Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

10/03/2023

Làm được không : tự nguyện tinh giản biên chế, tôn trọng sự thật lịch sử ?

RFA tiếng Việt

Đề xuất cán bộ bị kỷ luật 'tự nguyện tinh giản biên chế' : nực cười và phi thực tế !

RFA, 10/03/2023

Bộ Nội vụ vừa đề xuất cán bộ, công chức bị kỷ luật 'tự nguyện tinh giản biên chế'. Đề xuất vừa nói được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu lên trong tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định số 108, 113 và 143 về chính sách tinh giản biên chế, được truyền thông nhà nước đăng tải hôm 9/3/2023.

Cụ thể, Bộ Nội vụ đề nghị bổ sung trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức... trong thời gian bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, thì ‘tự nguyện’ thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan trực tiếp quản lý đồng ý...

bienche1

Đội ngũ tham gia phục vụ Đại hội Đảng 13 ở Hà Nội hôm 29/1/2021 (minh họa). AFP Photo

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, trước khi về hưu là cán bộ Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng, hôm 10/3 cho RFA biết ý kiến về đề xuất này :

"Đọc tờ của bài báo tôi thấy nó hơi nực cười, tôi thấy chữ tự nguyện rất không phù hợp tình hình hiện nay, bởi vì hai lý do. Ở đây ta đang bàn về đội ngũ cán bộ công chức, thứ nhất bản thân họ không phải là những người thượng tôn pháp luật, không thực hiện pháp luật, không tin vào pháp luật một cách triệt để".

Ông Trí dẫn chứng một ví dụ tại cơ quan cũ của bà Bộ trưởng Bộ nội vụ đương nhiệm là bà Phạm Thị Thanh Trà, ở Yên Bái... khi bà Trà đang là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh đã xảy ra sự việc một cán bộ đảng viên không tin vào pháp luật, đã dùng súng bắn chết Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, rồi tự sát. Ngoài ví dụ về việc cán bộ không thượng tôn pháp luật, Cựu Trung tá Vũ Minh Trí còn cho rằng vấn đề đạo đức cán bộ cũng xuống cấp trầm trọng :

"Cán bộ xuống cấp trầm trọng về đạo đức được thể hiện rất rõ. Vừa qua, những thành phần được coi là yêu cầu đạo đức rất cao trong xã hội là thầy giáo và thầy thuốc thì đi tù hàng loạt, chưa nói các cán bộ khác dính đến tiền bạc. Thậm chí hồi năm 2017 có vị còn đề nghị thành lập một Viện đạo đức học trong Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, để giảng dạy về đạo đức học và chuẩn mực đạo đức trong đảng. Có nghĩa là nó đã xuống cấp đến mức đấy. Cho nên trong bất cứ việc gì ở xã hội này, không chỉ tinh giản biên chế, thì kỳ vọng vào sự ‘tự nguyện’ của cán bộ là rất buồn cười".

Cũng theo tờ trình gửi Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, đối với trường hợp cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt trình độ đào tạo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ... Bộ nội vụ đề nghị chỉ áp dụng quy định này đối với công chức, viên chức ; Nhưng lại không đặt vấn đề tinh giản biên chế đối với cán bộ chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ (!?).

Liên quan vấn đề này, Cựu Trung tá Vũ Minh Trí cho rằng bất hợp lý, không công bằng :

"Cán bộ công chức viên chức thì thực ra cũng là những người lao động, nếu xử lý theo luật lao động có lẽ là đủ, không cần phải ra thêm một nghị định hay một chính sách gì khác. Tinh giản biên chế sẽ rất đơn giản giống như các doanh nghiệp. Xem kỹ dự thảo này, có nhiều điểm bất hợp lý ví dụ như có một điểm trong dự thảo của họ với những trường hợp chưa đạt trình độ đào tạo tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ đối với vị trí đang làm gì thì chị áp dụng tinh giản biên chế đối với công chức viên chức mà không áp dụng đối với cán bộ có nghĩa có sự phân biệt đối xử rất bất hợp lý tại sao công chức viên chức không đủ tiêu chuẩn thì tinh giản còn cán bộ không đủ tiêu chuẩn thì vẫn được giữ lại trong khi đấy cán bộ thường là những người lãnh đạo giữ vị trí chủ chốt thì càng đòi hỏi nghiêm ngặt về mặt tiêu chuẩn hơn điều này sẽ tạo ra tình trạng trường hợp đặc biệt mà hoặc đặc quyền đặc lợi tốt hay là không hợp lý thế nên tôi thấy rằng nói chung đặt cả về mặt tư duy lẫn nội dung cụ thể mặc dù tôi chưa có toàn văn dự thảo nghị định thì ta vẫn thấy nghị định này có nhiều vấn đề không hợp lý".

Đây không phải lần đầu tiên giới cầm quyền Việt Nam nêu lên vấn đề này. Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam vào cuối tháng 11 năm 2022 thông qua truyền thông Nhà nước kêu gọi cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút thì nên tự nguyện xin từ chức. Bài viết dẫn chứng một cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy Ninh Bình sau khi bị cảnh cáo vì vi phạm đã chủ động xin từ chức. Hay trường hợp Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng được cho là đã có hành động tương tự.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp báo khi đó cũng cho rằng : "Nếu cán bộ thấy có khuyết điểm, từ chức thì như vậy sẽ nhẹ nhàng hơn và cũng không mất hết các chức vụ".

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 10/3 khi nhận định với RFA về việc này cho rằng, ai cũng biết là để xin được một chân vào làm trong chính quyền thì phải có đút lót và thân thế. Một khi có chân vào trong cơ quan chính quyền rồi thì không ai muốn ra cả. Họ chỉ bị ra khi vi phạm quá nhiều và bị đuổi. Cho nên theo ông Vũ, chuyện nói rằng ai có khuyết điểm bị kỷ luật phải tự nguyện đi ra khỏi hệ thống thì không có giá trị về mặt thực tế, ngoại trừ việc nói cho vui, vì với những phúc lợi mà chức vụ mang lại và công sức đã bỏ ra để nhận được vị trí đấy thì không ai dễ dàng tự nguyện đi ra cả.

Một vấn đề nữa theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ là trong một hệ thống vốn đã mục ruỗng, khi mà hầu như mọi người đều cố tìm cách để vun vén lợi ích cho mình thì họ nhìn quanh đều thấy các đồng nghiệp của mình ai cũng có khuyết điểm ít nhiều, mắc sai phạm nhiều hay ít. Cho nên ông Vũ cho rằng, thật là bất công khi mà mình tự nguyện từ chức còn các đồng nghiệp cũng mắc sai phạm, dù có thể chưa bị cảnh cáo, vẫn còn ngồi đó. Ông Vũ nói tiếp :

"Chuyện tinh giản biên chế là chuyện phải làm một cách nhanh chóng vì nó liên quan đến ngân sách vốn đã cạn kiệt và cả vì nguyên tắc sống còn của chế độ. Một hệ thống quá nhiều người vận hành, ai cũng đói, cũng cố muốn rút ruột, thì hệ thống đó sớm muộn gì cũng sập.

Về nguyên tắc, để tinh giản biên chế thì người ta bỏ bớt người không có khả năng, giữ lại người có khả năng xử lý công việc.

Mà để biết ai có khả năng đảm trách công việc thì chỉ có cấp trên trực tiếp, tức sếp".

Nhưng trong hệ thống của chính quyền hiện nay, theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, người trên đưa người dưới vào để họ nhận tiền bán ghế, thì rất khó có chuyện người trên gợi ý người dưới nên tự nghỉ việc hay đuổi người dưới, nếu họ không mắc những tội nghiêm trọng. Một hệ thống bao che như vậy do đó theo ông Vũ, không có khả năng tự tinh giản biên chế, thậm chí nó chống lại việc tinh giản biên chế vì biên chế càng ít thì cấp trên càng ít thu nhập từ bán chỗ. Ông Vũ nhận định thêm :

"Đó là chưa kể trong cơ quan chính quyền còn tồn tại một cơ quan đảng song hành mà việc loại bỏ biên chế một cá nhân thì ít nhiều phải có sự can thiệp của các cơ quan đảng bộ.

Nói như vậy để thấy rằng trong chế độ hiện tại rất khó để mà tinh giản biên chế".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, tinh giản biên chế chỉ diễn ra một khi Việt Nam có dân chủ và một đảng khác lên lãnh đạo, họ không có dây mơ rễ má gì nhiều với những người trong hệ thống cơ quan chính quyền và lúc này họ mới có thể mạnh tay thay đổi bộ máy cơ quan chính quyền bằng cách đưa những người kém ra và tuyển những người có khả năng vào.

Nguồn : RFA, 10/03/2023

**************************

Hà Nội có thực sự tôn trọng sự thật lịch sử ?

RFA, 09/03/2023

"Việt Nam chủ trương gác lại quá khứ, hướng tới tương lai nhưng không có nghĩa là phủ nhận sự thật. Trên tinh thần Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam đề nghị phía Hàn Quốc nhận thức đúng đắn và tôn trọng sự thật lịch sử, khuyến khích các hành động thiết thực, hiệu quả nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần và củng cố tăng cường tình hữu nghị và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, cũng như nhân dân hai nước".

bienche02

Người dân Hà Nội tưởng niệm chiến sĩ hải quân tử vong trong cuộc tấn công của Trung Quốc ở Hoàng Sa - AFP

Đó là phát biểu của Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 9 tháng 3 năm 2023, liên quan việc Chính phủ Hàn Quốc kháng cáo phán quyết của tòa án về việc bồi thường cho một nạn nhân Việt Nam trong vụ thảm sát ở Quảng Nam năm 1968.

Một học giả không muốn nêu tên ở Hà Nội nêu quan điểm của ông với RFA ngay sau khi nghe phát biểu của bà Phạm Thu Hằng trên TV tối ngày 9 tháng 3 :

"Bà Hằng nói phải tôn trọng sự thật trong trường hợp này là cuộc chiến Việt Nam, kết thúc vào ngày 30/4/1975. Vậy với những cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc thì sao ?

Nếu muốn bảo vệ sự thật là luôn luôn công bố về sự thật lịch sử thì phải công nhận sự thật lịch sử của tất cả các cuộc chiến tranh và các cuộc xâm lược Việt Nam của Trung Quốc từ trên đất liền lẫn biển, đảo.

Không phủ nhận sự thật là phải đưa hết sự thật của lịch sử vào sách giáo khoa để những thế hệ sau biết. Không viết lịch sử theo ý muốn của "Bên thắng cuộc". Phải nhắc lại lịch sử cho đúng để tôn vinh và tưởng nhớ công lao và xương máu của các anh hùng liệt sĩ, chứ đâu phải nhắc lại để khơi dậy lòng thù hận. Việt Nam là một nước nhỏ bên cạnh Trung Quốc. Nhưng như thế không có nghĩa cố tình lãng quên lịch sử".

Vị học giả này nói thêm, lịch sử của một dân tộc mà được viết sao cho phù hợp với đường lối, chính sách của đảng và nhà nước thì không thể là lịch sử đúng nghĩa. Làm như thế là thay đổi quá khứ của dân tộc chứ không hề tôn trọng sự thật lịch sử.

"Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai không có nghĩa là xóa nhòa lịch sử và chân lý" cũng là lời khẳng định của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng được báo Quân đội nhân dân Điện tử dẫn lại trong phỏng vấn về hòa giải, hòa hợp dân tộc cách đây ba năm.

Nhiều người cho rằng, đây là chủ trương được Đảng và Nhà nước Việt Nam đưa ra, nhưng thực tế thì không hẳn như vậy. Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn nói với RFA :

"Chủ trương này thì các cơ quan truyền thông chính thức của Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam nói rất nhiều, và người dân trong nước học rất thuộc. Người ta nghĩ rằng, bề ngoài của chủ trương này thì có vẻ rất là nhân văn, rất là cởi mở, rất là cao thượng. Nhưng trên thực tế, các cơ quan truyền thông trong nước như TV, báo giấy, báo điện tử lại vặn hết công suất để khơi dậy cái hận thù để cho người dân Việt Nam hiểu rằng, nước Mỹ là kẻ thù không đội trời chung đã gây ra cuộc chiến tranh trước đây ở Việt Nam. Như vậy là lời nói của các cơ quan truyền thông trong nước không đi đôi với việc làm. Nó khác hoàn toàn với phía Mỹ và cả phía những đồng bào trước đây ở bên kia chiến tuyến, là chính thể Việt Nam Cộng Hòa.

Lịch sử đã diễn ra là sự thật. Dù miền Bắc cộng sản hay miền Nam Việt Nam Cộng Hòa cũng đều phải tôn trọng. Tuy vậy, những ai mà nói ra sự thật đều bị sách nhiễu. Nặng thì có thể bị khởi tố, bị bắt giam, bị tù".

bienche3

Người biểu tình phản đối Trung Quốc ở gần Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội hôm 19/6/2011 (minh hoạ). AFP

Lịch sử luôn luôn được viết bởi những con người đang phục vụ cho một thế chế chính trị, do đó, tính khách quan khi viết sử cũng còn khá hạn chế. Điều này được sử gia Dương Trung Quốc khẳng định với RFA vào năm 2017, khi nhóm ông - do Giáo sư Phan Huy Lê chủ trương - thực hiện công trình nghiên cứu để viết một bộ Quốc sử. Ông giải thích thêm :

"Chúng tôi nghĩ rằng là ai nói đến lịch sử cũng thường nói đến yếu tố là tính khách quan, thậm chí là phi chính trị. Nhưng tôi cho rằng đó chỉ là một yếu tố mang tính tương đối thôi, bởi vì làm sao có thể khách quan được khi do một nhóm người rất cụ thể viết ra và nhất là trong những chế độ do nhà nước chỉ đạo".

Với thực tế đó, nhiều người không tin Hà Nội tôn trọng sự thật lịch sử như chủ trương họ đưa ra. Luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada nêu nhận định của ông với RFA :

"Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì nhưng một nửa sự thật không thể là sự thật. Đã từng có một đảng viên cao cấp của ĐCSVN nói rằng ông ta không biết ngày 17 tháng 02 năm 1979. Và ngay cả Chính phủ Việt Nam hiện nay vẫn cố tình làm nhẹ đi ý nghĩa của ngày này trong lịch sử nước ta.

Dường như Việt Nam có chuẩn kép trong chính sách đối ngoại ?

Nếu Việt Nam thật lòng chủ trương gác lại quá khứ hướng về tương lai và tôn trọng sự thật lịch sử thì Việt Nam nên làm hòa với chính nhân dân mình. Và, quan trọng nhất là tinh thần bao dung. Hãy thông cảm và chia sẻ với những khó khăn của người khác khi họ phải lấy những quyết định có tầm quốc gia. Không ai có thể thay đổi lịch sử nhưng tất cả chúng ta đều có thể làm nên lịch sử.

Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, tôi đề nghị Chính phủ Việt Nam nên nhận thức đúng đắn về bài học lịch sử của đất nước trong thế kỷ XX, để từ đó mới có thể có những đường lối, chủ trương và nguyên tắc đúng đắn trong đối ngoại, giúp đất nước phát triển tự do, dân chủ, thịnh vượng và bạn bè năm Châu bốn biển tôn trọng những giá trị của chúng ta hơn".

Việc không đưa đầy đủ các sự kiện lịch sử vào sách giáo khoa, hoặc bưng bít sự thật lịch sử khiến nhiều người lo ngại rằng, thế hệ trẻ không biết sự thật, không phân biệt được đúng sai. Điều đó ảnh hưởng đến tinh thần bảo vệ đất nước nếu có chiến tranh xâm lược.

Tháng 8 năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Hội Khoa học Lịch sử đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về dạy học lịch sử trong trường phổ thông Việt Nam. Rất nhiều ý kiến đã đặt thẳng vấn đề dứt khoát phải đưa lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa vào trong chương trình sách giáo Lịch Sử khoa phổ thông.

Đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đưa vấn đề Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa các cấp học với nội dung, mức độ, phạm vi và hình thức phù hợp khi triển khai xây dựng Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đến nay, trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 10 đến lớp 12 (ở cả hai ban Cơ bản và Nâng cao) không có nội dung nào đề cập đến vấn đề thực trạng Hoàng Sa và Trường Sa liên quan Trung Quốc.

Nguồn : RFA, 10/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 287 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)