Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

25/05/2023

Vì sao nhiều dự luật ở Việt Nam "chết yểu" ?

RFA tiếng Việt

Tại buổi thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, hôm 23 tháng 5 vừa qua, một số đại biểu Quốc hội nêu vấn đề "tuổi thọ" của luật và các dự án luật ở Việt Nam những năm qua.

duluat0

Đại biểu quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Ảnh QH

Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu rằng : "Câu chuyện làm luật của chúng ta còn cập rập, vội vàng, chưa chắc chắn. Vì thế, tuổi thọ các dự án ngày càng trẻ hóa, một số dự án luật mới được 2 - 3 năm lại đưa ra sửa đổi, bổ sung".

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân thì nhận xét : "Đấy không phải là điều hay. Việc thay đổi thường xuyên các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Đó là sự chưa chín muồi trong các kiến nghị lập pháp, không tránh khỏi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ". Ông Lê Thanh Vân kiến nghị hạn chế tối đa việc điều chỉnh chương trình luật, pháp lệnh hàng năm.

Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên, từng có bảy năm làm Phó khoa trưởng Lincoln Law School of San Jose ở California, nói với RFA hôm 24/5/2023 :

"Luật là phải làm theo hiến pháp và hiến pháp là không thay đổi. Khi làm luật phải thông qua Thượng viện, thông qua Hạ viện rồi Tổng thống ký ban hành. Khi luật đã ban hành rồi mà muốn sửa cũng lại phải làm một thủ tục đúng như vậy. Đó là hệ thống làm luật của Mỹ và các thể chế, các định chế rõ ràng về hiến pháp rõ ràng. Riêng với các nước có thể chế chính trị độc tài như Việt Nam, Trung Quốc, Nga hay Bắc Hàn chẳng hạn, họ làm luật không theo các thủ tục đó nên họ muốn thay đổi lúc nào cũng được hết, theo cách của họ mà thôi. Nó phản ánh một câu nói rất bình thường ở Việt Nam : "luật là ta, ta là luật"".

Tuy các đại biểu Quốc hội nhìn nhận rằng, tuổi thọ các dự án luật ngày càng "trẻ hóa", nhưng không thấy các vị đại biểu chỉ ra nguyên nhân gây nên thực trạng lập pháp ấy trong giai đoạn hiện nay.

Một luật sư ẩn danh vì lý do an toàn, nói với RFA nguyên nhân mà ông nhận thấy :

"Thứ nhất, Quốc hội không thực hiện vai trò lập pháp. Trong suốt thời gian dài vừa qua, Quốc hội đã không giữ vai trò lập pháp như hiến pháp quy định, mà đã trở thành cánh tay nối dài của Hành pháp mà thôi. Vì lẽ, nguồn gốc các dự án luật không đến từ Quốc hội, mà lại do các cơ quan hành pháp soạn thảo. Với cách lập pháp như thế, thì đạo luật được hình thành từ nhu cầu quản lý của cơ quan nhà nước chứ không đến từ nhu cầu thực tế của người dân.

Thứ hai, chất lượng đại biểu Quốc hội yếu kém. Chỉ đôi ba năm luật pháp vừa ban hành đã phải sửa đổi cho thấy khả năng lập pháp hiện nay của Quốc hội rất kém cỏi, không đáp ứng được nhu cầu của xã hội, của cuộc sống. Từ đó, cho thấy xuất xứ của đại biểu quốc hội bằng công thức "Đảng cử, dân bầu" đã hoàn toàn phá sản. Người tài đức đã không có cơ chế, cơ hội để được tiến cử vào quốc hội. Đại biểu quốc hội yếu kém thì đương nhiên, chất lượng lập pháp không thể chất lượng được.

Thứ ba, Quốc hội bị các nhóm lợi ích lũng đoạn, trong đó có Đảng Cộng Sản và các nhóm lợi ích kinh tế.Thứ tư, lập pháp không có phản biện. Với các điều luật hình sự 117, 331 trấn áp mọi ý kiến khác biệt đã khiến cho công tác lập pháp chỉ còn tiếng nói một chiều, đầy chủ quan".

Theo vị luật sư này, hiện không có giải pháp nào để cải thiện, nâng cao chất lượng lập pháp cả, ngoài giải pháp cải cách thể chế chính trị một cách căn cơ. Điều đó, có vẻ như chế độ chưa từng sẵn sàng thực hiện, cho nên, sẽ không có gì lạ khi công chúng vẫn sẽ phải chứng kiến những đạo luật "chết yểu" như hiện nay.

Quốc hội Việt Nam mỗi năm họp hai kỳ với nhiệm vụ làm luật là chính. Theo một số nhà quan sát, có một số luật trải qua nhiều năm xây dựng vẫn chưa hoàn chỉnh, thậm chí không được đem ra bàn thảo, chẳng hạn như Luật Biểu tình. Bộ Công an cho rằng, dự án luật này có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, được quần chúng nhân dân rất quan tâm, nên cần phải được nghiên cứu kỹ, bảo đảm chất lượng, phù hợp với thực tiễn, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sự thiếu chặt chẽ của luật mà xuyên tạc, hoạt động chống phá.

Luật Biểu tình được nguyên thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, đề nghị Bộ Công an xây dựng vào năm 2011, khi tại Hà Nội liên tiếp diễn ra những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn với Việt Nam. Từ đó đến nay, qua nhiều kỳ họp Quốc hội, Luật Biểu tình vẫn chưa thể thành hình do bị trì hoãn nhiều lần.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nêu một số nguyên nhân có thể :

"Nguyên nhân thứ nhất là nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam họ không có triết lý soạn luật. Đó là cái căn bản nhất, bởi vì họ không có nền tảng triết học. Còn cái gọi là triết học Mác-Lênin thì nó chỉ là một cái gọi là ngụy triết học mà thôi. Thêm vào đó, mô hình độc đảng toàn trị trở thành vật cản quá lớn và quá nặng cho cái vấn đề soạn thảo luật và thi hành luật.

Một nguyên nhân nữa là do họ soạn, sửa luật sao cho phù hợp với tình hình mà họ phải đối phó. Luật đã bị chính trị hóa hoàn toàn. Chính trị hóa ở đây là luôn luôn phải giữ vững chế độ. Làm luật kiểu gì cũng phải nghĩ rằng phục vụ cho chế độ kỳ. Ngoài ra, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ít nhất nửa thế kỷ qua đã chối bỏ việc tiếp nhận tri thức về luật học của các quốc gia, của thế giới. Các luật sư, giáo sư cũng dạy luật cho học trò một cách rập khuôn.

Nay chính các vị đại biểu thạc sĩ luật là đại biểu Quốc Hội hay trong ban chấp hành trung ương đảng, trong bộ chính trị cũng chỉ học cái cách rập khuôn mà thôi. Yếu tố nữa là câu chữ của họ không ai hiểu hoặc mỗi người hiểu theo ý khác nhau. Do đó, luật ban hành thì vài năm phải sửa, mà chính phủ không có quyền sửa luật nên họ đối phó bằng cách ra một rừng các thông tư, nghị định vì nó nằm trong phạm vi của chính phủ".

Lúc sinh thời, luật sư Ngô Bá Thành từng có một câu nói nổi tiếng : "Ở Việt Nam có một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng", để nói về sự phức tạp và tính tuân thủ kém của hệ thống pháp luật Việt Nam. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội từ năm 2014 đã thừa nhận : "Hệ thống pháp luật Việt Nam có lẽ phức tạp nhất thế giới. Vì theo quy định, rất nhiều chủ thể, thậm chí tới cả chủ tịch xã cũng được ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một chủ thể được ban hành rất nhiều loại văn bản".

Nguồn : RFA, 25/05/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 257 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)