Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

24/04/2023

Lấn cấn giữa Đảng và Ban tuyên giáo với Dân chủ và văn hóa

RFA tổng hợp

Đảng, Tuyên giáo và vấn đề dân chủ !

RFA, 24/04/2023

Bài viết đăng trên cổng thông tin điện tử của Ban Tuyên giáo Trung ương hôm 18/4/2023 với tựa đề ‘Một số vấn đề đặt ra trong công tác tư tưởng của Đảng’ cho rằng : "Không ít nơi, khi tổng kết - đánh giá, nếu công tác tư tưởng đạt kết quả tốt, tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội thì thành tích đó ‘mặc nhiên’ thuộc về sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng, kịp thời của cấp ủy ; khi công tác tư tưởng còn hạn chế, không đạt kết quả tốt, thì ‘lỗi trách nhiệm’ lại thuộc về ban tuyên giáo hay cá nhân lãnh đạo".

dang1

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP Photo

Liệu đây có phải là một tiến bộ trong công tác tư tưởng của Đảng cộng sản Việt Nam ? Một luật sư từ Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an ninh, hôm 24/4 nhận định :

"Tuyên giáo thực chất là công tác tuyên truyền thôi, còn lãnh đạo cụ thể là đảng bộ ở đấy. Ví dụ một bệnh viện làm sai, một doanh nghiệp sai là do lãnh đạo doanh nghiệp đấy, chứ ảnh hưởng gì đến tuyên giáo đâu, họ nhận thế là không đúng. Là do đảng bộ tại đơn vị đó sai, ví dụ như Bệnh viện Bạch Mai chẳng hạn, hai giám đốc bị bắt liền là do đảng ủy bệnh viện đó, trong khi giám đốc thường là Bí thư đảng ủy hết, mà nếu liên đới trách nhiệm là đảng ủy của Bộ Y tế là cơ quan chủ quản. Chứ tuyên giáo chỉ tuyên truyền làm thế nào để chữa bệnh chóng khỏi, giá rẻ, dân hài lòng…".

Vị luật sư này nêu ví dụ trường hợp nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi bị chất vấn trước Quốc hội đã nói ông làm do Đảng phân công, chứ không xin và cũng không từ chối nhiệm vụ nào của Đảng. Về dự án khai thác Bô-xít Tây Nguyên ông Dũng cho biết chỉ làm theo nghị quyết của Đảng. Hay việc phát triển các Tập đoàn kinh tế Nhà nước theo kiểu Hàn Quốc bị thất bại cũng đã được Bộ Chính trị thông qua, ông Dũng cho rằng ông chỉ là người triển khai thực hiện theo nghị quyết của Đảng.

Còn nhà Nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, hôm 24/4 cho rằng :

"Cái này dân phán đoán, nhận xét, đánh giá từ rất lâu rồi, cả nửa thế kỷ nay, người ta khẳng định bằng một câu ca dao, mà câu ca dao ấy rất là triết học, phản ánh nhận thức trí tuệ dân gian thông minh, sáng suốt, họ nói như thế này : ‘Mất mùa là tại thiên tai, được mùa là nhờ có thiên tài Đảng ta’… đấy là nhận xét của những người dân rất chính xác về tất cả mọi chuyện, chứ không riêng bài báo vừa rồi của ban Tuyên giáo trung ương. Tuyên giáo là tay sai của Đảng, cho nên Đảng với tuyên giáo là một, chứ không phải là hai. Bao giờ họ cũng phải tìm một cái để họ thanh minh, là họ rõ ràng, họ tử tế, họ đàng hoàng… bao giờ chả thế…".

Hôm 20/4/2023, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thành ủy Hà Nội cũng đã tổ chức Hội nghị cho rằng cần ‘không ngừng mở rộng dân chủ trong Đảng’.

Liệu một đất nước theo thể chế độc đảng toàn trị thì việc mở rộng dân chủ trong Đảng có ý nghĩa gì ?

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na uy hôm 24/4 cho rằng, trong một hệ thống chính trị dân chủ, sự dân chủ nó phải thể hiện trong toàn dân, cả ở trong các sinh hoạt đảng phái, và nó được luật hóa. Cụ thể, trong một thể chế dân chủ, người dân bình thường sẽ đi bầu chọn ra những đại biểu đại diện cho quyền lợi của mình và đất nước. Đó có thể là các dân biểu, các thượng nghị sĩ, hay các vị lãnh đạo địa phương, lãnh đạo quốc gia.

Ngoài ra, theo ông Vũ, nếu người dân có tham gia các đảng phái chính trị thì luật cũng quy định rằng các sinh hoạt nội bộ của các đảng phái chính trị được công nhận phải dựa trên tinh thần dân chủ theo pháp luật. Trong tinh thần đó, ngay cả trong tổ chức chính trị, thành viên cũng sẽ tham gia bầu chọn ra các thành viên đại diện cho tổ chức trong các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Trở lại với cái gọi là tập trung dân chủ của đảng cộng sản, Tiến sĩ Vũ cho biết :

"Tập trung dân chủ trong một thời gian dài được cho là một hình thức tổ chức của các đảng cộng sản. Về mặt hình thức thì các đảng viên sẽ bầu ra các đại diện cho mình trong đảng, gọi là mang tính dân chủ. Các đại diện này sẽ tập trung lại, thảo luận ra các chương trình hành động. Sau đó, các chương trình hành động được ban xuống và các đảng viên phải nhất nhất tuân theo nó. Về mặt lý thuyết thì đây tương đối giống mô hình nghị viện ở các nước. Tuy vậy, thực tế cách rất xa hình ảnh lý thuyết này. Các cuộc bầu cử tự do để chọn ra các lãnh đạo cộng sản đã không hề xảy ra, việc ai lãnh đạo đảng hay đất nước, làm chức vụ gì, nó chỉ là một sản phẩm của việc giới cầm quyền tự sắp xếp chỗ ngồi cho những người trong Đảng nhằm phân chia lợi ích cho mình hay phe nhóm. Hoàn toàn không có một sự tự do chọn lựa nào".

Theo ông Nguyễn Huy Vũ, nếu các đảng viên có thể ngồi lại với nhau để sinh hoạt một cách tự do bằng cách bầu chọn ra một Tổng Bí thư chẳng hạn trong một cuộc bầu cử kín thì điều đó sẽ đem lại một bước đột phá cực kỳ lớn trong xã hội. Đó sẽ là một hình thức dân chủ thực sự trong đảng. Với tư cách là một đảng đang nắm quyền điều hành quốc gia, việc có dân chủ trong đảng sẽ giúp các đảng viên biết ai giỏi, ai kém, ít nhất là trong hàng ngũ đảng viên, để chọn ra những người dẫn dắt chính đảng và cả quốc gia của mình. Ông Vũ cho rằng, điều đó sẽ thật sự là một cuộc cách mạng vì nó giúp chọn ra người khá nhất trong hàng triệu đảng viên để dẫn dắt quốc gia. Theo Tiến sĩ Vũ, đất nước chắc chắn sẽ có một diện mạo khác với bây giờ… ông nói tiếp :

"Nhưng việc dân chủ hóa các sinh hoạt trong Đảng cộng sản vẫn chưa đủ. Nó cần phải có một sự dân chủ hóa rộng khắp cả quốc gia. Các đảng phái khác phải được hiện diện và cạnh tranh công bằng với đảng Cộng sản. Có như vậy thì người dân mới biết chọn ra đảng phù hợp và có khả năng nhất để dẫn dắt quốc gia. Nếu điều đó diễn ra, đất nước sẽ cất cánh nhanh chóng vì các lãnh đạo có viễn kiến sẽ biết đâu là những chính sách hợp lý và làm thế nào để thi hành nó. Trong một bối cảnh như vậy, với khả năng điều hành và quản lý kém cỏi, đảng Cộng sản khó mà có một chỗ đứng nào trên chính trường Việt Nam".

Cho nên theo ông Vũ, nhìn lại để thấy rằng việc một số giới chức lãnh đạo cộng sản hô hào triển khai dân chủ tập trung, nó chỉ là một hình thức nhằm ru ngủ giới đảng viên trong Đảng và ai cũng biết điều đó.

************************

Nhà văn Dương Thu Hương đoạt Giải thưởng Văn học thế giới : Truyền thông Nhà nước Việt Nam im lặng !

RFA, 24/04/2023

Ban giám khảo Giải Cino Del Duca trao Giải thưởng Văn học Thế giới năm 2023 cho nhà văn Dương Thu Hương hôm 21/4.

dang2

Bà Dương Thu Hương sang Pháp nhận Huân chương Văn hóa Nghệ thuật năm 1994 - AFP

Theo Ban Giám khảo, giải thưởng với giá trị hiện kim 200.000 Euro, được trao cho bà Dương Thu Hương để khen tặng "một nhà văn lớn mà tác phẩm và nhân cách độc đáo chứa đựng thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại". Dự kiến lễ trao giải cho nhà văn Dương Thu Hương sẽ được tổ chức vào ngày 21 tháng 6 tới đây tại trụ sở Viện Hàn Lâm Pháp. Không một cơ quan truyền thông nào ở trong nước Việt Nam loan tin này.

Trước đó, hôm 17/4, nhà phê bình văn học Đặng Tiến qua đời ở Pháp được một số tờ báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Phụ Nữ đưa tin, nhưng bị rút xuống ngay sau đó. Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, thành viên của Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập, khẳng định với RFA hôm 21/04/2023 :

"Chuyện gỡ bài là có thật và tôi có thông tin của người bạn của tôi làm nghề báo. Tôi có đọc được cái chỉ thị, tin nhắn thì đúng hơn.

Nguyên văn : Về trường hợp ông Đặng Tiến vừa qua đời tại Pháp, đề nghị các cơ quan báo chí không thông tin (nếu đã thông tin thì gỡ ngay), vì đây là nhân vật tham gia tổ chức chống Đảng và Nhà nước Việt Nam (Văn đoàn Độc lập). Trân trọng".

Chuyện báo chí Nhà nước đưa tin rồi rút xuống từng xảy ra nhiều lần với những thông tin bị coi là "nhạy cảm". Tuy báo chí không đăng hay đăng rồi gỡ thì người dân vẫn có thể biết tin qua báo chí nước ngoài, hoặc qua mạng xã hội. Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già nói với RFA quan điểm của ông :

"Theo tôi, đối với truyền thông của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thì họ có ba cái nguyên tắc. Nguyên tắc thứ nhất là chưa và thiếu. Ví dụ như chưa chính xác, thiếu trách nhiệm. Nguyên tắc thứ hai là chụp mũ, và nguyên tắc thứ ba là phản bác. Đó là ba nguyên tắc chính trong vấn đề truyền thông báo chí của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam suốt hàng chục năm qua.

Riêng đối với trường hợp bà Dương Thu Hương, đồng loạt tất cả các báo đều im lặng hết, mặc dù đây là một giải thưởng có thể nói là giá trị và danh giá, bởi đó là lần đầu tiên một người Việt Nam đạt được một giải tầm cỡ như vậy. Tuy nhiên, sự im lặng của họ đúng và nhất quán theo ba nguyên tắc của họ cho nên tôi không ngạc nhiên khi họ im lặng trước thông tin này. Trong mắt họ, bà Dương Thu Hương là một kẻ phản bội. Mà điều lệ đảng đã quy định từ xưa đến nay là phải trung thành tuyệt đối với Đảng cộng sản Việt Nam".

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình thì cho rằng :

"Theo tôi nghĩ, do bà Dương Thu Hương là một nhà văn phản biện Đảng và Nhà nước Việt Nam. Bà chống Đảng và Nhà nước. Với những người đó thì có giải thưởng gì báo chí trong nước cũng không đăng. Những tác phẩm của bà về sau này cũng vẫn có tính chất phản biện cho nên họ không thích".

Bà Dương Thu Hương viết nhiều tác phẩm như Bên Kia Bờ Ảo Vọng, Những Thiên Đường Mù, Quãng Đời Đánh Mất, Chốn Vắng, Đỉnh Cao Chói Lọi, Hậu Cung Của Con Tim… Các tác phẩm của bà không được phép xuất bản hay lưu hành tại Việt Nam vì lý do chính trị. Bà bị khai trừ khỏi Đảng cộng sản Việt Nam 1989. Hai năm sau bà bị bắt giam vì kêu gọi cải tổ dân chủ và chỉ được cho sang Pháp nhận Huân chương Văn hóa Nghệ thuật năm 1994 sau khi có sự can thiệp của phu nhân tổng thống Pháp lúc đó. 

Thông tin bà Dương Thu Hương, một nhà văn gốc Việt đoạt Giải thưởng Văn học Thế giới, không được bất cứ cơ quan truyền thông chính thống nào của Nhà nước Việt Nam đưa tin. Trong khi đó, tin diễn viên Quan Kế Huy đoạt giải Oscar lại được báo chí rầm rộ đưa tin.

Không chỉ trường hợp diễn viên Quan Kế Huy, hồi tháng 2 vừa qua, báo Tiền Phong có bài viết tựa "Chung Nguyen Do, tài năng gốc Việt được Barca thèm khát là ai ?", viết về cầu thủ 17 tuổi ở Bulgaria mang 100% dòng máu Việt Nam.

Lý do được nhà thơ Liêu Thái ở Đà Nẵng nêu ra :

"Mình phải nói thẳng với nhau là báo chí trong nước, báo chí Nhà nước Việt Nam, chỉ để phục vụ chính trị. Chắc chắn những vấn đề có một chút nhạy cảm chính trị thì họ hoàn toàn không đăng tin.

Xét về mặt chính trị, tất cả những tác phẩm của bà Dương Thu Hương đều nhằm đưa một cái nhìn mới cởi mở hơn, một cái nhìn đa diện hơn, đa nguyên hơn về mặt chính trị thì chắc chắn nó đụng chạm đến một cái đại tự sự giống như là một điển tích rồi. Nó thành một cái gọi là cái khuôn mẫu mà nó không muốn bức thoát. Mà thực tế nó cũng không thể bức thoát, bởi vì bức thoát thì nó trở thành cái khác rồi. Cho nên chắc chắn một điều, rất khó để nói rằng thông tin đoạt giải của nhà văn Dương Thu Hương sẽ được báo chí Nhà nước đưa tin".

Cách đây chưa đến một năm, khi ông Tô Văn Lai, người sáng lập hai trung tâm Thúy Nga và Thúy Nga Paris By Night qua đời, các tờ báo lớn của Nhà nước Việt Nam như báo Thanh Niên, Pháp Luật, Người Lao Động, Dân Trí, Tiền Phong… đều có những bài viết về ông rất kịp thời. Nhưng chỉ vài tiếng sau đã bị rút xuống, không còn có thể truy cập được mà không có lời giải thích. Dư luận lúc bấy giờ đặt dấu hỏi về sự thực tâm trong chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc của Chính phủ Hà Nội.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh nói với RFA suy nghĩ của ông sáng 24/04/2023 :

"Họ luôn dựa trên cái lằn chỉ đỏ của tư tưởng cách mạng để xét đoán xem ai là người được coi là đứng trong cùng một cái hệ thống của họ, hay được nhắc tới. Điều này nó đã xảy ra từ rất nhiều năm rồi. Với trường hợp bà Dương Thu Hương, bà Dương Thu Hương là một nhân vật từ trong thế hệ cách mạng bước ra và phản tỉnh, đòi hỏi của cuộc cách mạng khác trong lòng của nhà nước. Cho nên nói gì thì nói, bà đã tự bước ra khỏi lằn ranh của sợi chỉ đỏ rồi.

Mặc dù là Việt Nam đang đổi mới và đã phát triển, nhưng cách thức đối xử và nhìn nhận con người vẫn không khác nào nhà nước Việt Nam từ năm 1954. Cho đến nay, những gì hay mà có vẻ gần ở vùng xám, tức là không phải vùng đen chống lại nhà nước, thì họ thỉnh thoảng tìm cách lôi kéo để tỏ ra một sự thống nhất.

Nhưng những ai thuộc vùng đen, hay vùng xám mà bộc lộ một chút quan điểm chính trị có sự khác biệt, thì nó hoàn toàn nằm ngoài cái khung của nhà nước. Họ được chọn lựa để đưa vào quyền kiểm soát của họ về truyền thông cũng như nhận thức của người dân".

Bà Dương Thu Hương, trong một trả lời phỏng vấn nhà báo Đinh Quang Anh Thái hồi năm 2011, tâm sự : "Lần thứ nhất khi đội quân chiến thắng vào Sài Gòn năm 1975, trong khi tất cả mọi người trong đội quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi lại khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí. Tôi không choáng ngợp vì nhà cao cửa rộng của miền Nam, mà vì tác phẩm của tất cả các nhà văn miền Nam đều được xuất bản trong một chế độ tự do ; tất cả các tác giả mà tôi chưa bao giờ biết đều có tác phẩm bầy trong các hiệu sách, ngay trên vỉa hè ; và đầy rẫy các phương tiện thông tin như TV, radio, cassette. Những phương tiện đó đối với người miền Bắc là những giấc mơ…".

****************************

Quy định cấm sóng nghệ sĩ : "phong sát" kiểu Trung Quốc ?

RFA, 24/04/2023

Dự kiến từ tháng 10, các nghệ sĩ, người nổi tiếng bị cho có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục sẽ bị xử lý như hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo…

dang3

Tấm biển quảng cáo chương trình biểu diễn của ca sĩ Khánh Ly ở Hà Nội năm 2014 - AFP

Đây là nội dung nằm trong kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025, vừa được Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ký ban hành hồi đầu tháng 4.

Hạn chế tầm ảnh hưởng của người nổi tiếng

Nhạc sĩ Tuấn Khanh bình luận với RFA rằng có rất nhiều vấn đề trong quy định này : thứ nhất, chuyện "muôn thuở" vẫn là định nghĩa về "thuần phong mỹ tục", thế nào là "lệch chuẩn" vẫn chưa được quy định rõ ràng ; vấn đề thứ hai là người nổi tiếng nếu phạm pháp sẽ bị xử lý theo luật, tại sao lại đặt ra quy định riêng dành cho nhóm người này.

Ông cho rằng dù quy định này là vô lý nhưng nhà nước có mục đích rõ ràng khi nhắm vào đối tượng là nghệ sĩ, những người nổi tiếng :

"Việt Nam đang thực hiện một chương trình phong sát nghệ sĩ giống như là ở bên Trung Quốc vậy.

Nghệ sĩ tạo nên một cái quyền lực đối với công chúng và đối với những nhà nước như Việt Nam, khi đột nhiên có những người tạo nên quyền lực với đám đông thì nhà nước sẽ không thích, vì nó chia sẻ quyền lực tập trung của nhà nước, dẫn đến chuyện là có thể xảy ra những điều mà người ta không thể tưởng tượng được.

Cho nên, tốt nhất là phải có một cái rào cản hay là một bộ yên cương dành cho tất cả giới văn nghệ sĩ của nhà nước".

Nhiều chuyên gia về văn hóa trong nước, thông qua báo chí, đồng loạt lên tiếng ủng hộ quyết định này của Bộ 4T.

Tiến sĩ Hà Thanh Vân, Viện phó Viện Khoa học Văn hóa và Giáo dục trả lời mạng báo Zing  nêu quan điểm "cần có những hình thức xử phạt mạnh tay hơn, chẳng hạn từ hạn chế hoạt động văn hóa nghệ thuật có thời hạn đến cấm vĩnh viễn, khóa tài khoản mạng xã hội của KOLs nếu họ vi phạm pháp luật".

Cũng trên Zing, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng nếu các nghệ sĩ lệch chuẩn được phép trình diễn công khai, các nội dung tiêu cực có thể gây hại đến sự phát triển tâm lý và đạo đức của công chúng, đặc biệt là trẻ em, thanh niên.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời  ông Chu Anh Hùng - Phó giám đốc Nhà hát lớn Hà Nội, nói hôm 19/4 rằng đây là hoạt động mở đầu cho chuỗi hoạt động ở các trường học nhằm góp phần xây dựng văn hóa ứng xử đẹp, văn minh, thanh lịch trên không gian mạng.

Thậm chí, một số tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, An ninh TV còn mạnh dạn đăng bài viết với tiêu đề khẳng định dư luận, khán giả ủng hộ việc cấm sóng đối với nghệ sĩ.

Vi phạm quyền tự do biểu đạt

Ở khía cạnh nhân quyền, quy định này vi phạm cả quyền tự do biểu đạt của nghệ sĩ và quyền tự do tiếp nhận thông tin của người dân.

Tại Điều 19 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị  quy định rằng "Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi loại thông tin và ý tưởng, không phân biệt biên giới, bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bản in, dưới hình thức nghệ thuật hoặc thông qua bất kỳ phương tiện truyền thông nào mà người đó lựa chọn".

Tự do biểu đạt không phải là một quyền tự do tuyệt đối. Nhà nước có thể hạn chế quyền tự do này của người dân, nhưng chỉ được áp dụng trong một số rất ít các trường hợp cụ thể.

Theo Công ước này, Nhà nước được phép hạn chế quyền tự do biểu đạt trong một số trường hợp như bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức công cộng.

Tuy nhiên, cô Minh Trang, hiện đang theo học chương trình thạc sĩ về Quyền và Thực hành quyền tại Thuỵ Điển cho biết các biện pháp hạn chế phải được quy định bằng luật, ở mức tối thiểu và tương thích :

"Dù là cấm sóng tạm thời hay cấm sóng vĩnh viễn thì đều vi phạm quyền tự do biểu đạt.

Ví dụ như một người nghệ sĩ vi phạm pháp luật như là vi phạm luật giao thông đường bộ hay uống rượu trong lúc lái xe mà vin vào đó để cấm người ta không được biểu diễn hay hoạt động nghệ thuật thì rõ ràng là cái hình phạt đó nó không tương thích với cái lỗi người ta gây ra.

Nếu như vi phạm luật giao thông thì đã có luật giao thông đường bộ để xử lý rồi, chứ không phải lấy cớ là vi phạm luật giao thông để cấm người ta không được biểu diễn, không được tham gia các chương trình truyền hình".

Cũng theo cô Trang, người dân có quyền xem, ủng hộ hoặc tẩy chay một sản phẩm nào đó mà họ cho là không phù hợp :

"Nhà nước không nên là một bên đứng ra quyết định xem là người dân nên hay là không nên tiếp cận thông tin gì. Người dân có quyền được quyết định xem là bản thân họ muốn hoặc không muốn xem cái gì".

Ở một số nước như Hàn Quốc, các đài truyền hình cũng đã công bố cấm sóng đối với nghệ sĩ vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, theo cô Trang, điểm khác biệt là ở cái quyết định cấm sóng ở Hàn Quốc được đưa ra bởi một pháp nhân độc lập, chứ không phải là do Nhà nước quyết định như Việt Nam.

Đối với một số ý kiến ủng hộ sự kiểm duyệt cho rằng nội dung xấu trên các phương tiện truyền thông có thể ảnh hưởng đến trẻ em. Cô Trang cho rằng các chương trình không phù hợp với trẻ cần phải được dán nhãn rõ ràng :

"Đối với những chương trình không phù hợp với trẻ con thì nên dán nhãn là chương trình này không phù hợp với trẻ.

Ví dụ như trẻ em tiếp cận với những nội dung không phù hợp với lứa tuổi thông qua mạng xã hội thì lỗi sẽ thuộc về công ty mạng xã hội, bởi vì họ đã không dán nhãn nội dung đó".

Hiện nay, các công ty cung cấp dịch vụ xem phim hoặc video như YouTube hay Netflix, thậm chí là các nhà mạng internet cũng có dịch vụ chọn chế độ dành riêng cho trẻ em. Khi đó, với tư cách người giám hộ, cha mẹ có thể tự quyết định điều gì là phù hợp với con em mình. Các quyết định trẻ con nên hay không nên xem gì có thể thực hiện tại nhà mà không có sự can thiệp của chính phủ.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 209 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)