Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

08/03/2023

Nhiều vấn đề khó giải quyết : người tài, báo chí, tuyên giáo và công an

RFA tổng hợp

Đảng có thể thu hút người tài thực sự ?

RFA, 08/03/2023

Bộ Chính trị hôm 7/3/2023 có thông báo số 50 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng, trong đó yêu cầu ban hành chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc trong cơ quan nhà nước.

dang1

Sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Việt Nam ngày 2/3/2020. Reuters

Theo Bộ Chính trị, việc thực hiện Nghị quyết 18 thời gian qua chưa đầy đủ, chưa gắn sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thu hút nhân tài. Một số chủ trương mới như chính sách tiền lương, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài vào làm việc trong hệ thống chính trị chậm được cụ thể hóa, một số cán bộ, công chức, viên chức có năng lực đã chuyển sang khu vực tư.

Nghị quyết số 18-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thu hút nhân tài… được ban hành ngày 25/10/2017. Tuy nhiên sau nhiều năm thực hiện, số nhân tài thu hút được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đơn cử như Thành phố Hồ Chí Minh qua năm năm thí điểm nghị quyết thu hút nhân tài, theo truyền thông trong nước, Thành phố Hồ Chí Minh thu hút được 19 nhà khoa học về làm việc, nhưng sau đó 14 người đã rời đi và ba năm qua không tuyển được chuyên gia nào.

Từ Sài Gòn, bác sĩ Đinh Đức Long - một trí thức từng công tác trong bộ máy Nhà nước, một đảng viên đã từ bỏ Đảng, hôm 8/3 nhận định :

"Chính sách này có từ lâu rồi, từ thời ông Hồ Chí Minh dựng nước đã thu hút nhân tài. Chính sách có nhưng triển khai cụ thể mỗi nơi mỗi khác và trên thực tế rất khó. Đầu tiên phải định nghĩa thế nào là nhân tài, tiêu chí nào để thu hút ? Đa số hiện nay Nhà nước thu hút bằng tiêu chí vật chất là chính, ví dụ trong ngành y ai về tỉnh sẽ được bao nhiêu tiền. Hỗ trợ vật chất cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn đối với nhân tài là môi trường làm việc, có phát huy được khả năng hay không, khi đề xuất có được ủng hộ hay không…".

Theo bác sĩ Đinh Đức Long, việc giữ được người tài phụ thuộc rất nhiều vào người lãnh đạo trực tiếp. Ông Long nêu ví dụ :

"Ví dụ anh là chuyên gia, nhưng nhà quản lý 100 % là đảng viên, người ta có sẵn sàng chấp nhận đề xuất hay không, điều đó phụ thuộc vào tâm và tầm của người quản lý. Thứ nhất người lãnh đạo có hiểu được đề xuất đó không ? Có muốn cấp dưới vượt mặt mình về chuyên môn không ? Rất khó, cho nên đây là câu chuyện nói vài chục năm nay nhưng trên thực tế rất hạn chế. Cụ thể như nhân tài từ nước ngoài về theo nghị quyết 36 thu hút nhân tài, những người đó không phải là đảng viên liệu có được phát huy không ?"

Bởi vì theo ông Long, trong bất cứ một tổ chức nhà nước nào ở Việt Nam đều theo chủ trương ở trên là Ban chấp hành trung ương của Đảng, đều làm theo nghị quyết của Đảng, dù có là nhân tài mấy đi nữa đều phải làm theo nghị quyết. Nhưng ông Long cho rằng, nhân tài Việt Kiều đấy không phải đảng viên thì sao được vô họp để đóng góp theo nghị quyết, kể cả vô họp thì chỉ là một phiếu chi bộ, cho nên thực tế là rất khó.

Dù Nghị quyết 18 của Trung ương về thu hút nhân tài không đạt được kết quả như mong muốn, nhưng Bộ Chính trị vẫn ra thông báo số 50 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết này. Theo thông báo số 50, Bộ Chính trị yêu cầu hoàn thành rà soát chức vụ theo phân cấp quản lý, ban hành bảng lương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở ; sửa mức phụ cấp chức danh…

Một công chức nhà nước, thầy giáo Đỗ Việt Khoa, giáo viên Trường Trung học Cơ sở Thường Tín – Hà Nội, hôm 8/3 cho biết ý kiến :

"Với tình hình chính trị của Việt Nam hiện nay thì theo tôi, thu hút nhân tài vào luôn luôn thất bại, nhân tài sẽ đi các cơ sở tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài. Bộ máy công chức Nhà nước chắc chắn họ không vào và nếu vào thì nhân tài đấy cũng bị thui chột, không thể phát huy được. Giải pháp tốt nhất là nhìn vào Trung Quốc, có thể nói mặc dù cùng thể chế, nhưng Trung Quốc nói và làm tôi thấy hiệu quả, nhân tài của họ đem lại rất nhiều lợi ích trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kỹ thuật cao, lĩnh vực công nghệ…".

Theo thầy Khoa, bộ máy hành chính Nhà nước Việt Nam thực sự là không có nhân tài, thầy Khoa nói tiếp :

"Bộ máy hành chính Nhà nước chỉ cần những người am hiểu một chút pháp luật, thượng tôn pháp luật, không tham nhũng, biết phục vụ, biết phụng sự, vì nhân dân và đất nước, lợi ích của mình đặt xuống bên dưới. Thế nhưng trong thực tế hiện nay, các công chức Nhà nước đang tìm cách kiếm cho mình đủ bằng tiến sĩ, thạc sĩ hay những cái tương đương để nâng lương, để ra oai với người dân… Chứ thực tế họ học xong những bằng cấp ấy, không phục vụ gì được cho công việc quản lý đất nước".

Nói tóm lại, theo thầy Khoa, nếu tình hình cứ tiếp tục như thế này, thì không bao giờ cơ quan nhà nước có được nhân tài vào làm việc.

Dù nhiều chuyên gia cho rằng nếu chỉ tăng lương thì không thể thu hút nhân tài, nhưng Bộ Nội vụ Việt Nam vào cuối năm 2022 lại cho rằng cần cải cách tiền lương để trọng dụng nhân tài. Cụ thể, theo Bộ này, cần có chính sách cải cách tiền lương, đảm bảo tương đồng giữa khu vực công và tư để thu hút, trọng dụng nhân tài. Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đề xuất cơ chế trả lương cho người tài theo thị trường, mức trần 120-150 triệu đồng, để thu hút các nhà khoa học.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, người có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy đại học, hiện là giảng viên tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, trả lời RFA liên quan vấn đề này khi đó cho rằng :

"Nhân tài là một câu chuyện dài, tiền lương chỉ là một phần trong đó chứ không phải là tất cả. Bộ Nội vụ nói như thể là chỉ trong lĩnh vực nhà nước, chứ còn tư nhân đó là cuộc cạnh tranh khốc liệt, người ta sẵn sàng bỏ một số tiền lớn để có một người tài năng, bởi vì người tài năng mà về công ty là tăng thu nhập cho công ty, đó là đầu tư có lãi. Còn Nhà nước thì đủ các thứ giấy tờ rắc rối, không hy vọng gì mà Bộ Nội vụ có thể quyết định được tiền lương một người tài được tăng gấp ba gấp bốn lần. Đó là chưa kể so với tiền lương hiện nay thì gấp ba gấp bốn lần có đủ sống ung dung hay không ?"

Ngay cả khi Bộ Nội vụ có giải quyết xong tiền lương đi nữa thì theo ông Dũng vẫn chưa thể thu hút nhân tài. Bởi vì cơ chế nhà nước hiện nay người làm việc bị bó chân bó tay, khó lòng mà ý kiến của họ lại được nhanh chóng sử dụng. Tiền lương là quan trọng, nhưng ông Dũng cho rằng việc sử dụng người tài như thế nào mới quan trọng hơn, làm sao ý kiến của họ đóng một vai trò quan trọng trong các quyết định của nhà nước, và việc này liên quan đến vấn đề thể chế.

Nguồn : RFA, 08/03/2023

**************************

Trung ương Đảng lại ra Quy định siết chặt đối với báo chí

RFA, 08/03/2023

Ban Bí thư Trung ương Đảng lại ra quy định kiểm soát truyền thông. Theo đó sẽ phạt nặng đến mức khai trừ Đảng đối với những người đứng đầu cơ quan báo chí duyệt đăng các bài viết bị cho đi ngược Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hay phủ nhận vai trò của Đảng.

dang2

Một người dân đọc báo Nhân Dân - Ảnh minh hoạ - AFP

Phạt nặng nếu đăng bài bất lợi cho Đảng

Hôm 28/2, Quy định về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí được Ban Bí thư ban hành.

Quy định mới nêu rõ ba mức độ kỷ luật đối với lãnh đạo các cơ quan báo chí : Nhắc nhở, khiển trách ; Kỷ luật cảnh cáo, cách chức ; và Khai trừ Đảng, khi những người mắc phải các lỗi sau :

Lãnh đạo cơ quan báo chí sẽ bị nhắc nhở, khiển trách khi viết bài, duyệt đăng bài mà thông tin, hình ảnh được lấy từ các hội nhóm, mạng xã hội bị cho là không đúng sự thật…

Mức kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức đối với hành vi duyệt đăng thông tin sai lệch chủ trương của Đảng, pháp luật hoặc không chấp hành chỉ đạo của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý về thông tin tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ Việt Nam với các quốc gia và các tổ chức quốc tế. 

Trên thực tế, một đơn cử có thể nêu ra là về cuộc chiến Nga - Ukraine, báo chí Việt Nam chưa bao giờ sử dụng từ "xâm lược" khi nói về hành vi Nga tấn công quân sự vào Ukraine ; hay một ví dụ khác là báo chí Nhà nước cũng chưa bao giờ đăng tải các thông tin về việc Chính phủ Trung Quốc vi phạm nhân quyền, điều mà truyền thông quốc tế vẫn thường xuyên đưa tin lên án Chính quyền ông Tập.

Đặc biệt, hình phạt nặng nhất là khai trừ Đảng khi các lãnh đạo cơ quan báo chí cho đăng bài về nội dung phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng…

Nhà báo Ngọc Vinh, từng có hơn 20 năm công tác tại tờ báo Tuổi Trẻ cho biết thật ra nội dung văn bản này không mới. Luật Báo chí 2016 nghiêm cấm tất cả những điều nêu trên. Dù trong Luật Báo chí không quy đinh chế tài cụ thể, tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp tổng biên tập các tờ báo bị kỷ luật :

"Trước đây, Đảng đã từng chế tài nhiều tổng biên tập báo vì nội dung này. Gần nhất là anh Lê Hoàng của báo Tui Trẻ và anh Nguyễn Công Khế của Báo Thanh Niên. Hai anh bị mất chức cùng lúc trong vụ đưa tin tường thuật, được cho là có một số nội dung sai sự thật, trong vụ PMu 18".

Lãnh đạo cơ quan báo chí phải là Đảng viên

Quy định mới được ban hành còn quy định rõ cơ quan chỉ đạo báo chí ở Trung ương là Ban Tuyên giáo Trung ương ; ở địa phương là ban tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ.

Người được bổ nhiệm làm lãnh đạo các cơ quan báo chí phải có thời gian hoạt động trong lĩnh vực báo chí, xuất bản ít nhất hai năm. Trường hợđặc biệt, do cơ quan chỉ đạo báo chí xem xét, quyết định.

Người đó phải là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, có trình độ lý luận chính trị cao cấp (không bắt buộc đối với cơ quan báo chí thuộc tổ chức tôn giáo), và không đảm nhiệm chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp tại một cơ quan báo chí.

Nhà báo Ngọc Vinh cho biết, lâu nay, chức Tổng biên tập hoặc lãnh đạo cơ quan báo chí được Đảng các cấp bổ nhiệm, thông qua cơ quan chủ quản của tờ báo, qua Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin & Truyền thông. Những người này có thể không phải là nhà báo nhưng buộc phải là Đảng viên :

"Như một số Tổng biên tập của Báo Tui Trẻ lâu nay chẳng hạn, họ là cán bộ lãnh đạo thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đưa về, không phải nhà báo và cũng không có nghiệp vụ báo chí. Trường hợhai Tổng biên tập Báo Thanh Niên mới đây thì khác, cả hai anh đều là nhà báo từ phó tổng được đề bạt lên Tổng biên tập".

Theo ông Vinh, bởi Tổng biên tập là người do nhà nước chỉ định, do đó, họ phải chấp nhận các định chế nêu trên vì nó dành chung cho tất cả các ngành hay giới chức chính quyền, chứ không riêng gì báo chí :

"Ví dụ như quy định về nhiệm kỳ, trước đây, ngay cả Tổng Bí thư cũng chỉ được phép ngồi ghế hai nhiệm kỳ. Tuy nhiên, giờ thì Tổng Bí thư được ngồi tới nhiệm kỳ thứ ba thì quy định này lại được đưa ra cho các Tổng biên tập, khiến người ta cảm thấy nó có gì đó sai sai".

Báo chí không thể trung thực nếu bị định hướng

Ông Nguyễn Vũ Bình, từng làm việc tại Tạp chí Cộng sản cho rằng Quy định này nhấn mạnh mức chế tài đối với các hành vi phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin là bởi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người luôn trung thành với tư tưởng này, và rằng Đảng đang muốn nắn cho báo chí đi đúng định hướng :

"Quy tắc hoạt động của Đảng là Tập trung dân chủ, nhưng mà vai trò và tiếng nói của người đứng đầu bao giờ cũng quan trọng và ông ấy (Nguyễn Phú Trọng - PV) thì lại tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin thì tất nhiên là ảnh hưởng nó phải lớn rồi.

Quy định này nhằm răn đe những người có tư tưởng mà theo Đảng nói là lệch lạc hay là không trung thành, hay thậm chí là phản động thì để có cơ sở để trừng trị…"

Theo quan điểm của nhà báo Ngọc Vinh, quy định về việc báo chí không được phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hay phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng là điều hợp lý trong thể chế chính trị hiện nay :

"Tôi thấy cũng hợp lý với tính chất của chế độ độc đảng, đơn nguyên cầm quyền. Nếu quy định này khác đi thi thì Việt Nam đã có tự do báo chí - mà bạn biết đó là điều không thể.

Rõ ràng, báo chí Việt Nam hoạt động dưới sự cầm tay chỉ việc của đảng lâu nay, việc hạn chế của nó để phát triển xã hội công dân là rõ ràng".

Tóm lại, theo kinh nghiệm làm báo của mình, ông Vinh có biết những tờ báo lớn ở Việt Nam hiện nay hầu hết trực thuộc thẳng các cơ quan Đảng hoặc chính quyền. Điều này khiến báo chí không thể có tiếng nói trung thực, khách quan được.

Nguồn : RFA, 08/03/2023

************************

Lý giải kêu gọi tố cáo điều sai mà Tuyên giáo cộng sản Việt Nam lặp lại !

RFA, 06/03/2023

Cơ quan Tuyên giáo của Đảng cộng sản Việt Nam mới đây có bài viết cho rằng cán bộ, đảng viên nào thể hiện sự im lặng, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh thì sẽ trở thành kẻ đồng lõa với cái xấu, dung túng cho cái sai và tiếp tay cho cái ác lộng hành.

dang3

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - Nguyễn Trọng Nghĩa. RFA edit

Trong khi đó, những người dân cất lên tiếng nói phản biện thì sẽ bị chính quyền sách nhiễu, bắt bớ, ghép tội. Theo tổ chức Giám sát Nhân quyền Human Rights Watch, từ khi Việt Nam tuyên bố ra ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền ngày 22 tháng 2 năm 2021… đến ngày 22/12/2022, Việt Nam đã câu lưu, bắt giữ và xử án ít nhất là 48 nhà báo, nhà hoạt động với các tội danh tùy tiện, từ "lợi dụng các quyền tự do dân chủ," "tuyên truyền chống nhà nước," "trốn thuế" theo các Điều 331, 117 và 200 của Bộ luật Hình sự.

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn hôm 6/3, nhận định :

"Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra vấn đề im lặng và lên tiếng nhưng họ khoanh vùng lại chỉ có cán bộ đảng viên, tức là người dân không có mặt trong vấn đề này. Đây là một nghịch lý, bởi vì người dân hàng chục năm qua là những người bị xâm phạm lợi ích một cách là mãnh liệt và rõ ràng thì lại không được phép lên tiếng. Còn nhiệm vụ của cán bộ đảng viên không phải là lên tiếng hay im lặng, mà nhiệm vụ của cán bộ đảng viên là phải làm việc theo pháp luật".

Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, cán bộ đảng viên cấp càng cao thì họ ngày càng hèn nhát. Ông Già nêu lý do :

"Nó có nhiều lý do, nhưng lý do quan trọng nhất cấp càng cao thì lợi ích vật chất và tinh thần càng nhiều, do đó họ phải im lặng thôi, chứ nếu lên tiếng thì ai bảo vệ họ ? Họ chỉ lên tiếng khi lợi ích của họ bị động chạm. Vì vậy ở đây là một cách đánh tráo về vai trò. Tôi muốn nhấn mạnh nhiệm vụ của cán bộ đảng viên là làm việc theo pháp luật, công việc lên tiếng là của người dân. Như vậy việc nhà cầm quyền, mà cụ thể là Ban Tuyên giáo Trung ương nêu lại vấn đề ‘im lặng và lên tiếng’ mà chỉ khoanh vùng trong nội bộ đảng viên… thì tôi cho rằng chỉ là một hình thức khích lệ cho việc đấu tố lẫn nhau, nhằm mục đích thanh trừng chính trị, chứ không có giá trị gì đối với người dân chúng tôi".

Một ví dụ khác là vào ngày 7/4/2022, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu khai trừ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền với các cáo buộc nước này vi phạm nhân quyền ở Ukraine, theo đó có 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Việt Nam nằm trong số những nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Mỹ để loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền.

Tuy nhiên các tờ báo trong nước dưới sự kiểm soát của cơ quan Tuyên giáo, trong hai ngày 7 và 8 tháng 4 năm 2022 khi tường thuật về vụ việc này đã không hề đề cập gì đến lá phiếu chống của Việt Nam.

Trước đó, khi Liên Hợp Quốc ra hai nghị quyết lên án và yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine, thì Việt Nam cũng đều đã bỏ phiếu trắng.

Từ Đức Quốc hôm 6/3, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài cho biết ý kiến :

"Từ xưa đến nay chúng ta đều biết bản chất của Nhà nước cộng sản Việt Nam là nói một đằng làm một nẻo, không bao giờ tin vào những gì họ tuyên truyền. Bởi vì nếu như họ khuyến khích cán bộ đảng viên trong nội bộ của họ mà tố cáo những vấn đề tham nhũng tiêu cực, hay những vấn nạn xã hội lên cơ quan truyền thông… thì chắc chắn họ sẽ bị kỷ luật ở cấp chi bộ đảng, rồi sau đó ở những cấp cao hơn. Từ xưa đến nay thì chúng ta từng chứng kiến rất nhiều những tấm gương ví dụ như cựu Trung tá Trần Anh Kim ở trong quân đội tố cáo tham nhũng tiêu cực rồi cuối cùng bị cấp trên vu khống, chụp mũ và phải chịu ba năm tù. Còn trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam không thiếu những trường hợp tương tự như vậy xảy ra trong nhiều thập kỷ vừa qua".

Cho nên theo Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, Tuyên giáo Việt Nam nói như vậy chỉ mang tính chất mị dân. Ông Đài cho biết ông không tin vào những lời của Ban tuyên giáo của Đảng cộng sản Việt Nam khi họ khuyến khích cán bộ tố cáo những vấn đề tham nhũng, tiêu cực…

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản, hôm 6/3, nói :

"Đảng có nhiều văn bản, những quy định rất là hay và rất nhân văn… nhưng việc thực hiện nó luôn luôn đi ngược lại với lại những cái hay và những cá nhân văn đó. Cho nên chúng ta phải hiểu như vậy, đó là trong đảng. Còn ngoài xã hội cũng vậy, như việc họ nói chống tham nhũng là được thưởng các thứ… nhưng trên thực tế bao nhiêu người tố cáo tham nhũng thì thân bại danh liệt, vào tù… Đấy là việc giữa nói và làm của đảng cộng sản Việt Nam".

Tiến sĩ Nguyễn Quang A - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS ở Hà Nội đã tự giải thể, khi trả lời RFA liên quan việc tuyên truyền của ngành Tuyên giáo cho rằng :

"Tuyên truyền là công cụ rất hữu hiệu của Đảng cộng sản Việt Nam mà Ban Tuyên giáo của Đảng cộng sản Việt Nam là cơ quan chỉ huy toàn bộ việc tuyên truyền của đảng, hay nói cách khác là công tác tẩy não người dân, thuyết phục người dân, lừa bịp để làm người dân mụ mẫm đi tin tưởng và theo Đảng cộng sản. Công việc đấy là một sai lầm lớn bởi vì một số đông người ở Việt Nam vẫn bị lừa bởi ngón tuyên truyền như vậy. Đấy là vũ khí rất lợi hại của Đảng cộng sản Việt Nam và chúng ta cần vạch ra để người dân được rõ".

Chính vì muốn bóp nghẹt quyền tự do lên tiếng của người dân, theo nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, Chính phủ Hà Nội và Đảng cộng sản nhiều năm qua đã mạnh tay sách nhiễu, bắt bớ các nhà hoạt động, nhà báo độc lập ở Việt Nam.

Nguồn : RFA, 06/03/2023

***********************

Liệu có đội ngũ công an trong sạch khi chỉ kêu gọi bằng lời ?

RFA, 06/03/2023

dang4

Cảnh sát 113 trên đường phố Hà Nội. AFP

Hôm 6/3/2023, nhân buổi lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống xây dựng lực lượng công an nhân dân (11/3/1948 - 11/3/2023), Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải luôn vững vàng, không lợi dụng cương vị công tác của mình để làm phương hại đến lợi ích chung, lợi ích chính đáng của nhân dân, phải thực sự là điểm tựa bình yên của Nhân dân.

Ông Trọng cũng nêu rõ : "Quân đội và công an là hai lực lượng thanh kiếm và lá chắn, hai cánh của một con chim, bảo vệ, giữ gìn hòa bình, ổn định, phát triển đất nước". Phải làm sao để thanh bảo kiếm ngày càng sắc bén hơn, lá chắn ngày càng vững chắc hơn, hai cánh của con chim bảo vệ hòa bình ngày càng cứng cáp, khỏe mạnh hơn.

Nhiều người cho rằng, sai phạm của lực lượng công an chủ yếu là tham nhũng, nhận hối lộ. Muốn công an trong sạch như yêu cầu của ông Tổng bí thư thì phải thay đổi cơ chế, bởi chính cơ chế tạo ra kẽ hở làm hư công an. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam, nói với RFA quan điểm của ông :

"Muốn công an nhân dân phải luôn giữ mình trong sạch rất khó. Vì muốn công an sạch thì chung quanh phải sạch. Mà muốn chung quanh sạch thì các văn bản phải sạch ; các văn bản về luật pháp phải đúng, phải tốt ; việc thực thi luật pháp phải đúng theo hiến pháp. Văn bản luật nào sai phải sửa, thừa phải bỏ đi và thiếu phải thêm vào.

Có những văn bản chả đúng vào đâu cả, sai cả Hiến pháp mà vẫn dùng thì không được, ví dụ thế. Nó là một chuỗi hành động bổ sung cho nhau, kết hợp với nhau.

Bản chất là chỗ nào cũng có tham nhũng cả, nhưng với một thể chế không minh bạch, không theo pháp quyền, tức là không làm đúng pháp luật và không cho người dân can dự thì cách gì nó vẫn là cái nôi của tham nhũng. Mình cứ hình dung người tốt nó như giọt nước trong suốt. Bây giờ nhiều ao, hồ đều dơ bẩn. Bây giờ có đổ vài giọt nước sạch hay cả một chậu nước sạch thì nó không làm cái ao, cái hồ đó sạch được. Nó vẫn bẩn".

Ông Minh, một người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh không tin yêu cầu của ông Nguyễn Phú Trọng dành cho cán bộ, chiến sĩ công an sẽ được thực thi nếu cơ chế không thay đổi. Ông nói với RFA :

"Việt Nam đâu có thiếu luật mà hàng loạt công an vẫn sai phạm, lãnh án tù. Ngay cả những người phải nêu gương trong thực thi luật pháp là công an mà còn vào tù do tham nhũng, lạm quyền thì làm sao có chuyện là điểm tựa bình yên cho dân, làm sao mà trong sạch như yêu cầu của ông Trọng được. Phải thay đổi cơ chế làm việc, không cho cảnh sát tiếp xúc với dân nhiều thì mới tránh nhũng nhiễu, tránh vòi vĩnh, tránh làm khổ dân. Kêu gọi công an trong sạch thì phải áp dụng luật pháp rõ ràng mới thực thi được lời kêu gọi này".

Tháng 7 năm ngoái, tại buổi tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Bộ Chính trị nêu rõ tên hàng loạt cán bộ diện trung ương quản lý bị xử lý hình sự. Trong đó có hai sĩ quan công an cấp tướng nguyên là Thứ trưởng Bộ Công an, đó là cựu trung tướng Bùi Văn Thành và cựu thượng tướng Trần Việt Tân.

Ngoài ra còn có 10 sĩ quan cấp tướng khác trong lực lượng công an, cảnh sát. Đó là các ông Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng, cựu Tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) ; Nguyễn Thanh Hóa (cựu thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) ; Phan Hữu Tuấn (cựu trung tướng, cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo) ; Nguyễn Văn Sơn (cựu trung tướng, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển) ; Hoàng Văn Đồng (cựu trung tướng, cựu Chính ủy Cảnh sát biển) ; Doãn Bảo Quyết (cựu thiếu tướng, cựu Phó chính ủy Cảnh sát biển) ; Phan Kim Hậu (cựu thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển) ; Bùi Trung Dũng (cựu thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh Cảnh sát biển) ; Lê Xuân Thanh (cựu thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) ; Lê Văn Minh (cựu thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4).

Bên cạnh việc yêu cầu mỗi chiến sĩ công an phải trong sạch, ông Nguyễn Phú Trọng còn nhắc nhở mỗi cán bộ chiến sĩ công an phải thường xuyên tự soi lại chính mình, tự sửa đổi và nỗ lực thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy trong ứng xử hàng ngày, phải giữ để không sa ngã trước sự mua chuộc, lôi kéo của các phần tử xấu, không bị cám dỗ bởi những danh lợi tầm thường,

Nhà báo Trần Ngọc Tuấn từ Âu Châu cho rằng, nếu không thay đổi cơ chế thì yêu cầu của ông Trọng chỉ là ‘nước đổ lá khoai’. Ông phân tích :

"Phần tử xấu là ai ? Có ai ở bên ngoài xui các ông ấy những nhiễu, ức hiếp nhân dân đâu. Tự họ thôi. Suy cho cùng, cơ chế nó làm hỏng con người. Bây giờ công khai tài sản của các ông ấy so với đồng lương, thu nhập thì lòi ra chuyện tham nhũng ngay thôi. Nó như cái vòi bạch tuộc. Cắt cái vòi này xong nó lại ra cái vòi khác. Tôi nghĩ đây chỉ là giơ cao đánh khẽ hoặc tự thắng lợi tinh thần thế thôi.

Điều ông tổng bí thư nói sẽ không bao giờ thực hiện được trong một cái cơ chế như hiện nay. Nhiều vụ án thời gian qua có dính đến lực lượng công an, àm công an cũng là con người nên chuyện tham nhũng là điều tất yếu, là sản phẩm của chế độ".

Cuối năm ngoái, tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng theo chức năng của lực lượng Công an nhân dân từ năm 2013, Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, một trong những thành công quan trọng của đất nước là đã đưa ra xét xử nhiều vụ án quan trọng với nhiều bị cáo là những cán bộ cấp cao. Điều đó đã củng cố niềm tin của nhân dân với đảng, củng cố niềm tin của quốc tế với Việt Nam. Trong thành công đó, lực lượng Công an nhân dân đóng vai trò nòng cốt.

Ông Phúc cho biết, Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí xã hội, ứng dụng công nghệ, nhất là dịch vụ công, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ của cơ quan chức năng.

Nguồn : RFA, 06/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 342 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)