Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

09/06/2023

Báo chí Việt Nam : chủ động trong định hướng ?

RFA tiếng Việt

Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương - ông Nguyễn Văn Thể, khi tham dự Lễ kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam cho rằng báo chí là lực lượng nòng cốt trong việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ; cần chủ động bác bỏ những nội dung bôi nhọ, bịa đặt, vu khống, gây chia rẽ nội bộ, làm mất đoàn kết...

baochi1

Một người bán báo tại Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP Photo

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng hơn 800 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình... Tất cả các cơ quan báo chí này đều phải chịu sự kiểm soát thông tin của nhà nước mà cụ thể là theo đường hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Ngoài Ban Tuyên giáo Trung ương và ở các tỉnh thành. Các tờ báo còn bị kiểm duyệt thông qua việc bố trí nhân sự trong các cơ quan báo chí như bí thư chi bộ, đảng bộ của các nơi này... Liệu với sự kiểm soát như vậy báo chí có thể chủ động công việc của mình ? Nhà báo Quang Hữu Minh từ Việt Nam cho rằng :

"Hiện giờ thông tin xấu độc được xem là thông tin không theo định hướng của Đảng. Người ta nói sự thật mất lòng. Kể cả mình nói đúng, nói sự thật nhưng làm mất uy tín của Đảng thì Đảng cũng bị coi đó là thông tin xấu độc".

Theo ông Minh, báo chí Việt Nam bây giờ có nhiều nhu cầu, chứ không chỉ nhu cầu về thông tin. Khi người quản lý báo chí thấy một nội dung không thích hoặc không muốn đưa tin vì một lý do nào đó, thì họ tạm xếp vào thông tin "xấu độc". Ông Minh nói tiếp :

"Nó xấu với ai, độc với ai thì tính sau. Nói thông tin xấu độc là nói rất chung chung. Có khi cán bộ của Đảng ở cấp dưới họ thấy đó là xấu độc, lên tới cấp cao thì lại là thông tin tốt thì sao ?"

Những từ ngữ như ‘thông tin xấu độc’, ‘chống phá’ hay ‘thế lực thù địch’ nhiều năm qua luôn được chính quyền Việt Nam nhắc đến trong tất cả các hình thức tuyên truyền lẫn hành động cụ thể. Nhà báo Lê Trung Khoa từ Đức quốc khi trả lời RFA liên quan vấn đề này nhận định :

"Theo tôi thì Đảng cộng sản Việt Nam từ trước đến nay luôn luôn định hướng dư luận bằng cách sử dụng toàn bộ những hệ thống, cơ quan báo chí của Nhà nước và không cho báo chí tư nhân xuất hiện và phát triển. Chính vì vậy mà họ rất sợ những thông tin sự thật được đưa ra, được lan truyền, được bình luận của người dân... Họ phải tìm mọi biện pháp, họ vận động mọi cơ quan, đoàn thể trong nước, mọi Ngành và mọi Bộ để làm sao dập tắt những thông tin mà họ nói rằng xấu độc, nhưng thực tế đó là những thông tin nói lên sự thật".

Tại Hội nghị báo chí toàn quốc vào ngày 24 tháng 12 năm 2022, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trương Trọng Nghĩa thừa nhận báo chí Nhà Nước đi sau mạng xã hội và kêu gọi cải tổ để cạnh tranh. Tuy nhiên vị Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương lại không nói rõ nguyên nhân của sự chậm trễ này ? Việc cải tổ có hiệu quả hay không khi báo chí vẫn do Ban Tuyên Giáo chỉ đạo ?

Một Nhà báo không nêu tên vì lý do an toàn từ Sài Gòn nhận định về việc làm báo ở Việt Nam :

"Đối với chế độ, nguyên tắc của báo chí Việt Nam, hay đúng hơn là do các ổng tự dựng lên, mặc dù luật báo chí là tự do báo chí, nhưng luôn luôn báo chí Việt Nam phải viết theo định hướng. Đảng lãnh đạo toàn diện thì phải chấp nhận nghe lệnh của đảng thôi, trong khi đó hiến pháp của Việt Nam thì vẫn ghi trong điều 2 là tự do báo chí, tự do ngôn luận, nhưng có bao giờ nhà báo nào được tự do để viết đâu, dám viết thẳng viết thật đâu ?"

Theo Báo cáo toàn cầu về tự do báo chí năm 2023 của tổ chức Phóng viên Không biên giới - RSF đã xếp Việt Nam vào nhóm ba quốc gia đứng cuối bảng. Hai nước còn lại là Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Trả lời RFA từ Quảng Trị trước đây, Nhà báo Hoàng Đức cho rằng báo chí do nhà nước kiểm soát ít được độc giả quan tâm :

"Thời gian qua theo dõi báo chí Việt Nam thì tôi thấy có một thực tế, vì báo chí Việt Nam đưa tin theo định hướng nên ít sự quan tâm của bạn đọc, bây giờ đài truyền hình hay một số tờ báo in lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên thì còn bán được, còn tất cả báo khác thì rất ảm đạm, người ta không quan tâm đến báo chí lắm. Bây giờ thông tin nhiều trên mạng xã hội thì có lẽ người ta quan tâm hơn, còn báo chí nhà nước thì ít được sự quan tâm của độc giả. "

Theo Nhà báo Hoàng Đức, báo chí Việt Nam mang tính chất tuyên truyền, định hướng… mà đã tuyên truyền thì hàm lượng sự thật trong đó rất ít, thậm chí không đáng kể, cho nên người khán giả xem đài, độc giả ít quan tâm, vì những thông tin đó chậm, tuyên truyền định hướng, không hấp dẫn, không còn mang tính chất báo chí nữa.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 230 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)