Tổng thống Nga Putin hoãn chuyến đi Việt Nam do xáo trộn chính trị ở Hà Nội ?
Thanh Phương, RFI, 18/05/2024
Hôm 17/05/2024, tổng thống Nga Vladimir Putin đã kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước tại Trung Quốc để tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước. Trước chuyến đi này, đã có những tin đồn là ông Putin có thể sẽ ghé thăm Việt Nam trước khi bay trở về Matxcơva. Nhưng rốt cuộc, chuyến đi Hà Nội của tổng thống Nga đã không diễn ra, có thể là do thượng tầng lãnh đạo của Việt Nam đang gặp nhiều xáo trộn sau khi một loạt ủy viên bộ Chính Trị đã buộc phải từ chức.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 16/05/2024. © AP/Sergei Bobylev
Trước đó, trong một cuộc điện đàm ngày 26/03/2024, tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã chính thức mời tổng thống Nga sang thăm Việt Nam và ông Putin đã nhận lời, nhưng hai bên chưa sắp xếp được ngày giờ cho chuyến công du này.
Trả lời các phóng viên Việt Nam hôm 15/05, đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetko cho biết chuyến thăm của tổng thống Putin sẽ diễn ra "trong tương lai gần", nhưng hiện tại "chưa thể thông báo về thời điểm chính xác".
Thật ra, tổng thống Nga không thể đến thăm Việt Nam trong lúc này vì sẽ không có ai với chức vụ tương đương tiếp đón ông : Chiếc ghế chủ tịch nước của Việt Nam vẫn bị để trống sau khi ông Võ Văn Thưởng buộc phải từ chức ngày 20/03 do bị xem là đã có những "vi phạm, khuyết điểm".
Tổng cộng đã có 6 ủy viên bộ Chính Trị phải từ chức với lý do tương tự, gần đây nhất là bà Trương Thị Mai, thường trực Ban Bí thư và trưởng Ban Tổ chức Trung ương, cũng vừa "xin thôi giữ các chức vụ" hôm 16/05, đúng vào ngày tổng thống Putin bắt đầu chuyến viếng thăm Trung Quốc. Trước đó, trong tháng 4, chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã buộc phải từ chức. Phải đợi đến tuần sau, Quốc hội Việt Nam mới chính thức bầu chọn tân chủ tịch nước và tân chủ tịch Quốc hội.
Trang mạng của đài phát thanh quốc tế của Đức Deutsche Welle (DW) hôm qua trích lời nhà phân tích Ian Storey, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nhận định : "Cho đến khi xáo trộn chính trị ở Hà Nội tiếp diễn, tổng thống Putin không thể lên kế hoạch cho chuyến thăm Việt Nam".
Thanh Phương
****************************
Xáo trộn chính trị khiến ông Putin không đến Việt Nam sau chuyến thăm Trung Quốc ?
BBC, 16/05/2024
Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko vừa cho biết Tổng thống Vladimir Putin sắp đến thăm Việt Nam.
Quân đội Việt Nam phụ thuộc nhiều vào vũ khí của Nga. Ảnh : Tổng thống Vladimir Putin thăm Hà Nội vào năm 2006.
Phát biểu trong buổi gặp gỡ báo chí về tình hình nước Nga vào sáng 15/5 tại Hà Nội, ông Bezdetko không tiết lộ ngày cụ thể nhưng nói rằng sẽ ông Putin sẽ đến Việt Nam "rất sớm".
Trước đó, có thông tin cho rằng ông Putin sẽ thăm Việt Nam trong vài ngày tới, sau khi ông sang Bắc Kinh để gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong hai ngày 16-17/5.
Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Putin tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhiệm kì mới. Đây cũng là dịp mà một số nhà quan sát cho rằng nhà lãnh đạo Nga có thể đến thăm ba đối tác thân thiết nhất ở châu Á gồm Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Hàn.
Tuần trước, việc Việt Nam yêu cầu hoãn cuộc gặp với một quan chức hàng đầu EU "vì các nhà lãnh đạo quá bận" đã làm gia tăng thêm nhận định về khả năng nhà lãnh đạo Nga có thể đến Việt Nam trong những ngày sắp tới.
Bao giờ ?
Trao đổi với BBC, một số chuyên gia cho rằng ông Putin chắc chắn sẽ đến Việt Nam trong năm nay, tuy nhiên có khả năng chuyến thăm sẽ không diễn ra ngay sau chuyến đi tới Trung Quốc vào cuối tuần này.
"Tôi cho rằng với tình hình chính trị bất ổn ở Việt Nam hiện nay, Hà Nội sẽ nói với Moscow rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để ông Putin ghé thăm", Tiến sĩ Ian Storey, học giả của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) đặt tại Singapore, trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 15/5.
Ông Storey đặt vấn đề trong bối cảnh Việt Nam đang khuyết mất hai vị trí trong "Tứ Trụ", liệu ông Putin có muốn được quyền chủ tịch nước tiếp đón ? Ngoài ra, ông nói thêm rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang không có sức khỏe tốt và có lẽ không thể gặp ông Putin.
Chuyên gia về quốc phòng Việt Nam tại Đại học New South Wales, Úc, ông Nguyễn Thế Phương, nhận định rằng khả ông Putin sang Việt Nam trong tháng Năm là "50 :50", còn lại phải chờ tới khi Việt Nam lấp đầy chỗ trống trong dàn quan chức cấp cao, đặc biệt là chiếc ghế chủ tịch nước, vị trí chuyên tiếp đón lãnh đạo nước ngoài.
Lịch làm việc mới cập nhật của một số ủy viên Trung ương Đảng ở Việt Nam cho thấy Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ có hội nghị trong tuần này .
Trong bối cảnh Quốc hội sẽ có kỳ họp thường kỳ khai mạc vào ngày 20/5, nhiều nhà quan sát đã nhận định với BBC rằng chức danh chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội để trống sau sự ra đi của ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ có thể sẽ chính thức được đưa ra để Quốc hội Việt Nam xem xét trong đợt này.
Việt Nam vẫn chưa chính thức có chủ tịch nước sau sự ra đi của ông Võ Văn Thưởng hồi tháng 3. Ảnh : Ông Võ Văn Thưởng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ ba tại Bắc Kinh năm 2023.
Việt Nam sẽ thảo luận gì với ông Putin ?
Đại sứ Nga Gennady Bezdetko cho biết nước này mong muốn giải quyết các vấn đề "còn tồn tại" trong hợp tác và tạo ra xung lực mới để làm sâu rộng thêm các mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia nhân chuyến thăm của ông Putin.
Vị đại sứ cũng nói thêm ông rất vui mừng khi thấy ở Việt Nam, mặc dù qua tất cả các biến cố địa - chính trị trên thế giới, sự quan tâm của Việt Nam với Nga vẫn không hề giảm sút.
Về phía Nga, ông Nguyễn Thế Phương cho rằng vai trò của Việt Nam tương đối quan trọng, vì chính quyền Putin đang khai thác những mối quan hệ sẵn có, trong bối cảnh nước này bị phương Tây cô lập từ khi nổ ra cuộc chiến ở Ukraine.
"Hiện tại, những nước bạn bè truyền thống của Nga ở châu Á không nhiều, gồm Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Hàn", ông Phương nhận định.
Các chuyên gia cho rằng ông Putin sẽ dùng chuyến đi này để gửi tín hiệu cho thế giới rằng chính sách "hướng về phương Đông" vẫn đi đúng hướng và phương Tây đã thất bại trong việc cô lập Nga.
Tiến sĩ Ian Storey nhận định kể cả khi ông Putin không thăm Việt Nam ngay sau chuyến đi Trung Quốc, nhà lãnh đạo Nga có thể chọn Bắc Hàn là điểm đến tiếp theo.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, một loạt các biện pháp trừng phạt đã được các nước phương Tây công bố nhằm hạn chế khả năng của Nga trong việc chi tiền cho cuộc chiến
Còn về phía Việt Nam, ông Phương nói rằng Nga đóng vai trò cực kì quan trọng, vì nước này đối tác chiến lược toàn diện đầu tiên và là nhà cung cấp 80% khí tài quân sự cho Việt Nam.
"Việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga giúp Việt Nam có khả năng tiếp cận được công nghệ vũ khí của Nga trong tương lai, trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp, đồng thời mở rộng không gian hợp tác quốc phòng và năng lượng, trong đó bao gồm công nghệ hạt nhân, công nghệ hàng không vũ trụ…", ông giải thích thêm.
Ngoài ra, ông Phương cho rằng chuyến thăm này sẽ được cả Nga và Việt Nam truyền thông là quan hệ hai nước không chỉ chú trọng vào quốc phòng, vì việc ông Putin tới Việt Nam chắc chắn sẽ khiến một số đối tác phương Tây của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ và các nước EU, không hài lòng.
Thỏa thuận vũ khí mới ?
Bên cạnh việc hợp tác, giới quan sát cho rằng một thỏa thuận vũ khí giữa Việt Nam với Nga có thể được thực hiện.
Ông Nguyễn Thế Phương đưa ra dẫn chứng rằng việc Nga cung cấp các hỗ trợ về tài chính để Việt Nam có thể mua sắm vũ khí từ Moscow đã hết hạn từ năm 2021.
"Khi đó Việt Nam muốn gia hạn thêm mười năm nữa, và theo một số nguồn tin thì thỏa thuận này có giá trị lên tới 10 tỷ USD", ông Phương nói với BBC. "Nhưng cuộc chiến Ukraine nổ ra vào năm 2022 đã khiến cho việc Việt Nam tiếp xúc và mua vũ khí Nga ở thời điểm đó trở nên nhạy cảm".
Theo dữ liệu do Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm 11/3/2024, lượng nhập khẩu vũ khí của Việt Nam năm 2023 giảm xuống mức nhỏ giọt bất chấp tình hình thế giới và khu vực tiếp tục căng thẳng.
Vào tháng 1/2024, một quan chức quốc phòng cấp cao nói rằng Việt Nam đã đạt được một loạt thỏa thuận tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế diễn ra hồi tháng 12/2022 [tại Hà Nội].
Bộ Quốc phòng Việt Nam không cung cấp thêm thông tin.
Ông Phương nhấn mạnh rằng khả năng Việt Nam và Nga ký kết một văn bản song phương về mua sắm vũ khí trong chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Putin là tương đối cao.
"Nhưng đây sẽ không phải là việc lặp lại một chính sách cũ, mà là một phần của cách tiếp cận mới của Việt Nam là đa dạng hóa nguồn cũng cấp vũ khí đồng thời cũng tránh ‘bỏ hết trứng vào một rổ’, vì cuộc chiến của Nga ở Ukraine kéo dài và an ninh khu vực ngày càng mất ổn định", ông giải thích.
Lượng nhận vũ khí của Việt Nam (2010-2018)
Người dân Việt Nam có chào đón ông Putin ?
Ở Việt Nam, cả giới lãnh đạo và công chúng nói chung vẫn được xem là có tình cảm lớn với nước Nga, dù có một bộ phận không ủng hộ hành động quân sự của chính quyền Putin tại Ukraine.
Mối quan hệ với quốc gia mà Việt Nam luôn tuyên bố là có "tình hữu nghị thủy chung, sâu sắc" được xây dựng trên cơ sở hỗ trợ của Liên Xô trong Chiến tranh Việt Nam và thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội.
"Tâm lí lịch sử tạo ra một sự yêu mến rất lớn của đông đảo người dân Việt Nam với nước Nga, cũng như ông Putin vì đứng dưới góc độ của công chúng Việt Nam, ông Putin là một nhà lãnh đạo mạnh. Xu hướng của người Việt Nam hiện nay là thích những nhà lãnh đạo mạnh và có quyền lực, nên ông Putin sang Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ từ công chúng", ông Phương lí giải.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng không thể bỏ qua một thực tế rõ ràng là vẫn có những luồng quan điểm không ủng hộ Nga, hoặc có những người vẫn yêu mến nước Nga nhưng không ủng hộ hành động quân sự của quân đội Putin ở Ukraine.
Ngoài ra, giới quan sát cho rằng với việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga, Việt Nam có thể tạo thế cân bằng, chứng minh rằng mình không chỉ có hai lựa chọn là Trung Quốc và Mỹ, và Hà Nội cũng có thể đóng vai trò trung gian cho các quốc gia có quan điểm trái ngược.
"Việt Nam có thể trở thành một cầu nối để các nước có thể tiếp xúc và trao đổi quan điểm với nhau, điển hình như hội nghị thượng đỉnh Kim-Trump vào năm 2018", ông Phương nói.
Thông qua chuyến thăm này, có rất nhiều yếu tố mà cả hai bên, đặc biệt là Việt nam kỳ vọng rằng có thể làm mạnh mẽ hơn, nhưng rõ ràng ưu tiên vẫn là mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Nga", chuyên gia này kết luận.
Nguồn : BBC, 16/05/2024
**************************
Đại sứ Nga xác nhận Tổng thống Nga Putin sắp thăm Việt Nam
BBC, 15/05/2024
Đại sứ Nga tại Việt Nam mới đây xác nhận với truyền thông trong nước về chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Nga Vladimir Putin tuy nhiên không cho biết thời gian cụ thể của chuyến thăm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Võ Văn Thưởng tại Diễn đàn Vành đai Con đường ở Bắc Kinh, Trung Quốc ôm 17/10/2023 - Grigory SYSOYEV / POOL / AFP
Phát biểu tại Buổi chia sẻ thông tin về Liên bang Nga, Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetko xác nhận Tổng thống Putin sẽ đến Việt Nam trong thời gian gần. Đại sứ Nga cũng nhấn mạnh: "Việt Nam, về truyền thống, chiếm vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga, quan hệ với Việt Nam có quy chế quan hệ đối tác chiến lược toàn diện".
Tổng thống Nga Putin theo dự kiến sẽ đến thăm Trung Quốc trong hai ngày 16 và 17/5. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Putin sau khi nhậm chức nhiệm kỳ mới và là chuyến công du thứ hai tới Trung Quốc trong vòng sáu tháng qua.
Cả Nga và Trung Quốc đều là những nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam – tức mức quan hệ ngoại giao cao nhất.
Kể từ khi Nga đưa quân xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022 đến nay, cả Trung Quốc và Việt Nam đều tránh lên án Nga trên các diễn đàn quốc tế. Hà Nội đã năm lần bỏ phiếu trắng và một lần bỏ phiếu chống tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc liên quan đến cuộc chiến này.
Mới đây, Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao giấu tên cho biết Liên Minh Châu Âu đã tỏ ra bất bình khi Hà Nội hoãn cuộc gặp với đặc sứ EU phụ trách thực thi các biện pháp trừng phạt Nga - ông David O’Sullivan dự kiến tới Việt Nam vào trung tuần tháng năm.
Các nhà ngoại giao cho Reuters biết, lý do việc hoãn này là vì Hà Nội đang chuẩn bị cho chuyến thăm sắp tới của ông Putin. Reuters dẫn một nguồn tin cho rằng chuyến công du của Tổng thống Nga có thể bị "tổn hại" do bất cứ cuộc gặp nào với vị đặc sứ của EU phụ trách về thực thi lệnh trừng phạt đối với Nga.
Nguồn : RFA, 15/05/2024