Cuối năm 2023, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam kết luận ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, và ông Trịnh Đình Dũng, nguyên Phó Thủ tướng, nằm trong số các quan chức cấp cao của Chính phủ phải chịu trách nhiệm cho các thiếu sót, vi phạm "trong công tác tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió ; thực hiện Quy hoạch điện 7 điều chỉnh" (PDP7). Do đó, Ủy ban đề nghị các cơ quan liên quan tiến hành các biện pháp kỷ luật đối với ông Anh, ông Dũng và một số quan chức cấp cao khác có liên quan.
Tốc độ phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam có thể tăng theo cấp số nhân để thu hút các nhà sản xuất và đảm bảo an ninh năng lượng. (Ảnh minh họa - Ảnh : Báo Đầu tư)
Ông Anh giữ chức bộ trưởng Bộ Công Thương trong khi ông Dũng là phó thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế, bao gồm lĩnh vực năng lượng, trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2021. Trong nhiệm kỳ của họ, Việt Nam đã đạt được sự phát triển vượt bậc về năng lượng tái tạo, với nhiều dự án điện mặt trời và điện gió được hoàn thành chỉ trong ba năm. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, điều này đã khiến sản lượng điện tái tạo của Việt Nam tăng đáng kể, từ mức chỉ 997 GWh năm 2018 lên tới 37.865 GWh vào năm 2022. Do đó, Việt Nam đã nổi lên trở thành quốc gia dẫn đầu về năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á, chiếm 69% sản lượng điện mặt trời và điện gió của toàn bộ khu vực trong năm 2022.
Tuy nhiên, những thành công như vậy cũng đi kèm nhiều vấn đề. Tháng 4 năm ngoái, một cuộc thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều vi phạm trong việc cấp phép và chứng nhận vận hành thương mại các dự án năng lượng tái tạo. Ví dụ, PDP7 điều chỉnh đề ra mục tiêu lắp đặt 850MW năng lượng mặt trời vào năm 2020 , tăng lên 4.000MW vào năm 2025. Tương tự, kế hoạch dự kiến sẽ có 800MW điện gió vào năm 2020 và mục tiêu là 2.000MW vào năm 2025. Tuy nhiên, tính đến tháng 5 năm 2023, tổng công suất lắp đặt của các dự án điện gió, điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã đạt con số đáng kinh ngạc là 21.839MW, vượt xa mục tiêu đặt ra trong PDP7.
Sự gia tăng đột ngột về nguồn năng lượng tái tạo này đã gây căng thẳng cho lưới điện quốc gia, đặc biệt là ở khu vực miền Trung, nơi tập trung hầu hết các dự án năng lượng tái tạo. Hơn nữa, trong cùng thời kỳ, không có nhiều nhà máy điện truyền thống được xây mới, vốn là điều cần thiết để cung cấp phụ tải nền ổn định cho các nguồn năng lượng tái tạo vốn phụ thuộc vào thời tiết và do đó kém tin cậy hơn. Điều này đã gây ra những lo ngại nghiêm trọng về an toàn cho hệ thống điện quốc gia. Hậu quả là Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải cắt giảm lượng điện mua vào từ các nguồn năng lượng tái tạo, dẫn đến tổn thất tài chính đáng kể cho các chủ dự án.
Động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng về năng lượng tái tạo ở Việt Nam là việc thực hiện biểu giá điện đầu vào (FIT) cao cho các dự án được chứng nhận bắt đầu vận hành thương mại trước các thời hạn cụ thể. Ví dụ, các trang trại điện mặt trời bắt đầu hoạt động thương mại trước ngày 30 tháng 6 năm 2019 được nhận mức FIT là 9,35 xu Mỹ/kWh, trong khi các trang trại gió trên đất liền và ngoài khơi bắt đầu vận hành thương mại trước ngày 1 tháng 11 năm 2021 sẽ được nhận được mức FIT lần lượt là 8,5 xu Mỹ/kWh và 9,8 xu Mỹ/kWh. Trong khi đó, giá FIT cho các dự án điện mặt trời mái nhà vận hành trước ngày 31 tháng 12 năm 2020 là 8,38 xu Mỹ/kWh. Các mức giá FIT này được cố định trong 20 năm.
Các mức giá FIT hấp dẫn này đã gây ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà đầu tư trong nước để xây dựng các dự án điện mặt trời và điện gió dù hầu hết trong số họ đều không có kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng. Họ chủ yếu tận dụng các mối quan hệ, thường bao gồm các khoản hối lộ, để giành được giấy phép dự án, sau đó dựa chủ yếu vào nguồn vốn ngân hàng hoặc trái phiếu doanh nghiệp để tài trợ cho việc phát triển dự án. Do đại dịch cũng như sự cạnh tranh gay gắt về nguồn cung thiết bị và nhà thầu, 62 dự án điện gió đã không thể hoàn thành trước thời hạn FIT. Không thể bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các dự án này gặp khó khăn tài chính trầm trọng. Ngay cả những dự án đủ điều kiện hưởng giá FIT cũng phải đối mặt với các vấn đề ngày càng gia tăng. Bên cạnh việc cắt giảm lượng điện mua vào của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện nhiều vi phạm trong việc cấp chứng nhận hoàn thành và vận hành thương mại cho nhiều dự án, khiến các dự án này có nguy cơ bị loại khỏi cơ chế FIT. Nhà đầu tư nước ngoài mua lại các dự án từ nhà đầu tư trong nước cũng có thể phải gánh chịu tổn thất nếu cơ quan chức năng phát hiện ra các vi phạm tương tự ở dự án họ đã mua.
Tình hình này cũng tác động tiêu cực đến nhà nước và nền kinh tế nói chung. Hầu hết giá FIT đều cao hơn giá điện bán lẻ trung bình, có nghĩa là nhà nước và người dùng cuối về cơ bản đang trợ cấp cho các dự án năng lượng tái tạo. Các mức giá FIT cao cũng góp phần vào khoản lỗ lũy kế của Tập đoàn Điện lực Việt Nam vốn ngày càng tăng trong hai năm qua, lên tới 55 nghìn tỷ đồng (2,3 tỷ USD) tại thời điểm tháng 9 năm 2023. Do đó, Chính phủ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng giá điện bán lẻ, gây áp lực lên lạm phát và làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
Trước những hậu quả nghiêm trọng này, chính phủ đã cố gắng hạn chế thiệt hại. Ví dụ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ngừng mua điện từ các dự án điện mặt trời mái nhà hoàn thành sau ngày 31/12/2020, khiến hàng nghìn nhà đầu tư rơi vào tình trạng bấp bênh. Các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành thanh tra kỹ lưỡng hầu hết các dự án năng lượng tái tạo. Các dự án bị phát hiện có vi phạm nghiêm trọng, như thiếu giấy phép xây dựng, không có giấy phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay chưa hoàn thành tất cả các yêu cầu để được cấp giấy chứng nhận vận hành thương mại, có thể bị chấm dứt hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Tháng trước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thậm chí còn đề xuất giảm giá FIT cho 38 dự án nhưng đã nhanh chóng rút lại đề xuất chỉ sau 1 ngày. Sự đảo chiều đột ngột này có thể phần nào phản ánh khó khăn của chính phủ trong việc tìm ra một giải pháp thỏa đáng. Nếu xử lý nhẹ tay sẽ kéo dài tổn thất cho ngân sách nhà nước, còn nếu xử lý nặng tay có thể gây tổn thất tài chính lớn cho các nhà đầu tư, theo đó có khả năng ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng do các nhà đầu tư phụ thuộc nặng nề vào nguồn vốn vay. Điều này cũng có thể tác động tiêu cực đến niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường chính sách của Việt Nam và làm dấy lên nghi ngờ về cam kết của chính phủ trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.
Hiện tại, dường như không có giải pháp đơn giản nào cho vấn đề này. Vẫn chưa rõ Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề và rút kinh nghiệm ra sao cho việc đưa ra các quyết định chính sách trong tương lai. Tuy nhiên, điều không thể tránh khỏi là những người chịu trách nhiệm liên quan sẽ sớm phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng cho một vấn đề vốn có thể trở thành một trong những sai lầm chính sách nghiêm trọng nhất trong lịch sử gần đây của Việt Nam.
Lê Hồng Hiệp
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 05/01/2024
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên chuyên trang bình luận về các vấn đề Đông Nam Á Fulcrum.sg.
Bộ Công thương trả lời kiến nghị về điện mặt trời thiếu thuyết phục
RFA, 17/03/2023
Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công thương hôm 15/3/2023 đã có phản hồi văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ của 36 doanh nghiệp đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió... về khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo.
Điện mặt trời và điện gió tại tỉnh Bình Thuận, ảnh minh họa. AFP Photo
Theo truyền thông Nhà nước, trong phản hồi, Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công thương nhìn nhận Quyết định 21/QĐ-BCT 2023 Khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp là vội vàng, chưa bảo đảm việc thẩm định và lấy ý kiến một cách kỹ lưỡng.
Bộ Công thương cũng cho rằng, việc giao cho EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) làm công tác xác định giá và sử dụng kết quả đề xuất chưa qua tham vấn với bên tư vấn độc lập là chưa phù hợp và phương pháp tính toán của EVN cũng được cho là chưa đảm bảo tính khách quan.
Tuy nhiên, Cục Điều tiết Điện lực vẫn giữ nguyên quan điểm việc ban hành Quyết định số 21 về khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp đã được Bộ Công thương đảm bảo trình tự và thủ tục theo quy định.
Liên quan mức giá cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp giảm thấp hơn trước, Cục Điều tiết Điện lực cũng cho biết theo các số liệu của các tổ chức tư vấn quốc tế, suất đầu tư điện gió, điện mặt trời trên thế giới có xu hướng giảm mạnh bất chấp sự gia tăng của chi phí vật liệu. Vì vậy, Cục này giảm trừ 10% cho 1MWp điện mặt trời, 1MW điện gió.
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam ; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, hôm 17/3 nhận định :
"Giá FIT từ giai đoạn đầu Nhà nước đã đưa ra để ủng hộ, tức là giá ưu đãi. Sau giai đoạn ưu đãi hai năm thì bắt đầu quay trở lại bình thường, lúc đó qua đấu thầu với nhau, sẽ đưa ra giá sàn sau đó đấu thầu với nhau. Việt Nam làm thế cũng đúng theo chuẩn quốc tế. Giá điện mặt trời và điện gió trong giai đoạn FIT là cao nhất, cao hơn cả giá điện bán ra thị trường. Giá điện bình quân bán ra còn thấp hơn giá mua vào, nhưng chỉ có giai đoạn đầu thôi. Giá điện gió, điện mặt trời cần phải thay đổi công nghệ để cho nó giảm giá thành bớt đi, chứ bây giờ là tương đối cao".
Chỉ có một lưu ý theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, là trong giai đoạn vừa qua của Việt Nam nếu không dùng điện gió và điện mặt trời thì sẽ lỗ lớn. Bởi vì theo ông Lâm giá thành trong giai đoạn vừa qua do Covid-19 và chiến tranh Nga - Ukraine nên giá than tăng rất nhiều, mà đa số nguyên liệu Việt Nam phải nhập vào, nếu dùng sẽ bị lỗ, cho nên Việt Nam ủng hộ điện gió và điện mặt trời. Ông Lâm cho rằng nên giữ cho giá thành sản xuất điện thấp, vì nếu lên cao quá sẽ phá mặt bằng giá cả của Việt Nam, lạm phát sẽ tăng rất cao, về vĩ mô trước mắt là chưa nên tăng giá mua điện.
Một dự án điện gió tại tỉnh Bạc Liêu. AFP Photo.
Trước đó, vào đầu tháng 3 năm 2023, 36 nhà đầu tư điện điện gió và điện mặt trời đã cùng ký văn bản kiến nghị Thủ tướng về những bất cập trong cơ chế giá phát điện khiến các nhà máy điện này đã đầu tư xong nhưng không thể bán điện cho EVN.
Ông T. chủ một doanh nghiệp nuôi trồng ở Gia Lai có đầu tư thêm điện mặt trời, cho biết thực tế khó khăn khi bị giảm giá và cắt sản lượng điện :
"Ban đầu có chủ trương của Chính phủ tạo cơ chế cho doanh nghiệp phát triển nên tôi vay ngân hàng và tự bỏ vốn để làm (điện mặt trời). Lúc ban đầu cũng tạm ổn, có nghĩa là tiền lãi ngân hàng và tiền gốc cũng tạm ổn để cân bằng, dự kiến trong 10 năm có thể trả nợ cho ngân hàng. Bây giờ đã tiết giảm điện, giá giảm và mưa gió như thế này thì điện lại thấp... Cho nên bây giờ một tháng cắt giảm năm sáu ngày, công ty tôi lỗ khoảng 50 triệu đồng mỗi tháng".
Theo Bộ Công thương, cơ chế giá bán điện ưu đãi FIT là cơ chế giá điện hỗ trợ, được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió và được quy định trong khoảng thời gian nhất định. Bộ Công thương cho rằng, khung giá phát điện cho các nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió được tính toán trên cơ sở chi phí thực tế của các nhà máy đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN trước thời hạn cơ chế giá FIT hết hiệu lực.
Liên quan vấn đề này, ông Lâm nhận định thêm :
"Việt Nam đã công bố trước đó là sau năm 2020 - 2021 sẽ không dùng giá FIT nữa, cho nên những dự án thực hiện sau đó thì không thể áp dụng giá FIT được nữa. Còn 36 công ty đề xuất không phải như thế, họ xây dựng trước, nhưng do khách quan, do Covid nên không đưa vào hợp đồng đúng hạn, người ta bị thiệt vì cái đó. chứ không phải do đầu tư sau. Nếu thực tế đúng như thế thì Nhà nước nên châm chước cho những dự án đó, áp dụng giá thu mua cao hơn. Còn những cái do chủ quan xây dựng chậm mà lại đòi thu mua giá cao là không được, không nên".
Thứ hai, theo ông Lâm, giá của điện gió và điện mặt trời sau này còn kéo theo hệ quả của nó là giá còn cao nữa. Bởi vì điện gió và điện mặt trời ở ngoài biển hoặc vùng cao, xa lưới điện, phải chuyển vào, thêm phí truyền tải. Nếu Nhà nước để giá điện tăng cao, người dân sẽ không chịu nổi.
Ông Vũ Phong - Giám đốc Công ty Cổ phần Điện mặt trời Vũ Phong, khi trả lời RFA vào tháng 4 năm 2021, cho rằng, Chính phủ nên phân biệt rõ giữa các dự án điện mặt trời tự sản xuất và tiêu thụ với những dự án sản xuất điện để bán lên lưới, đồng thời vẫn nên khuyến khích các dự án điện mặt trời tự tiêu thụ mà vẫn không tạo thêm sức ép cho mạng lưới truyền tải. Ông nói tiếp :
"Nếu ta không làm rõ nguồn phát điện mặt trời là nguồn phát lên lưới, hay là nguồn tự sản xuất và tiêu thụ thì vô hình chung sẽ hạn chế mời gọi nhà đầu tư sản xuất xanh và sạch vào Việt Nam. Hoặc nhà đầu tư đã ở trong nước chưa có cơ hội đầu tư điện mặt trời thì cũng không đầu tư được hoặc cũng không có động lực để phát triển thêm".
Theo số liệu của Bộ Công thương, đã có 55 địa phương đề xuất bổ sung nguồn điện gió vào quy hoạch phát triển điện VIII, với tổng công suất đạt hơn 440.000 MW.
Hai địa phương có nguồn điện năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời phát triển nhất là tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận xin bổ sung vào quy hoạch điện VIII lần lượt hơn 25.300 MW và 42.595 MW.
Ngay cả một số tỉnh miền Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định... cũng xin Chính phủ bổ sung lượng lớn công suất điện gió, điện khí vào quy hoạch điện VIII trong lần sửa đổi trước. Cụ thể Quảng Ninh muốn bổ sung khoảng 5.000 MW điện gió ; Hải Phòng đề nghị bổ sung 3.900 MW điện gió ngoài khơi ; Thái Bình 8.700 MW điện gió ; hay Nam Định 12.000 MW...
Nguồn : RFA, 17/03/2023
***************************
Điện tái tạo tại Việt Nam bao giờ hết 'ế' ?
RFA, 14/03/2023
Mới đây, 36 nhà đầu tư điện tái tạo đã cùng ký văn bản kiến nghị thủ tướng về những bất cập trong cơ chế giá phát điện khiến 34 nhà máy điện đã đầu tư xong nhưng không thể bán điện cho EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam).
Các ngư dân đang làm việc gần các tua-bin gió của nhà máy điện gió đầu tiên của Việt Nam ở tỉnh Bạc Liêu. Ảnh chụp ngày 2 tháng 5 năm 2014. AFP
Vì là mặt hàng không có tồn kho do khả năng lưu trữ điện năng ở các hệ thống lưu trữ năng lượng rất hạn chế, nên điện năng được sản xuất ra khi có nhu cầu tiêu thụ. Do đó, quá trình sản xuất và tiêu thụ điện năng phải được diễn ra đồng thời và về mặt kỹ thuật, phải luôn luôn cân bằng. Tuy vậy, ở Việt Nam hiện nay đang có 34 nhà máy điện tái tạo, bao gồm 28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời, đã hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy, vượt qua giai đoạn thử nghiệm, đủ điều kiện phát điện lên lưới, nhưng vẫn chưa thể bán điện cho EVN.
Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả nói với RFA :
"Năng lượng tái tạo thì có một thời kỳ người ta đổ xô đầu tư xây dựng rất nhiều. Nhưng khi xây dựng xong thì không đủ đường tải điện, cho nên cuối cùng thì EVN chỉ mua điện từ một số nhà máy thôi. Và hiện nay họ đang tính toán lại xem giá mua là bao nhiêu. Cho nên năng lượng tái tạo hiện nay vẫn chiếm một tỷ lệ nhỏ thôi dù tiềm năng rất lớn.
Giá cả cũng cao hơn giá điện than và giá thủy điện. EVN cũng mua có mức độ, đồng thời họ vẫn chờ chính phủ thông qua giá để quyết định vì giá nhà nước công bố cho mua rất thấp. Cái chính là đường tải điện không đủ năng lực để đáp ứng cái cung của nguồn điện gió".
Tháng 12 năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới khảo sát các dự án điện gió ven biển tại tỉnh Bạc Liêu. Ông Chính yêu cầu phải xem xét lại về giá điện, đàm phán lại về các dự án điện gió đã triển khai để người dân không phải chịu giá điện cao như hiện nay.
Trong văn bản kêu cứu gửi tới thủ tướng mới đây, các nhà đầu tư dự án điện tái tạo cho biết, tính đến thời điểm hiện tại có 6 nhà máy điện mặt trời đã nằm chờ cơ chế hơn 26 tháng, và 28 nhà máy điện gió đã phải nằm chờ 16 tháng.
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam ; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng nêu nhận định của ông với RFA sáng 14 tháng 3 :
"Thực tế thì trong tương lai, điện mặt trời dùng cũng sẽ có mức thôi và họ sẽ sử dụng điện gió vì điện mặt trời tốn đất lắm. Phần lớn đất đó là đất dùng cho nông nghiệp. Bây giờ nếu dùng để xây dựng thì sẽ không có đất cho nông nghiệp. Điện gió thì ít chiếm đất hơn vì người ta có thể xây dựng ở gần biển mới nhiều gió. Nhưng mà điện gió cũng cần phải có lưới điện tức là phải truyền điện đến trục chính Nam Bắc. Hiện giờ chưa đủ nên người ta phải tính toán lại.
Xây dựng những nhà máy điện gió thì nhanh nhưng xây đường dây điện để đưa điện từ nhà máy điện gió đến lưới điện quốc gia là vẫn chưa đồng bộ. Làm đường dây đến đâu thì phải giải phóng mặt bằng đến đó, tức là phải lấy đất của dân hoặc đi qua vườn tược của người ta. Mà làm như thế là phải bồi thường cho người ta. Mà hiện nay vấn đề đền bù là vấn đề khó khăn nhất. Đang chờ sửa đổi Luật đất đai. Sửa làm sao để giá đền bù mà người ta chấp nhận được. Xây dựng nhà máy không khó nhưng xây dựng đường dây điện mới khó".
Thị trường là một cơ chế mà người mua và người bán tương tác với nhau để xác định giá cả và sản lượng của hàng hóa hay dịch vụ. Nhưng với ngành điện Việt Nam, EVN là một đơn vị thuộc Nhà nước độc quyền truyền tải, phân phối và mua bán điện năng cũng như phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia.
Để giải quyết tình trạng độc quyền đó, ngày 11 tháng 2 năm 2020 Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 55 về "Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Ngoài khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng, Bộ Chính trị nêu rõ cần loại bỏ bao cấp, độc quyền, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng mà cụ thể là ngành điện.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, điện mặt trời và điện gió của Việt Nam hiện nay có tiềm năng, nhưng vấn đề là sự kết nối và chi phí của việc kết nối hiện chỉ do EVN quản lý. Theo ông, đây là điểm nghẽn cần giải quyết để có thể khai thác đầy đủ. Ông nói thêm :
"Hiện nay đã có nguồn phát điện của tư nhân, nhưng mạng lưới phân phối điện vẫn do EVN độc quyền. Vì vậy tình trạng độc quyền vẫn đang tiếp diễn, chúng ta cần phải bước thêm bước nữa, là có cạnh tranh về việc phân phối lưới điện. Nhưng đó là vấn đề khó khăn, vì lưới điện phải được quản lý thống nhất và liên tiếp với nhau".
Các nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió mới đây cũng kiến nghị thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành sớm hoàn thiện và ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp để chủ đầu tư các nhà máy điện tái tạo có thể bán điện trực tiếp cho các bên có nhu cầu sử dụng điện lớn đã sẵn sàng mua điện từ các nhà máy.
Hôm 27/10/2022, trang tin PV Magazine chuyên về năng lượng cho biết, Bộ Công thương Việt Nam đang có kế hoạch thử nghiệm bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện sử dụng năng lượng tái tạo đến người dùng bắt đầu từ đầu năm 2023 đến năm 2024 và sẽ mở chính thức vào năm 2025.
PV Magazine trích lời ông Mortiz Sticher, chuyên gia cấp cao của hãng tư vấn Apricum có trụ sở tại Berlin rằng, hiện chưa có ngày cụ thể khi nào Việt Nam bắt đầu chương trình này nhưng chương trình lúc đầu được dự kiến là từ 2022 đến 2024. Bây giờ chương trình dự kiến bắt đầu từ quý một năm 2023.
Nguồn : RFA, 14/03/2023
Việt Nam thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo để bảo đảm sản xuất và trung hòa khí thải
Việt Nam cần 8 đến 14 tỉ đô la hàng năm cho đến năm 2030 để phát triển ngành điện lực. Theo phát biểu ngày 10/08/2022 của thứ trưởng bộ Công Thương Việt Nam Đặng Hoàng An, 75% khoản đầu tư này được dành để phát triển những nhà máy điện mới, trong đó có các trang trại điện gió, số còn lại để triển khai và phát triển lưới điện.
Các công ty Sojitz Corporation, Osaka Gas Co., Ltd. và Looop Inc. sản xuất điện từ pin mặt trời được lắp trên mái nhà máy ở Việt Nam. Ảnh minh họa một phần khu công nghiệp Long Đức, do công ty Sojitz khai thác, ở tỉnh Đồng Nai, miền nam Việt Nam. © AP - Business Wire
Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trở thành vấn đề cấp bách đối với chính phủ trong bối cảnh Việt Nam hiện là một trung tâm công nghiệp trong vùng. Ngoài "phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân", chính phủ Việt Nam còn phải thực hiện cam kết trung hòa khí phát thải từ nay đến năm 2050. Do đó, "Việt Nam sẽ không thêm những nhà máy nhiệt điện vào kế hoạch chỉ đạo phát triển năng lượng và sẽ chỉ tiếp tục những dự án đang được xây cho đến năm 2030", theo thứ trưởng bộ Công Thương (1). Thay vào đó là phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để dần chiếm tỉ trọng lớn hơn trong hỗn hợp năng lượng với tổng năng suất được thẩm định đạt 121 gigawatt (GW) đến năm 2030 và 284 GW đến năm 2045, so với 76,6 GW vào cuối năm 2021.
Một thị trường lớn đang thu hút đầu tư của các tập đoàn năng lượng tái tạo Việt Nam, được báo cáo tháng 09/2022 của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) đánh giá "là lực lượng dẫn dắt sự thay đổi ngoạn mục của ngành điện Việt Nam trong những năm gần đây". Tuy nhiên, họ sẽ phải sớm đối mặtvới cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài "và khi tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chuyển sang áp dụng các cơ chế mua điện khắt khe hơn thay cho chính sách ưu đãi trước đây" (2).
Liệu bất cập tồn đọng từ vài năm gần đây có được tháo gỡ trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), đang được hoàn thiện ? Theo trang Đầu tư ngày 07/09, "Quy hoạch cũng được yêu cầu xem xét tối ưu tổng thể cho 5 khâu cụ thể trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau gồm nguồn điện - truyền tải điện - phân phối điện - sử dụng điện hiệu quả - giá điện" (3).
Để hiểu thêm biến chuyển về thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam, RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với ông Eric Mottet, giảng viên trường Đại học Công giáo Lille, nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS).
Chính phủ Việt Nam đã cổ vũ phát triển các loại năng lượng tái tạo từ khoảng 3, 4 năm gần đây
RFI : Trong những năm gần đây, chính phủ Việt Nam khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Tham vọng này được triển khai trong bối cảnh nào ?
Eric Mottet : Đúng vậy, chính phủ Việt Nam đã cổ vũ phát triển các loại năng lượng tái tạo từ khoảng 3, 4 năm gần đây và điều này được giải thích qua 3 lý do.
Thứ nhất, đây là việc mang tính cấp bách đối với phát triển Việt Nam. Chúng ta nhớ rằng Việt Nam đã gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vào năm 2007. Xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gấp 6 lần, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam rất mở với thế giới bên ngoài. 60% khối lượng xuất khẩu của Việt Nam là hàng gia công. Thế nhưng, hàng gia công lại do các đại tập đoàn đa quốc gia hoạt động ở Việt Nam sản xuất, như Samsung, Intel, Apple… trong đó có nhiều tập đoàn hoạt động ở Việt Nam từ khoảng 10-15 năm nay. Đó là những tập đoàn tư nhân lớn, những nhà sản xuất tư nhân khổng lồ phần nào là trụ cột của nền kinh tế Việt Nam.
Lý do thứ hai là bối cảnh thế giới, nếu muốn hiểu về những chương trình đầu tư của Việt Nam vào các loại năng lượng tái tạo. Chúng ta biết là bối cảnh quốc tế đang gây rất nhiều sức ép đối với các tập đoàn đa quốc gia để họ nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Phần lớn các tập đoàn hoạt động ở Việt Nam đều cam kết theo hướng này, ví dụ tập đoàn Intel cam kết 100% sản phẩm xuất từ các nhà máy của họ ở Việt Nam từ giờ đến năm 2030 sẽ được sản xuất từ năng lượng tái tạo, nhiều tập đoàn khác cũng cam kết tương tự. Gần đây, Lego, nhà sản xuất đồ chơi lớn của Đan Mạch đóng ở Việt Nam, đã quyết định xây một nhà máy 100% trung hòa khí phát thải và sẽ được cung cấp điện mặt trời.
Tất cả những tập đoàn đa quốc gia tham gia vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam đã gây sức ép lớn đối với chính quyền Việt Nam, vừa để tự do hóa thị trường điện, vừa để buộc chính phủ đầu tư và tạo điều kiện cho đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo. Chính bối cảnh này giải thích cho việc Việt Nam đầu tư hoặc ít ra đang tạo điều kiện cho đầu tư năng lượng tái tạo.
Cũng phải nhắc lại rằng tiêu thụ điện ở Việt Nam tăng 10% hàng năm và hiện giờ sản lượng điện quốc gia chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch, có nghĩa là than đá, và thủy điện từ các đập thủy điện, không đủ để đáp ứng cho lượng điện tiêu thụ không ngừng tăng. Điểm này cũng giải thích cho việc Việt Nam đầu tư, hoặc chí ít là tạo điều kiện cho những dự án đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo trong những năm gần đây. Hiện tại, năng lượng tái tạo chiếm 15% tổng các nguồn năng lượng hỗn hợp. Có thể thấy rõ là Việt Nam muốn nhanh chóng chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo. Tất cả nằm trong kế hoạch chỉ đạo phát triển điện giai đoạn 2021-2030.
Nói tóm lại, cần phải hiểu ở đây có 3 bối cảnh giải thích cho chính sách năng lượng tái tạo của Việt Nam : thứ nhất về bối cảnh kinh tế liên quan đến toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế của Việt Nam trong quá trình toàn cầu hóa ; thứ hai là sức ép của các đại tập đoàn đa quốc gia muốn gửi đi hình ảnh về chống biến đổi khí hậu ; thứ ba là những cam kết của Việt Nam trong bối cảnh lượng tiêu thụ điện không ngừng tăng. Vì thế, phải tìm ra được những nguồn sản xuất năng lượng mới cho Việt Nam.
RFI : Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy là vẫn còn rất nhiều trở ngại về mặt pháp luật và cơ sở hạ tầng giữa dự án và thực tế. Xin ông giải thích một vài bất cập !
Eric Mottet : Đúng là năng lượng sạch giờ trở thành một yếu tố chủ đạo để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Với những cam kết của các đại tập đoàn đa quốc gia, Việt Nam được xếp trong nhóm 10 nước có năng lực nhất về điện mặt trời trong năm nay (2022). Hiện giờ, chính phủ đang khuyến khích lắp các tấm pin mặt trời trên mái các doanh nghiệp và hộ gia đình. Thế nhưng, như chị vừa nêu, vẫn còn nhiều vấn đề ở Việt Nam. Đầu tư của Việt Nam hiện không đủ vì cách đây 5 hay 6 năm, một đạo luật đã được thông qua để nợ công của Việt Nam không vượt quá 65% GDP. Vì thế, hiện nay khả năng và đầu tư của Việt Nam vào năng lượng tái tạo là chưa đủ.
Ngoài ra, các hợp đồng mua lại điện vẫn thiếu hấp dẫn, có nghĩa là điện không được mua lại với giá hời để các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư vào Việt Nam. Thêm một vấn đề khác, đó là Việt Nam vừa mới chấp nhận nhiều dự án đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tài trợ. Điểm này gây thắc mắc về thực tâm của chính phủ Việt Nam chuyển hướng sang năng lượng tái tạo.
Dù sao thì trong vài năm gần đây, chúng ta thấy có sự nới lỏng các quy định từng là một trong những khó khăn để đầu tư vào năng lượng tái tạo. Gần đây, chính phủ Việt Nam vừa mới giảm thuế nhập khẩu thiết bị liên quan trực tiếp đến các loại năng lượng tái tạo, tôi muốn nói đến ở đây là pin mặt trời hay linh kiện điện gió. Chính phủ cũng đã triển khai một hệ thống mua lại, khá có lợi cho nhà sản xuất điện tái tạo tư nhân. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy là các khu công nghiệp, nơi các đại tập đoàn hoạt động, cũng trở thành nhà sản xuất điện sau đó bán lại để hòa vào lưới điện chung.
Đúng là có nhiều vấn đề về pháp lý trong kinh tế và những rắc rối còn tồn đọng ở Việt Nam, nhưng chúng ta đã thấy từ 2, 3 năm gần đây, mọi việc có phần được tăng tốc nhanh chóng và chính phủ cố gắng nới lỏng rất nhiều các quy định hiện hành ở Việt Nam về vấn đề đầu tư vào năng lượng tái tạo.
RFI : Kế hoạch năng lượng tái tạo của Việt Nam phù hợp với chính sách hỗ trợ của Liên Hiệp Châu Âu, trong đó có Pháp. Pháp có những dự án hỗ trợ trong lĩnh vực này ở Việt Nam không và được thực hiện đến đâu ?
Eric Mottet : Có nhiều dự án khác nhau. Dự án thứ nhất, có thể thấy rõ nhất, là của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Năm ngoái (2021), cơ quan này đã quyết định khoản cho vay hơn 80 triệu euro để tăng cường lưới điện Việt Nam, đặc biệt là ở miền nam, để phát triển các hệ thống điện và năng lượng tái tạo, để các nguồn năng lượng tái tạo có thể hòa vào lưới điện địa phương.
Ngoài ra, Cơ quan Điện lực Pháp (EDF), thông qua thỏa thuận đối tác Việt Nam VinaCapital, cũng thành lập một công ty liên danh tài trợ cho các dự án năng lượng mặt trời trên mái của các doanh nghiệp hoặc tư nhân.
Tiếp theo phải kể đến nhiều dự án của công ty Veolia và dự án điện gió ngoài khơi, đặc biệt là ở miền nam Việt Nam. Trong số này có một dự án có số vốn đầu tư khổng lồ vì người ta nhắc đến số vốn đầu tư lên đến 13 tỉ đô la.
RFI : Có thể thấy đó là những dự án lớn, còn các công ty nhỏ của Pháp thì sao ?
Eric Mottet : Thành thật mà nói, tôi không thống kê được doanh nghiệp tư nhân nhỏ. Có thể có những doanh nghiệp tư nhân sẽ nắm bắt cơ hội để lắp các tấm pin mặt trời trên mái doanh nghiệp, nhưng hiện giờ, tôi không thấy dự án đầu tư tư nhân quy mô lớn nào.
Tuy nhiên, tôi thấy là gần như hàng năm, diễn ra một hoặc hai diễn đàn lớn hoặc hội thảo lớn về các nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Nhiều tài liệu của các nhà phân tích chỉ ra rằng Việt Nam là một thị trường năng lượng tái tạo cần nắm bắt trong tương lai. Còn hiện giờ, tôi không thấy thông báo về những dự án tư nhân lớn, có thể được giải thích một phần qua việc năm 2020-2021 khá phức tạp do đại dịch Covid-19. Hiện giờ, thị trường năng lượng được tái khởi động nhưng tôi chưa thấy có dự án lớn của tư nhân.
RFI : RFI tiếng Việt xin trân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Eric Mottet, giảng viên Trường Đại học Công giáo Lille, Pháp.
Thu Hằng thực hiện
Nguồn : RFI, 26/09/2022
(1) Reuters, Vietnam needs $8 billion-$14 billion power investment a year through 2030 - minister.
(2) IFEEFA, The quiet rise to prominence of Vietnam’s renewable energy corporates / Sự trỗi dậy âm thầm của các Tập đoàn năng lượng tái tạo Việt Nam .
(3) Đầu tư, Quy hoạch điện VIII : Cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phê duyệt .
(4) Eric Mottet .
Năng lượng tái tạo là xu hướng Việt Nam nhắm tới trong ‘Qui hoạch điện quốc gia VII’ trước đây và Qui hoạch điện quốc gia VIII sắp được ký.
- AFP
Nhưng theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, vì chậm tiến độ nên 62 dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam, với tổng công suất 4.170MW, không thể vận hành thương mại đúng hạn.
Mạng Asia News Network hôm 3/8 vừa qua có bài đề cập đến năng lượng điện gió của Việt Nam. Theo mạng báo này thì qua khảo sát và đánh giá sơ bộ, năng lượng điện gió của Việt Nam vào khoảng 217GW ; trong đó điện gió ngoài khơi hơn 160GW. Đặc điểm của điện gió ngoài khơi là thời gian hoạt động dài và hiệu suất cao.
Phó Giám đốc Sở Công thương Sóc Trăng, ông Lê Thành Thanh, cho biết tỉnh này đã phát triển 20 trang trại điện gió, trong đó 18 đang chờ giấy chứng nhận đầu tư, hai đang được xem xét.
Và tuy địa phương còn nhiều điểm có thể phát triển điện gió, ông nói, song phải chờ ‘Qui hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia 8 được phê duyệt thỉ mới có thể đề xuất dự án mới.
Tại tỉnh cực nam Cà Mau, Chủ tịch UBND Huỳnh Quốc Việt nói rằng Cà Mau có 16 trang trại điện gió với công suất 1.000MW, trong đó 12 trạm đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, năm nhà đầu tư đã triển khai nhưng mới có ba dự án hòa vào lưới điện quốc gia để vận hành thương mại.
Ông Chủ tịch UBND Cà Mau xác nhận tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển điện gió và đã bổ sung 24 dự án mới nhưng vẫn phải chờ Qui hoạch Điện 8 được thông qua.
Về điểm này, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường, Giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, góp ý :
"Điện gió nói chung được Việt Nam tiếp nhận đưa vào chiến lược phát triển đến mức có thể không dùng điện than nữa là một chủ trương rất rõ ràng. Thủ tướng Chính phủ đi các nước cũng nói như vậy, ngay trong qui hoạch điện cũng nói như vậy".
"Nhưng trên thực tế người ta thấy một số nơi ở Việt Nam vẫn phải mua điện từ nước ngoài, có nơi mua của Trung Quốc, có nơi mua của Lào, tức là Việt Nam còn đang thiếu điện rất nhiều".
Thứ hai, việc hòa năng lượng tái tạo vào lưới điện quốc gia để bảo đảm tính thương mại vẫn còn bị vấn đề kỹ thuật mà nếu cố gắng vẫn có thể khắc phục được, Giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ nói tiếp,
"Nhưng điểm quan trọng hơn là vấn đề qui hoạch. Nhiều nơi cứ dựa vào qui hoạch để nói rằng chưa có qui hoạch thì chưa thể phê duyệt dự án. Tôi cho rằng đây là nhược điểm của quản lý phát triển của Việt Nam. Các nước có nền kinh tế thị trường chỉ coi qui hoạch đóng vai trò khuyến nghị để môi người theo chứ không phải cái văn bản mang tính pháp lệnh bắt mọi người phải theo. Khi chúng ta tiếp nhận cơ chế thị trường thì cũng phải thay đổi tư duy về qui hoạch".
Phó Giáo sư Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Môi trường Việt Nam, cũng khẳng định xu hướng tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo là đúng đắn :
"Việt Nam có bờ biển dài 3.200 cây số, gió thì rất mạnh, tiềm năng tính ta thì nhiều lắm nhưng số nhà máy điện gió đi vào hoạt động chính thức chỉ trên đầu ngón tay thôi, nhiều dự án đến nay vẫn chưa hình thành, có nghĩa mình xài rất nhỏ so với tiềm năng của nó".
"Nguyên nhân thứ nhất là về công nghệ. Xây dựng một nhà máy điện than thì giá rẻ hơn, vận hành ổn định hơn. Thế còn đầu tư nhà máy điện mặt trời hay điện gió thì giá cao hơn. Cái thứ hai không phải nhà máy là xong mà phải có máy phát điện, có đường dây truyền tải điện đến người sử dụng. Đường dây truyền tải điện, bán điện là độc quyền Nhà nước. Các nhà máy sản xuất điện ra thì muốn bán mà toàn bộ hệ thống gọi là đường tải điện, cột điện, dây điện, vân vân, thì không có, không ai đầu tư, không có tiền đầu tư… Vấn đề là chỗ đó".
"Cho nên người ta nói không khai thác triệt để là vì không có điều kiện để khai thác triệt để, dẫn đến việc chậm tiến độ, không có đường xuất điện đi, không bán được".
Điện gió là một trong những nguồn năng lượng tái tạo có chi phí sản xuất thấp và đã trở thành một trong những nguồn năng lượng thay thế phát triển với tốc độ nhanh nhất toàn cầu. Phát triển năng lượng tái tạo cũng là định hướng của Việt Nam. Tuy vậy, khi phát triển năng lượng quốc gia đi kèm định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng thì càng cần thận trọng trong đánh giá lựa chọn đầu tư điện gió để giảm thiểu cái giá phải trả cho tương lai.
Điện gió và năng lượng sạch
Điện gió là điện năng được tạo ra bởi sức gió tác động làm quay tuabin điện gió. Chuyển động quay của tuabin này gắn với chuyển động quay của máy phát điện và tạo ra điện. Độ lớn cánh quạt, kích cỡ của tuabin và vận tốc gió sẽ quyết định tỉ lệ sinh ra điện. Điện năng tạo ra có thể hòa vào điện lưới quốc gia qua hệ thống truyền tải và phân phối điện tới đối tượng tiêu thụ.
Năng lượng tái tạo là lựa chọn bắt buộc của thế giới, khi nguồn nhiên liệu hoá thạch sử dụng để tạo ra năng lượng cạn dần, chi phí khai thác cao, và tạo ra khí nhà kính làm trái đất nóng lên. Các khí này chủ yếu gồm CH4, N20, đặc biệt C02 chiếm 80% tổng lượng phát thải và đây là một trong những mối quan tâm lớn nhất trong các thoả thuận chung về khí hậu toàn cầu, trong đó điển hình là hội nghị Paris - COP21, đòi hỏi các quốc gia chịu trách nhiệm về giảm thải khí nhà kính và hạn chế nhiệt độ trái đất tăng lên không quá 2 độ C trong thế kỷ 21.
Hội nghị Glasgow 2026 sẽ được vương quốc Anh tổ chức vào tháng 10-2021 để tiếp nối các vấn đề về biến đổi khí hậu. Yêu cầu về cam kết và đầu tư của các quốc gia về năng lượng sạch tiếp tục được đặt ra và các nước đang phát triển sẽ nhận được một phần vốn hỗ trợ để triển khai việc này. Trong báo cáo năm 2020 của IEA (International Energy Agency - Cơ quan năng lượng quốc tế) về đầu tư năng lượng tái tạo toàn cầu, các quốc gia đang phát triển cần tăng đầu tư năng lượng sạch hàng năm gấp bảy lần, từ dưới 150 tỷ USD năm 2020 lên hơn 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030 để đưa thế giới đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net - zero emissions – Có thể hiểu đây là mức cân bằng lượng khí nhà kính và lượng khí đào thải ra khỏi khí quyền đạt mức bằng 0 bằng cả phương pháp nhân tạo và tự nhiên) vào năm 2050 .
Covid-19 đã ngưng đọng phần nhiều các hoạt động toàn cầu, qua đó cũng giảm khí thải. Lượng CO2 đã giảm 5,8% vào năm 2020, tương đương gần 2 Gt CO2 (2 tỉ tấn C02) - mức giảm lớn nhất từng có và lớn hơn gần 5 lần so với mức giảm năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Dù vậy tổng lượng C02 toàn cầu năm 2020 vẫn ở mức 31.5 Gt. Dầu, than đá và khí đốt vẫn chiếm khoảng 80% nhiên liệu tạo ra năng lượng toàn cầu.
Việt Nam cần thận trọng với điện gió. Ảnh : Vận chuyển tuabin gió tại Lâm Đồng.
Khoảng 80% khí C02 thải ra từ hoạt động công nghiệp, vận chuyển và sản xuất điện do các hoạt động này sử dụng nhiên liệu hoá thạch trong vận hành sản xuất như khí đốt, xăng, dầu. Đó là lí do các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang chuyển đổi mô hình sản xuất điện từ nhiệt điện than, nhiệt điện khí, thuỷ điện sang điện gió, điện mặt trời và các công nghệ tái tạo hiện đại khác. Đáng chú ý là lượng lớn khí CH4 có phát thải từ thuỷ điện hay không đang là một đề tài nghiên cứu và tranh luận. Thủy điện hiện tạo ra khoảng 1.330 Gigawatt (Gw) và chiếm tỉ trọng lớn nhất trong năng lượng tái tạo với khoảng 60% tổng lượng điện tái tạo thế giới. (Số liệu 2020 từ IEA, Power - Technology, International Hydropower Association).
Đầu những năm 1980, điện gió đã phát triển tại Mỹ. Công suất tại California đã đạt 1.000 MW thời điểm đó. Năm 2020, tổng công suất của tất cả các trang trại điện gió trên toàn thế giới đạt 744 Gw, cả onshore - trên bờ - và offshore - ngoài khơi, đủ để tạo ra 7% nhu cầu điện của thế giới và góp phần giảm 1.1 Gt C02 (Theo Global Wind Energy Council - GWEC). Để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C tới 2030, GWEC ước tính cần tổng cộng 2.526 Gw, ước tính mỗi năm cần tăng thêm 180 Gw. Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Đức, Tây Ban Nha là 5 nước sản xuất nhiều điện gió nhất, chiếm khoảng 68% tổng công suất điện gió toàn cầu. Ba nước đầu trong số đó cũng là ba quốc gia tiêu thụ điện nhiều nhất thế giới. Trung Quốc vẫn tiếp tục dẫn đầu về tăng công suất sản xuất thêm 52 Gw năm 2020. Phần lớn việc sản xuất điện gió đều là các dự án trên bờ. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt mục tiêu có 30 Gw điện gió ngoài khơi năm 2030. Công suất điện gió offshore khoảng 34,4 Gw toàn cầu, dẫn đầu bởi Vương quốc Anh và Trung Quốc lần lượt là 10,5 và 10 Gw.
Chi phí triển khai các dự án offshore cao hơn hẳn onshore. Chi phí khảo sát, móng, tuabin, vận hành sản xuất và bảo trì trên biển cao hơn đáng kể so với trên bờ. Dù vậy, chi phí sản xuất của onshore và offshore vẫn giảm dần, lần lượt đạt 5.3 cent kWh và 11.5 cent kWh. (Theo International Renewable Energy Agency, IRENA - Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế). Một so sánh: Điện tạo ra từ sử dụng nhiên liệu hoá thạch có giá từ 5 cent -18 cent kWh.
Mặc dù vậy, công suất của các dự án offshore có thể lớn hơn hẳn onshore nhờ vào tốc độ gió. Theo nguyên lý công suất khả dụng tỷ lệ thuận với lập phương của tốc độ gió, thì nếu tốc độ gió ở ngoài khơi tăng gấp đôi trên đất liền, sẽ sinh ra gấp 8 lần sức quay tuabin gió. Qua đó gia tăng công suất tạo ra điện.
Nghị quyết 55-NQ/TW của Đảng cộng sản về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm nhiệt điện than, hạn chế việc triển khai thêm thuỷ điện và phát triển các nguồn năng lượng sạch khác, trong đó có điện gió. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 Gw so với tổng công suất hiện tại khoảng 60 Gw. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến hết ngày 3/8/2021 đã có 106 nhà máy điện gió gửi hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm và đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD). Tổng công suất đăng ký COD của 106 nhà máy điện gió này là 5,655 Gw. Tính tới 22/7/2021 đã có 13 nhà máy điện gió với tổng công suất là 0,611 Gw đã vận hành thương mại. Tại Ninh Thuận, Dự án điện gió kết hợp điện mặt trời do công ty Trung Nam làm chủ đầu tư đang hoạt động với công suất dự kiến 10 tỉ kwh/năm, đang là tổ hợp có công suất cao nhất Việt Nam về hai hình thức sản xuất điện này. Bình Thuận và Ninh Thuận là 2 vùng có tiềm năng về năng lượng gió để phát triển. Bạc Liêu đang là địa phương có trang trại gió biển đầu tiên. Một số địa phương khác có dự án điện gió đang trong giai đoạn được phê duyệt chờ khởi công, hoặc đã khởi công là Vũng Tàu, Sóc Trăng, Quảng Trị, Đà Lạt, Cà Mau, Trà Vinh, Daklak.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII (Bộ công thương) đã đưa mục tiêu phát triển điện gió đạt trên 1,1cGw năm 2025. Tiềm năng kỹ thuật của điện gió trên bờ của Việt Nam khoảng 42 Gw, ngoài khơi là 160 Gw. Nếu nhìn công suất kỳ vọng, thì điện gió đã đáp ứng tương đối mục tiêu. Nhất là Việt Nam có tài nguyên gió nhiều vùng với vận tốc 6m/s trở lên, rất phù hợp để làm điện gió. Nhưng chúng ta cần nhìn thật kĩ những Dự án có tác động môi trường lớn như điện gió. Lợi ích về năng lượng sạch không thể chối từ nhưng mặt ngược lại thì sao?
1. Những hạn chế chung mà thế giới đã nói về điện gió
- Phụ thuộc sức gió: Khi có bão có thể làm hỏng tuabin.
- Ảnh hưởng xấu tới đời sống của động vật hoang dã, đặc biệt là chim.
- Tuabin có thể gây ra tiếng ồn, ảnh hưởng thính giác.
- Xói mòn vùng đất lắp đặt tuabin. Vùng lắp đặt tuabin sẽ không có cây xanh tồn tại.
- Mỹ quan: Những tuabin khồng lồ sẽ ảnh hưởng đến các góc ngắm nhìn ra ngoài tự nhiên.
- An toàn: Những tuabin ngoài khơi có thể gây ra tai nạn cho tàu biển ban đêm.
Việc cấp bách là cần rà soát, và cho dừng ngay những dự án đang xé nát núi đồi để cắm cọc. Ảnh : Quảng Trị đang xẻ đồi để làm điện gió gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
2. Những điều Việt Nam cần đặc biệt thận trọng
- Địa lý Việt dài và hẹp. Mật độ dân số lớn, bao quanh bởi núi và biển, ở giữa là rừng. Việt Nam rất cần tự nhiên và cũng rất phụ thuộc vào tự nhiên. Các dự án điện gió để đạt các công suất đăng ký và theo quy hoạch, cần một diện tích lớn để triển khai, tập trung vào vùng Nam trung bộ (Từ Đà Nẵng đến Bình Thuận), Nam bộ và có thể Tây Nguyên. Mục tiêu và chức năng tự nhiên của Việt Nam là trở thành một nước công nghiệp, dịch vụ, thương nghiệp và hàng hải. Quỹ đất vốn hẹp, nhiều đồi núi, tính cả phần diện tích cho nông, lâm nghiệp, đất ở, nếu triển khai nhiều vùng điện gió sẽ chiếm một phần lớn đất sử dụng và phần đất đó chỉ có thể có các hoạt động như trang trại dưới các vùng lắp đặt. Chúng ta cũng mất luôn lợi thế của một quốc gia duyên hải để thiết lập các khu công nghiệp trải đều khắp lãnh thổ. Công suất sinh ra từ điện gió có thể không bù đắp nổi thiệt hại do mất đất cho điện gió. Làm điện gió ồ ạt có thể là thảm họa cho chúng ta.
- Hơn 3000 km chiều dài biển là tài nguyên giá trị nhất của Việt Nam. Và xây dựng khai thác các thương cảng lớn là tiềm năng thương mại khổng lồ cho đất nước. Vùng biển phía nam có diện tích khoảng 142.000 km2, lí ra phải nằm trong quy hoạch về thương cảng sẽ phải chia sẻ cho điện gió cùng những ảnh hưởng chưa lường trước được trong hoạt động khai thác thuỷ sản và môi trường biển khi cắm các tuabin khổng lồ vào lòng biển. Mất mát biển có khả năng nhiều hơn hẳn những gì thu được từ các tuabin gió!
- Tất cả những gì phát triển ở Việt Nam, kể cả con người, đều phải gắn với "cái đuôi" định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng. May mắn là tới 2020, dù dự kiến có 14 dự án offshore với công suất tới 30 Gw (ngang mục tiêu Mỹ), chính phủ Việt Nam vẫn đang dùng rào chắn về giá (8.5 cent kWh onshore và 9.8 cent kWh offshore) và cơ chế phân bổ công suất sản xuất offshore (2-3 Gw cho tới năm 2030) để chưa có dự án offshore nào khởi công (Mục đích chính trị là một đề tài khác). Tuy nhiên, các dự onshore đang tấp cập "dựng cọc" và triển khai. Thực tế thật đáng báo động: Việt Nam hiện đang không thiếu điện, hơn nữa, hệ thống truyền tải điện truyền thống chưa đồng bộ với hệ thống điện tái tạo. Việc cấp bách là cần rà soát, và cho dừng ngay những dự án đang xé nát núi đồi để cắm cọc. Việc nghiên cứu các công nghệ sản xuất điện khác như điện mặt trời, điện khí, điện từ sinh khối, cải tiến công nghệ sản xuất điện từ nhiên liệu hoá thạch, có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện sạch. Trên hết, cần một sự khảo sát nghiêm túc và chính xác trước khi phê duyệt đầu tư.
Các dự án báo cáo khả thi, dù trung thực về mặt kĩ thuật triển khai, cũng không hoàn toàn phản ánh trung thực về tác động môi trường. Đây là công việc của chính quyền. Các cơ quan quản lý quốc gia phải đánh giá và lựa chọn. Đảng cộng sản luôn "làm khó" việc phê duyệt dự án với đủ các tiêu chí kĩ thuật trên giấy, nhưng hầu như bỏ ngỏ việc thực tế thi công và kiểm soát các yếu tố môi trường khi đã cấp phép khởi công. Đầu tư vào năng lượng là việc tối quan trọng, cần một thể chế chính trị lương thiện, chính quyền cởi mở để đánh giá thật đúng các khía cạnh thiệt hơn dài hạn ở tầm vóc quốc gia chứ không phải nhiệm kỳ của Đảng như bây giờ.
Quốc Bảo
(25/8/2021)
Ca sĩ Mỹ Linh bị ‘ném đá’ vì bảo vệ dự án nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm (VOA, 10/10/2018)
Ngôi sao nhạc pop hàng đầu Việt Nam, ca sĩ Mỹ Linh, đang bị dư luận mạng xã hội công kích dữ dội vì chia sẻ quan điểm bảo vệ dự án xây dựng nhà hát giao hưởng trị giá hơn 1.500 tỷ đồng (khoảng 65 triệu đôla) ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ca sĩ Mỹ Linh.
Trong lúc một số người đề nghị mời "diva" này về "ăn ở với dân oan một thời gian cho sáng mắt", thì các nạn nhân mất đất ở khu vực Thủ Thiêm nói với VOA rằng họ muốn gặp trực tiếp ca sĩ Mỹ Linh để hỏi rõ lý do vì sao cô ủng hộ cho việc xây dựng nhà hát "trên xác người" này.
"Cô ca sĩ Mỹ Linh đang ở chỗ nào ? Tôi cần gặp cô đó. Lý do gì mà cổ ủng hộ nhà hát đó trong khi tài sản của nhân dân chúng tôi bị cướp hết ? Người dân chúng tôi phải sống khổ sở, lầm than, đói khát. Tài sản của dân thì không trả, mà chính quyền lại cất nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ trên phần đất của dân chúng tôi, cất nhà hát giao hưởng trên xác người, trên mồ hôi nước mắt của nhân dân", bà Trương Thị Yến, một đại diện của nhóm dân oan Trường Thịnh-Thủ Thiêm, bức xúc nói với VOA.
Trong ảnh chụp màn hình bài viết đang lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội của Facebooker Linh Mỹ Đỗ (ca sĩ Mỹ Linh) có đoạn viết : "Ngày xưa nhà mình thiếu đói quanh năm, gạo ăn đong từng bữa mà đến kỳ lương mẹ vẫn mua hoa về cắm, lọ hoa bé giản dị thôi mà nó ngời lên. Cả góc nhà hy vọng, Tết thiếu miếng thịt nhưng chả thiếu cành đào đón xuân, tất thảy chỉ vì yêu cái đẹp thôi. Ai dám phán xét người nghèo không có cái quyền yêu cái đẹp ?".
Bài viết sau đó tiếp tục chia sẻ câu chuyện của một người khác kể về việc một nhóm nhà giàu, là chủ các báo địa phương ở Mỹ, đi tham quan các tỉnh nghèo bị ảnh hưởng chiến tranh ở Việt Nam. Trong nhóm này, có một người thay vì tặng tập vở, bút, bánh quy, quần áo… thì lại tặng những lọ nước hoa bé tí "xa xỉ" cho những đứa trẻ nghèo.
Cuối câu chuyện, người viết nói rằng "Các bạn phản đối xây nhà hát Thủ Thiêm, mình tôn trọng. Nhưng đừng phản đối vì lý do "dân không cần ba lê và nhạc giao hưởng""… Ai cho các bạn quyền phán xét đó. Rất có thể nước mình bây giờ nhiều sự vô cảm, thô lỗ, vì ngày xưa có những nhà cách mạng vô sản đã nghĩ đúng như vậy : Dân chỉ cần cày cuốc không cần ba thứ tư sản như ca hát múa may !"
Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai.
Bài viết trên Facebook Linh Mỹ Đỗ đã được rút khỏi chế độ công khai cho mọi người xem, nhưng những tấm ảnh chụp màn hình đã được chia sẻ khắp nơi. Không ít nhà báo, giới trí thức tỏ ra bức xúc và đòi khơi lại vụ ca sĩ này đã xây biệt thự ở khu rừng cấm Sóc Sơn, Hà Nội, trước đây. Facebooker An Nguyen đề nghị "cưỡng chế" biệt thự xây dựng trái phép này để ca sĩ Mỹ Linh "hết múa mép !"
Bà Bích Phượng, một cư dân Hà Nội, nói với VOA rằng bài viết cho thấy quan điểm "nghệ thuật vị nhân sinh" của ca sĩ hàng đầu này quá kém.
Bà nói : "Cô ta cho rằng bất cứ ai, dù nghèo, cũng có quyền được hưởng những cái tinh túy của nghệ thuật. Nhưng cô không hiểu rằng khi bụng đói, rét, không có nhà ở thì còn tâm trạng đâu để thưởng thức nghệ thuật".
Bà Phượng nói thêm rằng nghệ thuật của những người nghèo có chăng chỉ là nghệ thuật dân gian, nghệ thuật đường phố, "chứ không phải thứ nghệ thuật cao siêu mà bản thân những người trí thức ở thành phố cũng chưa chắc cảm nhận được".
"Tôi tin chắc rằng ngay cả các quan chức của chính quyền này cũng không đủ trình độ để thưởng thức nhạc giao hưởng", bà Phượng nói.
VOA đã liên lạc với ca sĩ Mỹ Linh để tìm hiểu thêm về quan điểm của cô nhưng chưa nhận được trả lời.
Người dân Thủ Thiêm kêu gào đòi gặp quan chức chính quyền sau hàng chục năm đi khiếu kiện.
Những sai phạm nghiêm trọng trong việc quy hoạch đất cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã đẩy hàng trăm người dân nơi đây lâm vào cảnh màn trời chiếu đất suốt gần 20 năm qua. Trong lúc sai phạm còn chưa được giải quyết, UBND Thành phố Hồ Chí Minh lại đề xuất ý tưởng xây nhà hát trị giá 1.508 tỉ đồng và cho rằng công trình này là để "đáp ứng và nâng cao trình độ thưởng thức" của hơn 10 triệu dân.
Các quan chức thành phố còn nhấn mạnh đây là một nhu cầu "cần thiết và cấp bách", "mang tính biểu tượng của thành phố", theo Soha.
Sau khi công bố công khai trên báo chí vào ngày 9/10, dự án nhà hát giao hưởng đã bị người dân phản đối mạnh mẽ. Bên cạnh những ý kiến chỉ trích sự "vô cảm" của các quan chức, nhiều người đề nghị chính quyền hãy sử dụng tiền để xây bệnh viện, trường học, chống ngập lụt hay xây dựng những công trình dân sinh đang rất thiếu thốn tại thành phố đông dân.
Bản thân những nạn nhân mất đất ở Thủ Thiêm nói rằng chính quyền trước tiên hãy bồi thường công bằng những phần đất đã lấy của dân, rồi sau đó "muốn xây gì thì xây".
"Trước mắt, họ không có quyền làm như vậy. Chúng tôi sẽ đi kiện họ nữa", bà Lê Thị The, một người mẹ có con trai đã chết vì thắt cổ sau khi ngôi nhà bà bị cưỡng chế, nói với VOA.
Người phụ nữ 75 tuổi này tỏ ra nghi ngờ "có âm mưu về tài chính" trong dự án xây dựng nhà hát nghìn tỷ trên mảnh đất thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của người dân.
https://youtu.be/o7uThBAjo2I
*********************
Yên Bái : Bức xúc vì xô xát núi Nà Kèn ? (BBC, 10/10/2018)
Đến ngày 9/10, một số người dân nói họ không dám lên tiếng về vụ việc, nhưng hàng ngày, một tốp người vẫn cứ lên núi, túc trực để canh giữ.
Vụ việc tại Nà Kèn được chính người dân đăng tải trên mạng xã hội Facebook, gây ra phản ứng từ chính quyền
"Nếu mà thấy người của nhân viên R.K là dân sẽ hô hoán báo cho nhau lại kéo lên núi", một người dân ở Yên Bái xin giấu tên nói cho BBC biết.
Gần đây nhất, hôm 3/10, một số người dân Nà Kèn lại bày tỏ bức xúc vì một công văn của chính quyền yêu cầu công an "tổng hợp các chia sẻ, bình luận tiêu cực liên quan đến hoạt động thăm dò khoáng sản tại khu vực trên mạng xã hội…".
Viết trên Facebook, một người dân Yên Bái viết :
"Nói lấy dân làm gốc mà lời nói của dân có ai nghe, giờ dân bức xúc thì bảo cấm không cho bình luận chia sẻ trên mạng vậy công bằng ở đâu ?"
Theo tờ Người Lao Động (01/10), đến chiều 30/09, vẫn có hàng trăm người dân vẫn "túc trực tại các lều lán trên núi đá Nà Kèn để ngăn cản doanh nghiệp khai thác đá", từ vụ việc hôm 2709.
Sự việc xảy ra khi Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam tổ chức thăm dò khai thác đá ở Nà Kèn, gây ra phản đối của dân địa phương, theo tờ báo.
Phản đối trở thành xô xát giữa dân và nhóm vệ sĩ do công ty R.K. thuê.
Người dân phản đối vì cho rằng họ sống dựa vào nguồn nước trong lòng núi để sinh hoạt và tưới tiêu, và công tác thăm dò, xúc rửa máy làm dầu loang gây ô nhiễm nguồn nước, làm cá và vịt của dân bị chết.
Bắt đầu năm 2014, công tác này bị tạm ngưng.
Nhưng đến năm 2016 : Bộ Tài nguyên Môi trường vẫn cấp giấy phép cho R.K. thăm dò khai khác mỏ đá hoa trắng tại núi Nà Kèn, với thời hạn đến 2020.
Tháng 9/2018 : Yên Bái vẫn đồng ý cho thăm dò, vụ việc trở nên bạo lực hơn.
Ngày 30/9/2018 : Yên Bái ra công văn "Tạm dừng công tác khảo sát phục vụ thăm dò khoáng sản".
Tỉnh cũng giao cho huyện Lục Yên lấy ý kiến dân, báo cáo lại trước ngày 05/10.
"Nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu của xã Lâm Thượng không phải từ núi Nà Kèn, mà từ một con suối khác cung cấp", theo chủ tịch UBND huyện Lục Yên, ông Bùi Văn Thịnh nói với báo Nông Nghiệp Việt Nam.
Đã xảy ra va chạm giữa nhóm vệ sĩ do công ty R.K thuê, được trang bị dùi cui điện và gậy gộc với người dân địa phương ở Nà Kèn
"Đối với việc một người dân xã Lâm Thượng đang bị công an huyện tạm giữ, tôi đã chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, xác minh. Việc xô xát giữa vệ sĩ Cty Đông Á, được Công ty R.K thuê, cũng sẽ được điều tra làm rõ, xử lý triệt để",
"Huyện kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, nhưng không chấp nhận bất cứ hành vi nào hành xử theo kiểu luật rừng", ông Thịnh nói.
Về việc thăm dò, UBND tỉnh trước đó cũng nói rằng doanh nghiệp mới chỉ thăm dò và nếu có thể thì hai năm nữa mới quyết định cho khai thác hay không.
"Để có được giấy phép khai thác thì bắt buộc phải có đánh giá tác động môi trường, lúc đó sẽ có sự tham vấn, lấy ý kiến của người dân. Ngay từ bây giờ, công ty đã sẵn sàng cam kết bằng văn bản đáp ứng đủ nguồn nước đến khi được cấp giấy phép khai thác", ông Thịnh nói thêm.
Đầu tư lớn được quan tâm
R.K Việt Nam là có 100% vốn đầu tư của Tập đoàn R.K Marble Ấn Độ.
Theo công ty này, họ đã tạo việc làm cho hơn 600 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
27/11/2017 : Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị Trần Quốc Vượng ghé thăm công ty.
1/08/2018 : Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiền, nguyên là Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, Bí thư tỉnh đến thăm R.K.
Các dự án đầu tư lớn luôn được lãnh đạo Việt Nam quan tâm vì góp phần vào thúc đẩy nền kinh tế, tạo việc làm nhưng trong nhiều trường hợp lại vướng phải vấn đề tranh chấp đất và môi trường.
*******************
Năng lượng tái tạo thay vì điện than (RFA, 09/10/2018)
Nam An : Thưa Giáo sư, năm 2014, Giáo sư đã có dịp bình luận về kế hoạch 7 phát triển năng lượng và điện năng của Việt Nam (giai đoạn 2011- 2020 hướng đến 2030.) Nay xin Giáo sư cho biết quan điểm về kế hoạch 7 này đã được chính phủ sửa đổi và công bố ngày 18/3/2016 ra sao ?
Những người biểu tình tụ tập gần nhà chính phủ để phản đối việc xây dựng một nhà máy điện than ở Bangkok, Thái Lan vào hôm thứ Ba, ngày 20 tháng 2 năm 2018. AP
Nguyễn Khắc Nhẫn : Kế hoạch 7 sửa đổi về phát triển điện năng của Việt Nam tăng cường xây dựng các nhà máy điện chạy than. Dù giảm 5.3% vào năm 2020, sản lượng điện từ than vẫn chiếm tỉ lệ quá lớn (49,3% vào năm 2020, 55% vào năm 2025, và 53,2% năm 2030)
Mục tiêu của chính phủ về Năng lượng tái tạo vẫn quá khiêm tốn, nếu xét đến tiềm năng to lớn của đất nước về tài nguyên thiên nhiên.
Không kể thủy điện, tổng sản lượng gió, mặt trời và sinh khối chỉ chiếm
6,5% vào năm 2020, 6,9% năm 2025 và 10,7% năm 2030.
Trên các lưới truyền tải và phân phối, sự tổn hao còn lớn.
Hệ số đàn hồi (tỉ lệ giữa tăng trưởng của sự tiêu thụ điện và tăng trưởng PIB) giảm không đáng kể. Tiết kiệm năng lượng không vượt quá 10% tổng tiêu thụ và tỉ lệ tăng trưởng hằng năm về tiêu thụ điện còn quá cao (13% từ 2006 đến 2010 và 10% từ 2010 đến 2015). Tính trung bình, tỉ lệ này sẽ khoảng 8,2% trong suốt 20 năm tới.
Tổng công suất đặt năm 2016 xấp xỉ 40.000 MW (thủy điện : 17.022 MW, nhiệt than : 12.705 MW, khí : 7.684 MW, dầu : 1.154 MW, gió : 140 MW)
Từ 2016 đến 2030, công suất đặt cần thiết của Việt Nam sẽ vào khoảng 90.000 MW, tức là hơn gấp đôi con số hiện nay.
Nam An : Vậy Giáo sư có những đề xuất gì mới không ?
Nguyễn Khắc Nhẫn : Sau COP 21 tại Paris, phần lớn các nước trên thế giới từ bỏ dần việc xây dựng các nhà máy điện than, thay vào đó là phát triển năng lượng tái tạo. Việt Nam chọn con đường ngược lại, với lí do kinh tế. (Dư luận lên tiếng chỉ trích Trung quốc đã xuất khẩu máy móc cũ và than xấu trong lúc họ tiến hành việc đóng cửa hàng loạt nhà máy điện ô nhiễm).
Ưu tiên ngắn hạn mà không nghĩ đến tương lai có nguy cơ khiến đất nước phải trả giá đắt. Đó là chiến lược hết sức nguy hiểm đối với môi trường và sức khỏe người dân.
Lượng khí thải CO2 hiện nay của lĩnh vực điện đã chiếm một nửa lượng khí thải quốc gia. Nó sẽ còn tăng 3 đến 4 lần vào năm 2030. Trong giai đoạn quá độ chờ đợi năng lượng tái tạo, chính quyền nên khuyến khích xây dựng nhà máy điện chạy bằng khí đốt, ít ô nhiễm hơn nhiều so với nhà máy điện than (350g C02/kWh đối với khí, trong khi 950g CO2/kWh đối với than). Điều này thật đáng tiếc vì Điện lực Việt Nam có nhiều kinh nghiệm với tua-bin khí, vốn được thiết kế nhanh hơn.
Việt Nam cần theo đuổi gấp một chiến lược mới về năng lượng, dựa trên ba trụ cột chính : Năng lượng tái tạo, Tiết kiệm năng lượng, và Hiệu quả năng lượng.
A. Năng lượng tái tạo :
Ngay trước COP21, ngày 25/11/2015, Thủ tướng Việt Nam công bố một văn bản luật rất quan trọng, nêu rõ chiến lược phát triển Năng lượng tái tạo đến năm 2030, với tầm nhìn 2050. Tất cả mọi chủ đề đều được đề cập cụ thể (các mục tiêu được lượng hóa, công việc bắt buộc với các bộ, cơ quan hành chính, đại học, cao đẳng…).
Đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo, trong khuôn khổ của phát triển bền vững trước biến đổi khí hậu, sẽ cho phép đáp ứng nhiều mục tiêu dài hạn : đảm bảo an ninh năng lượng, giảm mạnh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm ô nhiễm không khí, giảm tỉ lệ thất nghiệp, và cũng không quên mục tiêu chính bảo vệ sức khỏe người dân.
Có thể khai thác với số lượng nhỏ, ở mức độ hộ gia đình, hay địa phương với các dự án của người dân, các nguồn thông lượng phù hợp với hệ thống phân tán, mà ở đó người tiêu thụ cũng là người sản xuất. Mỗi vùng, mỗi thành phố, mỗi địa phương có trách nhiệm tìm mọi cách để đạt được tự chủ năng lượng.
Sự giảm ấn tượng về chi phí sản xuất năng lượng tái tạo đến từ hiệu ứng số lượng lớn và đột phá về công nghệ (từ nghiên cứu – đổi mới).
Những tiến bộ khoa học kĩ thuật nhanh chóng và liên tục trong các phương pháp mới về lưu trữ năng lượng, cho phép giải quyết vấn đề gián đoạn, đồng thời đẩy mạnh công suất và vai trò quan trọng của năng lượng tái tạo.
Từ nay trở đi, cách thức sản xuất và tiêu thụ năng lượng phải được chuyển đổi.
Tất nhiên, đưa năng lượng tái tạo vào hệ thống điện sẽ làm cho việc quản lý mạng lưới thêm phức tạp, do đặc tính gián đoạn của nó. Nhờ công nghệ thông tin và truyền thông, lưới điện thông minh sẽ cho phép tối ưu toàn bộ các nút trong hệ thống điện, đồng thời cải thiện hiệu suất của các nhà máy điện và giảm tổn hao đường dây.
Ngày nay, giá thành mỗi kWh điện gió đất liền và pin mặt trời đã cạnh tranh được với các nhà máy điện chạy dầu, than, khí và ngay cả với nhà máy điện hạt nhân. (Điện gió ngoài khơi vẫn còn đắt nhưng tiềm năng ở Việt Nam đầy hứa hẹn).
Giá năng lượng tái tạo tiếp tục hạ thấp trong khi đó giá của các nguồn năng lượng khác tăng nhanh vì tài nguyên thiên nhiên khô cạn hoặc vì phải tăng cường mức an toàn ở các nhà máy điện hạt nhân.
B. Tiết kiệm năng lượng :
Sử dụng năng lượng một cách điều độ liên quan đến việc loại bỏ lãng phí ở tất cả các khâu trong hệ thống tổ chức của xã hội và trong hành vi của mỗi cá nhân. Điều độ không phải là hạn chế quá mức hay dè xẻn. Nó đơn giản là bắt buộc xây dựng tương lai của chúng ta trên nền tảng nhu cầu năng lượng không quá mức độ, kiểm soát tốt hơn, và cân bằng hơn.
Việt Nam còn có thể tiết kiệm nhiều hơn nữa. Chúng ta phải tiết kiệm điện mọi nơi (cơ quan hành chính, hộ gia đình, trung tâm thương mại, công nghiệp, giao thông, chung cư…).
Tùy theo quốc gia, có thể giảm tiêu thụ năng lượng và nguyên liệu từ 2 đến 3 lần nhờ vào các kĩ thuật đã được chứng minh cụ thể.
Những kWh không tiêu thụ là tốt nhất.
C. Hiệu quả năng lượng :
Hiệu quả năng lượng liên quan đến việc làm giảm nhiều nhất có thể sự tổn hao so với tài nguyên sử dụng. Tiềm năng cải thiện trong công nghiệp, đời sống, giao thông và thiết bị là rất lớn.
Nâng cao hiệu suất của thiết bị và máy móc cho phép giảm mạnh tổn hao.
Cần khuyến khích cải thiện hiệu suất năng lượng trong tất cả các lĩnh vực công nghiệp, kinh tế, và hành chính.
Nam An : Muốn thành công, theo Giáo sư phải giải quyết những vấn đề gì ?
Nguyễn Khắc Nhẫn :Trong bài báo của tôi được công bố trên trang web của Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) và Forum Diễn Đàn : Việt Nam có thể đạt 100% Năng lượng tái tạo năm 2050, tôi đã liệt kê một số đề xuất phần lớn được ghi trong danh sách sau đây :
Sự thành công phụ thuộc phần lớn vào quyết tâm chính trị của Chính phủ.
Thành lập Bộ Năng lượng tái tạo
Cần có sự quan tâm đặc biệt của chính phủ, các cơ quan hành chính, doanh nghiệp và người dân.
Thực hiện gấp các giải pháp
Dừng xây dựng các nhà máy điện than
Giảm tỉ lệ tăng trưởng hằng năm về tiêu thụ điện (mục tiêu ngắn hạn :
dưới 5 %)
Huy động toàn xã hội
Quảng bá rộng rãi, thông tin và truyền thông
Giáo dục ở các cấp tiểu học, trung học và đại học
Thay đổi hành vi, suy nghĩ
Tinh thần trách nhiệm chung
Giảm tác động của mỗi cá nhân đến môi trường
Thay đổi quan điểm tăng trưởng, bỏ những hạn chế của mô hình hiện tại
Quy hoạch đất đai một cách thông minh
Phát triển giao thông công cộng và chia sẻ, giao thông sạch, và xe đạp điện
Ưu tiên thiết bị và sản phẩm địa phương (tránh quãng đường xa)
Bỏ rào cản hành chính và pháp lý cứng rắn
Chính sách mua lại giá thấp, hỗ trợ thuế
Giá carbon
Ủng hộ đổi mới và sáng kiến ở địa phương
Triển khai các dự án thăm dò về "năng lượng dương"
Phát triển thành phố thông minh
Đầu tư vào các phương pháp lưu trữ năng lượng, đặc biệt là STEP (Trạm chuyển năng lượng bằng bơm)
Dừng xây dựng các đường dây truyền tải dài 500 kV
Phân tán, xây cất các nhà máy điện nhỏ, tự chủ năng lượng của các vùng
Chống lãng phí ở mọi cấp độ
Đưa ra chính sách, mục tiêu, đầu tư nhằm sử dụng năng lượng điều độ và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng
Chương trình kiểm định, chuẩn mới, và luật phù hợp
Phát triển điều hòa nhiệt độ sinh học (điều hòa nhiệt độ hiện nay tốn quá nhiều điện)
Tìm cách bổ sung cho khí đốt và điện
Vai trò lớn của rừng và nông nghiệp (giảm khí thải nhà kính, lưu trữ carbon)
Kinh tế vòng (tái chế và sản xuất vật dụng và thiết bị bền vững)
Nếu có thể thì nên sửa chữa, thu hồi, tái sử dụng, tái chế sản phẩm
Nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu (dầu, khí) chỉ dành cho các mục đích không liên quan đến năng lượng
An ninh lương thực và đa dạng sinh học :
Nam An : Khí thải CO2 của điện than có ảnh hưởng lớn đến hiện tượng thay đổi khí hậu và các lĩnh vực lương thực, đa dạng sinh hoc và sức khỏe như thế nào thưa Giáo sư ?
Nguyễn Khắc Nhẫn : Việt Nam là một trong những nước dễ bị ảnh hưởng nhất trước biến đổi khí hậu.
Việt Nam (xếp thứ 26) nằm trong nhóm các nước có rủi ro đặc biệt cao. Cũng như một số nước Châu Á khác, các nguy cơ chính là : nắng nóng, mưa lớn, bão mạnh và thường xuyên hơn, ngập nước và lụt, xâm nhập mặn, sạt lở đá, xói bờ biển, sạt lở đất, đất đai khô cạn, cháy và mất rừng, giảm tài nguyên nước và dự trữ nước ngọt, nước biển dâng cao, hiệu suất nông nghiệp giảm, tàn phá hệ động thực vật, đói, di dân, an ninh bị đe dọa, côn trùng di cư, bệnh mới, dị ứng, tỉ lệ chết tăng liên quan đến tiêu chảy, dịch tả lan rộng do nhiệt độ tăng…
Ở những vùng nguy hiểm, cần làm ngay các công việc sau : xem lại kế hoạch đô thị hóa và dự báo, nên xây dựng lại nhà cửa và cầu đường, bảo vệ các cơ sở, làm sạch nguồn nước, bảo vệ hồ, đê, đập (khoảng 1200). Không nên quên rằng nông nghiệp là nguồn sản xuất metan rất lớn (độc hại hơn 40 lần so với CO2). Gia súc ăn cỏ, đồng ruộng, rơm, sự lên men tự nhiên của rau cỏ thừa cũng tạo ra metan.
Với dân số tăng trưởng nhanh, khả năng thích nghi của Việt Nam thấp, do thiếu quyết tâm chính trị và tài chính.
Cần nhắc lại ở đây rằng ngày vượt ngưỡng của năm 2018 đã đến từ ngày 1/8. Đó là ngày nhân loại đã xài hết tổng tài nguyên mà trái đất có thể tạo ra trong một năm. Ngày này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo : cách chúng ta sử dụng tài nguyên (nguyên vật liệu, nước, năng lượng) không còn có thể chịu được nữa.
Từ nhiều năm, Việt Nam đã chịu đựng biết bao nhiêu ảnh hưởng tệ hại của biến đổi khí hậu (đường phố thành sông ngòi, hàng trăm tấn cá chết, cháy rừng, bão thường xuyên…).
Những tín hiệu cảnh báo đã xuất hiện khắp nơi, nhưng hành động lại chưa được tương xứng với những thách thức như vậy.
Theo doanh nhân người Mỹ hoạt động trong lĩnh vực môi trường Paul Hawken, chủ dự án Drawdown, trong số 100 giải pháp hiệu quả nhất đối với biến đổi khí hậu, có cả sự giảm lãng phí thực phẩm và giảm tiêu thụ thịt. Ta đã lãng phí quá mức. Trên thế giới, hằng năm khoảng 1600 tỉ tấn thực phẩm bị bỏ đi, chiếm 1/3 lượng thực phẩm được tạo ra. Lượng carbon liên quan đến số thực phẩm sản xuất ra nhưng không tiêu thụ ước tính là 3.3 Gt CO2, tức 1/3 lượng khí thải nhà kính của Trung Quốc.
Từ hơn 20 năm nay, theo Alain Gojon, giám đốc trung tâm nghiên cứu về hóa sinh và sinh lý học phân tử cây trồng (CNRS -INRA- Sup Agro, Université de Montpellier), chúng ta biết rằng CO2 làm giảm chất dinh dưỡng trong gạo.
Trong tạp chí Revue Nature Climate Change, 27/8/2018, hai nhà nghiên cứu người Mỹ của trường Đại học Harvard đã tuyên bố rằng sự gia tăng CO2 trong không khí sẽ dẫn đến một lượng lớn cây trồng bị thiếu protein, sắt, kẽm, gây hậu quả xấu đối với sức khỏe. Ảnh hưởng rộng lớn này tác động đến tất cả các loại cây trồng ở tất cả các quốc gia, đặc biệt các nước ở Nam Á và Đông Nam Á, Trung Đông và Châu Phi. Việc trồng lúa ở vùng đồng bằng sông Mekong ở Việt Nam bị tác động mạnh nhất, do sự thay đổi thất thường giữa ngập nước trong mùa mưa và xâm nhập mặn vào mùa khô. FAO (Tổ chức Lương nông của Liên Hiệp Quốc) vừa lên tiếng cảnh báo. Trong báo cáo ngày 11/9/2018, FAO cho rằng các hiện tượng khí hậu bất thường là nguyên nhân chính gây ra mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng trên thế giới. Sự mất mùa ngũ cốc ở Châu Á là một vấn đề nóng, liên quan đến carbon, cách dùng nước và đất trồng trọt. Nguyên do chính là sản lượng quá lớn và vai trò của trồng lúa, nguồn tạo ra metan lớn. Ở Châu Á, việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên vẫn tiếp tục : 60 % đồng cỏ bị thoái hóa, 25 % loài đặc trưng bị đe dọa, phần lớn sông ngòi bị ô nhiễm vì rác thải nhựa. Sự tăng nhiệt độ quá 1.5°C sẽ tàn phá đa dạng sinh học. Với tốc độ hiện nay, đến cuối thế kỉ, vùng đất tự nhiên với cây cỏ và động vật sẽ thoái hóa mạnh (hơn một nửa đối với 2/3 các loài côn trùng và cây cỏ, và hơn 40% đối với động vật có vú).
Sự suy giảm của đa dạng sinh học đe dọa cả trái đất. Ngày 19/03/2018, Ngân hàng thế giới cảnh báo những đợt di cư lớn do khí hậu. Từ đây đến 2050, ba vùng : Nam Á, Mỹ Latin và Châu Phi hạ Sahara, có 143 triệu dân di cư. Ngày 13/11/2017, tạp chí Bioscience đưa ra lời cảnh báo của 15.000 nhà khoa học của 184 quốc gia về trạng thái đáng báo động của trái đất, do sự suy thoái nghiêm trọng của môi trường dưới tác động của con người. Lời cảnh báo đầu tiên của 1.700 nhà nghiên cứu, trong đó có hàng chục nhân tài đạt giải Nobel, được đưa ra vào năm 1992, sau hội nghị thượng đỉnh về Trái đất tại Rio (Braxin). Lời cảnh báo như sau : loài người và thế giới tự nhiên đang trên đường va chạm nhau. Đáng tiếc là một phần tư thế kỉ sau, con đường đó vẫn không có gì thay đổi. Trong thời gian đó, khoảng một phần ba số động vật có vú, bò sát, lưỡng cư, cá và chim đã biến mất.
Tác hại về sức khỏe :
Đáng tiếc là trên các phương tiện truyền thông, ta thường nghe nói về biến đổi khí hậu mà gần như không nghe những tác hại về sức khỏe. Nhưng, đối với dân chúng, sức khỏe là vấn đề quan trọng nhất.
Dân chúng ở Việt Nam không nên quên rằng ô nhiễm không khí giết người hàng loạt. Theo bản tổng kết gần nhất, ngày 2/5/2018, của OMS (Tổ chức y tế thế giới), mỗi năm, 7 triệu người chết trên thế giới (đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ) do hít thở không khí chứa nhiều hạt bụi nhỏ. Con số này còn lớn hơn cả số nạn nhân cộng dồn từ tiểu đường (1,6 triệu), lao (1,4 triệu), tai nạn giao thông (1,3 triệu), và sida (1,1 triệu). Hằng ngày, 9 trên 10 người tiếp xúc với không khí ô nhiễm nặng. Sau đây là những con số kinh hoàng do Maria Neira, giám đốc sức khỏe cộng đồng và môi trường của OMS, công bố tháng 12/2017 : 36% chết vì ung thư phổi, 34% do AVC và 27% do nhồi máu cơ tim, liên quan đến ô nhiễm không khí. Ở Liên minh Châu Âu, người ta thống kê 400.000 người chết trẻ mỗi năm, với nguyên nhân đến từ 43 triệu ô tô diesel thải oxit ni-tơ quá mức cho phép.
Với những biện pháp mạnh, Trung Quốc muốn đưa chất lượng không khí thành ưu tiên hàng đầu và giải quyết tình trạng ô nhiễm. Theo Bắc Kinh, những biện pháp đầu tiên đã cho phép giảm 30% số bệnh nhân nhập viện. Đã từ nhiều năm, người Việt Nam ở những thành phố lớn, cũng như dân Trung Quốc, ra đường phải đeo mặt nạ, nhưng điều này cũng không bảo vệ được hoàn toàn.
Giới hạn hằng năm theo khuyến cáo của OMS là 10 µg (microgrammes)/m³ đối với các phân tử mịn PM2,5 (đường kính nhỏ hơn 2.5 micromètres). Những phân tử mịn không những đi vào đường hô hấp mà cả hệ thống tim mạch.
Nam An : Nếu Giáo sư còn lời cảnh báo gì quan trọng xin Giáo sư cho biết ?
Nguyễn Khắc Nhẫn :Việt Nam thuộc vùng chịu ảnh hưởng nặng nhất nhì về biến đổi khí hậu.
Đất nước chúng ta có thể phát triển kinh tế mà không tàn phá môi trường bằng cách thực hiện chính sách sản xuất và tiêu thụ sạch hơn và không lãng phí.
Cần nhanh chóng thiết lập nền kinh tế ít carbon. Nếu chúng ta càng trì hoãn một giải pháp tổng thể thì ta càng khó khăn đối mặt với những hiểm họa, và thiệt hại càng lớn và rất khó quản lý.
Tất nhiên, đó là thách thức dài hạn. Nhưng xét đến tốc độ tăng khí thải nhà kính, chúng ta cần phải hành động ngay. Đừng quên rằng phần lớn khí thải này tồn tại rất lâu trong khí quyển. Một lượng CO2 thải ra tại một thời điểm nào đó thì phải cần 100 năm sau mới giảm đi một nửa !
Sự tích lũy khí thải nhà kính là vô cùng to lớn kể từ ít nhất là 800.000 năm qua. COP 21 dự kiến phải giảm sự tăng nhiệt độ bằng cách giới hạn ở mức dưới 2°C (hay 1,5°C) so với giai đoạn trước cách mạng công nghiệp, trong khi mức hiện nay đã gần 1°C. Nếu tiếp tục tốc độ, cái ngưỡng 1,5°C sẽ bị vượt qua trong khoảng giữa năm 2030 và 2052, và nhiệt độ có thể sẽ tăng 3,2°C, thậm chí là 5,5°C, vào cuối thế kỉ. Tuy nhiên, trong báo cáo đặc biệt trình bày vào ngày 8/10/2018 tại Hàn Quốc, GIEC hi vọng rằng vẫn còn có cơ hội để giới hạn sự tăng nhiệt độ ở mức 1,5°C. Nhưng để đạt được điều đó cần phải có những biến đổi hết sức mạnh mẽ chưa từng có trong tất cả các lĩnh vực của xã hội. Măc khác, cũng cần phải đạt được sự trung hòa (neutralité) carbone vào năm 2050, đó là điểm cân bằng giữa lượng khí thải nhà kính phát ra trên thế giới và khả năng trái đất thu hồi và lưu trữ CO2.
Theo Al Gore, đồng nhận giải Nobel hòa bình với GIEC* năm 2007, khí quyển như một cái cống lộ thiên bởi nó nhận mỗi ngày gần 100 triệu tấn khí thải ô nhiễm tức gần 41 tỉ tấn/năm (con số 2017). Ba phần tư khí thải độc hại là do các nguồn năng lượng hóa thạch : than, dầu, khí.
Các thảm họa gây nên bởi hiện tượng thời tiết bất thường trở nên thường xuyên hơn và kinh hoàng hơn.
Theo nhà khí hậu học Jean Jouzel, cựu phó Chủ tịch GIEC, giả thiết về vai trò của CO2 đối với hiệu ứng nhà kính được đưa ra từ năm 1824 dựa vào những tính toán lí thuyết của Jean Baptiste Joseph Fourier, nhà toán học nổi tiếng người Pháp và cựu Chủ tịch Đại học Grenoble. Nhiệt độ trái đất hiện nay cao hơn nhiệt độ của phần lớn thời gian trong 11 ngàn năm qua. Thách thức thực sự chính là khả năng thích nghi của chúng ta trước tốc độ thay đổi đáng sợ. Tại Pháp, dự kiến có thể sẽ đưa vào hiến pháp qui định bắt buộc về đấu tranh chống biến đổi khí hậu.
Ngày 19/9/2018, Kristalina Georgiera, giám đốc Ngân hàng thế giới, đã tuyên bố rằng chúng ta là thế hệ cuối cùng để có thể làm được điều gì đó chống biến đổi khí hậu. Theo bà, điều đó đưa đến đánh thuế việc thải khí nhà kính, tức là carbon. Ngày 19/12/2017, Trung Quốc đã chính thức đưa ra thị trường carbon ở phạm vi quốc gia.
Theo lý thuyết kinh tế, cần lựa chọn giải pháp ưu tiên của toàn xã hội, tức là toàn bộ người dân (mà ưu tiên mỗi người thường ngược nhau). Nhưng trong các vấn đề môi trường, rất khó có các ưu tiên mang tính tập thể. Cái giá của sự yên lặng là rất lớn. Một số ngưỡng, một khi đã bị vượt qua, sẽ tạo nên những tình huống nguy hiểm vì không thể đảo ngược. Nếu chính quyền Việt Nam chậm trễ trong việc tái định hướng mô hình kinh tế trước biến đổi khí hậu thì nay mai sẽ là quá trễ. Đầu tư vào một thế giới mới với giải thuật, thông minh nhân tạo, robot, công nghiệp 4.0 … là xu hướng thời thượng, nhưng ở Việt Nam, cũng như những nước có nguy cơ cao, trước mắt, cần bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân.
Nam An : Xin cảm ơn Giáo sư đã dành thời gian.