Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/03/2023

Cải cách tư pháp : Phải thay bình chứ không chỉ thay rượu !

RFA tiếng Việt

Hàng loạt đề xuất đã được Tòa án nhân dân tối cao đưa ra để lấy ý kiến đóng góp, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tòa án trong thời gian qua. Chẳng hạn như đề xuất kéo dài nhiệm kỳ thẩm phán ; đề xuất bỏ ngạch thẩm phán cao cấp, trung cấp và sơ cấp.

tuphap1

Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội - AFP

Mới đây nhất là đề xuất bỏ quy định tòa có quyền khởi tố vụ án hình sự. Đề xuất này nhận một số phản hồi trái chiều từ các luật sư. Có người cho là nên bỏ, có người lại cho là nên giữ.

Luật sư Hà Huy Sơn nêu quan điểm của ông :

"Trong luật thì có quy định là tòa án trong quá trình giải quyết vụ án, nếu mà thấy có dấu hiệu vi phạm về trách nhiệm hình sự, có dấu hiệu tội phạm thì có quyền ra quyết định khởi tố. Được ra quyết định khởi tố nhưng quyền điều tra thì tòa án lại không có cơ quan điều tra. Cho nên luật quy định như vậy thì nó không thực tế lắm. Sau khi khởi tố thì việc điều tra lại chuyển cho cơ quan điều tra, có thể bên Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng. Theo tôi, việc bỏ quy định ra quyết định khởi tố của tòa án thì cũng không ảnh hưởng gì. Nên chăng thay vào đó là tòa có quyền kiến nghị khởi tố vụ án thì nó hợp lý hơn".

Luật sư Đặng Trọng Dũng thì có nhận định :

"Đây là Tòa án Tối cao đề xuất thôi chứ nếu có thì phải làm lại luật chứ tòa án tối cao không có quyền bỏ quy định đó. Tòa án vẫn có quyền khởi tố nhưng đó là trường hợp rất hãn hữu. Tôi nghĩ rằng với hoàn cảnh của Việt Nam thì điều này là để cho nó có một cái điểm đặc biệt, để tòa án phát hiện ra những tội phạm mà ở dưới có thể họ không biết, hoặc chưa điều tra đến nơi đến chốn. Nếu tòa án phát hiện ra được thì tòa án nhanh chóng khởi tố thì điều đó cũng tốt chứ không phải là không".

Một luật sư không muốn nêu tên ở Thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA :

"Với đề xuất bỏ quy định tòa có quyền khởi tố vụ án hình sự thì tôi gọi đó là một quy định chết. Bởi khi tòa khởi tố vụ án mà bên cơ quan điều tra họ không làm, hay họ hợp tác nhưng khi đưa qua viện kiểm sát họ không phê chuẩn thì tòa cũng thua. Tòa án đâu thể vừa khởi tố, vừa điều tra lại vừa xét xử được.

Tuy nhiên, quy định này nó giống như một hình thức răn đe cho ngành Công an điều tra và Viện Kiểm sát. Tức là nếu bỏ lọt tội phạm mà tòa phát hiện ra tòa vẫn có quyền khởi tố tại tòa. Nó mang tính hình thức để không có sự thỏa hiệp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Tôi thấy đó là điều hợp lý nhưng mà tòa chỉ nên kiến nghị thôi, không nên tự khởi tố".

Ngành tư pháp Việt Nam đã qua nhiều lần sửa đổi. Tháng 6 năm 2005, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tháng 10/2022, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương họp Phiên họp thứ hai năm 2022 thảo luận về đề án : "Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" và báo cáo thực hiện "Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015" của Đảng ủy Công an Trung ương.

Trước đó vài tháng, cổng thông tin điện tử Cơ quan Thanh tra của Chính phủ đưa Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Theo đó, hành vi được cho là "cản trở hoạt động tố tụng" được liệt kê là nhà báo hay người nào tham dự phiên toà mà ghi âm, ghi hình hoặc livestream hội đồng xét xử hay người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa có thể bị phạt bị thu hồi tư liệu, tài liệu, hình ảnh…

tuphap2

Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. AFP photo

Một số luật sư cho rằng, để thay đổi ngành tư pháp Việt Nam cho tốt hơn thì phải thay đổi rất nhiều thứ chứ không thể ‘bưng’ những quy định, điều luật của quốc tế vào là phù hợp, vì thể chế chính trị Việt Nam khác hẳn các nước dân chủ. Luật sư ẩn danh ở Thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA sáng ngày 2/3/2023 :

"Áp lực của thế giới yêu cầu Việt Nam phải cải cách tư pháp để phù hợp với các công ước mà Việt Nam đã ký kết. Nhưng bê nguyên xi các điều luật tiêu chuẩn quốc tế về Việt Nam thì đâu có phù hợp. Phải sửa lại luật dân sự, hình sự rất nhiều. Cái mô hình tố tụng của Việt Nam theo mẫu của Liên Xô trước đây chứ không theo thế giới tự do. Thành ra bây giờ có chạy theo thế giới tự do thì cái bình cũ rượu mới cũng không giải quyết được gì hết. Phải thay cái bình !

Có nhiều quy định tụi tôi cũng góp ý, họ cũng bỏ vô luật nhưng không áp dụng thực tế như quyền im lặng, quyền quay phim chụp ảnh khi hỏi cung… Họ chỉ làm cho có thôi".

Còn với Luật sư Đặng Trọng Dũng, ngành tư pháp Việt Nam những năm qua có một điều luật mà ông gọi là ‘tiến bộ’ nhưng lại không có hướng dẫn nào để thi hành nên các luật sư còn mù mờ, chưa thông lắm. Đó là trong luật hình sự tố tụng mới, luật sư và kiểm sát viên có quyền thỏa thuận với nhau về tội danh của người bị truy tố, có thể khuyến khích họ nhận tội để được giảm án chẳng hạn. Điều luật này giống ở các nước có nền tư pháp độc lập. Ông đề nghị có những văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Ông nói thêm :

"Còn một điều nữa, đó là kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm phán hiện nay có quyền xin làm luật sư sau khi nghỉ việc mà không phải qua một cuộc thi hoặc có thời gian thực tập. Họ ôm theo tất cả nghiệp vụ của tòa án, nghiệp vụ của điều tra viên để làm luật sư một cách dễ dàng là điều không được. Lẽ ra những người này phải thi vào nghề luật sư ; phải đợi ít nhất 5 hoặc 10 năm sau mới được làm luật sư để xóa bỏ các mối quan hệ trước đó".

Điều luật sư Đặng Trọng Dũng vừa nói từng được chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đề cập đến tại phiên thảo luận tại Quốc hội vào tháng 11/2022. Ông Bình cho biết, áp lực công việc của tòa án rất lớn, số lượng thẩm phán chưa đủ nhưng nhiều người đã nghỉ việc trong năm 2022. Ông thống kê có khoảng 1000 thẩm phán đã nghỉ việc.

Một số người mà RFA trò chuyện nhận định rằng, nền tư pháp Việt Nam hiện nay là một nền tư pháp không đúng chuẩn mực quốc tế do không có tam quyền phân lập. Hầu hết các thẩm phán đều xuất thân là giới công an.

Có thể dẫn chứng, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao hiện nay từng là Thiếu tướng Công an ; ông Trương Hòa Bình, cựu Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao từng công tác tại Phòng An ninh Công an Thành phố Hồ Chí Minh, từng giữ chức Cục phó Cục An ninh văn hóa ; ông Lê Minh Trí hiện đang là Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao cũng từng làm Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Nguồn : RFA, 02/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 226 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)