Việt-Thái đối thoại về tội phạm, an ninh khi blogger Đường Văn Thái "biệt tích" cả tháng rưỡi
RFA, 29/05/2023
Đối thoại cấp cao lần thứ hai Việt Nam-Thái Lan về phòng, chống tội phạm và các vấn đề an ninh diễn ra ngày 29/5 tại Hà Nội. Trong khi đó, vụ mất tích blooger Đường Văn Thái ở Bangkok cả tháng rưỡi nay chưa có tin tức gì thêm ; bất chấp mọi kêu gọi minh bạch từ các tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế.
YouTuber Thái Văn Đường (Đường Văn Thái) - YouTube Thái Văn Đường
Tin do mạng báo Công an Nhân dân loan trong cùng ngày và cho biết cuộc đối thoại do Bộ Công an Việt Nam và Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đồng tổ chức.
Đại diện của hai phía tạm dự cuộc đối thoại được nêu rõ : phía Việt Nam do Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thử trưởng Bộ Công an, dẫn đầu đoàn ; và phía Thái Lan do Trung tương Prachaub Wongsuk- trợ lý Tổng Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan dẫn đầu.
Cuộc đối thoại diễn ra vào khi hai nước đang tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược (6/2013-6/2023). Mối quan hệ này đến năm 2019 được nâng lên cấp Quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường.
Nội dung cuộc đối thoại được cho biết hai phía trao đổi sâu rộng những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội ở mỗi nước ; chia sẻ về những thách thức đang đặt ra nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội ở mỗi nước và những vấn đề liên quan đến hai nước.
Như tin truyền thông Nhà nước Việt Nam loan, Công an xã Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) tạm giữ ông Đường Văn Thái trong chiều muộn ngày 14/4 vì "xâm nhập trái phép" từ Lào vào địa phương này, không có bất kỳ hình ảnh nào về vụ bắt giữ được đưa ra.
Cho đến nay cả một tháng rưỡi, phía công an và truyền thông Nhà nước Việt Nam không có tin tức gì về các bước tiếp theo của nhà chức trách tỉnh Hà Tĩnh hoặc Bộ Công an trong vụ này, trái ngược hẳn với sự rầm rộ đưa tin của truyền thông ba ngày sau khi blogger này mất tích ở Thái Lan.
Ông Đường Văn Thái, 41 tuổi, chạy sang Thái Lan vào tháng 2/2019 và được cấp quy chế tị nạn bởi Văn phòng Cao ủy về người tị nạn của Liên Hiệp quốc (UNHCR) ở Bangkok. Ông bị mất liên lạc với bạn bè từ chiều ngày 13/4.
************************
Ukraine : Hội đồng Thành phố Kiyv tước danh hiệu công dân danh dự của ông Trường Chinh
RFA, 28/05/2023
Hội đồng Thành phố Kiyv của Ukraine hôm 25/5 đã bỏ phiếu nhất trí tước danh hiệu công dân danh dự của cố Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Trường Chinh trong một cuộc bỏ phiếu tước danh hiệu này từ một loạt các cựu lãnh đạo cộng sản của Liên Xô trước đây bao gồm
Tổng bí thư Trường Chinh, tháng 12/1986 - TTXVN
cả Leonid Brezhnev - Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô (1964 - 1982).
Theo Tiếng nói Ukraine, cuộc bỏ phiếu diễn ra vào trước lễ kỷ niệm Ngày Kyiv dự kiến diễn ra vào ngày 28/5. Đây là lễ kỷ niệm ngày thành lập thủ đô của Ukraine.
Theo Tiếng nói Kyive, danh hiệu công dân danh dự được giới thiệu vào năm 1982 và trao lần đầu tiên cho cố Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Brezhnev.
Hội đồng Thành phố Kyiv cho rằng ông Brezhnev đóng vai trò quan trọng trong việc đàn áp các cuộc biểu tình ở các nước trong Hiệp ước Warsaw, cuộc chiến Afghanistan mà Liên Xô can dự từ năm 1979 đến 1989, cuộc chạy đua vũ trang, và hậu thuẫn các chế độ "cách mạng" ở các nước "thế giới thứ ba" - tên gọi dành cho các quốc gia đang phát triển ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La tinh. Việt Nam cũng nằm trong danh sách các nước này.
Ông Trường Chinh, tên thật là Đặng Xuân Khu (1907 - 1988), là một trong những lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam từ những năm 1930 và là người được cho là trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin. Ông được Đảng cộng sản chọn làm Tổng bí thư trong giai đoạn từ năm 1940 đến 1956 và vào tháng 5/186 sau khi Tổng bí thư Lê Duẩn mất cho đến tháng 12/1986.
Theo một số tài liệu nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế đã công bố, ông được đánh giá là người bảo thủ và có sai lầm trong giai đoạn cải cách ruộng đất ở Việt Nam những năm 1950 chịu ảnh hưởng của Liên Xô và Trung Quốc. Ông từng được cử làm Trưởng ban cải cách ruộng đất vào năm 1953.
Hiện vẫn chưa rõ số người chết trong Cải cách ruộng đất ở Việt Nam là bao nhiêu. Có một số ước tính của chuyên gia cho rằng con số này có thể chiếm khoảng 5% dân số miền Bắc, tức khoảng nửa triệu người.