Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

23/05/2024

Việt Nam – Campuchia bất đồng về kênh đào Phù Nam

RFA - RFI

Việt Nam không đồng tình với những bình luận công kích lãnh đạo Campuchia

RFA, 23/05/2024

"Việc một số tài khoản được cho là xuất phát từ Việt Nam bày tỏ ý kiến cá nhân trên mạng xã hội vừa qua không đại diện cho quan điểm của Chính phủ và Nhân dân Việt Nam. Chúng tôi không đồng tình với các ý kiến, bình luận mang tính kích động, chia rẽ tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam và Campuchia, công kích cá nhân lãnh đạo hai nước".

vietmien1

Thủ tướng Campuchia phát biểu tại một lễ động thổ khởi công xây dựng đường cao tốc ở Phnom Penh hôm 7/6/2023 - AFP

Đó là lời của Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khi trả lời mạng báo VietNamNet ngày 23 tháng 5 về quan điểm của Chính phủ Hà Nội đối với đề nghị của phía Phnom Penh hợp tác điều tra thông tin một số tài khoản mạng xã hội được cho là của công dân Việt Nam có lời lẽ không đúng mực trên tài khoản của Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen.

Hôm 20 tháng 5, Bộ Thông tin Campuchia cho biết Phó Thủ tướng Campuchia đã triệu Đại sứ Việt Nam Nguyễn Huy Tăng để thảo luận về những bình luận xúc phạm dưới những video trên tài khoản TikTok của cựu Thủ tướng Hun Sen.

Sok Chenda Sophea, đồng thời là Ngoại trưởng Campuchia, cho biết những bình luận này "gây ra cảm giác xấu trong chính phủ hoàng gia và người dân Campuchia" và yêu cầu Việt Nam hợp tác để xác định danh tính những người đứng sau chúng.

Động thái này diễn ra sau khi Hun Sen yêu cầu chính quyền hợp tác với Việt Nam để truy tìm những người để lại bình luận thiếu tôn trọng bằng tiếng Việt trên các video TikTok của mình.

"Tôi thực sự ngạc nhiên khi nhìn thấy những bình luận về (clip) TikTok mà tôi đã đăng", Hun Sen viết trên Facebook hôm 19/5.

Trong ảnh chụp màn hình đính kèm bài đăng trên Facebook của ông, có những bình luận bằng tiếng Việt có nội dung :

"Việt Nam đã đổ máu cho nền hòa bình của Campuchia", hay "Hãy nhớ đến hàng vạn quân tình nguyện Việt Nam nằm lại mảnh đất Campuchia".

Cựu thủ tướng, hiện là Chủ tịch Thượng viện và nắm giữ nhiều quyền lực ở Campuchia, còn bị gọi là "kẻ vô ơn", "con rối của Trung Quốc" và "kẻ phản bội".

Hun Sen cho biết ông nghi ngờ nguyên nhân các vụ tấn công có thể là do dự án kênh đào Funan Techo được đề xuất và phê duyệt khi ông còn là người đứng đầu chính phủ.

Nguồn : RFA, 23/05/2024

****************************

Campuchia lên tiếng bảo vệ dự án kênh đào do Trung Quốc hỗ trợ

RFA, 23/05/2024

Phó Thủ tướng Campuchia vào ngày 23 tháng 5 lại lên tiếng bảo vệ dự án kênh đào Phù Nam Techo do Trung Quốc hỗ trợ xây dựng tại Xứ Chùa Tháp, mà giới chuyên gia môi trường quan ngại sẽ gây tác động đến khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

vietmien2

Phà qua sông Mekong ở Phnom Penh, Campuchia hôm 9/4/2024 – Tang Chin Sothy / AFP

Mạng báo Nikkei Asia loan tin dẫn phát biểu của Phó Thủ tướng Sun Chanthol của Campuchia tại Hội nghị Tương Lai Châu Á lần thứ 29 diễn ra ở Tokyo liên quan dự án kênh đào Phù Nam.

Ông Sun Chanthol cho rằng những quan ngại về dự án này là không có cơ sở. Ông nói Chính phủ Việt Nam không hề phản đối dự án. Theo ông Sun Chanthol chủ yếu những tổ chức và các nhà nghiên cứu có chất vấn về dự án Kênh đào Phù Nam của Campuchia.

Phó Thủ tướng Sun Chanthol nhấn mạnh rằng dự án chỉ lấy đi 0,05% nước của Sông Mê Kông và sẽ không gây tác động lớn đến các vùng sản xuất nông nghiệp ở hạ nguồn. Dự án ngược lại còn giúp giảm bớt nguy cơ ngập lụt cho cả Campuchia và Việt Nam. Dự án rút ngắn giao thông và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Hôm 5 tháng 5, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho rằng Hà Nội tôn trọng quyền lợi hợp pháp của Phnom Penh liên quan dự án trị giá 1,7 tỷ USD ; đồng thời "luôn coi trọng, dành ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị, truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Campuchia trong chính sách đối ngoại của mình…".

Đối với kênh đào Phù Nam Techo, Việt Nam quan ngại về tác động đối với dòng chảy sông Mekong về Đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là vựa lúa lớn nhất nước Việt Nam, nơi có 17,4 triệu người dân Việt Nam sinh sống.

Đó là lần thứ hai trong vòng một tháng, Hà Nội lên tiếng yêu cầu Phnom Penh chia sẻ thêm thông tin về dự án kênh đào dài 180 km ; mà theo giới chuyên gia trong nước khi vận hành sẽ khiến lượng nước về sông Mekong thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long giảm đến 50%.

Phía Campuchia luôn khẳng định rằng dự án sẽ được tiến hành bất chấp mọi quan ngại từ phía Việt Nam.

Dự án kênh đào Phù Nam Techo được cho biết do một công ty Nhà nước Trung Quốc xây dựng. Kênh nối khu vực biển miền nam Xứ Chùa Tháp với thủ đô Phnom Penh.

Nguồn : RFA, 23/05/2024

***************************

Việt Nam nói quan tâm đến tác động xuyên biên giới của thủy điện trên sông Mekong

RFA, 23/05/2024

Việt Nam rất quan tâm đến các tác động xuyên biên giới và khả năng tích nước của những công trình thủy điện trên sông Mekong, vì đó là dòng sông chung biên giới chảy qua nhiều quốc gia, trong khi Việt Nam là nước hạ nguồn.

vietmien3

Một nông dân ngồi trên cánh đồng kho hạn ở Bến Tre hôm 19/3/2024 - AFP

Phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt cho biết như vừa nêu tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội vào chiều 23 tháng 5, khi được hỏi về ý kiến cho rằng 14 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong ; trong đó Trung Quốc xây 12 đập, có nguy cơ ảnh hưởng đến dòng chảy cũng như làm giảm lượng trầm tích xuống vùng hạ lưu của sông, làm trầm trọng thêm tình trạng hạn mặn, sạt lở ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Nguyên văn lời Phó Phát ngôn nhân Đoàn Khắc Việt : "Như chúng tôi đã nhiều lần nói rõ thì việc phát triển và vận hành các công trình thủy điện trên sông Mekong cần đảm bảo không gây tác động tiêu cực, bao gồm các tác động xuyên biên giới đến môi trường, cũng như sự phát triển kinh tế xã hội, đời sống kinh tế xã hội của các nước trên lưu vực sông Mekong, nhất là các nước hạ nguồn, và phải phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế". 

Tình trạng hạn mặn và sạt lở ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trong những năm gần đây được cho biết mỗi lúc một thêm trầm trọng gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân tại đó.

Đồng bằng Sông Cửu Long là "vựa lúa" lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam. Hơn 17 triệu dân của vùng đồng bằng sông Cửu Long sản xuất hơn một nửa số gạo của Việt Nam ; gần 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đến từ vùng này.

Nguồn : RFA, 23/05/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA, RFI
Read 253 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)