Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

01/03/2023

Sợ làm sai, giảm bạo lực, nấu cao hổ

RFA tổng hợp

Tại sao cán bộ sợ "làm sai vào tù, thà không làm gì" ?

RFA, 01/03/2021

Con số hàng chục ngàn đảng viên bị kỷ luật, hàng trăm cán bộ lãnh đạo bị bắt trong năm 2022 giờ trở thành "cơn ác mộng " của nhiều cán bộ đương chức. Nhiều người chọn phương án "thà không làm gì" để tránh "bị tội"...

vn1

Chiến dịch đốt lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khiến nhiều cán bộ "không dám làm gì" - A FP

Án binh bất động

Tuần qua, Bloomberg có bài viết với tiêu đề tạm dịch là "Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam khiến các quan chức lo sợ đến mức "không dám làm gì cả". Bài viết có dẫn lời một cán bộ giấu tên, hiện đang làm việc tại giám sát, phê duyệt các dự án cơ sở hạ tầng, rằng ông thà bị cấp trên khiển trách vì không làm được việc, còn hơn đối mặt với nguy cơ bị điều tra.

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam, từ trong nước cho rằng, việc nhiều lãnh đạo cấp cao tại các lĩnh vực, từ y tế, xây dựng, giao thông cho đến tài chính, chứng khoán…bị bắt gần đây đã khiến nhiều cán bộ, từ cao cấp cho đến địa phương, mang tâm trạng lo lắng như vậy. 

"Công cuộc chống tham nhũng đúng là có những thành tích nhất định, thế nhưng mà nó tạo ra những người công chức, viên chức sợ không dám làm, kể cả những việc mà người ta biết chắc là hợp pháp thì người ta vẫn chưa dám làm hoặc là cũng chột dạ".

Theo tiến sỹ Hợp, sở dĩ có tình trạng vừa nêu một phần là do các vụ bắt bớ, xử lý hình sự chưa minh bạch, chưa đúng trình tự pháp lý và chưa huy động sự tham gia của mọi người. Mặc khác, theo ông :

"Thế còn từ phía công chức viên chức người ta chùn lại cũng có lý do chính đáng. Bởi vì người ta sợ làm là sẽ bị sai, sợ làm đúng cũng biến thành sai. Và cũng có một số thành phần không sợ sai nhưng người ta vẫn dừng lại là để chờ cơ hội tiếp tục tham nhũng".

Cùng nói về đề tài này, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy nói với RFA rằng, trong suốt một thời gian dài, đầu tư công chính là nơi kiếm ăn dễ dàng của các tổ chức cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, với tình hình bắt bớ, điều tra hiện nay thì cán bộ không muốn đặt bút ký bất kỳ dự án nào :

"Không có lợi ích gì nhiều mà phải khổ tâm như vậy thì có thể người ta sẽ không muốn làm dự án đó nữa. Người ta không muốn ký, tìm mọi cách chây ỳ để dự án đó vẫn tiếp tục nằm ở trên bàn bởi vì họ không thấy lợi ích của họ trong chuyện đó". 

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tính đến tháng 11/2022, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 52,43% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch được giao thì thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 là 63,86% và chưa đạt kỳ vọng.

Các tỉnh, thành bị xác định có tỷ lệ giải ngân thấp bao gồm TP. Hồ Chí Minh (trên 25%) ; Hà Giang (31,4%) ; Cao Bằng (32,6%) ; Quảng Trị (trên 40%) ; Hòa Bình (44,8%).

Hậu quả khó lường

Theo tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, tình trạng giải ngân chậm các dự án công dẫn đến chậm tiến độ thi công đã từng khiến Việt Nam bị các đối tác nước ngoại kiện. Ông dẫn chứng :

"Các thủ tục giải ngân vô cùng chậm cho nên các đối tác nước ngoài đã từng kiện đòi Việt Nam nộp phạt và Việt Nam đã từng phải nộp tiền phạt cho các đối tác như Nhật Bản và Nam Hàn…"

Cùng với đó, tiến sỹ Huy Vũ cảnh báo, nếu các dự án đầu tư công mà không được giải ngân và thực hiện đúng kế hoạch, hậu quả sẽ gây tắc nghẽn kinh tế.

Ông lý giải, khi Chính phủ chi tiền thì dòng tiền sẽ được đưa trở lại vào trong thị trường thông qua việc làm. Người dân làm việc sẽ tiêu xài nhiều hơn. Các ngành sản xuất, dịch vụ cũng do đó mà phát triển theo. Hiệu ứng này sẽ lan tỏa, kích thích, thúc đẩy nền kinh tế phát triển hơn. Đó là lý do mà trong những lúc kinh tế khủng hoảng, nhu cầu yếu thì Chính quyền sẽ phải tích cực chi tiêu để kích thích nền kinh tế. Ông nói tiếp :

"Cho nên, chi tiêu của Chính quyền thông qua các dự án công nếu không được giải ngân thì sẽ dẫn đến nền kinh tế bị đình trệ hoặc là không được tăng trưởng như kỳ vọng".

Thực tế cho thấy chỉ trong hai tháng đầu năm, hàng loạt dự án đầu tư công, được truyền thông loan, bị chậm tiến độ phê duyệt. Trong đó có 18 dự án giao thông vận tải đã phê duyệt chủ trương nhưng chậm phê duyệt dự án đầu tư. Hoặc hàng loạt kiểm định viên tại các trung tâm đăng kiểm không dám đến sở làm. Nhiều người nộp đơn xin nghỉ việc khi hàng chục cán bộ lãnh đạo tại nhiều trung tâm đăng kiểm bị bắt và khởi tố.

Bên cạnh đó, hiện khoảng 65% các bệnh viện lớn đang lâm vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vì lãnh đạo không dám phê duyệt hợđồng. Điều này được bà Đào Hồng Lan – Bộ trưởng Y tế xác nhận trong cuộc họp hôm 27/2 rằng nhiều đội ngũ làm công tác đấu thầu có tâm lý lo lắng, vì vậy, trong quá trình thực hiện cũng gây ách tắc, chậm trễ.

Vào ngày 3/1, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp Chính phủ rằng "ai có tư tưởng bàn lùi, lo ngại việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí trong một bộ phận cán bộ, công chức… thì những người đó hãy đứng sang một bên".

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh lại chỉ đạo này của ông Nguyễn Phú Trọng trong phiên họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, rằng "Ai sợ trách nhiệm thì đứng sang một bên để người khác làm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm".

Nguồn : RFA, 01/03/2023

*************************

Muốn giảm bạo lực, phải thay đổi bản chất chế độ !

RFA, 01/03/2023

Một nữ công chứng viên ở thành phố Hạ Long bị một người đàn ông đá vào mặt bị thương phải nhập viện điều trị ; Trưởng Công an xã Quảng Điền đá bay thau cá, thúng rau của người dân khi đi dẹp lòng lề đường ở chợ Điện Bàn ; Một nữ sinh lớp 6 bị nhóm bạn bắt quỳ gối, bị hành hung dã man rồi tung clip lên mạng ; Một phụ nữ tát liên tục vào mặt một tài xế taxi ở Hà Nôi sau một va quẹt nhỏ trên đường… là những tin tức gần đây được báo chí nhà nước đăng tải. Trước đó, hàng loạt kiểu bạo hành, chửi bới nhau nhan nhản xuất hiện trên mạng xã hội, mô tả một bức tranh bạo lực từ trong môi trường giáo dục đến ngoài xã hội.

vn2

Lễ hội cướp phết ở Hiền Quan bị cho là bạo lực năm 2016. Ảnh minh họa. AFP

Vô cảm với bạo lực

Chuyện học trò đánh nhau trong trường xưa nay không là chuyện lạ, nhưng chuyện nữ sinh cấp 3, sắp bước sang ngưỡng người lớn, mà đánh nhau hoặc cả nhóm hành hung một bạn học một cách dã man là hiện tượng xã hội đáng lưu ý và không thể coi nhẹ.

Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội ở Hà Nội cho hay, Việt Nam có những chương trình UNICEF hay UNESCO chống bạo lực học đường, nhưng mức độ đánh nhau lại tàn bạo hơn, có lẽ người ta đã quá vô cảm với bạo lực. Bà nói thêm :

"Theo tôi, đây là do ảnh hưởng ngoài xã hội qua phim ảnh hay những video clip người lớn đánh nhau được đưa lên mạng".

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2019, Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc đã phải nêu lên vấn đề bạo lực học đường ở mức báo động. Ông yêu cầu ngành giáo dục cùng chính quyền địa phương cần phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện. Thực tế trong suốt những năm sau đó, bạo lực không giảm đi mà ngược lại càng tăng với mức độ và hậu quả "khủng khiếp" hơn. Tại sao khủng khiếp hơn vì nạn nhân sau khi bị bạo lực đã tìm đến cái chết như trường hợp nam sinh lớp 11 ở Long An bị bạn đánh đến chết hôm tháng 10 năm ngoái hay một tháng sau đó (11/2022) một học sinh lớp 9 đã nhảy lầu tự tử vì bị bạn chế giễu…

Nhận xét về vấn đề bạo lực trong xã hội hiện nay, Nhà giáo Đinh Kim Phúc phân tích nguyên nhân sâu xa là do hậu quả chiến tranh. Ông giải thích :

"Chúng ta biết rõ Việt Nam đã trải qua mấy chục năm chiến tranh và xung đột khu vực, nhưng khi hòa bình lập lại thì sự phân hóa giàu nghèo, sự phân tầng trong xã hội đã diễn ra một cách nhanh chóng không thể cưỡng lại được.

Người giàu thì ngày càng giàu một cách bất chánh. Người nghèo thì ngày càng nghèo đi. Sự phân hóa xã hội nó dẫn đến cái ức chế về mặt tâm lý. Khi mà pháp luật không bảo vệ được bản thân họ, khi pháp luật không giải quyết được những bức xúc, những bất công đối với bản thân họ. Nếu có dịp bùng phát ra bên ngoài thì họ sẽ thay mặt pháp luật, thay mặt công lý để hành xử, để bảo vệ cái bức xúc của họ. Nó dẫn đến sử dụng bạo lực trong xã hội ngày nay". 

Cũng theo ông Đinh Kim Phúc, nền giáo dục nhân bản, giáo dục lòng nhân ái đã thiếu vắng từ sau năm 1975. Thay vào đó là đề cao bạo lực trong chiến tranh để giành thắng lợi ; đề cao bạo lực trong đấu tranh giai cấp theo khuynh hướng giữa tư sản và cộng sản. Ông nói tiếp :

"Cái giết chóc, cái ăn thua, cái thắng lợi là đã hằn vào trong máu thế hệ trẻ. Khi họ lớn lên, cái sự ăn thua đó từng bước qua sách giáo khoa, qua cái nhìn nhận giáo dục của xã hội, đã tiêm nhiễm vào trong một người cái máu ăn thua".

Xóa bỏ hận thù

"Máu ăn thua" như nhà giáo Đinh Kim Phúc nói được dẫn chứng khá rõ trong phương châm đấu tranh của lực lượng 47 (là lực lượng đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội trên không gian mạng trong quân đội) ‘một mất một còn với các thế lực thù địch’.

Cùng quan điểm với nhà giáo Đinh Kim Phúc, Giáo sư Mạc Văn Trang chia sẻ thêm :

"Trước hết là đất nước Việt Nam mình trải qua hết cuộc chiến tranh này đến của chiến tranh khác. Mà trong chiến tranh thì người ta phải dùng bạo lực để tiêu diệt quân thù một mất một còn. Cho nên những cái đó là ảnh hưởng đến tâm lý rất sâu sa của người dân. Về mặt tâm lý học thì tất cả những cái mà người ta đã trải qua bằng bạo lực, bằng hành động, bằng lời nói, bằng cái suy nghĩ muốn trả thù, lòng căm thù thì tất cả những cái đó nó đều chìm vào trong vô thức.

Thứ hai là trong cái thể chế, cái chế độ này thì toàn là đấu tranh. Suốt từ thời cải cách ruộng đất cho đến đấu tranh nhân văn giai phẩm, đấu tranh cải tạo tư sản rồi bây giờ đấu tranh với các thế lực thù địch. Thì cái bạo lực đó nó thể hiện trên tất cả các mặt.

Thế cho nên từ trong bản chất của chính quyền, của cái chế độ nó mang tính đấu tranh giai cấp chuyên chính vô sản. Luôn luôn dùng bạo lực không có những cái đấu tranh phi bạo lực. Cái đó nó ảnh hưởng đến toàn bộ tâm lý xã hội từ trong gia đình, từ trong nhà trường, trong xã hội và điều đó là cái rất đáng lo ngại bởi vì nó lắng xuống rồi nó lại bùng lên".

Do đó, theo Giáo sư Trang, để giải quyết tình trạng bạo lực như hiện nay, phải có một xã hội dân sự. Phải bỏ bớt những từ sử dụng với dân đầy tính bạo lực như "cưỡng chế" ; "thù địch" ; "đấu tranh một mất một còn"… và điều quan trọng là phải giải quyết mọi chuyện với dân bằng đối thoại. Ông kết luận :

"Không thấy có một cái giải pháp gì ở cái tầm vĩ mô hết. Để mà giải quyết được thì tôi nghĩ vấn đề căn cơ nhất là bản chất của chế độ mình phải làm sao cho nhân văn, tình thương, lẽ phải, sống hiền hòa".

Tại Việt Nam, ngoài bạo lực học đường, bạo lực từ những va chạm ngoài xã hội, còn một loại bạo lực đến từ sự lạm dụng quyền hành của lực lượng thi hành công vụ như cảnh sát, an ninh.

Có thể nêu ví dụ, chiều 26 tháng 4 năm 2022, một đoạn clip được đăng trên mạng xã hội ghi lại cảnh một cảnh sát giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh có hành động ôm, quật ngã một người đàn ông điều khiển xe máy trên đường. Viên cảnh sát sau đó đã dùng chân đạp vào mặt người đàn ông này.

Cảnh sát giao thông là một trong những lực lượng nghiệp vụ thuộc hệ thống tổ chức bộ máy của lực lượng Công an nhân dân. Tuy nhiệm vụ chính là bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhưng theo Thông tư 65 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 5 tháng 8 năm 2020, lực lượng CSGT được trang bị thêm một số vũ khí, công cụ hỗ trợ như : Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay, dùi cui điện, áo giáp và còng số 8.

Nguồn : RFA, 01/03/2023

*************************

Chủ tịch xã giết hổ nấu cao hổ bị tuyên án tù ba năm

RFA, 01/03/2023

Nguyên Chủ tịch xã Tiên Phong, thành phố Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) vừa bị Tòa án Nhân dân tỉnh tuyên án ba năm tù về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.

vn3

Công an khám xét hiện trường nhà ông Ngô Văn Quân ở Thái Nguyên hồi tháng 1/2022 - TTXVN via SGGP

Ông Ngô Văn Quân (52 tuổi) bị công an tạm giữ hồi tháng 1 năm ngoái sau khi Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thái Nguyên và Công an thị xã Phổ Yên phát hiện và bắt quả tang gia đình ông này đang giết mổ một con hổ.

Ngoài ra, công an cũng phát hiện trong bếp ăn của nhà ông này có một bộ xương hổ, hai bộ da hổ, một đầu sơn dương đông lạnh và các loại xương, thịt động vật.

Tòa án Nhân dân TP Phổ yên cũng tuyên án hai đồng phạm khác là Nguyễn Văn Nam (28 tuổi, ngụ huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) nhận mức án 15 tháng tù cho hưởng án treo và Nguyễn Văn Thắng (43 tuổi, ngụ TP Phổ Yên) 12 tháng tù cho hưởng án treo.

Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế xác định hổ gần như tuyệt chủng ở Việt Nam. Thống kê của tổ chức này vào năm 2015 cho thấy số lượng hổ ngoài tự nhiên ở Việt Nam hiện chỉ còn dưới năm cá thể.

Nguồn : RFA, 01/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 242 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)