Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

28/03/2023

Việt Nam cần tăng cường sức đề kháng để chống "cưỡng bách kinh tế" của Trung Quốc

RFA tiếng Việt

Hôm 22/3/2023, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), một think tank ở Washington DC, tổ chức lễ ra mắt Báo cáo "Các chiến thuật chống lại chính sách cưỡng bách kinh tế của Trung Quốc : vô hiệu hóa, bẻ hướng và ngăn ngừa". Báo cáo này do Matthew P. Goodman, Phó Giám đốc của Trung tâm, và Matthew Reynolds, một nghiên cứu viên của Trung tâm này, thực hiện. 

cuongche1

CSIS công bố Báo cáo về chính sách cưỡng bách kinh tế của Trung Quốc đối với các nước bất đồng về chính trị, hôm 22/3/2023 - RFA

"Cưỡng bách kinh tế" là chiến lược Trung Quốc thực hiện để ngăn cản các nước có xung đột lợi ích chính trị với nó được tiếp cận thị trường và nguồn cung nguyên liệu khổng lồ của mình. Theo Báo cáo này, chính sách "cưỡng bách kinh tế" giúp Trung Quốc có thể buộc các nước không tuân theo các yêu sách chính trị của họ phải nhượng bộ mà không cần dùng đến biện pháp quân sự. 

Báo cáo này khảo sát chính sách "cưỡng bách kinh tế" của Trung Quốc nhắm vào các nước Na Uy, Nhật Bản, Philippines, Mông Cổ, Hàn Quốc, Úc, Canada, Lithuania. Báo cáo không đề cập đến Việt Nam, tuy nhiên trao đổi với RFA tại buổi ra mắt báo cáo, hai tác giả của Báo cáo này cho rằng Việt Nam từ lâu cũng là một nước bị Trung Quốc "cưỡng bách kinh tế". Theo họ, các biện pháp cưỡng bách này của Trung Quốc đối với Việt Nam cũng tương tự như các biện pháp Trung Quốc đối xử với các nước khác.

Đối với Na Uy, năm 2010, Trung Quốc chặn hàng xuất khẩu và đóng băng visa nhập cảnh sau khi Ủy ban Giải Nobel trao Giải Nobel Hòa Bình cho Giáo sư Lưu Hiểu Ba. Năm 2011, họ chặn bán đất hiếm cho Nhật sau khi Nhật Bản bắt thuyền trường tàu cá Trung Quốc cố tình đâm vào tàu Cảnh sát biển Nhật. Trung Quốc chặn Philippines xuất khẩu nông sản sau nước này phản đối Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough năm 2012 và kiện Trung Quốc ra tòa PCA năm 2016. Đối với Mông Cổ Trung Quốc khóa cửa khẩu và các trừng phạt kinh tế khác, sau khi Mông Cổ cấp visa cho đức Dalai Lama nhập cảnh năm 2016. Cũng năm 2016, Hàn Quốc bị nước này đóng cửa và phát động phong trào tẩy chay doanh nghiệp sau khi đồng ý cho Hoa Kỳ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trước đe dọa hạt nhân của Triều Tiên. Úc bị Trung Quốc ngăn chặn hàng xuất khẩu sau khi thông qua Luật chống Can thiệp nước ngoài năm 2017, và kêu gọi điều tra nguồn gốc virus Covid-19 năm 2020. Năm 2019, Trung Quốc khóa cửa thông quan hàng hóa với Canada sau khi nước này bắt Giám đốc Tài chính của Huawei là Mạch Vãn Chu. Lithuania (tức Litva) năm 2021 bị họ ngăn chặn xuất khẩu và các dự án kinh tế, sau khi nước này cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện. 

Từ lâu, RFA đã tường trình về những cách thức "cưỡng bách kinh tế" của Trung Quốc đối với Việt Nam : Cách thứ nhất là đóng cửa biên giới, ngăn cản nông sản thông quan. Cách thứ hai là chặn nước sông Mekong, gây ra khô hạn ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Cách thứ ba là cưỡng ép Việt Nam từ bỏ các dự án thăm dò khai thác dầu khí ở những khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng cũng nằm trong "đường lưỡi bò" của họ trên Biển Đông. Cách thứ tư là cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, bao gồm cả trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và trên vùng biển quốc tế thuộc Biển Đông, hoặc cướp phá tàu cá của ngư dân Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa.

cuongche2

Giàn khoan Hakuryu-5 ở ngoài khơi Vũng Tàu năm 2018. Ảnh : Reuters.

Dường như Việt Nam vẫn lúng túng trước chính sách có hệ thống này của Trung Quốc. Nhưng như Báo cáo của CSIS nêu trên đã chỉ ra, Trung Quốc không chỉ "cưỡng bách kinh tế" với một mình Việt Nam. Hầu hết các trường hợp bị Trung Quốc "cưỡng bách kinh tế" mà Báo cáo nói trên phân tích đều xây dựng các chiến lược đối phó và đáp trả. 

Hầu hết các nước mà Báo cáo này khảo sát đều thành công với các chiến lược như "tăng cường sức đề kháng", "vô hiệu hóa" chính sách của Trung Quốc, chỉnh hướng khiến cho chính sách của Trung Quốc không còn tác động mạnh, hoặc ngăn ngừa Trung Quốc, khiến họ không muốn gây ra những động thái như vậy trong hoàn cảnh tương tự. Theo Báo cáo, các chiến lược này có hiệu quả và khiến Trung Quốc phải rút lui hoặc tạm ngừng chính sách cưỡng bách của mình, khi bản thân chính sách ấy cũng mang lại thiệt hại cho chính Trung Quốc. 

Một ví dụ về chiến lược ngăn ngừa Trung Quốc có động thái "cưỡng bách kinh tế" trong tương lai là thực thi các cơ chế trừng phạt trả đũa và loại bỏ các tác động từ chính sách ấy. Ví dụ năm 2021, Ủy ban Châu Âu công bố "công cụ chống cưỡng bách kinh tế" (Anti-coercion instrument, viết tắt là ACI), cho phép Ủy ban thực hiện một loạt các biện pháp trả đũa kinh tế, khiến cho "đối tác" nhìn thấy trước thiệt hại mà không áp dụng "cưỡng bách kinh tế" đối với họ. 

Việt Nam tất nhiên không thể học được các biện pháp mạnh của các nước mạnh. "Trả đũa" theo kiểu ăn miếng trả miếng là điều một nước như Việt Nam không làm được. Chẳng hạn như Mông Cổ đã phải bày tỏ "hối tiếc" vì cấp visa cho đức Dalai Lama năm 2016, sau khi "thấm đòn" từ các biện pháp "cưỡng bách kinh tế" của Trung Quốc. 

Nhưng theo các chuyên gia, Việt Nam có thể áp dụng các bộ giải pháp có tính hệ thống khác. Trao đổi với RFA về những chiến lược mà một nước như Việt Nam có thể làm để đối phó với chính sách "cưỡng bách kinh tế" của Trung Quốc, Tiến sĩ Matthew P. Goodman, Phó Giám đốc của CSIS, nhận xét : 

"Việt Nam là một nước có vị trí đặc thù. Nước này có một sự phụ thuộc về mặt kinh tế vào Trung Quốc, và có rất nhiều rủi ro liên quan đến dòng đầu tư và thương mại. Việt Nam có một mối quan hệ rất khó khăn với Trung Quốc. Mặc dù chúng tôi không nghiên cứu trường hợp Việt Nam nhưng chúng tôi thấy Việt Nam cũng gánh chịu những hành vi tương tự từ Trung Quốc đối với các nước khác. Và chúng tôi nghĩ rằng có thể đề xuất cho Việt Nam bộ giải pháp tương tự như các nước khác đã thực hiện, đó là chiến lược tăng cường sức đề kháng".

Còn ông Andrew Jory, Tham tán Công sứ (Thương mại), Đại sứ quán Úc tại Hoa Kỳ, cho rằng Việt Nam có thể tham khảo bài học từ nước Úc, bằng cách thực thi một loạt các biện pháp có tính hệ thống để nâng cao sức đề kháng của nền kinh tế quốc gia : 

"Nếu các bạn nhìn vào những yếu tố mà nước Úc đã thực thi, được phản ánh trong Báo cáo nói trên của CSIS, tăng cường sức đề kháng kinh tế thực sự là chiến lược quan trọng. 

Chiến lược này tạo ra những mạng lưới thương mại thay thế, những hiệp ước thương mại tự do với các đối tác khác. Điều quan trọng là phải giữ vững những thể chế dựa trên tinh thần pháp quyền thay vì dùng sức mạnh bắt nạt. Các bạn có thể nhìn vào các trường hợp mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã xử lý. 

Mặt khác, Việt Nam cũng cần nhận thức rõ về các điểm yếu của mình để khắc phục, bằng cách cộng tác chặt chẽ với các đối tác và đồng minh, nâng cao nhận thức về những gì đang xảy ra tại các diễn đàn quốc tế như WTO, OECD, G-7, G-20, APEC. Ngoài ra, nên tìm kiếm các nguồn đầu tư từ nội lực để xây dựng sức đề kháng, tạo ra những cơ hội giao thương mới và những nguồn cung ứng mới".

Nguồn : RFA, 28/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 266 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)