Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

23/03/2023

CPTPP, Kontum động đất, thế nào là sai phạm không vụ lợi

RFA tổng hợp

Canada xét đơn tố cáo Chính phủ Việt Nam vi phạm quy định về lao động của CPTPP

RFA, 23/03/2023

Chính phủ Canada đồng ý xét đơn tố cáo Chính phủ Việt Nam vi phạm Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc và Chương 19 (Lao động) của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

cptpp1

Hình ảnh tổng hợp các vụ công nhân đình công dịp Tết Nguyên đán 2022 - RFA edit

Trên trang web của mình, Chính phủ Canada cho biết Ottawa đưa ra quyết định trên sau khi nhận được một bản đệ trình dưới dạng "Thông tin Công cộng" theo Chương 19 (Lao động) của Hiệp định CPTPP vào ngày 15/3 vừa qua.

Bản đệ trình này là của Liên hội Người Việt Canada (VCF) với sự trợ giúp của các hiệp hội thành viên VCF tại Canada, Cộng đồng Người Việt tại Nam Úc, và Cộng đồng Người Việt Tỵ nạn Chính trị tại Âu Châu có trụ sở tại Pháp.

Theo đó, bản đệ trình cáo buộc rằng Bộ luật Lao động của Việt Nam không tuân thủ các nghĩa vụ trong Chương 19 (Lao động) của CPTPP liên quan đến "quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể" theo Tuyên bố năm 1998 của ILO về Các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc.

Trong đệ trình, VCF đề nghị Văn phòng Hành chánh Quốc gia Canada (NAO) thuộc Bộ Lao động và Phát triển Xã hội Canada thực hiện một số hành động, bao gồm cả việc xem xét việc Việt Nam tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của Chương 19 của CPTPP.

Chính phủ Canada cho biết NAO sẽ kiểm tra nội dung bản đệ trình và báo cáo về các vấn đề được nêu ra trong vòng 180 ngày kể từ ngày nội dung "Thông tin Công cộng" được chấp nhận để xem xét hoặc ngày gửi bất kỳ nội dung bổ sung nào.

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã gọi điện cho Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị bình luận về quyết định trên của Chính phủ Canada, nhưng không ai nghe máy. Chúng tôi có gửi email cho cơ quan này nhưng chưa nhận được phản hồi.

Trong thông cáo báo chí công bố cùng ngày 21/3, VCF cho rằng Nhà nước Việt Nam không chấp nhận bất kỳ quyền tự do nào, kể cả quyền tự do lập hội, và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức công đoàn duy nhất được phép hoạt động hợp pháp lại do nhà nước điều hành và kiểm soát. Điều này vi phạm trắng trợn quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể theo Tuyên bố của ILO, hạn chế khả năng của người lao động trong việc thành lập các công đoàn độc lập và đàm phán với người sử dụng lao động theo các điều khoản của riêng họ.

VCF cho rằng việc cải thiện quyền tự do lập hội của người lao động Việt Nam chắc chắn sẽ nâng cao mức sống của họ, tuy nhiên, những người lao động có ý định thành lập tổ chức công đoàn độc lập có thể bị trả thù, bao gồm sa thải hoặc quấy rối.

VCF cũng cho rằng khi một quốc gia trong CPTPP không tôn trọng quyền lao động có thể tác động tiêu cực đến sân chơi bình đẳng trong quan hệ thương mại giữa các quốc gia thành viên của hiệp định.

Lấy minh chứng về việc Việt Nam tăng xuất khẩu sang Canada và giảm nhập khẩu từ quốc gia này sau khi tham dự CPTPP năm 2019, VCF cho rằng Việt Nam hưởng lợi nhiều từ hiệp định trên, tuy nhiên, Việt Nam lại không không đưa Luật Lao động và thông lệ của mình tuân thủ các nghĩa vụ của Chương Lao động của hiệp định.

CPTPP là hiệp định thương mại tự do giữa 11 quốc gia, trong đó Canada tham gia từ năm 2018 và Việt Nam tham gia một năm sau đó. Đây là hiệp định thay thế Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump rút ra khỏi hiệp định này.

************************

Động đất ở Kon Tum : Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng" !

RFA, 22/03/2023

Liên tục nhiều tháng qua, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại Kontum. Nhiều chuyên gia cảnh báo có thể tái diễn động đất kích thích như ở Sông Tranh 2 với Kontum, nếu Chính phủ Việt Nam không làm gì.

cptpp2

Liên tục nhiều tháng qua, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại Kontum. Courtesy ANTV

Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu Việt Nam, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Kon Tum ghi nhận gần 500 trận động đất, với trận mạnh nhất 4,7 độ Richter. Chỉ riêng trong năm 2023, đã có hơn 40 trận động đất xảy ra tại Kon Tum và các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Quảng Nam.

Nhiều chuyên gia về động đất và cả Viện Vật lý nhận định động đất tại Kon Tum đang có xu hướng gia tăng.

Cảnh báo đỏ

Một cán bộ tên Truyền tại Trung tâm báo tin động đất và sóng thần, thuộc Viện Vật lý địa cầu, mới đây cho RFA hay nhận định của ông về động đất tỉnh Kon Tum mà cụ thể là tại huyện Kon Plông như sau :

"Hiện tượng động đất xảy ra gần đây ở tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum… thì theo đánh giá sơ bộ nhiều khả năng do hoạt động động đất kích thích. Xảy ra động đất kích thích chủ yếu là do các tác động nhân sinh, ví dụ như là làm thủy điện… Thủy điện là một trong những nguyên nhân gây ra động đất kích thích phổ biến".

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, khi trả lời báo chí Nhà nước về động đất tại tỉnh Tây Nguyên này cho rằng, theo khảo sát của các nhà khoa học, động đất xảy ra ở Kon Plông và khu vực lân cận là động đất kích thích, xảy ra do tác động của hồ chứa thủy điện tích nước.

Liên quan vấn đề này, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, giảng viên Khoa xây dựng thủy điện thủy lợi Đại học Bách khoa Đà Nẵng, hôm 22/3 giải thích với RFA :

"Khi làm các hồ thủy điện tích nước, nếu chiều sâu càng lớn và phạm vi càng lớn… thì nó tạo áp lực trong lòng đất, như vậy nó sẽ tăng kích thích động đất. Khi xây dựng một công trình thủy điện, người ta phải đánh giá nhiều mặt, nhưng nhiều lúc người ta bỏ qua. Ví dụ như người ta không đánh giá hiện tượng động đất kích thích, vì làm vậy đòi hỏi dữ liệu đo đạc tính toán phức tạp thêm. Cho nên ở Việt Nam nhiều công trình người ta bỏ qua những khâu kiểm tra như thế".

Giải pháp cần

Phó Giáo sư Tiến sĩ Cao Đình Triều, chuyên gia về động đất từng nhận định với truyền thông nhà nước rằng động đất ở Kon Plông có thể tái diễn kịch bản như động đất kích thích ở sông Tranh 2 (Quảng Nam).

Động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 bắt đầu từ năm 2012, kéo dài đến nay với hàng trăm trận, từng gây xáo trộn đời sống người dân hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My trong thời gian dài.

Tiến sĩ Lê Huy Minh, Viện phó Viện Vật lý Địa cầu, khi trả lời RFA liên quan nhận định "động đất ở Kontum là do tác động của hồ chứa thủy điện", cho rằng :

"Thực ra khi làm Thủy điện thì không ai lường tới được là động đất kích thích ở khu vực ấy. Từ trước đến nay ở Việt Nam khi xây dựng thủy điện thì mọi người luôn luôn nghĩ rằng ở những vùng ngoài Bắc thì động đất mạnh hơn, thì có thể gây nên động đất kích thích. Thí dụ Hồ thủy điện Hòa Bình hoặc tiếp sau đó là Thủy Điện Sơn La thì mới đặt vấn đề nghiên cứu về động đất kích thích. Thực tế nếu như mà lường trước được động đất kích thích thì tôi nghĩ rằng không nên xây dựng thủy điện. Vì cái lợi của thủy điện mang lại là có điện nhưng lại mang điều bất an tới cho nhân dân, nếu mà lường trước được thì chả ai cho xây dựng đập thủy điện".

Theo UBND tỉnh Kon Tum, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất lắp máy 870,6MW. Trong đó, có 28 dự án đã hoàn thành.

Sau hàng loạt trận động đất liên tiếp xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kontum vào năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh này đã đề nghị đại diện các công ty thủy điện phải có phương án theo dõi, xử lý động đất trên địa bàn.

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, giảng viên Khoa xây dựng thủy điện thủy lợi Đại học Bách khoa Đà Nẵng, khuyến nghị :

"Bây giờ nếu như mà Nhà nước quyết tâm thì cần kiểm tra lại tất cả các dự án thủy điện, cái nào đã xây dựng xong thì phải có biện pháp như thế nào để giảm thiểu tác hại. Còn những dự án nào đã cấp phép, nhưng chưa xây dựng, nếu như kiểm tra tính toán lại thấy không an toàn thì nên mạnh dạn rút giấy phép. Theo tôi nghĩ nên như thế".

Cũng theo Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, để thực hiện các dự án thủy điện thường người ta bỏ ra số tiền lớn với mục đích thu lại lợi nhuận, thế nhưng một khi các nhà khoa học đã nghiên cứu và thấy rằng các dự án đó nguy hiểm, thì chính quyền cũng nên "bỏ" chứ không có cách gì khác.

Bởi lẽ, theo giáo sư Hùng : "Tính mạng con người là quan trọng bậc nhất, chứ không thể làm ra để lấy tiền rồi gây thiệt hại sinh mạng người dân. Sinh mạng là quí nhất, công trình xét thấy cần bỏ là phải bỏ".

Nguồn : RFA, 23/03/2023

********************

Làm sao xác định "cán bộ vi phạm" mà "không vụ lợi" để giảm án ?

RFA, 20/03/2023

Ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao khi trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội vào ngày 20/3/2023 đã đề nghị giảm phạt tù, tăng phạt tiền đối với người đứng đầu có sai phạm, nhưng không có mục đích vụ lợi.

cptpp3

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí. Courtesy kiemsat.vn

Theo ông Trí, chính sách hình sự cần cân nhắc sửa đổi hình phạt, mức tính hậu quả thiệt hại và tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù để vừa nghiêm trị, vừa nhân văn, thuyết phục… việc này sẽ giúp tăng thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, thất thoát. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Luật gia Việt Nam, hôm 20/3 nói với RFA :

"Tôi nghĩ cái đó phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Ví dụ như nếu thiệt hại cho ngân sách, bây giờ là sai nhưng trước đó không sai. Do họ đi trước thời đại, vì cái chung gây thiệt hại. Hay do quy định chưa rõ nên họ thực hiện bị sai, nhưng sau đó lại đúng, thì những người đó phải là trường hợp ngoại lệ. Nhưng bây giờ thông qua việc đó thì phải chỉnh sửa những quy định, là do có những quy định hiện không phù hợp với thực tiễn trong cuộc sống".

Tuy nhiên Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức Quốc hôm 20/3 cho rằng, về mặt bản chất, bất kỳ một việc gì gây thiệt hại cho tài sản của nhà nước thế nào cũng liên quan đến động cơ vụ lợi :

"Trước hết chúng ta phải khẳng định 100 % quan chức Việt Nam khi giành được quyền lực ở bất kỳ vị trí nào, thì đều đạt được hai tiêu chí, là quyền và lợi ích gắn liền với vị trí đó. Cho nên những vụ án mà cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cho rằng quan chức cộng sản đó không vụ lợi, thì chẳng qua họ không thể chứng minh được những quan chức này đã nhận hối lộ. Vì việc đưa và nhận hối lộ rất kín đáo, cho nên họ đành phải nói quan chức này không vụ lợi mà thôi. Chứ về mặt bản chất, bất kỳ một việc gì gây thiệt hại cho tài sản của đất nước, người dân… thế nào cũng liên quan động cơ vụ lợi".

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, cơ quan chức năng đưa ra đề xuất này để họ biện minh cho những yếu kém của các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử ở Việt Nam. Ông Đài nói tiếp :

"Theo tôi không nên giảm án như vậy, vì sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu cho những công chức yếu kém về năng lực cũng như đạo đức, họ sẽ vẫn cố tình ngồi trên ghế quyền lực đó để gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước và của người dân. Cần phải trừng phạt mạnh, khi anh ở vị trí quyền lực, đáng lẽ anh phải có tài năng, có đạo đức, nếu không có thì phải tự nguyện từ chức… Nhường vị trí đó cho người có tài năng, có đạo đức hơn để không gây thiệt hại cho nhà nước".

cptpp4

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí. Courtesy kiemsat.vn

Đây không phải là lần đầu tiên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao - Lê Minh Trí đưa ra đề xuất giảm án cho cán bộ sai phạm, khi Tham gia Hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng sáng 30/6/2022 ông Trí đã đề xuất cho người vi phạm nộp tiền khắc phục hậu quả để tránh xét xử hình sự.

Theo nhận định của giới luật sư khi đó, đề xuất của vị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trương áp dụng quy định riêng biệt cho cán bộ khi họ phạm tội, theo hướng nương nhẹ cho tội phạm. Điều này hoàn toàn đi ngược với mọi nỗ lực bảo đảm về quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật đã được ghi nhận theo hiến pháp và bộ luật hình sự. Không chỉ dưới khía cạnh pháp luật, mà thực tế, đề xuất của ông Trí còn bị cho là có vẻ như tạo môi trường thuận lợi hơn cho nạn tham nhũng hoành hành trong xã hội. Vì người tham nhũng biết rõ, cứ tham nhũng, nếu bị phát hiện thì chỉ cần trả lại là thoát tội !

Một nhà báo không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 20/3 cho biết ý kiến :

"Tôi thấy đề xuất này hơi buồn cười, bởi vì đây là cuộc chiến chống tham nhũng, những người nào vi phạm mà lại không có vụ lợi… thì hầu như không có. Mình hiểu rằng họ nói đây là lỗi không mong muốn, nhưng trong thực tế những chuyện này hầu như không có. Nói như vậy có nghĩa là ở những vị trí đó, không thấy có bằng chứng mới xảy ra chuyện ‘vi phạm mà không gắn với lợi ích vật chất’. Chuyện đã không có bằng chứng thì kết án người ta đâu được được, cho nên nó buồn cười".

Bộ luật Hình sự 2015 tại khoản C Điều 40 về hình phạt tử hình quy định rằng người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc điều tra thì không thi hành án tử hình. Điều luật này trước đây chỉ được áp dụng riêng cho những ‘tham quan’ bị tuyên án tử hình, nhưng sau đó đã được sửa đổi bằng Nghị quyết 3/2020 và kể từ ngày 15/2/2021, bất kể mức án tham nhũng nào cũng được áp dụng việc không thi hành mức án cao nhất khung nếu nộp lại 3/4 tài sản tham nhũng.

Với đề nghị của ông Trí vào năm 2022 cho người vi phạm nộp tiền khắc phục hậu quả để tránh xét xử hình sự, thì dư luận cho rằng đã thể hiện một tư duy đi ngược lại nguyên tắc nhà nước pháp quyền. Nếu những cán bộ vi phạm tham nhũng được quyền nộp tiền để khắc phục, thì ngoài xã hội trộm cướp cũng được quyền nộp lại tài sản để khắc phục hậu quả cho nạn nhân.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 297 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)