Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

17/03/2023

Năng lượng tái tạo ở Việt Nam gặp trắc trở vì lý do gì ?

RFA tổng hợp

Bộ Công thương trả lời kiến nghị về điện mặt trời thiếu thuyết phục

RFA, 17/03/2023

Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công thương hôm 15/3/2023 đã có phản hồi văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ của 36 doanh nghiệp đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió... về khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo.

dien1

Điện mặt trời và điện gió tại tỉnh Bình Thuận, ảnh minh họa. AFP Photo

Theo truyền thông Nhà nước, trong phản hồi, Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công thương nhìn nhận Quyết định 21/QĐ-BCT 2023  Khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp là vội vàng, chưa bảo đảm việc thẩm định và lấy ý kiến một cách kỹ lưỡng.

Bộ Công thương cũng cho rằng, việc giao cho EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) làm công tác xác định giá và sử dụng kết quả đề xuất chưa qua tham vấn với bên tư vấn độc lập là chưa phù hợp và phương pháp tính toán của EVN cũng được cho là chưa đảm bảo tính khách quan.

Tuy nhiên, Cục Điều tiết Điện lực vẫn giữ nguyên quan điểm việc ban hành Quyết định số 21 về khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp đã được Bộ Công thương đảm bảo trình tự và thủ tục theo quy định.

Liên quan mức giá cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp giảm thấp hơn trước, Cục Điều tiết Điện lực cũng cho biết theo các số liệu của các tổ chức tư vấn quốc tế, suất đầu tư điện gió, điện mặt trời trên thế giới có xu hướng giảm mạnh bất chấp sự gia tăng của chi phí vật liệu. Vì vậy, Cục này giảm trừ 10% cho 1MWp điện mặt trời, 1MW điện gió.

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam ; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, hôm 17/3 nhận định :

"Giá FIT từ giai đoạn đầu Nhà nước đã đưa ra để ủng hộ, tức là giá ưu đãi. Sau giai đoạn ưu đãi hai năm thì bắt đầu quay trở lại bình thường, lúc đó qua đấu thầu với nhau, sẽ đưa ra giá sàn sau đó đấu thầu với nhau. Việt Nam làm thế cũng đúng theo chuẩn quốc tế. Giá điện mặt trời và điện gió trong giai đoạn FIT là cao nhất, cao hơn cả giá điện bán ra thị trường. Giá điện bình quân bán ra còn thấp hơn giá mua vào, nhưng chỉ có giai đoạn đầu thôi. Giá điện gió, điện mặt trời cần phải thay đổi công nghệ để cho nó giảm giá thành bớt đi, chứ bây giờ là tương đối cao".

Chỉ có một lưu ý theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, là trong giai đoạn vừa qua của Việt Nam nếu không dùng điện gió và điện mặt trời thì sẽ lỗ lớn. Bởi vì theo ông Lâm giá thành trong giai đoạn vừa qua do Covid-19 và chiến tranh Nga - Ukraine nên giá than tăng rất nhiều, mà đa số nguyên liệu Việt Nam phải nhập vào, nếu dùng sẽ bị lỗ, cho nên Việt Nam ủng hộ điện gió và điện mặt trời. Ông Lâm cho rằng nên giữ cho giá thành sản xuất điện thấp, vì nếu lên cao quá sẽ phá mặt bằng giá cả của Việt Nam, lạm phát sẽ tăng rất cao, về vĩ mô trước mắt là chưa nên tăng giá mua điện.

dien2

Một dự án điện gió tại tỉnh Bạc Liêu. AFP Photo.

Trước đó, vào đầu tháng 3 năm 2023, 36 nhà đầu tư điện điện gió và điện mặt trời đã cùng ký văn bản kiến nghị Thủ tướng về những bất cập trong cơ chế giá phát điện khiến các nhà máy điện này đã đầu tư xong nhưng không thể bán điện cho EVN.

Ông T. chủ một doanh nghiệp nuôi trồng ở Gia Lai có đầu tư thêm điện mặt trời, cho biết thực tế khó khăn khi bị giảm giá và cắt sản lượng điện :

"Ban đầu có chủ trương của Chính phủ tạo cơ chế cho doanh nghiệp phát triển nên tôi vay ngân hàng và tự bỏ vốn để làm (điện mặt trời). Lúc ban đầu cũng tạm ổn, có nghĩa là tiền lãi ngân hàng và tiền gốc cũng tạm ổn để cân bằng, dự kiến trong 10 năm có thể trả nợ cho ngân hàng. Bây giờ đã tiết giảm điện, giá giảm và mưa gió như thế này thì điện lại thấp... Cho nên bây giờ một tháng cắt giảm năm sáu ngày, công ty tôi lỗ khoảng 50 triệu đồng mỗi tháng".

Theo Bộ Công thương, cơ chế giá bán điện ưu đãi FIT là cơ chế giá điện hỗ trợ, được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió và được quy định trong khoảng thời gian nhất định. Bộ Công thương cho rằng, khung giá phát điện cho các nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió được tính toán trên cơ sở chi phí thực tế của các nhà máy đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN trước thời hạn cơ chế giá FIT hết hiệu lực.

Liên quan vấn đề này, ông Lâm nhận định thêm :

"Việt Nam đã công bố trước đó là sau năm 2020 - 2021 sẽ không dùng giá FIT nữa, cho nên những dự án thực hiện sau đó thì không thể áp dụng giá FIT được nữa. Còn 36 công ty đề xuất không phải như thế, họ xây dựng trước, nhưng do khách quan, do Covid nên không đưa vào hợp đồng đúng hạn, người ta bị thiệt vì cái đó. chứ không phải do đầu tư sau. Nếu thực tế đúng như thế thì Nhà nước nên châm chước cho những dự án đó, áp dụng giá thu mua cao hơn. Còn những cái do chủ quan xây dựng chậm mà lại đòi thu mua giá cao là không được, không nên".

Thứ hai, theo ông Lâm, giá của điện gió và điện mặt trời sau này còn kéo theo hệ quả của nó là giá còn cao nữa. Bởi vì điện gió và điện mặt trời ở ngoài biển hoặc vùng cao, xa lưới điện, phải chuyển vào, thêm phí truyền tải. Nếu Nhà nước để giá điện tăng cao, người dân sẽ không chịu nổi.

Ông Vũ Phong - Giám đốc Công ty Cổ phần Điện mặt trời Vũ Phong, khi trả lời RFA vào tháng 4 năm 2021, cho rằng, Chính phủ nên phân biệt rõ giữa các dự án điện mặt trời tự sản xuất và tiêu thụ với những dự án sản xuất điện để bán lên lưới, đồng thời vẫn nên khuyến khích các dự án điện mặt trời tự tiêu thụ mà vẫn không tạo thêm sức ép cho mạng lưới truyền tải. Ông nói tiếp :

"Nếu ta không làm rõ nguồn phát điện mặt trời là nguồn phát lên lưới, hay là nguồn tự sản xuất và tiêu thụ thì vô hình chung sẽ hạn chế mời gọi nhà đầu tư sản xuất xanh và sạch vào Việt Nam. Hoặc nhà đầu tư đã ở trong nước chưa có cơ hội đầu tư điện mặt trời thì cũng không đầu tư được hoặc cũng không có động lực để phát triển thêm".

Theo số liệu của Bộ Công thương, đã có 55 địa phương đề xuất bổ sung nguồn điện gió vào quy hoạch phát triển điện VIII, với tổng công suất đạt hơn 440.000 MW.

Hai địa phương có nguồn điện năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời phát triển nhất là tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận xin bổ sung vào quy hoạch điện VIII lần lượt hơn 25.300 MW và 42.595 MW.

Ngay cả một số tỉnh miền Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định... cũng xin Chính phủ bổ sung lượng lớn công suất điện gió, điện khí vào quy hoạch điện VIII trong lần sửa đổi trước. Cụ thể Quảng Ninh muốn bổ sung khoảng 5.000 MW điện gió ; Hải Phòng đề nghị bổ sung 3.900 MW điện gió ngoài khơi ; Thái Bình 8.700 MW điện gió ; hay Nam Định 12.000 MW...

Nguồn : RFA, 17/03/2023

***************************

Điện tái tạo tại Việt Nam bao giờ hết 'ế' ?

RFA, 14/03/2023

Mới đây, 36 nhà đầu tư điện tái tạo đã cùng ký văn bản kiến nghị thủ tướng về những bất cập trong cơ chế giá phát điện khiến 34 nhà máy điện đã đầu tư xong nhưng không thể bán điện cho EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam).

dien3

Các ngư dân đang làm việc gần các tua-bin gió của nhà máy điện gió đầu tiên của Việt Nam ở tỉnh Bạc Liêu. Ảnh chụp ngày 2 tháng 5 năm 2014. AFP

Vì là mặt hàng không có tồn kho do khả năng lưu trữ điện năng ở các hệ thống lưu trữ năng lượng rất hạn chế, nên điện năng được sản xuất ra khi có nhu cầu tiêu thụ. Do đó, quá trình sản xuất và tiêu thụ điện năng phải được diễn ra đồng thời và về mặt kỹ thuật, phải luôn luôn cân bằng. Tuy vậy, ở Việt Nam hiện nay đang có 34 nhà máy điện tái tạo, bao gồm 28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời, đã hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy, vượt qua giai đoạn thử nghiệm, đủ điều kiện phát điện lên lưới, nhưng vẫn chưa thể bán điện cho EVN.

Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả nói với RFA :

"Năng lượng tái tạo thì có một thời kỳ người ta đổ xô đầu tư xây dựng rất nhiều. Nhưng khi xây dựng xong thì không đủ đường tải điện, cho nên cuối cùng thì EVN chỉ mua điện từ một số nhà máy thôi. Và hiện nay họ đang tính toán lại xem giá mua là bao nhiêu. Cho nên năng lượng tái tạo hiện nay vẫn chiếm một tỷ lệ nhỏ thôi dù tiềm năng rất lớn.

Giá cả cũng cao hơn giá điện than và giá thủy điện. EVN cũng mua có mức độ, đồng thời họ vẫn chờ chính phủ thông qua giá để quyết định vì giá nhà nước công bố cho mua rất thấp. Cái chính là đường tải điện không đủ năng lực để đáp ứng cái cung của nguồn điện gió".

Tháng 12 năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới khảo sát các dự án điện gió ven biển tại tỉnh Bạc Liêu. Ông Chính yêu cầu phải xem xét lại về giá điện, đàm phán lại về các dự án điện gió đã triển khai để người dân không phải chịu giá điện cao như hiện nay.

Trong văn bản kêu cứu gửi tới thủ tướng mới đây, các nhà đầu tư dự án điện tái tạo cho biết, tính đến thời điểm hiện tại có 6 nhà máy điện mặt trời đã nằm chờ cơ chế hơn 26 tháng, và 28 nhà máy điện gió đã phải nằm chờ 16 tháng.

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam ; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng nêu nhận định của ông với RFA sáng 14 tháng 3 :

"Thực tế thì trong tương lai, điện mặt trời dùng cũng sẽ có mức thôi và họ sẽ sử dụng điện gió vì điện mặt trời tốn đất lắm. Phần lớn đất đó là đất dùng cho nông nghiệp. Bây giờ nếu dùng để xây dựng thì sẽ không có đất cho nông nghiệp. Điện gió thì ít chiếm đất hơn vì người ta có thể xây dựng ở gần biển mới nhiều gió. Nhưng mà điện gió cũng cần phải có lưới điện tức là phải truyền điện đến trục chính Nam Bắc. Hiện giờ chưa đủ nên người ta phải tính toán lại.

Xây dựng những nhà máy điện gió thì nhanh nhưng xây đường dây điện để đưa điện từ nhà máy điện gió đến lưới điện quốc gia là vẫn chưa đồng bộ. Làm đường dây đến đâu thì phải giải phóng mặt bằng đến đó, tức là phải lấy đất của dân hoặc đi qua vườn tược của người ta. Mà làm như thế là phải bồi thường cho người ta. Mà hiện nay vấn đề đền bù là vấn đề khó khăn nhất. Đang chờ sửa đổi Luật đất đai. Sửa làm sao để giá đền bù mà người ta chấp nhận được. Xây dựng nhà máy không khó nhưng xây dựng đường dây điện mới khó".

Thị trường là một cơ chế mà người mua và người bán tương tác với nhau để xác định giá cả và sản lượng của hàng hóa hay dịch vụ. Nhưng với ngành điện Việt Nam, EVN là một đơn vị thuộc Nhà nước độc quyền truyền tải, phân phối và mua bán điện năng cũng như phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia.

Để giải quyết tình trạng độc quyền đó, ngày 11 tháng 2 năm 2020 Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 55 về "Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Ngoài khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng, Bộ Chính trị nêu rõ cần loại bỏ bao cấp, độc quyền, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng mà cụ thể là ngành điện.

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, điện mặt trời và điện gió của Việt Nam hiện nay có tiềm năng, nhưng vấn đề là sự kết nối và chi phí của việc kết nối hiện chỉ do EVN quản lý. Theo ông, đây là điểm nghẽn cần giải quyết để có thể khai thác đầy đủ. Ông nói thêm :

"Hiện nay đã có nguồn phát điện của tư nhân, nhưng mạng lưới phân phối điện vẫn do EVN độc quyền. Vì vậy tình trạng độc quyền vẫn đang tiếp diễn, chúng ta cần phải bước thêm bước nữa, là có cạnh tranh về việc phân phối lưới điện. Nhưng đó là vấn đề khó khăn, vì lưới điện phải được quản lý thống nhất và liên tiếp với nhau".

Các nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió mới đây cũng kiến nghị thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành sớm hoàn thiện và ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp để chủ đầu tư các nhà máy điện tái tạo có thể bán điện trực tiếp cho các bên có nhu cầu sử dụng điện lớn đã sẵn sàng mua điện từ các nhà máy.

Hôm 27/10/2022, trang tin PV Magazine chuyên về năng lượng cho biết, Bộ Công thương Việt Nam đang có kế hoạch thử nghiệm bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện sử dụng năng lượng tái tạo đến người dùng bắt đầu từ đầu năm 2023 đến năm 2024 và sẽ mở chính thức vào năm 2025.

PV Magazine trích lời ông Mortiz Sticher, chuyên gia cấp cao của hãng tư vấn Apricum có trụ sở tại Berlin rằng, hiện chưa có ngày cụ thể khi nào Việt Nam bắt đầu chương trình này nhưng chương trình lúc đầu được dự kiến là từ 2022 đến 2024. Bây giờ chương trình dự kiến bắt đầu từ quý một năm 2023.

Nguồn : RFA, 14/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 288 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)