Liên Hiệp Quốc cảnh báo hàng trăm ngàn người ở Đông Nam Á bị ép làm việc cho các nhóm tội phạm mạng
RFA, 29/08/2023
Hàng trăm ngàn người ở khu vực Đông Nam Á đang bị các nhóm tội phạm mạng ép làm việc để tống tiền các nạn nhân tham gia vào các vụ lừa đảo về tình, đầu tư đang tràn ngập khu vực này. Một báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiêp Quốc cảnh báo như vậy hôm 29/8.
Những người nước ngoài bị ép làm việc cho công ty lừa đảo trên mạng được cảnh sát Philippines giải cứu ở tỉnh Pampanga hôm 4 và 5/5/2023 - PNP-ACG Photo
Những nạn nhân này đang đối mặt với các lạm dụng và đe dọa đối với an toàn và an n ninh, bị đối xử tàn tệ, tra tấn, giam giữ trái phép, cưỡng bức lao động, báo cáo cho biết.
Báo cáo trích dẫn các nguồn tin đáng tin cậy cho biết, ít nhất 120.000 người ở khắp Myanmar đang ở trong tình trạng như vậy trong khi con số ước tính ở Campuchia là 100.000 người. Ngoài ra, các nước bao gồm Lào, Philippines và Thái Lan cũng được xác định là các nước điểm đến hoặc chung chuyển cho ít nhất hàng chục ngàn người khác.
Doanh thu đến từ các trung tâm tội phạm này được Liên Hiệp Quốc ước tính lên đến hàng tỷ đô la mỗi năm.
Phần lớn các nạn nhân của các nhóm tội phạm này là đàn ông, mặc dù trong số này cũng có một số phụ nữ và trẻ vị thành niên, theo báo cáo. Các nạn nhân đến từ các quốc gia thuộc ASEAN bao gồm Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam. Cũng có những nạn nhân từ Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, và xa hơn là từ Châu Phi và Nam Mỹ.
Trong tuần này, Đài Á Châu Tự Do cũng nhận được lời kêu cứu từ hai gia đình ở Kiên Giang cho biết con cái của họ bị bọn buôn người đưa sang Lào, Myanmar và có thể đưa sang Trung Quốc.
Hồi tháng sáu vừa qua, cảnh sát Philippines đã giải cứu hơn 2.700 công dân đến từ các nước Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Indonesia và nhiều nước khác bị ép làm việc cho các sòng bài trên mạng thuộc các nhóm tội phạm.
Nguồn : RFA, 29/08/2023
*********************
Việt Nam quyết liệt xử lý tàu cá vi phạm để gỡ "thẻ vàng" IUU
RFA, 29/08/2023
Bộ Công an Việt Nam khẩn trương củng cố hồ sơ để truy tố các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân VN đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Ứng dụng các thiết bị hiện đại để kiêm soát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển - VnEconomy
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ Công an thực hiện nghiêm đề nghị trên trong cuộc họp diễn ra ngày 29/8, chỉ còn hơn một tháng nữa Việt Nam sẽ đón đoàn của Ủy ban Châu Âu (EC) lần thứ Tư đến thanh, kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Việt Nam.
Truyền thông nhà nước trong cùng ngày cho biết theo nội dung cuộc họp, đến thời điểm này, Việt Nam đã thực hiện mọi khuyến nghị của EC, đã đảm bảo 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khác truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác…
Theo số liệu báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu Việt Nam không gỡ được "thẻ vàng" mà bị phạt "thẻ đỏ", Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu hải sản khai thác sang thị trường EU với tổng giá trị khoảng gần 500 triệu USD/năm. "Thẻ đỏ" cũng sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm tại 60 nhà máy đang tham gia xuất khẩu vào thị trường EU cũng như những ngư dân làm ăn chân chính, đồng thời ảnh hưởng đến nỗ lực xây dựng nghề cá hiện đại của quốc gia.
Cũng theo VASEP, hiện ngoài EU, một số quốc gia khác như Mỹ cũng đã có những quy định tương tự về chống IUU, nếu Việt Nam bị áp "thẻ đỏ" thì các quốc gia này cũng có thể áp dụng những biện pháp tương tự đối với mặt hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ tại cuộc họp, việc EC cảnh báo "thẻ vàng" khiến uy tín thủy sản của Việt Nam bị giảm sút nghiêm trọng, và ngành thủy sản có thể phải đối mặt với nguy cơ tương tự "thẻ vàng" ở các thị trường khác ngoài EU. Do đó, ông Quang giao Bộ Nông nghiệp chuẩn bị chu đáo để đón đoàn kiểm tra của EC đạt kết quả tốt nhất, sớm gỡ được cảnh báo "thẻ vàng" của EC.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, mục tiêu không để có tàu cá nào bị bắt ở nước ngoài ; trong khi đó Bộ Công an được giao nhiệm vụ củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
EC đã rút thẻ vàng cảnh cáo tình trạng đánh bắt cá trái phép của các tàu cá Việt Nam vào tháng 10 năm 2017 và đã ba lần đến thanh tra việc thực hiện chống IUU của Việt Nam. Nếu Việt Nam không nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo của EC về IUU, hải sản Việt Nam sẽ bị phạt thẻ đỏ, nghĩa là bị cấm nhập khẩu vào thị trường EU.
Nguồn : RFA, 29/08/2023