Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/05/2023

Việt Nam bỏ phiếu thuận nghị quyết Liên Hiệp Quốc nói Nga gây hấn ở Ukraine có gì đáng bàn ?

RFA tiếng Việt

Việt Nam bỏ phiếu thuận nghị quyết Liên Hiệp Quốc nói Nga gây hấn ở Ukraine có gì đáng bàn ?

Việt Nam bỏ phiếu thuận cho một Nghị quyết tại Liên Hiệp Quốc, trong đó có đoạn nói rằng "Nga gây hấn đối với Ukraine" tại Châu Âu. Những người quan sát tình hình chính trị xã hội đặt vấn đề liệu có phải Việt Nam đã "quay xe" với Nga sau lần bỏ phiếu này.

bophieu1

Việt Nam và Trung Quốc bỏ phiếu thuận cho Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, trong đó có đoạn nói rằng Nga gây hấn ở Ukraine. Ảnh : un.org

Việt Nam "quay xe" ?

Ngày 26/4, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết A/RES/77/284, về "Hợp tác giữa Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Châu Âu". Đoạn số chín của Nghị quyết này có nội dung đề cập tới cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ukraine như sau :

"Công nhận rằng Châu Âu đang phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có sau khi Liên Bang Nga gây hấn với Ukraine và trước đó là Gruzia, cũng như việc chấm dứt tư cách thành viên của Liên bang Nga trong Hội đồng Châu Âu, đòi hỏi sự tăng cường hợp tác giữa Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Châu Âu…".

Kết quả, có 122 phiếu ủng hộ thông qua nghị quyết, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên hai quốc gia cộng sản ở Châu Á này bỏ phiếu thuận đối với một nghị quyết mà nội dung có đề cập tới cuộc chiến Nga - Ukraine.

Bà Mạc Việt Hồng, một nhà báo độc lập từ Ba Lan, cho rằng dù nghị quyết này không nói tới cuộc chiến tranh xâm lược của Nga và Ukraine nhưng vẫn có một đoạn nói gọi Nga là kẻ gây hấn hay là kẻ xâm lược :

"Tôi cho động thái này của Việt Nam là có tiến bộ so với những cái vote (bỏ phiếu) trước kia khi Việt Nam thường vẫn bỏ phiếu chống hoặc thiếu trắng, thì lần này đã bỏ phiếu thuận. Theo tôi như vậy là đã đáng hoan nghênh, một cử chỉ tuy có muộn màng nhưng mà đã có những sự thay đổi nhất định.

Tôi nghĩ rằng đây là Việt Nam bước đầu "quay xe", cuộc chiến này cán cân nghiêng về phía Ukraine và thất bại của Nga ngày càng tới gần thì Việt Nam sẽ quay xe".

Một người Việt hiện đang sinh sống ở Ukraine nói rằng ông không quan tâm đến chuyện Việt Nam có ủng hộ Ukraine hay không :

"Tôi chả thấy vui gì cả, bởi vì tiếng nói của Việt Nam không có tác dụng gì. Thậm chí từ đầu cuộc chiến cho đến nay, kể cả khi Việt Nam bỏ phiếu trắng cho đến khi lần cui cùng này Việt Nam bỏ phiếu ủng hộ Ukraine - cứ cho là như vậy - thì Ukraine vẫn không có bất cứ một phản hồi xã hội nào, các phương tiện truyền thông hầu như không nhắc đến Việt Nam bỏ phiếu như thế nào".

Nâng cao quan điểm

Thạc sĩ Nguyễn Thế Phương, chuyên gia về Quốc phòng, nhận định với RFA rằng từ kết quả bỏ phiếu thuận này của Việt Nam mà suy ra là Việt Nam đã thay đổi quan điểm về cuộc chiến Nga - Ukraine là có phần nâng cao quan điểm. 

Theo ông Phương, nghị quyết này có nội dung bàn thảo về sự hợp tác giữa Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Châu Âu, nó không hề có mục đích lên án Nga :

"Yếu tố liên quan đến Nga cũng chỉ xuất hiện trong paragraph 9 (đoạn thứ chín - PV) thôi, chỉ trong một paragraph duy nhất thôi. Và cái từ được dùng trong đoạn đó là "gây hấn" (aggression), chứ không phải để "xâm lược" (evasion)".

Hơn nữa, ông Thế Phương cho biết, trong buổi tranh luận trước khi bỏ phiếu chính thức cho nghị quyết này, đã có một cuộc bỏ phiếu khác về vấn đề có nên thêm paragraph 9 (đoạn thứ 9 - PV) vô nghị quyết này hay không. Khi đó, Việt Nam đã bỏ phiếu trắng :

"Vote đầu tiên là có nên đưa paragraph 9 vào trong nghị quyết đó hay không, thì Việt Nam bỏ phiếu trắng ; rồi tới cái vote thứ hai mới là thông qua toàn bộ cái nghị quyết đó thì lần này Việt Nam mới đồng ý".

Trong khi đó, đại diện Iran nêu quan điểm tại phiên tranh luận rằng bởi vì đoạn thứ 9 nằm ngoài phạm vi của nghị quyết và thiếu tính công bằng. Do đó, Iran đã bỏ phiếu trắng đối với toàn bộ dự thảo nghị quyết này.

Do đó, ông Phương kết luận quan điểm của mình : "Việt Nam thể hiện một cách hết sức bình thường, nó không có gì là thay đổi quan điểm. Bảo rằng Việt Nam thay đổi quan điểm thì là hơi nâng vấn đề lên một chút".

Sao y Trung Quốc ?

Từ khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine vào tháng 2/2022, Việt Nam đã có sáu lần bỏ phiếu tại Hội đồng Liên Hiệp Quốc về những nghị quyết có liên quan đến cuộc xung đột vũ trang này. Trong đó, có bốn lần Việt Nam bỏ phiếu trắng, một lần bỏ phiếu chống và một lần bỏ phiếu thuận.

Cụ thể, ngày 1/3/3022, Việt Nam bỏ phiếu trắng nghị quyết lên án cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine. Ngày 24/3, Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu về nghị quyết kêu gọi Nga chấm dứt chiến sự, bảo vệ dân thường và cộng đồng quốc tế, tăng cường viện trợ nhân đạo cho Ukraine ; Việt Nam bỏ phiếu trắng. Ngày 7/4, Việt Nam bỏ phiếu chống lại nghị quyết loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Ngày 12/10, nghị quyết kêu gọi các quốc gia trên thế giới không công nhận việc Nga sáp nhậbốn vùng lãnh thổ của Ukraine được Việt Nam bỏ phiếu trắng. Ngày 23/2/2023, Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine, Việt Nam lại chọn phiếu trắng. Và mới nhất, vào ngày 26/4, Việt Nam bỏ phiếu thuận cho nghị quyết Hợp tác giữa Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Châu Âu.

Cả sáu lần bỏ phiếu nêu trên, Việt Nam và Trung Quốc có sự lựa chọn giống y như nhau.

Nhà báo Mạc Việt Hồng khẳng định là Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi Trung Quốc trong những lần bỏ phiếu về cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine :

"Tôi nghĩ chắc chắn là có chịu ảnh hưởng bởi Trung Quốc nếu mà nhìn từ đầu cho tới bây giờ thì chúng ta có thể thấy rằng Trung Quốc bỏ phiếu chống thì Việt Nam bỏ phiếu chống, mà Trung Quốc bỏ phiếu trắng thì Việt Nam bỏ phiếu trắng, và lần này Trung Quốc bỏ phiếu Thuận thì Việt Nam cũng bỏ phiếu thuận, thì chắc chắn là có sự ảnh hưởng rất lớn từ phía Trung Quốc".

Thạc sĩ Thế Phương nhìn nhận rằng có sự đồn đoán Việt Nam chịu tác động từ Trung Quốc trong những lần bỏ phiếu. Tuy nhiên, theo ông Phương, không có bằng chứng rõ ràng về tin đồn này :

"Không có bằng chứng nào rõ ràng cho thấy rằng bởi vì Trung Quốc vote như thế này cho nên Việt Nam vote theo như thế. Nói chính xác hơn là bởi vì tư duy chính sách và tư duy đối ngoại trong một số vấn đề cụ thể, đặc biệt có liên quan đến vấn đề Nga và Ukraine là tương đối giống nhau, cho nên họ vote giống nhau".

Ông Thế Phương cho biết, nếu muốn biết quan điểm chính thức của Nhà nước Việt Nam đối với cuộc chiến tranh Nga - Ukraine thì nên xem phát biểu của các quan chức cao cấp nhà nước đã về hưu, đặc biệt là các tướng quân đội.

Ví dụ như Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phát biểu trên truyền thông Nhà nước nhân dịp một năm Nga tấn công Ukraine, rằng không có bên nào đúng hoặc sai tuyệt đối…Tất cả các bên, trước tiên là Nga và Ukraine, rồi đến các quốc gia can dự vào cuộc xung đột này, nhất là Mỹ và EU đều phải "quay xe", lùi lại - tức là đều phải nhân nhượng.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA
Read 241 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)