Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

31/05/2023

Đất quốc phòng : ai "lấn chiếm" ?

RFA tiếng Việt

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, mới đây có tờ trình trước Quốc hội về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Ông Giang trích dẫn một trong vài mục đích soạn thảo dự án luật là để khắc phục "hiện tượng lấn chiếm, xâm canh trái phép vào phạm vi đất được giao quốc phòng quản lý, bảo vệ".

dat1

Sân golf nằm trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 14/04/2015. AP

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, việc xây dựng các quy hoạch, cấp phép hoạt động ở một số dự án phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến công trình quốc phòng và khu quân sự chưa chặt chẽ, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương với Bộ Quốc phòng và các đơn vị quân đội nên có hiện tượng lấn chiếm, xâm canh trái phép vào phạm vi đất quốc phòng.

Một luật sư có nhiều kinh nghiệm về các vụ án liên quan đất đai, yêu cầu ẩn danh, nói với RFA sáng 31/5/2023 :

"Điều này, cho thấy nhận thức lập pháp lệch lạc, rất đáng lo ngại trong tình hình hiện nay khi cho rằng việc "thiếu luật" là nguyên nhân và ban hành luật mới là giải pháp cho vấn đề phát sinh.

Thực tế, các văn bản lập pháp, lập quy về quản lý đất đai cũng như xử lý vi phạm hiện nay nhiều như "rừng luật", trong đó, có vô số quy định bảo đảm xử lý "hiện tượng lấn chiếm, xâm canh trái phép vào phạm vi đất được giao quốc phòng quản lý, bảo vệ" hiệu quả mà ông bộ trưởng đã nêu ra mà không cần phải ban hành luật mới. Vấn đề chỉ ở chỗ là thi hành luật pháp đang có hiệu lực có nghiêm túc hay không mà thôi.

Điển hình như "ai" trong Bộ Quốc phòng đã ngang nhiên "bảo kê" cho vụ sân golf lấn chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc Phòng đã làm hết trách nhiệm của mình theo quy định pháp luật để xử lý hay chưa ? Các đơn vị thanh tra, kiểm tra, tố tụng hình sự (điều tra, kiểm sát quốc phòng) trong quân đội đã làm gì hoặc làm ngơ ?!

Từ phạm vi quản lý đất đai nhìn rộng ra, chúng ta có thể khẳng định Việt Nam hiện nay không thiếu luật pháp, mà chỉ thiếu nhận thức về chấp hành luật pháp của chính các cơ quan nhà nước mà thôi".

Luật đất đai năm 2013 quy định, đất quốc phòng là đất được Nhà nước giao cho các đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng vào mục đích quân sự, quốc phòng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, nâng cao tiềm lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Những khu đất này Chính phủ giao nhiệm vụ riêng cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý, bảo vệ và sử dụng.

Thực tế những vụ xâm lấn khu vực đất quốc phòng đã xảy ra từ hàng chục năm qua. Tháng 4/2015, một "tổng kho hàng lậu" gồm 132 kho hàng cho thuê, tiếp giáp sân bay Tân Sơn Nhất bị Công an Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Thanh tra Bộ Quốc phòng cùng Thanh tra y tế, lực lượng quản lý thị trường, kiểm lâm Thành phố Hồ Chí Minh niêm phong, kiểm kê. Sở dĩ có thanh tra của Bộ quốc phòng tham gia kiểm tra vì những kho hàng này nằm trong đất quốc phòng.

Lên tiếng với truyền thông Nhà nước lúc bấy giờ, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh thời điểm đó nói : "Có thể đánh giá đây là kết quả bước đầu có tính đột phá vào một phần địa bàn quy tụ hoạt động kinh doanh không đăng ký và vi phạm pháp luật, phức tạp nhưng không được quản lý, kéo dài nhiều năm".

Cựu trung tá Vũ Minh Trí nêu quan điểm của ông với RFA sáng 31/5/2023 :

"Tình trạng lấn chiếm, xâm canh đất quốc phòng hay công trình quốc phòng là hoàn toàn có thật. Thậm chí còn khá phổ biến ở Việt Nam. Để xảy ra tình trạng này thì theo tôi, trách nhiệm chủ yếu và trước hết thuộc về Bộ Quốc phòng. Cụ thể là thuộc về thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được Bộ Quốc phòng giao quản lý đất đai.

Nhưng tôi thấy rằng, với chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, lực lượng, phương tiện của Bộ Quốc phòng, có cả tòa án quân sự riêng, có viện kiểm sát quân sự riêng, có lực lượng, phương tiện để khắc phục hậu quả, để cưỡng chế, để trấn áp, thì việc xử lý tình trạng trên không hề khó đối với Bộ Quốc phòng. Điều đó hoàn toàn nằm trong chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn mà Bộ Quốc phòng đã được pháp luật quy định. Sự suy giảm, thất thoát đất quốc phòng chủ yếu do sai phạm của Bộ Quốc phòng.

Cái nguy cơ chính đối với việc lấn chiếm, xâm canh trái phép đất quốc phòng không phải đến từ những người dân thiếu ý thức hoặc không hiểu biết về pháp luật đã lấn chiếm, xâm canh đất của Bộ Quốc phòng, mà chủ yếu là do sai phạm, do khuyết điểm của Bộ Quốc phòng".

Hôm 8/8/2019, tại buổi làm việc với Bộ Quốc phòng về công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng trong hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế gắn với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng kiên quyết thanh lý, thu hồi toàn bộ các hợp đồng đất quốc phòng hết thời hạn, sai phạm và sử dụng không hiệu quả, tiếp thu các ý kiến tham gia, hoàn chỉnh các văn bản để trình Bộ Chính trị xem xét và quyết định.

Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng lúc đó thừa nhận có sai phạm trong sử dụng nhưng không đề cập đến sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất mà trước đây Thượng tướng Trần Đơn, ủy viên thường vụ Quân ủy Trung ương -Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã từng nói rằng đất sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất là đất quốc phòng nên bất cứ khi nào Bộ cũng có thể thu hồi để giao lại cho Chính phủ, Bộ giao thông để làm đường băng. Đến nay, sân golf có diện tích 157 hecta này vẫn tồn tại.

Một số vụ tranh chấp đất giữa người dân và quân đội rải rác khắp cả nước có thể kể là Trường bắn TB1 (tỉnh Bắc Giang), Trường bắn TB3 (tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu), sân bay Miếu Môn (Hà Nội), vụ tranh chấp đất đai tại huyện Mỹ Đức, xã Đồng Tâm (Hà Nội).

Theo thống kê của Bộ Quốc phòng, hiện có hơn 600 điểm đất quốc phòng liên quan đến tranh chấp, lấn chiếm, cấp chồng chưa giải quyết xong. Bộ Quốc phòng đưa ra hai phương án giải quyết gồm đền bù, giải tỏa nếu đất được tiếp tục dùng cho mục đích quốc phòng, ngược lại sẽ bàn giao cho địa phương để phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn : RFA, 31/05/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 299 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)