Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

22/05/2024

Vụ Việt Nam bị gỡ thẻ vàng IUU và Vườn rau Lộc Hưng chưa ổn

RFA tổng hợp

Lãnh đạo chỉ nói ‘ngượng’ có đủ giúp Việt Nam gỡ thẻ vàng IUU ?

RFA, 22/05/2024

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn – Phùng Đức Tiến, tại cuộc họp triển khai thực hiện chống khai thác trái phép, không báo cáo và không được quản lý - IUU ngày 21/5/2024 đã nói : ‘ngượng với địa phương vì hướng dẫn chống khai thác IUU nhiều mà chưa hiệu quả’.

thevang1

Đội tàu khai thác xa bờ của ngư dân neo đậu tại cảng cá Mỹ Tân (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh : Nguyễn Thành/TTXVN

Một người sinh sống tại thành phố biển miền Trung Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 22/5/2024 nhận định với RFA :

"Nói ‘ngượng’ chỉ là ngụy biện về việc quản lý kém hiệu quả khai thác IUU. Hiện nay, tàu cá nào mà không gắn hệ thống định vị toàn cầu. Họ đánh bắt hải sản ở đâu, có xâm phạm hải phận nước khác không... thì qua VMS là biết. Nếu tàu đánh cá vi phạm, khi về đến cảng là cơ quan chức năng bắt, phạt tịch thu tàu vì cảng nào cũng có đồn biên phòng. Không thể tuyên truyền suông suông được mà bên cạnh tuyên truyền cần phải có giải pháp mạnh !

Quản lý đất nước nói chung, từng lĩnh vực nói riêng không thể chung chung được mà phải có chế tài thật mạnh mẽ thì mới mong các đối tượng bị quản lý chấp hành tốt luật pháp được !"

Ủy Ban Châu Âu (European Commission - EC) vào ngày 23 tháng 10 năm 2017 đã quyết định cảnh cáo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam, vì không cải thiện kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của EC trong công tác chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU.

Từ lúc đó đến nay EC đã bốn lần qua Việt Nam kiểm tra việc cải thiện tình trạng này của Việt Nam. Mới nhất là vào tháng 10 năm 2023, khi đó đoàn thanh tra của EC đã ghi nhận Việt Nam có nhiều nỗ lực, quyết tâm chính trị trong thực hiện những khuyến nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU.

Tuy nhiên trong kỳ kiểm tra thứ tư, EC cho rằng, kết quả tổ chức thực hiện trên thực tế ở địa phương đến nay vẫn còn hạn chế trong việc theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử phạt vi phạm khai thác IUU ; chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp gian lận chưa nghiêm khắc.

Một ngư dân ở Quảng Nam khi trả lời RFA cho biết những khó khăn khi đi đánh bắt :

"Khó khăn thứ nhất là bây giờ ngư trường hạn hẹp, và tổn phí cao… mà đi thì đi lâu ngày… mà tàu nhiều lúc mình không xâm phạm… mà họ nói mình xâm phạm… rồi họ bắt mình dắt về bên đó…"

Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, khi trả lời RFA liên quan việc này cho biết :

"Khi đã trang bị máy định vị thì đi đâu phải mở ra. Ở nhà có cái trạm gọi là ‘trạm bờ’ là người ta quan sát được hết những tàu đó đi đâu. Tàu nào mà vi phạm thì cơ quan kiểm soát gọi điện cảnh báo ngay. Đó là biện pháp chống khai thác ra vùng biển nước ngoài".

Tuy nhiên theo ông Hoàng, chỉ có những tàu lớn của công ty lớn khi về có người thu mua, cơ quan giám sát, thì mới xác nhận được khối lượng. Chứ còn ngư dân thì chỉ được phát cho sổ nhật ký để ghi đánh bắt vùng nào, ở tọa độ nào, giờ nào… Nhưng theo ông Hoàng, biện pháp thủ công như vậy thì khó có thể kiểm soát toàn diện.

thevang2

Cảnh Sát Biển Songkhla truy đuổi và bắt giữ tàu cá Việt Nam đánh bắt hải sâm trái phép ở vùng biển Thái Lan ngày 23/06/2023. (Hình : Chụp từ clip trên YouTube Cha Tua Songkhla)

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 22/5/2024, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá Thành phố Đà Nẵng, nhận định :

"Thẻ vàng Châu Âu mang tính chất hơi chung chung, nói là xây dựng đánh bắt hợp pháp, mà pháp thì có hai phần… Một là công pháp quốc tế là không đánh bắt trong lãnh thổ nước khác, và pháp thứ hai là luật pháp Việt Nam trong việc bảo đảm tài nguyên có trách nhiệm và lâu dài. Hai cái pháp đó, ngay cả công pháp cũng không rõ ràng, vì đôi khi có vùng lãnh thổ chồng lấn nhau. Còn luật pháp Việt Nam về đánh bắt cũng mới xây dựng và vẫn còn bất cập. Bởi vì có những vấn đề mà khi thực tế khai thác không phải bao giờ cũng đúng như quy định pháp luật".

Theo ông Lĩnh, luật pháp muốn phản ánh đầy đủ và khách quan cần một quá trình dài với nhiều lần điều chỉnh. Trong khi đó Việt Nam điều chỉnh một cách chưa thật sự hoàn thiện. Ông Lĩnh nói tiếp :

"Mặt khác, để có thể chấp hành được công pháp lẫn pháp luật Việt Nam thì phải có điều kiện và phương tiện của những người chấp hành luật pháp, gồm phương tiện đánh bắt và phương tiện kiểm soát. Và cái khó nhất vì đây là ngành nghề kiếm ăn, ngư dân phải sống được… Có nhiều cái bất hợp lý, ví dụ như Việt Nam phân định ‘vùng khơi’ và ‘vùng lộng’, rồi ‘đi khơi’, ‘đi lộng’… một cách chủ quan. Ví dụ có những con hải sản ở vùng lộc như con cá cơm, khi xuất hiện với số lượng rất lớn, chỉ đánh bắt bằng tàu ven bờ thì đánh không hết, thì những tàu lớn cũng vào đánh bắt vì kiếm sống mà, như vậy là họ phải tắt định vị, và đó là vi phạm luật pháp".

Ông Trần Văn Lĩnh cho biết lý do vì sao việc kiểm soát tại cảng của cơ quan chức năng không thật sự hiệu quả :

"Hiện nay giá dầu cao, ngư dân khi vào bờ thì đôi khi chỗ nào bán được thì họ bán thôi. Trong khi đó chỉ cảng cá có chức năng quản lý, có thiết bị kiểm soát… Mặt khác, hiện nay mình vẫn chưa thực hiện nhật ký số, nhật ký khai thác vẫn phải chép tay… Luật pháp đã không cập nhật và điều kiện chấp hành luật pháp cũng kém, cho nên bảo gỡ thẻ vàng là điều rất khó".

Về phía Việt Nam theo ông Lĩnh, không nên quá phụ thuộc vào việc gỡ thẻ vàng hay không, mà phải coi thẻ vàng như một cái để thức tỉnh, để cả nhà nước lẫn nhân dân đều phải cố gắng xây dựng một ngành đánh cá mang tính bền vững, có trách nhiệm với tương lai, bảo vệ tốt môi trường, cũng như vùng lãnh thổ, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ông Lĩnh nói tiếp :

"Đó là một việc làm lâu dài mà vẫn phải làm, dù gỡ được thẻ vàng hay không, cho nên đừng nôn nóng, đừng ai cảm thấy mình có lỗi lầm khi chưa thể gỡ thẻ vàng. Theo tôi tốt nhất là Việt Nam nên hoàn thiện luật pháp và khai thác phù hợp với điều kiện Việt Nam, trang bị cho người dân và trang bị cho cơ quan công quyền những thiết bị để họ có thể chấp hành luật pháp và luôn luôn cập nhập, luôn luôn sửa đổi luật một cách tốt nhất".

Theo thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unreported and Unregulated Fishing) nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Quy định này bao gồm ba tiêu chuẩn với những hải sản nhập khẩu vào EU. Nếu tỷ lệ vi phạm các quy định này thấp thì không sao, nhưng nếu tỷ lệ cao thì EU sẽ kiểm tra toàn bộ lô hàng của nơi xuất xứ trong vòng ít nhất sáu tháng, hay còn gọi là phạt "thẻ vàng".

Nguồn : RFA, 22/05/2024

**********************

Vụ Vườn rau Lộc Hưng : dân tố cán bộ nói sai, yêu cầu được đối thoại thực sự

RFA, 21/05/2024

Liên quan đến vụ khiếu kiện đất đai ở khu Vườn rau Lộc Hưng, lãnh đạo UBND quận Tân Bình nói cần phải giải quyết dứt điểm, hỗ trợ để người dân sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, một số cư dân ở đây cho biết họ vẫn chưa thật sự được đối thoại về nguyện vọng của mình và những lời cán bộ nói với báo chí nhà nước là không đúng sự thật.

thevang3

Khu vực Vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế hồi tháng 1/2019. Amen TV

Không chấp nhận hỗ trợ

Mạng báo Dân Sinh và Bảo vệ Pháp luật, hồi cuối tháng 4, dẫn lời ông Lâm Mạnh Cường, Chủ tịch UBND phường 6 quận Tân Bình, cho biết nhằm đảm bảo sớm giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu kiện ở khu vườn rau Lộc Hưng và giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, từ tháng 12/2023, đã đồng ý nâng mức hỗ trợ lên 11,25 triệu đồng/m2. Đồng thời, chính quyền địa phương còn có phương án dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, vay vốn ưu đãi… để đảm bảo an sinh.

Ông Thiện, một người sinh sống ở khu vườn rau Lộc Hưng từ năm 1954 cho biết ông bị chiếm khoảng 700m2 đất vào năm 2019. Dù chính quyền tăng hỗ trợ từ mức 7,055 triệu đồng/m2 lên mức 11,25 triệu đồng/m2, ông vẫn không đồng ý nhận, bởi :

"Đương nhiên là không đồng ý rồi. Bởi vì có thể nói rằng gần như là chẳng có một pháp luật nào về bồi thường hết. Đầu tiên thì nói là 7 triệu mấy rồi mấy năm sau thì lên 11 triệu thì các ông ấy muốn bồi thường bao nhiêu là bồi thường hay sao ! 

Chúng tôi là đúng sự thật ở từ năm 54 cho đến giờ. Chúng tôi tìm hiểu về vấn đề luật pháp từ khi chưa có Luật Đất đai đến khi có Luật Đất đai. Bây giờ giống như thể là các ông ấy hỗ trợ mà không có theo bất kỳ một luật pháp nào hết".

Cán bộ nói sai sự thật

Ông Cao Hà Trực, một người dân vườn rau Lộc Hưng hiện vẫn đang còn khiếu kiện cho biết lãnh đạo quận Tân Bình, truyền thông nhà nước, đã cố tình bôi nhọ, nói sai sự thật về tình trạng sở hữu đất ở khu vườn rau Lộc Hưng, thuộc phường 6, quận Tân Bình.

Ông Đoàn Văn Đủ, Chánh văn phòng UBND quận Tân Bình được tờ Dân Sinh dẫn lời rằng khu đất Vườn rau Lộc Hưng rộng 48.000m2, sau năm 1975 giao cho ngành bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh quản lý. Đến năm 2008 thì ngành bưu điện không sử dụng nữa nên bỏ hoang. Người dân khu này thấy đất hoang nên đã tận dụng canh tác, trồng rau ; thậm chí có người còn làm nhà cho thuê… Đến năm 2019, UBND quận Tân Bình quy hoạch khu này thành trường Trung học cơ sở nên đã tiến hành giải toả khu đất này.

Ông Trực hoàn toàn bác bỏ những thông tin trên do cán bộ quận Tân Bình đưa ra. Ông nói thực tế là phường 6, nơi mọi người sinh sống đã xác nhận vào năm 2006 rằng bà con đã sử dụng mảnh đất này từ năm 1976, ổn định và không có tranh chấp. Những tờ giấy đó hiện bà con vẫn còn lưu giữ :

"Quận Tân Bình và Phường 6 họ đã lấp liếm cái quá trình người ta đã sử dụng từ năm 1976, sau khi thống nhất đất nước, và cũng đã xác nhận rồi.

Luật quy định là người dân sử dụng ổn định trước ngày 15/10/93 là phải được bồi thường đất, có nghĩa đất đó là có chủ thể. 

Nhưng ở đây phường với quận và Sở Tài nguyên Môi trường có bao che trong vấn đề này là không xác nhận cho bà con đủ điều kiện để được bồi thường, vì vậy chỉ được tiền hỗ trợ. Như thế là không thỏa đáng theo như thực tế. Vì vậy bà con không đồng ý với giá 11,25 triệu". 

Tiếp tục tố cáo

Theo ông Trực, cái giá này chỉ là mức hỗ trợ về rau trồng trên khu đất bị cưỡng chế chứ không phải là giá đền bù thu hồi đất, nhà cửa trên đất này. Do đó, Hiện vẫn còn 64 hộ gia đình không đồng ý với phương án hỗ trợ này. Ông Cao Hà Trực, người đại diện của những hộ gia đình này cho biết họ vừa mới gởi một lá đơn tố cáo chủ tịch UBND quận Tân Bình lên thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 1/4 vừa qua. 

Theo lá đơn tố cáo mà ông Trực gởi cho RFA, người dân cho rằng UBND quận Tân Bình đã có một số sai phạm như sau : Không thông báo cho các hộ dân biết về lý do thu hồi, thời gian, phương án đền bù thiệt hại ; Không ban hành quyết định thu hồi đất ; Không công khai 16 văn kiện mà UBND dựa vào đó để ra quyết định thu hồi đất ; Chính quyền cố tình tổ chức đối thoại một cách áp đặt, không thiện chí, không lắng nghe nguyện vọng của bà con ; mặc dù đất vẫn đang tranh chấp giữa người dân và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh nhưng UBND quận Tân Bình đã tiến hành cưỡng chế toàn bộ…

Từ đó, các hộ dân yêu cầu được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các hộ dân có đất đã bị cưỡng chế thu hồi, bồi thường thoả đáng theo giá thị trường. Ông Trực đề nghị :

"Bà con muốn rằng chính quyền phải thực thi pháp luật bằng cách chính quyền phải mời bà con họp theo quy định của pháp luật, phải công khai quyết định thu hồi, các quyết định liên quan đến quyền lợi của bà con.

Thứ hai là ra quyết định cho từng người để thu hồi diện tích của từng người, có nghĩa là phải làm sáng tỏ về nguồn gốc đất đai của từng người để biết được quyền lợi của mỗi người tới đâu và sau đó thì hai bên cùng tháo gỡ".

Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh hôm 3/4 có mời năm hộ dân đại diện khiếu kiện ỏ vườn rau Lộc Hưng lên làm việc, lập biên bản xác nhận đã nhận đơn tố cáo của bà con, nhưng đến nay chưa có kết quả thanh tra.

Ngày 8/1/2019, chính quyền quận Tân Bình tiến hành đập bỏ, tháo dỡ 503 căn nhà ở khu vực Vườn rau Lộc Hưng, mà bà con ước tính thiệt hại tầm 100 tỷ đồng.

Khu đất này từ đó bỏ trống và bị canh giữ nghiêm ngặt cho đến ngày 7/12/2023, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và quận Tân Bình huy động lực lượng công an và dân phòng với số lượng lớn phong toả các con đường ở khu vực xung quanh Vườn rau Lộc Hưng và cho công nhân cùng máy móc đổ cọc bê-tông và dùng tôn quây kín phần đất này.

Mấy ngày tiếp sau đó, công nhân sử dụng máy móc để chặt cây và đổ cát san nền.

Ông Trực cho biết trong năm ngày liên tục, chính quyền quấy rối và khủng bố tinh thần của họ bằng cách cho nhiều công an mặc thường phục chốt chặn gần nhà ông, không cho ông ra khỏi nhà và thường xuyên chĩa máy quay vào thẳng nhà của ông.

Tình trạng này chỉ chấm dứt từ ngày 12/12 đến nay khi chính quyền chính thức khởi công công trình trên. 

Theo ông Trực, việc chính quyền xây dựng công trình công cộng như trường học thì ông và bà con vẫn ủng hộ. Tuy nhiên, trước khi thực hiện, phải giải quyết và đền bù thoả đáng, đúng pháp luật cho những người dân đã sống lâu năm và ổn định ở nơi này.

Nguồn : RFA, 21/05/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 231 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)