Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

08/03/2023

Những khó khăn của giáo viên, công nhân và bảo hiểm xã hội

RFA tổng hợp

Hợp thức hóa dạy thêm do không thể tăng lương cho giáo viên ?

RFA, 08/03/2023

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn mới đây khẳng định, sẽ tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, sau đó sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm cho phù hợp thực tế.

khokhan1

Ảnh minh họa một học sinh đang học bài - AFP

Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường là vấn đề lớn được xã hội quan tâm từ mấy chục năm qua với nhiều ý kiến trái chiều. Một số giáo viên cho rằng, mức lương giáo viên từ nhiều năm qua không đủ sống, nếu không dạy thêm thì không đủ tiền trang trải chi phí cho gia đình.

Có giáo viên lại cho rằng, chương trình trong sách giáo khoa quá nặng, những giờ dạy chính khóa không đủ để truyền tải hết cho học sinh. Học sinh muốn hiểu cặn kẽ thì phải học thêm. Ngành giáo dục không có giải pháp để giải quyết tận gốc nên phải tìm cách hợp thức hóa chuyện dạy thêm. Thầy giáo Ngọc Sơn ở Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm của ông với RFA :

"Cấm dạy thêm thì nói chung là không thể, bởi vì cái đó thực ra là nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Nhu cầu đó từ đâu ra ? Từ những công việc của mấy ông viết sách. Mấy ổng tạo ra cái nhu cầu đó. Bây giờ sách vở họ viết rất là nặng nề. Nó tạo ra một áp lực rất lớn cho học sinh và giáo viên, cho nên thời gian chuyển tải trong lúc ở trên lớp, một tiết học bốn mươi lăm phút không thể chuyển tải hết được. Vì thế phải dạy thêm và bây giờ họ làm như thế là hợp thức hóa chuyện dạy thêm, học thêm".

Những chuyên gia giáo dục mà RFA trò chuyện đều cho rằng, trước năm 1975 không có chuyện học sinh phải học thêm sau giờ học như bây giờ. Đây không phải là lỗi của giáo viên hay lỗi của học sinh. Lỗi là ở ngân sách cho ngành giáo dục quá thấp. Việc hợp thức hóa hoạt động dạy thêm không là giải pháp tốt.

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, phải cải cách được tận gốc ngành giáo dục để làm sao cho thầy cô đủ lương và tận tâm với giờ dạy chính thức. Dạy học sinh đừng tính đến chuyện dạy thêm. Ông phân tích thêm vào sáng 8/3/2023 :

"Sự thực thì đây là giải pháp nửa vời. Một giải pháp tận gốc cho vấn đề này không thể tìm ra được khi mà thu nhập của thầy cô vẫn cứ thấp ; khi mà đại đa số người nghèo vẫn cứ phải học trường công. Chính vì vậy và nó gần như là một thực trạng chưa tìm được giải pháp. Quan điểm chắc chắn của tôi là phải lập lại được như ngày xưa. Tức là thầy cô ăn lương đủ sống để dạy trong giờ học chính thức. Đừng có chuyện dạy thêm. Việc cho phép dạy thêm sẽ dẫn tới chuyện người ta dạy giờ chính không nhiệt tình để tâm sức dạy thêm thì mới kiếm đủ tiền. 

Tuy vậy, Nhà nước cũng phải nhìn vào một thực tế không khác được là chất lượng học sinh thì có kém ; thu nhập của thầy cô thì rất là thấp. Chính vì vậy mới tìm cách đưa dạy thêm như một hoạt động nhưng phải chịu một số cái điều kiện quản lý nhất định".

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo từng thừa nhận với báo chí nhà nước rằng, dù đã có quy định cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học. Còn với cấp trung học thì không để xảy ra tình trạng giáo viên dạy thêm chính học sinh của lớp mình. Nhưng không thực hiện được.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lúc đương chức cũng từng cho rằng, việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu, nguyện vọng của nhiều học sinh và giáo viên nên chỉ cấm dạy thêm một cách tràn lan, không đúng mức, như cố tình đưa chương trình học chính vào học thêm.

Giáo sư Mạc Văn Trang thì có quan điểm khác. Ông nói với RFA sáng ngày 8/3/2023 :

"Rất xấu. Tôi đã nhiều lần nói rằng, đi học thêm là phải tự nguyện và tổ chức ở ngoài nhà trường mà xã hội nào cũng có. Tức là nhà trường đã dạy rồi thì không phải học thêm nữa. Muốn học thêm thì ra các trung tâm ngoài xã hội, ngoài cộng đồng học các lớp dạy tiếng Anh, dạy võ, dạy toán lý hóa hay khoa học kỹ thuật, sáng tạo gì đó. Ai thích thì đi, học theo yêu thích, học theo năng khiếu, học theo sở trường thì học sinh mới say mê. Đằng này, hợp thức hóa dạy thêm thì dễ sinh tiêu cực, cả lớp phải đi học thêm thì nó rất vô lý, rất phản khoa học, phản giáo dục.

Nếu giáo viên sống được nhờ lương thì đâu có ai muốn đi dạy thêm làm gì. Ép học sinh học thêm để mình kiếm tiền thì xấu hổ với học sinh, xấu hổ với cha mẹ học sinh, xấu hổ với xã hội. Nhưng đáng buồn là những cái xấu hổ đó dần dần nó quen. Nó trở thành trơ lỳ đi"

Nhà giáo Mạc Văn Trang nhận định, ban đầu, việc dạy thêm, học thêm ở trong trường xuất phát từ việc giáo viên thấy học sinh nào giỏi thì bồi dưỡng học sinh giỏi ; học sinh nào kém thì cho học phụ đạo. Giáo viên coi đó là nhiệm vụ của mình và không lấy tiền.

Dần dần chuyện phụ đạo biến tướng thành dạy thêm, học thêm. Nó khiến cho việc chính giáo viên dạy học sinh của mình xong rồi lại dạy thêm chính học sinh của mình. Nó trở thành chuyện tiêu cực, chuyện rất không hay mà người ta nói vui là làm nghề nào "ăn" nghề đó. Thầy giáo "ăn" vào học sinh của mình.

Mấy năm qua, cử tri của các địa phương cũng gửi tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo việc đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đồng tình với đề xuất này.

Thực tế lâu nay cho thấy vấn đề gì Chính phủ Hà Nội không quản được thì cấm. Bây giờ quản không được thì hợp thức hóa.

Nguồn : RFA, 08/03/2023

****************************

"Chỉ được rút 50% bảo hiểm xã hội" khiến dân lo !

RFA, 07/03/2023

Bộ Lao động, thương binh và xã hội đề xuất không cho rút bảo hiểm xã hội một lần quá 50% tổng thời gian đóng quỹ hưu trí và tử tuất nhằm bảo đảm an sinh cho người lao động khi về hưu, tránh tạo gánh nặng lên hệ thống an sinh xã hội.

khokhan2

Bộ Lao động, thương binh và xã hội đề xuất không cho rút bảo hiểm xã hội một lần quá 50% tổng thời gian đóng quỹ hưu trí và tử tuất

Cụ thể, phương án thứ nhất là giữ nguyên quy định người lao động đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tự nguyện thì được rút bảo hiểm xã hội một lần. Phương án hai là mức nhận tối đa của người lao động khi rút bảo hiểm xã hội một lần là 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Căn cứ Luật bảo hiểm xã hội 2014, người lao động phải đóng 8% mức tiền lương hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong khi doanh nghiệp phải đóng góp 14% vào quỹ này.

Nhận định với truyền thông Nhà nước, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội - cho rằng, nếu rút bảo hiểm xã hội một lần, ban soạn thảo có thể nghiên cứu chỉ cho người lao động được rút 8% mà bản thân đóng.

Bộ Lao động, thương binh và xã hội thì cho rằng, cần khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thay vì nhận một lần.

Một số người dân phản ứng trên báo chí Nhà nước rằng : "Phần trăm của người lao động đóng hay phần trăm của doanh nghiệp đều là tiền do người lao động làm ra, chứ doanh nghiệp lấy ở đâu ra mà đóng. Nếu chỉ cho rút phần của người lao động đóng thì nên chấm dứt việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, mà hãy để người lao động và doanh nghiệp tự thỏa thuận" ; "Người ta nghỉ việc thì cần vốn làm ăn, rút phân nửa thì làm được gì ! Tiền của người ta đóng vào, giờ thì người ta có quyền rút ra chứ".

Trao đổi với RFA, bác sĩ Đinh Đức Long, nêu quan điểm của ông :

"Họ làm như thế có thể do quỹ bảo hiểm vỡ hoặc không còn đủ tiền chi trả cho người lao động.

Lương của người lao động mỗi tháng trích ra đóng bảo hiểm xã hội, khi hết tuổi lao động họ sẽ được hưởng lương hưu. Về nguyên tắc, đó là tiền của người lao động. Anh dựa vào cơ sở pháp lý nào, hay là ý muốn chủ quan của anh mà có thể chiếm đoạt lương của người lao động như thế. Người ta rút hết tức là người ta sẽ không được hưởng lương hưu trong tương lai.

Luật quy định, sau bao nhiêu năm đóng bảo hiểm xã hội, đến khi về hưu bắt đầu nhận lương hưu đến suốt đời. Nếu họ rút hết thì sau này họ không được hưởng thôi. Tiền của người lao động trích từ lương thì về nguyên tắc, họ có toàn quyền trên đồng tiền của họ. Nếu người ta không tin có thể sống đến già, hay không tin đồng tiền sẽ không trượt giá, mất giá thì họ có quyền rút hết ra".

Luật sư Đặng Trọng Dũng chuyên về các vụ án luật lao động và từng công tác tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh nêu nhận xét của ông với RFA :

"Luôn luôn phải nghĩ đó là tiền của mình. Họ lấy số tiền đó đầu tư vào những quỹ hoặc mua trái phiếu để quỹ bảo hiểm sinh sôi và người lao động về hưu sẽ được hưởng. Thế nhưng, với khả năng đầu tư có thể không giỏi của mấy ông bảo hiểm cho nên người lao động họ cân nhắc.

Bây giờ sau dịch Covid, công việc khó khăn, người lao động muốn có một số tiền lớn trước mắt để họ làm việc gì đó, cho nên họ quên luôn chuyện họ mất tiền hưu sau này".

Điều lo lắng của người lao động về quỹ bảo hiểm xã hội bị vỡ, hay không đủ tiền chi trả vì đầu tư không hiệu quả, không phải là không có cơ sở.

Hôm 2 tháng 8 năm 2012, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Hà Nội công bố báo cáo "Đánh giá và dự báo tài chính quỹ hưu trí của Việt Nam", trong đó kêu gọi cải cách chế độ hưu trí tại Việt Nam trong bối cảnh Quỹ Bảo hiểm Xã hội được dự báo sẽ sớm không còn khả năng chi trả lương hưu. Báo cáo này được ILO thực hiện theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam với sự cộng tác của Bộ Lao động - Thương binh - xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê.

Chuyên gia của ILO tại Việt Nam Carlos Galian lúc bấy giờ cho biết : "Quỹ lương hưu sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2020 và sẽ hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2029. Đây sẽ là một thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam".

Đến tháng 5 năm 2014, ILO dự báo, với các chính sách hiện hành, đến năm 2021, quỹ bảo hiểm xã hội của Việt Nam sẽ mất cân đối thu chi, buộc phải lấy từ nguồn kết dư để chi trả. Tuy nhiên, đến năm 2034, phần kết dư này cũng không còn, dẫn đến khả năng vỡ quỹ và khi đó, người lao động sẽ không nhận được lương hưu. Tuy nhiên, thực tế khả năng vỡ quỹ bảo hiểm xã hội có thể xảy ra sớm hơn.

Bà Hồng Lan, Phó giám đốc một doanh nghiệp nước ngoài ở Thành phố Hồ Chí Minh, nói với RFA nguyên nhân Bộ Lao động, thương binh và xã hội đề xuất chỉ cho rút 50% bảo hiểm xã hội một lần :

"Khi dân số tăng, lượng người lao động tăng, thậm chí có sự biến động trong xã hội thì họ phải đổi luật. Ví dụ, ngày xưa thời bao cấp, người ta làm việc ở một nơi ổn định lâu dài. Bây giờ người lao động nhảy hết công ty này đến công ty khác, công ty bảo hiểm phải chi trả tiền thất nghiệp cho người ta. Do đó, họ phải điều chỉnh. Như vậy theo tôi là đúng.

Xã hội nào mà chả có tiêu cực. Những nước đang trên đà phát triển, đang thay đổi thì càng nhiều tiêu cực. Thêm vào đó, công ty bảo hiểm lấy tiền đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, đầu tư công sẽ bị hệ lụy nếu xã hội tiêu cực, nhiều biến động. Do đó họ phải đổi luật không cho rút ra hết 100% mà chỉ cho 50% thôi".

Cách đây vài năm, một loạt cán bộ liên quan quỹ bảo hiểm xã hội bị tù, gồm các ông Lê Bạch Hồng (nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) ; Nguyễn Huy Ban (nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) và Nguyễn Phước Tường (nguyên Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính của bảo hiểm xã hội Việt Nam). Tất cả bị tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Nguồn : RFA, 07/03/2023

***********************

Công nhân chật vật vì mất việc, cán bộ sợ trách nhiệm không dám giải ngân ?

RFA, 06/03/2023

Trong khi hơn 60.000 công nhân mất việc làm ngày trước và sau Tết nguyên đán 2023 phải đối mặt với nhiều khó khăn, các gói hỗ trợ bị đánh giá là giải ngân rất chậm do cán bộ sợ chịu trách nhiệm.

khokhan3

Công nhân một nhà máy sản xuất giày thể thao vào tháng 9/2020. Reuters

Người lao động khó tìm việc mới

Ông T., một công nhân từng làm việc cho Pou Yuen 16 năm, vừa nhận quyết định thôi việc hồi cuối tháng hai vừa qua. Ông nói với RFA rằng không có việc làm khiến hoàn cảnh gia đình ông trở nên khó khăn hơn nhiều. Tình hình kinh tế hiện nay làm ông T. loay hoay mãi cũng chưa tìm được công việc mới. Trong khi số tiền trợ cấp nghỉ việc chỉ đủ để ông trả số nợ mà ông phải vay mượn từ những năm khó khăn do dịch Covid :

"Hiện tại tôi đang ở quê, chưa tìm được công việc mới. Hoàn cảnh cũng khó khăn vì đâu có dễ để tìm được công việc trong thời điểm này. Chắc tôi tìm một công ty khác làm chứ tiền trợ cấp và bảo hiểm không đủ để tự kinh doanh gì cả".

Chị N., có thâm niên 13 năm làm việc trong công ty Pou Yuen bị cho nghỉ việc từ hôm 25/2. Tuy nhiên, chị N. cho biết số tiền trợ cấp nghỉ việc mà công ty chi trả, cộng với bảo hiểm thất nghiệp cũng đủ để chị về quê kinh doanh nhỏ :

"Công ty nói lý do là ít đơn hàng quá cho nên phải giảm bớt số lượng công nhân. Năm nay nhận được 80% lương cơ bản nhân với số năm làm việc. Nói chung là tiền trợ cấp thất nghiệp cũng đủ để trang trải, mở một quán nước nhỏ".

Luật gia Trịnh Khánh Ly, chuyên nghiên cứu về tình hình lao động Việt Nam cho biết 83% trong số lao động bị nghỉ việc tại Pou Yuen là nữ. Độ tuổi nghỉ việc chiếm đa số là trên 40 tuổi. Đây là những đối tượng lao động sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm khác phù hợp.

Thông tin giảm cắt giảm lao động do Pou Yuen đưa ra ngay sau Tết nguyên đán Quý Mão với lý "rất ít đơn hàng sản xuất trong năm 2023".

Cán bộ sợ sai

Con số rất lớn người lao động bị mất việc diễn ra trước và sau tết không chỉ ở Công ty Pou Yuen mà còn tại nhiều doanh nghiệp FDI thuộc ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử... tập trung tại các tỉnh phía Nam do thiếu đơn hàng sản xuất.

Trong năm 2022, Bộ Lao động, thương binh và xã hội ghi nhận có hơn 630.000 lao động trong nước bị mất việc làm hay bị giảm giờ làm.

Theo bà Khánh Ly, việc ban hành kịp thời các chính sách, chương trình an sinh xã hội để hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, nhất là những lao động bị mất việc làm, bị nợ bảo hiểm xã hội, bị "treo" bảo hiểm thất nghiệp là rất cần thiết.

Tuy nhiên, làm sao để các chính sách, chương trình này được thực hiện một cách hiệu quả, tránh tình trạng "có tiền mà không tiêu được" còn quan trọng hơn.

Bà Khánh Ly dẫn một bài viết được đăng trên Bloomberg nói rằng các cán bộ, công chức có thẩm quyền hiện đang khá dè dặt trong việc phê duyệt các dự án đầu tư.

"Tâm lý của các cán bộ, công chức cấp địa phương trở nên tồi tệ hơn khi phải phê duyệt các văn bản pháp luật và dự án do lo sợ bị dính líu đến các cuộc điều tra tham nhũng.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cũng cần phải đưa ra các biện pháp hợp lý trong việc thực hiện các chính sách, chương trình nhằm hỗ trợ cho người dân, người lao động và tránh tình trạng các cán bộ, công chức có thẩm quyền sợ sai, sợ vi phạm mà ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, chính sách hỗ trợ an sinh xã hội".

Tiến độ giải ngân thấp

Tình trạng chậm giải ngân các gói chính sách an sinh xã hội của Chính phủ Việt Nam diễn ra phổ biến ở nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Bà Khánh Ly nói :

"Thực trạng "có tiền mà không tiêu được" không chỉ diễn ra trong các dự án, chương trình đầu tư công mà còn phổ biến trong các dự án, chương trình liên quan đến an sinh xã hội nhằm hỗ trợ hỗ trợ cho người dân, người lao động, đặc biệt là từ khi dịch Covid bùng phát đến nay".

Bà Khánh Ly nêu ra rất nhiều chương trình đầu tư công và các chính sách an sinh xã hội đã được triển khai nhằm hỗ trợ người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhưng hiệu quả thực hiện của chúng không đạt được như mong đợi.

Điển hình như gói an sinh xã hội trị giá 61.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn và giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch Covid. Theo báo cáo của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, kết quả thực hiện của gói an sinh xã hội này chỉ đạt hơn 53%.

Tháng 3/2022, Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, gói hỗ trợ trị giá 6.600 tỷ đồng. Kết quả là cho đến nay mới giải ngân được khoảng 3.740 tỷ đồng, chiếm 56,7%.

Gói phục hồi kinh tế với tổng số ngân sách lên tới 347.000 tỷ đồng trong hai năm 2022-2023 được Quốc hội thông qua vào tháng 1/2022 nhằm đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid. Tuy nhiên, sau hơn một năm, tính đến hết tháng 1/ 2023 mới giải ngân được 80,8 nghìn tỷ đồng tới người dân, lao động, đạt mức khoảng 23%.

Tình trạng chậm giải ngân cũng diễn ra tại các chương trình cho vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội được ban hành vào tháng 4/2022. Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội, việc giải ngân chương trình này cho đến hết năm 2022 mới đạt khoảng 66.2%.

Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Lê Văn Thanh cũng thừa nhận rằng các cán bộ, công chức có thẩm quyền cũng lo ngại sợ sai và sợ trách nhiệm trong việc triển khai chính sách, và nhiều doanh nghiệp sợ bị thanh tra, kiểm tra và liên đới trách nhiệm nên không hợp tác trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người lao động nhận các gói hỗ trợ.

Điều này gây nên hậu quả là đời sống của người lao động, điển hình như ông T. và chị N. gặp vô vàn khó khăn, kéo dài suốt từ lúc dịch bùng phát cho đến nay. Cả gia đình chị N. chỉ có được bốn triệu đồng cho sáu tháng phong toả do dịch :

"Các gói hỗ trợ đó chưa có thiết thực với người dân. Ví dụ như nhà tôi, chồng tôi không được hưởng, con của tôi là sinh viên cũng không được nhận tiền. Nhà tôi phải thuê trọ mà chỉ nhận được bốn triệu đồng cho sáu tháng".

Ông T. cho biết mình chỉ nhận được ba triệu gói hỗ trợ tiền trọ còn tiền hỗ trợ Covid thì không được đồng nào. Do đó, ông cũng không còn tin các gói hỗ trợ từ Nhà nước :

"Thôi, tôi không trông chờ vào Nhà nước đâu, toàn nói không à ! Nói chung tôi muốn tìm một công việc mới ổn định để tự trang trải cho cuộc sống thôi".

Nguồn : RFA, 06/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 296 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)