Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

16/06/2017

Vốn doanh nghiệp nội và nợ công

RFA tiếng Việt

Ưu đãi lớn để vốn ngoại gặp doanh nghiệp nội (RFA, 16/06/2017)

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ diễn ra ngày 16 tháng 6 tại Hà Nội với chủ đề ‘tăng cường liên kết khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới’.

dn1

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ diễn ra ngày 16 tháng 6 tại Hà Nội - Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ của chính quyền Hà Nội dự diễn đàn và tuyên bố Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thu hút nhưng có chọn lọc, ưu tiên doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam phù hợp với định hướng, ưu tiên doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, có chuỗi sản xuất sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Vương Đình Huệ cho rằng Việt Nam coi thành công của doanh nghiệp FDI là thành công của chính phủ Việt Nam và mong muốn doanh nghiệp FDI coi thành công của doanh nghiệp trong nước cũng là thành công của chính họ.

Cái gọi là ‘sự lệch pha’ giữa 2 khu vực : Doanh nghiệp FDI và Doanh nghiệp trong nước được thừa nhận tại diễn đàn ; cho nên sự kết nối được nói rất cần thiết.

Để có thể giải quyết những vướng mắc hiện nay, lãnh đạo Hà Nội hứa cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Một mục tiêu được đề ra là phấn đấu đến sang năm đưa 80% các thủ tục hành chính lên Cổng Thông tin Điện tử một cửa ASEAN, sửa đổi 73 thủ tục kiểm tra chuyên ngành của hải quan nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.

***************

Đại biểu Quốc hội quan ngại nợ công (RFA, 16/06/2017)

dn2

Năm 2010, nợ công của Việt Nam ở mức 50% tổng sản phẩm nội địa- GDP ; nay lên đến mức 63,7% GDP.  AFP Photo

Vấn đề quản lý nợ công của Việt Nam là chủ đề được các đại biểu Quốc hội Việt Nam bàn thảo trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường vào ngày 16 tháng 6

Một vấn đề được các đại biểu nêu ra là cả ba bộ của chính phủ cùng quản lý nợ công nhưng vấn đề trách nhiệm lại không rõ ràng. Đại biểu Hoàng Văn Cường thuộc đoàn Hà Nội cho rằng việc giữ qui định nợ công do ba cơ quan quản lý gồm Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Bộ Tài Chính và Ngân hàng Nhà nước có hạn chế là sẽ dẫn đế nợ công vượt trần ; thời hạn và tiến độ trả nợ cả gốc cùng lãi không phân bổ đều theo thời gian, không phù hợp thu chi ngân sách, thặng dư xuất nhập khẩu và khả năng trả nợ, tạo ra áp lực trả nợ dồn vào từng thời điểm nặng như giai đoạn hiện nay.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ đề nghị phải có quy định cơ quan đi vay về cho vay lại hoặc bảo lãnh vay phải chịu trách nhiệm trả nợ thay nếu người vay không trả được nợ.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết thuộc đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu cũng cho rằng qui định nhiều cơ quan cùng đầu mối quản lý nợ công như hiện nay ở Việt Nam là không đáp ứng nhu cầu về cải cách hành chính và không khắc phục được hạn chế đang diễn ra.

Thông báo được đưa ra từ diễn đàn Quốc hội là nợ công của Việt Nam trong những năm qua tăng rất nhanh. Cụ thể năm 2010, nợ công của Việt Nam ở mức 50% tổng sản phẩm nội địa- GDP ; nay lên đến mức 63,7% GDP.

Quốc hội Việt Nam vào cuối năm 2015 thông qua Nghị Quyết 25 xác định trần nợ công 65% GDP. Đây là ngưỡng được nói an toàn, sau khi nợ công vào thời điểm đó ở mức gần 63%.

Thống kê cho thấy trong 5 năm qua, mức bội chi hằng năm của Việt Nam là 5,8% GDP, trong khi đó dự toán kế hoạch chì ở mức 4,5% GDP.

Khoản chi thường xuyên của Việt Nam liên tục tăng từ mức 55% tổng chi trước đây nay lên gần 70% tổng chi trong khoản chi ngân sách ; đầu tư công hiệu quả thấp, tăng trưởng không đạt kế hoạch, thời gian thi công kéo dài khiến cho nợ công tăng cao.

Quay lại trang chủ
Read 651 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)