Ngày Nhân quyền Việt Nam 2023 : Mỹ không thể đối thoại sau lưng những người bị đàn áp !
RFA, 12/05/2023
Mỹ cần coi trọng vấn đề nhân quyền cùng với các khía cạnh khác như kinh tế, thương mại, an ninh…trong quan hệ với Hà Nội, theo nhiều Dân biểu của Quốc hội Liên bang Hoa Kỳ trong lễ kỷ niệm lần thứ 29 Ngày Nhân quyền Việt Nam (11/5).
RFA
Buổi lễ được tổ chức tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ vào sáng thứ năm thu hút sự tham dự của nhiều Dân biểu liên bang, đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), Theo dõi Nhân Quyền (HRW) và nhiều tổ chức của người Việt cùng người hoạt động nhân quyền ở Mỹ.
Hoa Kỳ cần quan tâm đến nhân quyền
Trong bài phát biểu của mình, cựu Dân biểu liên bang Leslie Byrne cho rằng trong quan hệ với Việt Nam, Hoa Kỳ đã không sử dụng các đòn bẩy, đặc biệt là về kinh tế, để buộc Hà Nội phải tôn trọng các cam kết quốc tế về nhân quyền.
Nhắc lại việc Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Hà Nội có thặng dư thương mại hàng chục tỷ đôla mỗi năm với Washington, bà cho rằng quan hệ Việt-Mỹ như một người mẹ cho đứa con 20 đô la mỗi tuần với yêu cầu phải dọn dẹp nhà cửa nhưng đứa bé không làm mà vẫn đòi nhận tiền, nếu người mẹ vẫn đưa tiền, thì lần sau đứa trẻ này vẫn không dọn dẹp dù có nhận tiền. Bà nói :
"Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Chúng ta hiện có nhiều công cụ trong lĩnh vực kinh tế nhưng chúng ta đã không sử dụng.
Chúng ta cần gây sức ép nhiều hơn để họ dần thay đổi … chứ không thể như cho đứa bé mỗi ngày 20 đô la nhưng họ không cải thiện tình trạng nhân quyền".
Dân biểu Katie Porter (Đảng Dân chủ- California) thì cho rằng Hoa Kỳ cần nêu giá trị nhân quyền trong quan hệ với Việt Nam.
"Hoa Kỳ cần kiên quyết và rõ ràng rằng nếu Việt Nam muốn tăng cường quan hệ về kinh tế và thương mại với Hoa Kỳ, quốc gia này cần tôn trọng giá trị nhân quyền và chúng ta mong đợi từ các đồng minh.
Chúng ta luôn đồng hành cùng với người dân Việt Nam trong việc đòi tự do và công bằng".
Nhắc lại những vi phạm nhân quyền đang diễn ra ở Việt Nam và khả năng hai quốc gia nâng cấp quan hệ từ Đối tác toàn diện hiện nay lên Đối tác chiến lược, Dân biểu Young Kim - Chủ tịch Tiểu ban đối ngoại khu vực Thái Bình Dương-Ấn Đội Dương phát biểu :
"Chúng ta mong muốn tăng cường quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và chúng ta cần phải làm điều đó, nhưng chúng ta không thể làm điều đó sau lưng những người đang bị đàn áp".
Tiến sĩ Võ Đức Văn - Tổng thư ký Hiệp hội Biển Đông Nam Á, người từng tham dự nhiều lần Ngày Nhân quyền Việt Nam ở thủ đô Washington DC, cho RFA biết tổ chức của ông sẽ gửi báo cáo tới Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để chất vấn. Ông nói :
"Làm thế nào mà Hoa Kỳ quan hệ với một nước mà vi phạm nhân quyền vẫn xảy ra hàng ngày nếu không muốn nói là nghiêm trọng như vậy thì liệu sự nâng cấp quan hệ lên chiến lược toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có làm thương tổn giá trị quan trọng nhất về dân chủ và nhân quyền của Hoa Kỳ không".
Cựu Dân biểu liên bang Leslie Byrne phát biểu trong Ngày Nhân Quyền Việt Nam 11/5/2023. Ảnh chụp màn hình video RFA
Vi phạm nhân quyền trầm trọng
Phát biểu trong buổi lễ, bà Erin Barclay, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói bà quan ngại về các vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam, với việc bắt giữ hàng chục người bất đồng chính kiến, nhà báo, người hoạt động nhân quyền với những cáo buộc mơ hồ trong Bộ luật Hình sự như "tuyên truyền chống nhà nước" hay "lợi dụng quyền tự do dân chủ".
Bà cũng nhắc lại trong chuyến thăm Hà Nội gần đây, Ngoại trưởng Anthony Blinken đã nêu vấn đề nhân quyền trong các buổi gặp với ban lãnh đạo Việt Nam. Bà nói :
"Tôi có tham dự Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ gần đây và kêu gọi Việt Nam thay đổi Bộ luật Hình sự sao cho mọi người được quyền biểu đạt, thậm chí phát biểu những điều khác biệt với nhà cầm quyền".
Trả lời phỏng vấn của RFA ngay sau buổi lễ, ông Mingzhi Cheng, nhà phân tích chính sách cao cấp của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ (USCIRF), cho biết vi phạm quyền tự do tôn giáo đang ở mức trầm trọng trong nhiều năm gần đây, và do vậy, cơ quan của ông liên tục đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào Danh sách các quốc gia cần quan tâm về tự do tôn giáo (CPC) trong nhiều năm qua.
Ông nói :
"Chỉ mới năm ngoái thôi, trong báo cáo của mình, chúng tôi đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách CPC bởi vì chúng tôi quan ngại về các vi phạm về quyền tự do tôn giáo đang diễn ra.
Cụ thể, chúng tôi quan ngại về Luật Tôn giáo Tín ngưỡng 2018 và hai dự thảo nghị định vào tháng 6/2022 mà nhiều chuyên gia cho rằng siết chặt quyền tự do tôn giáo hơn nữa.
Chúng tôi cũng quan ngại về đàn áp người Thượng và Hmong cùng nhiều nhóm khác nữa như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo…".
Ông cho rằng việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào Danh sách Giám sát Đặc biệt (Special Watch List) về tự do tôn giáo vào đầu tháng 12 năm ngoái là sự ghi nhận tình trạng đàn áp tự do tôn giáo ở quốc gia này.
"Chúng tôi khuyến khích Chính phủ Hoa Kỳ làm việc với đối tác Việt Nam để chỉnh sửa Luật Tôn giáo Tín ngưỡng 2018 để nó không còn là công cụ nhằm kiểm soát và đàn áp tự do tôn giáo", ông nói.
Ông nói rằng việc nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược là cần thiết cho an ninh ở Châu Á-Thái Bình Dương nhưng Hoa Kỳ không nên ngó lơ về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam.
"Chúng tôi khuyến khích Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục đưa vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam trong đàm phán giữa hai bên.
Chúng tôi cũng muốn Việt Nam trở thành đối tác tốt, tôn trọng quyền tự do tôn giáo và các quyền tự do cơ bản khác".
Ông Mingzhi Cheng, nhà phân tích chính sách cao cấp của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ (USCIRF) trong cuộc trả lời phỏng vấn RFA
Người Việt trong nước cần mạnh mẽ đòi nhân quyền
Tiến sĩ Võ Đức Văn - Tổng thư ký Hiệp hội Biển Đông Nam Á, cho rằng việc quốc tế và cộng đồng người Việt ở hải ngoại có tiếng nói quan trọng đòi Việt Nam tôn trọng các cam kết quốc tế về nhân quyền, tuy nhiên, người Việt ở trong nước mới đóng vai trò chính. Ông nói :
"Chúng tôi muốn gửi đến cho tất cả mọi người Việt Nam rằng : Chúng ta không thể ngồi chờ đợi người Mỹ, dân cử Mỹ hay đồng bào Việt Nam ở nước ngoài tranh đấu nhân quyền cho chúng ta mỗi năm như thế này. Chúng tôi nghĩ rằng nó (tình trạng hiện nay- PV) sẽ đến muôn đời. Vấn đề quan trọng nhất nếu chúng ta muốn chấm dứt tình trạng áp bức về nhân quyền thì người Việt Nam phải mạnh dạn hơn đòi quyền sống của mình…
Người Việt Nam, thanh niên Việt Nam phải mạnh dạn nói với người lãnh đạo của QH Việt Nam : Các vị phải phục vụ quyền lợi cho người dâ Việt Nam phải tốt hơn và nhân quyền của người Việt Nam phải được tôn trọng hơn".
Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam (11/5) được vinh danh và công nhận bởi đạo công luật số 103-258 mà Tổng thống Bill Clinton ký ngày 25/5/1994. Trước đó, Nghị quyết chung SJ-168 được cà hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ thông qua với đại đa số tuyệt đối ngày 17/5.
Vào ngày này, 33 năm về trước, bác sĩ Nguyễn Đan Quế đã đại diện Cao Trào Nhân Bản công bố lời kêu gọi yêu cầu toàn dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước, những tổ chức, đoàn thể yêu chuộng tự do trên thế giới ủng hộ đòi hỏi của Cao trào Nhân Bản đòi Nhà nước Việt Nam phải tôn trọng các nhân quyền căn bản của người dân Việt Nam, chấp nhận sinh hoạt chính trị đa nguyên, và trả lại cho người dân quyền tự do lựa chọn một thể chế chính trị phù hợp với nguyện vọng của mình qua các cuộc bầu cử tự do, công bằng dưới sự giám sát của Liên Hiệp quốc.
Hàng năm lễ kỷ niệm Ngày Nhân quyền cho Việt Nam được tổ chức trọng thể tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ dưới sự bảo trợ của của nhiều Thượng Nghị sĩ và Dân biểu của hai đàng.
Nguồn : RFA, 12/05/2023
***********************
Hoa Kỳ với cam kết giải quyết nạn đàn áp xuyên quốc gia
RFA, 11/05/2023
Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề đàn áp xuyên quốc gia với sự nghiêm túc và quan tâm tối đa cho tương xứng với mức độ nguy hiểm của tình trạng đó.
Ủy ban Tự do tôn giáo Hoa Kỳ họp về Đàn áp xuyên quốc gia về tôn giáo. USCIFT
Đàn áp xuyên quốc gia nhắm vào các nhóm tôn giáo
Một buổi họp trực tuyến về tình trạng đàn áp xuyên quốc gia trên thế về tôn giáo giới vừa được Uỷ ban Tự do tôn giáo Hoa Kỳ thực hiện vào ngày 10/5.
Ông Scott Busby, Phó Trợ lý Bộ trưởng tại Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết thuật ngữ "đàn áp xuyên quốc gia" là tương đối mới. Chính phủ ở các quốc gia độc tài ngày càng tìm mọi cách nhằm bịt miệng, đe dọa tín đồ của các cộng đồng tôn giáo và cả những người đấu tranh cho tự do tôn giáo… ngay cả khi những người này đang lánh nạn ngoài lãnh thổ quốc gia :
"Theo báo cáo thường niên trong những năm gần đây, các quốc gia thực hiện đàn áp xuyên quốc gia thường không hành động đơn lẻ. Họ gây áp lực và ép buộc chính phủ các nước khác hỗ trợ cho hành vi đàn áp của mình…
Bằng các hình thức trực tiếp và trực tuyến, chính phủ uy hiếp và đe dọa những người đã tìm nơi ẩn náu ở đất nước khác, nhằm ngăn cản những người này thực hiện các quyền con người và quyền tự do cơ bản của họ. Chính quyền cũng gây áp lực lên những người bất đồng chính kiến bằng hình thức quấy rối hoặc đe dọa các thành viên trong gia đình họ đang còn ở trong nước".
Phát biểu trong biểu họp trực tuyến, Thượng nghị sĩ Jeff Merkley, với tư cách là thành viên của Ủy ban Đối ngoại Hoa Kỳ cho biết :
"Hành vi đàn áp xuyên quốc gia đang làm gia tăng mối đe dọa đối với các quyền cơ bản và tự do của mọi người trên toàn cầu, bao gồm cả tự do tín ngưỡng tôn giáo.
Ngày càng thường xuyên hơn, chúng ta thấy các chính phủ độc tài vươn ra ngoài biên giới đất nước để bịt miệng tiếng nói của cộng đồng bất đồng chính kiến và các nhóm thiểu số tôn giáo… trên khắp thế giới"
Đối với Việt Nam, nhiều tín đồ tôn giáo độc lập bị đe doạ và ngăn cản thực hành các nghi lễ tôn giáo của mình. Họ đã phải chạy đến Thái Lan để tìm sự an toàn. Tuy nhiên, ngay cả khi đang ở một đất nước khác, họ vẫn phải đối mặt với sự đàn áp xuyên quốc gia do Chính phủ Việt Nam tiến hành.
Ông Y Quynh, một tín đồ Tin lành Đấng Christ ở Tây Nguyên, hiện đang lánh nạn tại Thái Lan, cho biết khi ở Việt Nam, ông từng nhiều lần bị công an tỉnh Đak Lak quấy nhiễu, bắt cóc lên đồn công an làm việc, tra tấn trong ba ngày liền. Công an đe doạ nếu không bỏ đạo, ông và gia đình sẽ bị truy tố.
Năm 2018, ông Y Quynh bỏ trốn sang Thái Lan xin tị nạn. Từ đó, gia đình ông ở Việt Nam thường xuyên bị chính quyền địa phương sách nhiễu :
"Khi tôi sang Thái Lan thì chính quyền luôn đến nhà sách nhiễu bố mẹ và gia đình tôi. Thậm chí là các giấy tờ tùy thân thì chính quyền họ cũng không làm cho gia đình tôi.
Và họ cũng đã từng cảnh cáo tôi rằng nếu tôi cứ hoạt động như vậy thì thì chúng tôi sẽ không bỏ qua cho gia đình của tôi đâu. Đó là những lời đe dọa mà công an tỉnh Đắk Lắk đã gọi điện cho tôi ở trên Facebook…"
Ngoài ra, trên đất Thái, ông Y Quynh vẫn tiếp tục đối mặt với những lời đe doạ trực tuyến, hay thậm chí là nguy cơ có thể bị chính quyền Việt Nam truy bắt :
"Chúng tôi sống ở đây là chưa có an toàn bởi vì Thái Lan rất gần gần và thậm chí là chính phủ Việt Nam họ cũng có giao thương với chính phủ Thái Lan trong vấn đề kinh tế, an ninh quốc phòng… Thì đó có thể là nguy cơ sẽ gây nguy hiểm cho người Việt tị nạn ở bên này".
Theo định nghĩa của Freedom House, "Đàn áp xuyên quốc gia" (transnational repression) là hành vi mà các chính phủ vươn ra khỏi biên giới nước mình để tấn công, bịt miệng những tiếng nói bất đồng đang sống lưu vong.
Các cách thức thực hiện hành vi đàn áp tạm chia thành năm loại, bao gồm : Tấn công trực tiếp như ám sát, bắt cóc… ; Đe doạ từ xa như gây áp lực cho thân nhân, đe doạ trực tuyến… ; Hạn chế đi lại như từ chối dịch vụ lãnh sự, không cấp mới hay đổi hộ chiếu, giấy tờ ; Và hợp tác với chính phủ nước khác, ví dụ như bắt giữ và trục xuất trái pháp luật.
Việt Nam gia tăng đàn áp xuyên quốc gia
Việt Nam vừa là quốc gia thực hiện, vừa là nơi xảy ra đàn áp xuyên quốc gia. Ảnh : Freedom House
Ông Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch BPSOS - một tổ chức chuyên vận động cho nhân quyền Việt Nam - nhận định với RFA rằng chính phủ Việt Nam vi phạm hầu hết trong các hành vi nêu trên :
"Việt Nam vi phạm rất nặng nề về lĩnh vực đàn áp xuyên quốc gia. Bởi vì theo định nghĩa, ngay cả những lời phỉ báng, công kích đưa lên báo chí như An ninh TV hay báo Nhân Dân… để áp lực những người ở ngoài nước thì tất cả những hành vi đó đều bị xem là đàn áp xuyên quốc gia".
Ngoài ra, ông Thắng cho biết, Việt Nam còn lợi dụng Interpol để yêu cầu cảnh sát Thái Lan phải bắt và dẫn độ một số người bất đồng chính kiến về lại Việt Nam.
Chính quyền Việt Nam cũng bố trí rất nhiều an ninh, mật vụ thường trú tại Thái Lan. Do đó, ông Thắng cho rằng Thái Lan không phải là một nơi lánh nạn an toàn cho người tị nạn.
Cô Minh Trang, hiện đang theo học thạc sỹ ngành Quyền và thực hành quyền tại Thuỵ Điển đánh giá rằng trên thực tế, tình hình đàn áp xuyên quốc gia ngày càng gia tăng, không chỉ riêng Việt Nam mà còn xảy ra đối với các nước Đông Nam Á bởi các xáo trộn chính trị ở các quốc gia này.
Cô Trang dẫn chứng rằng vào năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi họp ASEAN đã khẳng định lập trường là không để lãnh thổ của quốc gia này bị lợi dụng để chống lại quốc gia kia :
"Nghe thì có vẻ như là nhắc đến vấn đề quốc phòng an ninh biên giới, bảo toàn lãnh thổ nhưng thực tế là muốn ám chỉ công cuộc chống phản động. Các diễn ngôn "cá nhân, tổ chức, lợi dụng…" làm tôi liên tưởng đến hoạt động chống phản động".
Đài Á Châu tự do đã nhiều lần đưa tin, những người tị nạn Việt Nam đang ở Thái Lan vẫn bị chính quyền Việt Nam sách nhiễu, ví dụ như đe doạ thân nhân của họ ở trong nước, phát lệnh truy nã hay thậm chí là thực hiện những vụ bắt cóc người đưa về nước.
Hoa Kỳ nghiêm túc giải quyết nạn đàn áp xuyên quốc gia
Trước tình hình các quốc gia độc tài ngày càng tăng cường hành vi đàn áp xuyên quốc gia, ông Scott Busby cho biết chính phủ Hoa Kỳ sẽ giải quyết vấn nạn này với sự nghiêm túc và quan tâm tối đa, tương xứng với mức độ nguy hiểm của nó :
"Một liên ngành bền vững đã được lập ra nhằm khuyến khích chia sẻ thông tin trong chính phủ Hoa Kỳ về việc chống lại sự đàn áp xuyên quốc gia.
Chúng tôi tìm cách mở rộng công khai các tài liệu, nâng cao nhận thức, chia sẻ thông tin về mối đe dọa với các đối tác, tiếp cận và trợ giúp cho nạn nhân, đồng thời triển khai các công cụ giải trình trách nhiệm…"
Ngày 16/3, một nhóm thượng nghị sĩ Hoa Kỳ thuộc lưỡng đảng cũng đã giới thiệu Đạo luật về Chính sách Đàn áp Xuyên quốc gia, nhằm mục đích "bắt các chính phủ và cá nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm khi họ theo dõi, đe dọa hoặc tấn công người dân xuyên biên giới, kể cả ở Hoa Kỳ".
Dự luật cũng khẳng định việc chống đàn áp xuyên quốc gia là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại, bao gồm cả những nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy dân chủ và nhân quyền trên toàn cầu.
Luật này, nếu được thông qua cũng sẽ tạo ra một đường dây để các nạn nhân hoặc nhân chứng báo cáo các vụ việc đàn áp xuyên quốc gia với chính phủ Hoa Kỳ. Đạo luật cũng sẽ yêu cầu Tổng thống đệ trình lên Quốc hội Hoa Kỳ danh sách các cá nhân cần bị xử phạt vì đã tham gia vào các hoạt động đàn áp xuyên quốc gia.