Cuối tháng 3/2023, Thủ tướng Nhật Kishida Fumio thăm Ukraine (ngày 21/3) còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga (ngày 20/3). Hai chuyến thăm gần như diễn ra cùng lúc này của hai nhà lãnh đạo của hai cường quốc kinh tế Đông Bắc Á đến hai quốc gia đang đối đầu nhau, Nga và Ukraine, đã đưa ra hai bản tuyên bố có thông điệp đối lập nhau. Trong đó, đáng chú ý là bản tuyên tố chung của Thủ tướng Nhật Kishida Fumio và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyi có nội dung phê phán các hành động đơn phương dùng vũ lực trên Biển Đông.
Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản
Sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm Nga (22/3/2023), tàu khảo sát biển của Trung Quốc vốn đang xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã quấy phá khu vực khai thác dầu khí chung của Việt Nam và Nga ở Bãi Tư Chính. Đến ngày 6/4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đón tiếp Phó thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko và lặp lại tuyên bố hồi năm 2022 khi ông thăm Mỹ "Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải" và nhấn mạnh tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước. Cũng trong ngày này, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết tàu khảo sát của Trung Quốc rời khỏi vùng biển Việt Nam. Những động thái này đặt ra nhiều vấn đề về an ninh, quyền lợi quốc gia và quan hệ quốc tế của Việt Nam.
Ủng hộ và chống lại chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương Tự do và Mở
Trong chuyến thăm của Tập Cận Bình đến Nga, hai nước này đã ký hai văn bản, một là Tuyên bố chung của về tăng cường Quan hệ Đối tác Phối hợp Chiến lược Toàn diện trong "Kỷ nguyên Mới" và hai là Tuyên bố chung về Kế hoạch Phát triển trước năm 2030 về các ưu tiên trong hợp tác kinh tế Trung Quốc-Nga.
Về vấn đề cuộc chiến của Nga tại Ukraine, bản tuyên bố của Nga – Trung kêu gọi hòa bình nhưng không nói đến vấn đề Nga phải ngừng xâm lược và rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, bản tuyên bố của Nhật – Ukraine cũng kêu gọi hòa bình nhưng điều kiện hòa bình là Nga tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine bằng cách ngừng tấn công và rút quân khỏi lãnh thổ nước này.
Ngoài vấn đề cuộc chiến Ukraine, trong các tuyên bố nói trên, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống V. Putin bày tỏ thái độ chống lại chính sách "Ấn Độ - Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở" của Hoa Kỳ. Họ cho rằng chính sách này tác động tiêu cực đến hòa bình và an ninh trong khu vực.
Nga và Trung Quốc cũng "bày tỏ quan ngại sâu sắc" trước việc NATO tiếp tục tăng cường quan hệ an ninh quân sự với các nước Châu Á-Thái Bình Dương. Họ cho rằng điều đó sẽ làm phương hại đến hòa bình và ổn định khu vực. Tuyên bố này không nói sự hợp tác đó "gây hại" cho khu vực như thế nào.
Trong chính sách "Ấn Độ - Thái Bình Dương Tự do và Mở" của Hoa Kỳ có bao gồm một chương trình nhỏ là "Đối tác Mekong – Hoa Kỳ" nhằm trợ giúp các nước Tiểu vùng sông Mekong bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững, khắc phục các hậu quả khi Trung Quốc xây dựng 11 đập thủy điện giữ nước ở thượng nguồn dòng sông này.
Trong khi đó, tại Ukraine, Thủ tướng Nhật Kishida Fumio và Tổng thống Ukraine Volodymir Zelenskyi cũng đã ra tuyên bố chung, trong đó có bốn mục lớn là Đoàn kết chống Nga xâm lược Ukraine, Hợp tác trong bối cảnh Nhật Bản đảm nhiệm Chủ tịch G7, Mở rộng hợp tác song phương, và Hợp tác trên trường khu vực và quốc tế.
Thủ tướng Nhật Kishida Fumio viếng thăm thành phố Bucha, nơi quân đội Nga từng tiến hành thảm sát vào năm 2022. Ảnh : Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản
Trao đổi với RFA, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, nhận xét :
"Nhật theo quan điểm của phương Tây, còn Trung Quốc không lên án Nga trực tiếp và không tham gia trừng phạt Nga. Chiến lược đối ngoại của Nhật Bản đồng nhất với chiến lược của Mỹ và phương Tây đối với cuộc chiến này, còn Trung Quốc đã đưa ra một kế hoạch hòa bình 12 điểm, nhưng kế hoạch này Nga cho rằng chưa thích hợp lúc này, còn phương Tây thì tỏ ra nghi ngại về tính khả thi của kế hoạch".
Mục cuối cùng của bản Tuyên bố chung Nhật - Ukraine đã khẳng định "tính không thể tách rời của an ninh Châu Âu - Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", và tuyên bố hai nước "đồng thuận, nhất trí cùng hợp tác hướng tới hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở (FOIP), toàn diện và dựa trên các nguyên tắc pháp quyền".
Như vậy, ngoài vấn đề cuộc chiến Ukraine, Tuyên bố chung của Nhật bản - Ukraine và Trung Quốc - Nga còn đối lập nhau ở vấn đề Châu Á - Thái Bình Dương.
Nhật - Ukraine ủng hộ Luật biển Quốc tế và hòa bình trên Biển Đông
Trong văn mạch ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở (FOIP), Tuyên bố chung Nhật Bản - Ukraine, cũng vấn đề Luật biển Quốc tế và Biển Đông. Thủ tướng Kishida và Thổng thống Zelenskyi "khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) với các quy định về nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, duy trì tự do hàng hải và hàng không".
Sau khi nêu Luật biển Quốc tế như là cơ sở giải quyết các tranh chấp trên biển, hai nhà lãnh đạo "bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép. Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan như một yếu tố không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng trong cộng đồng quốc tế. Họ khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển".
Trước hiện tượng Ukraine đang bị Nga xâm lược nhưng vẫn ủng hộ Việt Nam và các nước nhỏ ở Đông Nam Á về vấn đề Biển Đông, dù chỉ là qua một tuyên bố chung với Nhật Bản, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận xét về những tính toán những lợi ích chiến lược của Việt Nam đối với cuộc chiến của Nga :
"Việt Nam tiếp tục mong muốn chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và các bên cùng bàn và xử lý hậu quả của cuộc chiến. Việt Nam tiếp tục theo đuổi chiến lược không chọn phe trong lúc nguy cơ và rủi ro chiến tranh xảy ra với Việt Nam còn nhỏ ; trong trường hợp nguy cơ và rủi ro chiến tranh lớn đến mức mấp mé chiến tranh, Việt Nam sẽ phải xem xét lại chiến lược không chọn phe".
Trung Quốc quấy rối dự án dầu khí Việt Nam sau khi Tập Cận Bình thăm Nga
Sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm Nga vào ngày 22/3/2023, tàu khảo sát của Trung Quốc hoạt động ở khu vực Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam trên Biển Đông đã quấy rối dự án hợp tác dầu khí giữa Việt Nam và Nga. Hành vi của Trung Quốc đã bị lực lượng chấp pháp của Việt Nam ngăn chặn. Tại khu vực này, công ty Zarubezhneft của Nga đã hợp tác với Việt Nam để khai thác khí đốt và dầu mỏ.
Sau đó, khi tiếp Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko vào ngày 6/4/2023 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lặp lại tuyên bố của mình vào năm 2022 khi thăm Hoa Kỳ, "Việt Nam không chọn phe, mà chọn công lý và lẽ phải" đồng thời nhấn mạnh những thỏa thuận giữa hai nước về "hợp tác kinh tế".
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận xét với RFA là "Thủ tướng Phạm Minh Chính muốn hàm ý rằng quan hệ kinh tế Việt-Nga sẽ tiếp tục được mở rộng và phát triển trong mọi hoàn cảnh". Đối với khả năng xảy ra trường hợp Nga quyết định bỏ dự án dầu khí mà công ty Zarubezhneft quản lý (như trường hợp Rosneft đã phải rút lui mấy năm trước) vì sức ép của Trung Quốc, TS Hà Hoàng Hợp đánh giá :
"Nếu Nga bỏ dự án do Zarubezhneft đang làm, Việt Nam sẽ tự làm tiếp (có thể sẽ có đối tác làm ăn mới). Chưa có nước Đông Nam Á làm ăn chung với Trung Quốc ở biển Đông. Tôi cho rằng Nga chỉ thôi khai thác, khi hết khí ở mỏ. Nga tiếp nhận tất cả những gì Rosneft để lại, mọi thứ vẫn còn nguyên đó. Chúng ta cần thời gian để xem Trung Quốc sẽ tác động thế nào đến Zarubezhneft.
Việt Nam đã và đang làm mọi cách để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình ở thềm lục địa (và thềm lục địa mở rộng), luật pháp quốc tế là cơ sở Việt Nam để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền... và bảo vệ lợi ích quốc gia của mình".
Trong khi đó, Tiến sĩ Nagao Satoru ở Viện Nghiên cứu Hudson, một think tank ở Washington DC, trao đổi với RFA rằng động thái của Trung Quốc khi tung tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có thể phản ánh một chiến lược lâu nay của họ : lấp khoảng trống quyền lực. Khi Nga đang phải dồn hết sức lực cho cuộc chiến ở Ukraine và phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế và viện trợ quân sự (trá hình), họ rất khó bảo vệ quyền lợi của mình ở các hướng khác. Theo Tiến sĩ Nagao Satoru, trước đây Việt Nam dựa vào Liên Xô để kiềm chế Trung Quốc bành trướng là đúng, nhưng bây giờ, trước kết quả cuộc chiến của Nga ở Ukraine, việc dựa vào Nga không hẳn là một chiến lược hiệu quả.
Nguồn : RFA, 10/04/2023