Samsung không dời sản xuất sang Ấn Độ
RFA, 19/03/2023
Samsung bác tin chuyển sản xuất điện thoại di động từ Việt Nam sang Ấn Độ
Lãnh đạo Samsung mới đây lên tiếng bác bỏ thông tin trước đó cho rằng hãng sắp chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại di động từ Việt Nam sang Ấn Độ.
Công nhân Samsung đi vào nhà máy ở Thái Nguyên (Ảnh minh họa) – Reuters
Thông tin trên được ông Choi Joo Ho – Tổng giám đốc Samsung Việt Nam đưa ra tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên hôm 17/3 và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên.
"Những sản phẩm được sản xuất ở Ấn Độ chủ yếu phục vụ thị trường nội địa và một phần nhỏ xuất khẩu sang các quốc gia Châu Phi, tại Việt Nam xuất khẩu sang 128 quốc gia trên thế giới. Như vậy, sản lượng của nhà máy Samsung tại Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi sản lượng ở Ấn Độ", ông Choi Joo Ho cho biết.
Hãng tin của Hàn Quốc là Korea Herald hồi tháng trước dẫn một nguồn tin cho biết Samsung Electronics đã quyết định dịch chuyển từ từ việc sản xuất sang Ấn Độ, bao gồm cả việc sản xuất điện thoại di động ở Việt Nam.
Bài báo cho rằng, nguyên nhân chuyển là để hạn chế những tác hại từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và để thâm nhập sâu hơn vào nền kinh tế lớn thứ năm thế giới.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên, Công ty Samsung Electronics Việt Nam – Thái Nguyên (SEVT) được khởi công năm 2013 với số vốn hai tỷ USD, sau một năm dự án đã tăng thêm ba tỷ USD. Liên tục sau đó, Samsung tăng vốn đầu tư và mở rộng sản xuất. Đây là nhà máy sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới của Samsung, với tổng số vốn đăng ký đầu tư lên đến hơn 7,5 tỷ USD.
Đây cũng là nhà máy có doanh thu lớn nhất trong số bốn nhà máy của tập đoàn này ở Việt Nam. Theo báo cáo của hãng, doanh thu của SEVT vào năm ngoái đạt 28 tỷ đô la, lợi nhuận đạt 2,1 tỷ đô la.
Samsung hồi năm ngoái cho biết hãng có dự định nâng tổng vốn đầu từ tại Việt Nam từ mức 18 tỷ đô la hiện tại lên 20 tỷ đô la, tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn.
Xuất khẩu của Samsung từ Việt Nam hiện chiếm khoảng 25% tổng doanh thu xuất khẩu của Việt Nam với mặt hàng chủ lực là điện thoại di động.
**************************
Chọn gang thép hay chọn môi trường ?
RFA, 16/03/2023
Tỉnh Bình Định vừa có quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện dự án khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu nằm ở xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn. Trưởng ban là ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh.
Một làng chài ở Việt Nam. Ảnh minh họa. AFP
Khu liên hợp Gang thép Long Sơn dự kiến được xây dựng trên diện tích 486 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 53.500 tỷ đồng, chia thành ba giai đoạn đầu tư, công suất 5,4 triệu tấn/năm, bao gồm các sản phẩm thép cơ khí chế tạo chất lượng cao, thép xây dựng, thép cuộn. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần gang thép Long Sơn Phù Mỹ cũng đang nghiên cứu đầu tư khu bến cảng Hoài Nhơn trên tổng diện tích khoảng gần 500 ha mặt đất và mặt biển.
Thôn Lộ Diêu là một làng chài ven biển, được đánh giá là có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Nhiều người lo ngại, việc cho đầu tư dự án gang thép sẽ gây tác hại lớn tới môi trường do nước thải mà Formosa là một ví dụ điển hình.
Nhắc tới Formosa, người ta nhớ ngay tới một thảm họa môi trường do chất thải gây ô nhiễm từ Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa vượt quá nồng độ cho phép năm 2016. Thống kê được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố sau đó cho thấy, hơn 33.000 chiếc tàu với khoảng 50.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp và hơn 176.000 người phụ thuộc. Hậu quả về môi trường nước và thủy hải sản phải mất hàng chục năm mới có thể phục hồi phần nào.
Lo lắng của người dân được ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh "trấn an" trong cuộc phỏng vấn với Báo Mới vào đầu tháng 3 rằng :
"Công nghệ sản xuất thép là công nghệ chung của thế giới chứ không phải của riêng quốc gia nào, giống như ô tô. Việc lặp lại như Formosa chắc chắn sẽ không xảy ra. Vì toàn bộ nước thải đều tuần hoàn, nhưng kiểu gì cũng có tác động tới môi trường. Xây dựng khách sạn hay khu resort cũng đều ảnh hưởng môi trường. Vấn đề là hạn chế tối đa, đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn đề ra".
Ông Tuấn cho rằng, dự án khu liên hợp gang thép Long Sơn là tiền đề đặc biệt quan trọng để thị xã Hoài Nhơn đột phá về phát triển kinh tế, xã hội, phát triển đô thị bền vững, đảm nhiệm vai trò là cực tăng trưởng của bốn đơn vị hành chính cấp huyện phía Bắc tỉnh Bình Định.
Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu quan điểm của ông với RFA sáng 16/3 :
"Khi đầu tư về luyện thép, chế tạo các vật liệu có nguồn gốc từ kim loại, kể cả việc khai thác bô xít… thì nó đều có khả năng rủi ro gây ra một cái thảm họa môi trường. Và điều này đã xảy ra ở Việt Nam rồi. Xây dựng nhà máy luyện thép thì cũng là việc nhu cầu cần thiết cho công nghiệp hóa, cho việc phát triển. Thế nhưng chọn địa điểm tại đâu cũng là điều rất cần thiết và ta phải giải quyết vấn đề môi trường thật là triệt để thì hiệu quả sẽ tốt hơn.
Tôi cho rằng có thể khẳng định việc lập nhà máy luyện thép ven biển là điều không nên, bởi vì nó có thể gây ra nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển ở phạm vi cỡ lớn. Đây là một cái chủ trương mà nhiều nước họ cũng đã làm. Tôi cho rằng Nhật Bản là nước thừa thãi kinh nghiệm về chuyện thực hiện công nghiệp hóa sao cho giữ được môi trường biển. Và cái ý thức về môi trường trong quá trình công nghiệp hóa thì Việt Nam nên học Nhật Bản".
Theo ông Đặng Hùng Võ, Việt Nam lâu nay vẫn đểnh đoảng với câu chuyện ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là những ô nhiễm từ quá trình công nghiệp hóa. Nhiều khi cứ đặt vấn đề công nghiệp hóa là rất quan trọng mà không nghĩ tới cái hậu quả gây ra cho môi trường, thậm chí biến đổi khí hậu. Ông nói tiếp :
"Rõ ràng, việc nâng cao ý thức của cấp quản lý, của việc phê việc dự án, của việc quy hoạch ở Việt Nam cũng chưa thực sự được nâng cao. Giả sử bây giờ chủ trương xây một nhà máy luyện thép thì việc đầu tiên là phải tìm vị trí nào cho phù hợp để không gây ra tác hại cho môi trường biển. Còn nếu nói mạnh hơn nữa thì kể cả nhà máy Formosa ở Vũng Áng, nếu cần thiết phải địa điểm thì cũng phải giải quyết. Đối về vấn đề môi trường thì sai một ly đi một dặm".
Công ty trách nhiệm hữu hạn Hưng Nghiệp Formosa. AFP
Ngoài môi trường bị hủy hoại, tiềm năng du lịch của một vùng biển hoang sơ cũng mất. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt nêu quan điểm của ông với RFA sáng 16/3 :
"Lộ Diêu là một điểm mà nhiều khi dân du lịch cũng chưa biết, dân Bình Định cũng chưa chắc biết. Nó còn hoang sơ lắm. Mà chỗ nào còn hoang sơ, chưa có sự can thiệp của con người thì đó là những tiềm năng du lịch.
Nhưng mà kể cả làm gang thép hay làm du lịch cũng là để làm kinh tế thôi. Mục đích cuối cùng là làm sao cho đất nước phát triển, đời sống người dân tốt hơn. Nhưng mình phải cân nhắc, phải lựa chọn sao cho giữ được môi trường bền vững. Tài sản môi trường là lâu dài. Còn làm gang thép chắc chắn sẽ tác động đến môi trường. Mà làm gang thép thì chắc chắn không thể làm du lịch được nữa.
Bản thân tôi cũng hơi lo và nghi ngờ khả năng giải quyết những hệ lụy từ chất thải. Nhưng tôi xin nhấn mạnh là mình phải nhìn từ hai góc độ. Góc độ về nhà đầu tư họ cũng phải chọn cái địa điểm nào thuận lợi về giao thông, về nguồn nước, về nguồn nhân lực… nhiều thứ để sinh lợi. Còn người làm du lịch thì họ cũng muốn giữ lại những cái của mình. Ai cũng có cái lý của mình. Vấn đề ở đây là có đáng để hy sinh cái làng chài đó hay không ? Mà đâu chỉ mất làng chài. Còn mất nhiều thứ nữa vì gang thép là ô nhiễm cực kỳ lớn.
Như vậy phải cân nhắc quyết định lựa chọn như thế nào. Phải vì người dân".
Thực tế, từ năm 2021, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ đầu tư khu liên hợp gang thép tại hai xã Mỹ Thọ và Mỹ An ở huyện Phù Mỹ với tổng vốn đầu tư khoảng 62.470 tỉ đồng, có công suất 5,4 triệu tấn/năm. Thời gian thực hiện dự án từ 2021-2028.
Đến tháng 7 và tháng 11/2022, UBND tỉnh Bình Định lại có các quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án nêu trên, đồng ý cho chủ đầu tư chuyển địa điểm đầu tư sang thôn Lộ Diêu, thị xã Hoài Nhơn. Theo UBND tỉnh Bình Định, việc di dời được quyết định sau nhiều năm nghiên cứu, khảo sát và gặp nhiều ý kiến phản biện, phản ứng từ người dân. Hơn nữa, việc xây dựng nhà máy thép phải đánh đổi quá nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển.
RFA, 16/03/2023