không công khai 16 văn kiện mà UBND dựa vào đó để ra quyết định thu hồi đất ; Chính quyền cố tình tổ chức đối thoại một cách áp đặt, không thiện chí, không lắng nghe nguyện vọng của bà con ; mặc dù đất vẫn đang tranh chấp giữa người dân và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh nhưng UBND quận Tân Bình đã tiến hành cưỡng chế toàn bộ…

Từ đó, các hộ dân yêu cầu được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các hộ dân có đất đã bị cưỡng chế thu hồi, bồi thường thoả đáng theo giá thị trường. Ông Trực đề nghị :

"Bà con muốn rằng chính quyền phải thực thi pháp luật bằng cách chính quyền phải mời bà con họp theo quy định của pháp luật, phải công khai quyết định thu hồi, các quyết định liên quan đến quyền lợi của bà con.

Thứ hai là ra quyết định cho từng người để thu hồi diện tích của từng người, có nghĩa là phải làm sáng tỏ về nguồn gốc đất đai của từng người để biết được quyền lợi của mỗi người tới đâu và sau đó thì hai bên cùng tháo gỡ".

Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh hôm 3/4 có mời năm hộ dân đại diện khiếu kiện ỏ vườn rau Lộc Hưng lên làm việc, lập biên bản xác nhận đã nhận đơn tố cáo của bà con, nhưng đến nay chưa có kết quả thanh tra.

Ngày 8/1/2019, chính quyền quận Tân Bình tiến hành đập bỏ, tháo dỡ 503 căn nhà ở khu vực Vườn rau Lộc Hưng, mà bà con ước tính thiệt hại tầm 100 tỷ đồng.

Khu đất này từ đó bỏ trống và bị canh giữ nghiêm ngặt cho đến ngày 7/12/2023, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và quận Tân Bình huy động lực lượng công an và dân phòng với số lượng lớn phong toả các con đường ở khu vực xung quanh Vườn rau Lộc Hưng và cho công nhân cùng máy móc đổ cọc bê-tông và dùng tôn quây kín phần đất này.

Mấy ngày tiếp sau đó, công nhân sử dụng máy móc để chặt cây và đổ cát san nền.

Ông Trực cho biết trong năm ngày liên tục, chính quyền quấy rối và khủng bố tinh thần của họ bằng cách cho nhiều công an mặc thường phục chốt chặn gần nhà ông, không cho ông ra khỏi nhà và thường xuyên chĩa máy quay vào thẳng nhà của ông.

Tình trạng này chỉ chấm dứt từ ngày 12/12 đến nay khi chính quyền chính thức khởi công công trình trên. 

Theo ông Trực, việc chính quyền xây dựng công trình công cộng như trường học thì ông và bà con vẫn ủng hộ. Tuy nhiên, trước khi thực hiện, phải giải quyết và đền bù thoả đáng, đúng pháp luật cho những người dân đã sống lâu năm và ổn định ở nơi này.

Nguồn : RFA, 21/05/2024

Published in Việt Nam

Thường trực Ban Bí thư – Trương Thị Mai đã đề nghị các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương thể hiện quyết tâm cao để gỡ bỏ cảnh báo thẻ vàng IUU trong năm 2024. Theo bà Mai, trách nhiệm đầu tiên là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sau đó là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mỗi ngư dân.

iuu1

Tàu tuần duyên của Indonesia giữ một tàu cá Việt Nam gần khu vực quần đảo Natuna của Indonesia hôm 26/7/2020. AFP Photo

Bà Trương Thị Mai phát biểu như vừa nêu tại Hội nghị về thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản (IUU) hôm 22/4/2024.

Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 23/4/2024, nhận định :

"Cả chính quyền lẫn ngư dân Việt Nam đều có những biện pháp tích cực để thực hiện điều này. Tuy nhiên ngư dân cũng có một số người trong thời buổi kinh tế khó khăn và vùng biển của Việt Nam cũng cạn kiệt do khai thác quá mức… dẫn đến chuyện ngư dân đôi khi phải đi tìm nơi có nhiều cá hơn để đánh bắt nhằm bảo đảm không thua lỗ, thậm chí dùng thủ đoạn để đi đánh cá xâm lấn vào vùng biển nước khác".

Mặt khác theo ông Lĩnh, có một số vùng biển có khái niệm về biên giới không rõ ràng, chồng lấn nên ngư dân dễ vi phạm. Ông Lĩnh nêu ví dụ :

"Như vùng biển Cỏ Mây vẫn tuyên bố là của Việt Nam, nên ngư dân cứ ra đánh cá. Trước đây thì có khi Trung Quốc đuổi bắt, nhưng sau đó thì Philippines lại tăng cường bắt bớ và coi đó là xâm phạm, trong khi trước đây thì Philippines bỏ lơ… Thành thử những bằng chứng ngày càng rõ ràng hơn, khi các quốc gia trên vùng lãnh thổ tranh chấp tăng cường thể hiện về chủ quyền của họ".

Theo ông Lĩnh, mặc dù Hội Nghề cá Việt Nam cũng như chính quyền đã bằng mọi biện pháp tuyên truyền giáo dục người dân về vấn đề này nhưng theo ông Lĩnh, ngư dân vẫn nhiều lần vi phạm vì nghĩ rằng vùng biển bao la nhà nước không quản lý được. Dù nhà nước Việt Nam đã có những phương tiện để bắt, phạt ngư dân vi phạm, nhưng theo ông Lĩnh còn xảy ra tình trạng này.

Ông Trần Văn Lĩnh cho rằng, dù có thể không sớm gỡ thẻ vàng, nhưng EU vào năm 2023 đã thừa nhận những nỗ lực của Việt Nam. Theo ông Lĩnh, tình trạng chung có thể là chưa tốt nhất, nhưng thẻ vàng là một cái án treo để cho cả chính phủ và ngư dân Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa…

iuu0

Cảnh sát biển Thái Lan đã bắt quả tang hai tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép trên vùng biển Thái Lan vào ngày 18 tháng 4 năm 2020. AFP.

Ủy Ban Châu Âu EC vào ngày 23/10/2017 đã quyết định cảnh cáo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam, vì không cải thiện kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của EC trong công tác chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU.

Từ lúc đó đến nay EC đã bốn lần qua Việt Nam kiểm tra việc cải thiện tình trạng này của Việt Nam. Mới nhất là vào tháng 10 năm 2023, khi đó đoàn thanh tra của EC đã ghi nhận Việt Nam có nhiều nỗ lực, quyết tâm chính trị trong thực hiện những khuyến nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU.

Tuy nhiên trong kỳ kiểm tra thứ tư, EC cho rằng, kết quả tổ chức thực hiện trên thực tế ở địa phương đến nay vẫn còn hạn chế trong việc theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử phạt vi phạm khai thác IUU ; chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp gian lận chưa nghiêm khắc.

Trong khi đó, vào ngày 16/4/2024 tại tỉnh Kiên Giang, Ban Chỉ đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU cũng đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai đợt cao điểm tháng 3/2024. Tại Hội nghị, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, khi trả lời RFA liên quan việc này cho biết :

"Nghề cá thì nhỏ, ngư dân thì đông, một tỉnh hàng ngàn tàu như vậy. Mà bến cảng, bến bãi đâu phải như nước ngoài, tàu đi đánh cá về, mà thật ra là ghe thôi, không phải là tàu lớn có radar, có kiểm soát… Nói chung giống như họ lên rừng khai thác, bây giờ họ ra biển đánh bắt rồi họ về…

EU thì muốn như thế, muốn Việt Nam tất cả nguồn cá đưa vào chế biến, đưa vào xuất khẩu là phải có xác định nguồn gốc… Nhưng mà không làm được hết đâu. Chỉ có những tàu lớn của công ty lớn khi về có người thu mua, cơ quan giám sát, thì mới xác nhận được khối lượng. Chứ còn ngư dân chúng tôi thì chỉ phát cho họ sổ nhật ký, họ đánh bắt vùng nào, ở tọa độ nào, giờ nào…"

Nhưng theo ông Hoàng, biện pháp thủ công như vậy thì khó có thể kiểm soát toàn diện.

Một ngư dân ở Quảng Ngãi không nêu tên vì lý do an toàn cho RFA biết thực tế :

"Có nhiều cái khổ cực lắm… ví dụ ở đất nước Việt Nam không có đợt con mực… ngày đó ít… mà qua đất họ con mực nó nhiều… nên mình phải qua họ mà làm, để mà kiếm ăn… Định vị, mấy tầm ngư đầy đủ lắm chức, ba cái máy nhà nước mình đưa thì đi đến đâu nhà nước biết đến đó… Nhà nước báo cho mình, nhưng mình không tính toán được thì rủi có cái chi thì nhà nước họ không can thiệp…"

Theo ngư dân này, dù có định vị, có máy móc đầy đủ, nhưng làm nghề cá này, tàu có thể trôi 50-70 hải lý qua biển nước ngoài.

Vào ngày 23/4/2024 tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo khu vực về Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU… Với sự tham gia của hơn 70 đại biểu, là các chuyên gia quốc tế và khu vực trong lĩnh vực thực thi pháp luật thủy sản đến từ 12 quốc gia gồm : Mỹ, Australia, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, dù hợp tác dưới hình thức nào đều nên hướng tới mục tiêu chung là chứng minh sự hợp tác thực thi luật hàng hải và quyết tâm trong việc chống khai thác IUU, góp phần bảo vệ và duy trì nguồn lợi thủy sản cho các thế hệ tương lai.

Theo thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unreported and Unregulated Fishing) nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Quy định này bao gồm ba tiêu chuẩn với những hải sản nhập khẩu vào EU. Nếu tỷ lệ vi phạm các quy định này thấp thì không sao, nhưng nếu tỷ lệ cao thì EU sẽ kiểm tra toàn bộ lô hàng của nơi xuất xứ trong vòng ít nhất sáu tháng, hay còn gọi là phạt "thẻ vàng".

Nguồn : RFA, 23/04/2024

Published in Việt Nam

Liên Hiệp Quốc cảnh báo hàng trăm ngàn người ở Đông Nam Á bị ép làm việc cho các nhóm tội phạm mạng

RFA, 29/08/2023

Hàng trăm ngàn người ở khu vực Đông Nam Á đang bị các nhóm tội phạm mạng ép làm việc để tống tiền các nạn nhân tham gia vào các vụ lừa đảo về tình, đầu tư đang tràn ngập khu vực này. Một báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiêp Quốc cảnh báo như vậy hôm 29/8.

danhca1

Những người nước ngoài bị ép làm việc cho công ty lừa đảo trên mạng được cảnh sát Philippines giải cứu ở tỉnh Pampanga hôm 4 và 5/5/2023 - PNP-ACG Photo

Những nạn nhân này đang đối mặt với các lạm dụng và đe dọa đối với an toàn và an n ninh, bị đối xử tàn tệ, tra tấn, giam giữ trái phép, cưỡng bức lao động, báo cáo cho biết.

Báo cáo trích dẫn các nguồn tin đáng tin cậy cho biết, ít nhất 120.000 người ở khắp Myanmar đang ở trong tình trạng như vậy trong khi con số ước tính ở Campuchia là 100.000 người. Ngoài ra, các nước bao gồm Lào, Philippines và Thái Lan cũng được xác định là các nước điểm đến hoặc chung chuyển cho ít nhất hàng chục ngàn người khác.

Doanh thu đến từ các trung tâm tội phạm này được Liên Hiệp Quốc ước tính lên đến hàng tỷ đô la mỗi năm.

Phần lớn các nạn nhân của các nhóm tội phạm này là đàn ông, mặc dù trong số này cũng có một số phụ nữ và trẻ vị thành niên, theo báo cáo. Các nạn nhân đến từ các quốc gia thuộc ASEAN bao gồm Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam. Cũng có những nạn nhân từ Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, và xa hơn là từ Châu Phi và Nam Mỹ.

Trong tuần này, Đài Á Châu Tự Do cũng nhận được lời kêu cứu từ hai gia đình ở Kiên Giang cho biết con cái của họ bị bọn buôn người đưa sang Lào, Myanmar và có thể đưa sang Trung Quốc.

Hồi tháng sáu vừa qua, cảnh sát Philippines đã giải cứu hơn 2.700 công dân đến từ các nước Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Indonesia và nhiều nước khác bị ép làm việc cho các sòng bài trên mạng thuộc các nhóm tội phạm.

Nguồn : RFA, 29/08/2023

*********************

Việt Nam quyết liệt xử lý tàu cá vi phạm để gỡ "thẻ vàng" IUU

RFA, 29/08/2023

Bộ Công an Việt Nam khẩn trương củng cố hồ sơ để truy tố các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân VN đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

danhca3

Ứng dụng các thiết bị hiện đại để kiêm soát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển - VnEconomy

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ Công an thực hiện nghiêm đề nghị trên trong cuộc họp diễn ra ngày 29/8, chỉ còn hơn một tháng nữa Việt Nam sẽ đón đoàn của Ủy ban Châu Âu (EC) lần thứ Tư đến thanh, kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Việt Nam.

Truyền thông nhà nước trong cùng ngày cho biết theo nội dung cuộc họp, đến thời điểm này, Việt Nam đã thực hiện mọi khuyến nghị của EC, đã đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khác truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác…

Theo số liệu báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu Việt Nam không gỡ được "thẻ vàng" mà bị phạt "thẻ đỏ", Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu hải sản khai thác sang thị trường EU với tổng giá trị khoảng gần 500 triệu USD/năm. "Thẻ đỏ" cũng sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm tại 60 nhà máy đang tham gia xuất khẩu vào thị trường EU cũng như những ngư dân làm ăn chân chính, đồng thời ảnh hưởng đến nỗ lực xây dựng nghề cá hiện đại của quốc gia.

Cũng theo VASEP, hiện ngoài EU, một số quốc gia khác như Mỹ cũng đã có những quy định tương tự về chống IUU, nếu Việt Nam bị áp "thẻ đỏ" thì các quốc gia này cũng có thể áp dụng những biện pháp tương tự đối với mặt hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ tại cuộc họp, việc EC cảnh báo "thẻ vàng" khiến uy tín thủy sản của Việt Nam bị giảm sút nghiêm trọng, và ngành thủy sản có thể phải đối mặt với nguy cơ tương tự "thẻ vàng" ở các thị trường khác ngoài EU. Do đó, ông Quang giao Bộ Nông nghiệp chuẩn bị chu đáo để đón đoàn kiểm tra của EC đạt kết quả tốt nhất, sớm gỡ được cảnh báo "thẻ vàng" của EC.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, mục tiêu không để có tàu cá nào bị bắt ở nước ngoài ; trong khi đó Bộ Công an được giao nhiệm vụ củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

EC đã rút thẻ vàng cảnh cáo tình trạng đánh bắt cá trái phép của các tàu cá Việt Nam vào tháng 10 năm 2017 và đã ba lần đến thanh tra việc thực hiện chống IUU của Việt Nam. Nếu Việt Nam không nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo của EC về IUU, hải sản Việt Nam sẽ bị phạt thẻ đỏ, nghĩa là bị cấm nhập khẩu vào thị trường EU.

Nguồn : RFA, 29/08/2023

Published in Việt Nam

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam hôm 20/2 công bố Kế hoạch hành động chống khai thác IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing, nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không theo qui định), chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu âu (EC) lần thứ 4. Theo đó, Bộ đưa ra kế hoạch trong 180 ngày Việt Nam sẽ gỡ thẻ vàng IUU.

thevang1

Một sĩ quan Cảnh sát biển Hoàng gia Thái Lan bắt giữ các ngư dân Việt Nam trên thuyền của họ ở tỉnh Narathiwat, miền nam Thái Lan. Cảnh sát biển Hoàng gia Thái Lan đã bắt quả tang hai tàu cá Việt Nam và thủy thủ đoàn đánh bắt trái phép trên vùng biển Thái Lan vào ngày 18/4/2020. AFP PHOTO

Nói rất dễ, làm rất khó…

Để thực hiện được điều đó trong lộ trình ngắn ngủi (sáu tháng), Bộ đề ra nhiều nhiệm vụ như thông tin truyền thông cho cộng đồng ngư dân về chống khai thác IUU ; Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo khuyến nghị của EC ; Theo dõi kiểm soát hoạt động tàu cá ; Truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác…

Tuy nhiên với "khẩu hiệu" quyết gỡ thẻ vàng trong 180 ngày của Bộ Nông nghiệp thực hiện theo kế hoạch của Thủ tướng chính phủ, theo quyết định 81, được các chuyên gia nhận xét là "rất khó".

Một trong những ý kiến mà RFA ghi nhận được hôm 1/3 là từ ông Đinh Kim Phúc, Nhà nghiên cứu Biển Đông từ Sài Gòn :

"Chúng ta biết vùng Biển Đông giữa Việt Nam với các nước Indonesia, Malaysia, nam Thái Lan, Philippines là có những vùng chồng lấn. Cũng có những vùng được nhà nước hai bên giải quyết, nhưng về phía ngư dân thì họ không xác định được tọa độ ở thực địa, do đó họ luôn có những vi phạm vô tình hoặc cố ý. Có nhiều nguyên nhân, thứ nhất là do nguồn hải sản ở Biển Đông ngày càng cạn kiệt, bắt buộc họ phải di chuyển ra xa, dẫn đến những va chạm với lực lượng chức năng các nước. Thời gian vừa qua, họ đã có những biện pháp rất mạnh như đốt tàu, phạt tù…"

Do đó theo ông Phúc, để giải quyết vấn đề này, không chỉ giáo dục ngư dân, mà nhà nước, các bộ ngành phải áp dụng những biện pháp răn đe về mặt pháp luật. Ngoài ra, vẫn theo nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc :

"Thứ hai nữa là vấn đề trang bị phương tiện cho các tàu đánh cá, ví dụ như máy định vị tọa độ, mỗi cái khoảng chừng vài triệu đồng, nhưng nó cũng là gánh nặng của ngư dân… Vậy sao nhà nước lại không gắn miễn phí cho ngư dân ? Và các lực lượng chức năng Việt Nam phải khóa cửa ở các điểm mà ngư dân Việt Nam có thể vi phạm dù vô tình hay cố ý. Vừa qua đại diện EU có phát biểu, chỉ cần có một trường hợp ngư dân Việt Nam vi phạm thì thẻ vàng cũng không bao giờ rút. Vì vậy 180 ngày để gỡ thẻ vàng thì tôi nghĩ rất khó với điều kiện hiện nay".

Ông Đinh Kim Phúc nhấn mạnh, khi nào người dân xác định được tọa độ của vùng chồng lấn giữa các quốc gia trong vùng để không vi phạm thì đó mới là điều quan trọng nhất. Ngoài hai yếu tố trên, ông Phúc còn nhìn nhận việc kiểm soát xuất bến hoặc cập bến của các tàu đánh cá Việt Nam cũng chưa được các các quan chức năng thực hiện nghiêm. Ông ngờ vực :

"Hay là vì thu thuế để tăng nguồn lợi thuế của địa phương, hay vì thành tích đánh bắt hải sản mà chính quyền địa phương lờ đi những vi phạm của ngư dân. Đó cũng là một câu hỏi cần phải đặt ra".

thevang2

Tàu tuần duyên của Indonesia giữ một tàu cá Việt Nam gần khu vực quần đảo Natuna của Indonesia hôm 26/7/2020. AFP Photo.

Phải nhắm mục tiêu lâu dài

Năm 2017, EC đã ra quyết định cảnh cáo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam, vì không cải thiện kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của EC trong công tác chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU và đưa ra chín nhóm khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện để gỡ thẻ.

Đến tháng 11/2019, EC rút xuống còn bốn khuyến nghị. Năm ngoái, trong chuyến kiểm tra cuối tháng 10/2022, đoàn thanh tra của EC ghi nhận những bước tiến lớn trong việc minh bạch thông tin, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nghề cá tại 28 địa phương ven biển.

Trao đổi về vấn đề thẻ vàng và quyết tâm của Việt Nam trong sáu tháng tới, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng, hôm 1/3/2023, nói :

"Cái quan trọng không phải là gỡ thẻ vàng hay không gỡ, mà chúng ta phải cố gắng xây dựng được một nghề cá hợp pháp và có trách nhiệm. Việc đó là việc chúng ta làm lâu dài, còn việc gỡ thẻ vàng hay không phụ thuộc rất nhiều chuyện. Thứ nhất, nó phụ thuộc vào có vi phạm hay không trên các vùng biển chồng lấn, mặc dù chính phủ nỗ lực nhưng chính phủ khó thể kiểm soát tất cả. Thứ hai là tương quan chính trị và mục tiêu chính trị của các nước EU đối với mình để cho họ gỡ thẻ vàng. Cho nên từ đây đến sáu tháng nữa có gỡ được hay không cũng khó mà có thể nói chắc chắn được. Nhưng cả nhà nước và ngư dân cần phải nỗ lực để đạt được mục đích này".

Suy nghĩ của ngư dân ra sao về việc này, một ngư dân ở miền Trung chia sẻ :

"Chẳng thà làm có ít tôi ăn ít… có nhiều tôi ăn nhiều… chứ còn vi phạm… là tui nói thiệt tui không dám rồi… công mình gầy dựng từ hổm nay mà có gì… thì trắng tay đâu còn gì nữa…".

Vào tháng 4 năm 2022, Tổng cục Thủy sản Việt Nam từng có đề nghị các địa phương quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng cảng cá, và cho rằng đây là tiền đề then chốt để gỡ thẻ vàng khai thác IUU.

Tuy nhiên kể từ khi đó, tình trạng vi phạm IUU vẫn tiếp diễn. Trong khoảng từ tháng 10/2022 đến 17/2/2023, Cơ quan chức năng Việt Nam đã bắt giữ bốn tàu đang giữ và vận chuyển 66 thiết bị giám sát hành trình – VMS của tàu cá khác. Thông tin vừa nói do Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Trưởng ban Chỉ đạo chống khai thác IUU cho báo chí biết hôm 17/2/2023.

Mới nhất là vào ngày 9/2, tàu BRP Teresa Magbanua của Tuần duyên Philippines đã bắt gặp một tàu cá mang cờ Việt Nam tại khu vực Bãi Cỏ Rong mà Manila cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Tàu Tuần duyên Philippines đã phát loa yêu cầu tàu cá Việt Nam rời khỏi khu vực, đồng thời thả thuyền để tiến hành biện pháp khám xét. Chiếc tàu cá Việt Nam đã nhanh chóng rời khu vực Bãi Cỏ Rong khi bị yêu cầu.

Trước thực tế trên, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cho rằng Việt Nam phải tiếp tục làm một cách lâu dài, bởi vì chính nghề cá bền vững và ngày càng hợp pháp sẽ bảo vệ nguồn tài nguyên một cách bền vững có trách nhiệm cho thế hệ mai sau. Đó mới là mục tiêu, theo ông Lĩnh, Việt Nam cần phải theo đuổi nhiều năm, còn sáu tháng thì cũng chỉ là "mục tiêu ngắn hạn" mà thôi.

Dự kiến tháng 4/2023, Đoàn Thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam thanh tra lần thứ 4.

Nguồn : RFA, 01/03/2023

Published in Việt Nam