Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

12/06/2023

Giải quyết thế nào nạn cúp điện và đền bù cho dân oan ?

RFA tổng hợp

Thanh tra "chồng" thanh tra có giúp xóa tham nhũng, tiêu cực ?

RFA, 12/06/2023

Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Diên, mới đây chỉ đạo thành lập Đoàn thanh tra về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đoàn thanh tra gồm lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Pháp chế, Thanh tra bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Dầu khí và than. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân được phân công trực tiếp chỉ đạo cuộc thanh tra.

vn1

Xe máy chạy trên cầu Long Biên ở Hà Nội trong tình trạng đèn đường đã bị tắt để tiết kiệm điện. Ảnh chụp vào ngày 30 tháng 5 năm 2023. AFP

Cùng với việc lập Đoàn thanh tra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu lập thêm Đoàn giám sát thanh tra.

Nhiều người cho rằng, việc thành lập thêm một cấp như thế là điều không hợp lý, tốn tiền thuế của dân. Nhà báo Võ Văn Tạo nói với RFA quan điểm của ông :

"Thanh tra là thanh tra chứ lại còn có đoàn giám sát thanh tra nữa. Mà cả hai đoàn đều do Bộ ra quyết định thành lập thì nó rất lạ lùng, lố bịch và buồn cười. Đã sinh ra đoàn thanh tra đi giám sát những công ty, doanh nghiệp trong ngành, trong tỉnh, bên trung ương thì có thanh tra chính phủ, mà còn phải có đoàn giám sát thanh tra vì thực tiễn, hệ thống thanh tra làm việc rất kém cỏi, năng lực không có mà chủ yếu kết quả là do tiêu cực. Ai chứ Thanh tra Chính phủ thì tôi biết quá rồi. Nó ác tới mức, nó vào hóng hớt báo chí bọn anh phản ánh thì kích cho báo chí viết mạnh lên để đem dọa mấy chủ dự án ở địa phương để bọn kia đưa nhiều tiền. Nó ăn cả hai đầu luôn. Thậm chí nó tệ tới mức ăn luôn của cả những người đi khiếu kiện.

Thế nhưng, giả sử đoàn giám sát đó không được sạch sẽ thì càng chết, lại thêm một tầng nấc đè đầu cưỡi cổ nhân dân, tốn ngân sách nhà nước từ tiền thuế của dân".

Theo nhà báo Võ Văn Tạo, do chất lượng cán bộ qua quá trình tuyển lựa cán bộ lâu nay không cần những người có thực tài, không cần những người có tâm huyết, ngay thẳng dẫn đến chuyện tiêu cực ở khắp các tầng nấc cán bộ.

"Đó là cái bế tắc chung của xã hội Việt Nam. Khi nào còn một đảng lãnh đạo độc quyền thì tiêu cực không bao giờ hết được". Ông Tạo kết luận.

Mục đích giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra được nói là nhằm theo dõi, nắm bắt việc chấp hành pháp luật, tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra và ý thức kỷ luật của Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra ; tình hình thực hiện nhiệm vụ và triển khai hoạt động thanh tra để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nhằm đảm bảo thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, nội dung theo kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt.

Trường hợp phát hiện Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra có hành vi vi phạm pháp luật, trưởng Đoàn giám sát thanh tra có quyền xử lý theo thẩm quyền, kiến nghị người có thẩm quyền xử lý hoặc chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự khi có dấu hiệu tội phạm.

Việc phải thành lập thêm một đoàn cán bộ để giám sát một đoàn cán bộ khác được cho là cần thiết, bởi những tiêu cực từng xảy ra trước đây. Bác sĩ Đinh Đức Long nêu quan điểm của ông với RFA sáng 12 tháng 6 năm 2023 :

"Trên thực tế, cán bộ thanh tra là con người và có những đoàn thanh tra đã bị mua chuộc rồi nên kết quả không khách quan. Tôi chỉ hỏi một câu đơn giản, ông Trần Văn Truyền tiền đâu mà xây dinh thự nhiều nghìn tỷ ở Bến Tre, trong khi ổng chỉ là thanh tra chính phủ thôi. Tiền đâu mà nhiều thế ? Rõ ràng là ổng ăn đút lót chứ còn gì nữa.

Nếu có những cán bộ tốt thì cần gì phải thanh tra vì họ làm tốt ngay từ đầu rồi. Thường những đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có đơn kiện khiếu nại, tố cáo thì mới phải thanh tra".

Ông Trần Văn Truyền nguyên Tổng thanh tra Chính phủ, từng giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Năm 2014, Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận xác minh 6 căn nhà do ông Trần Văn Truyền và gia đình đứng tên ở tỉnh Bến Tre và một căn nhà ở đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Với việc một Bộ thành lập Đoàn thanh tra, rồi thành lập thêm Đoàn giám sát thanh tra, nhiều người dân nhận định không khách quan vì chẳng có ai lấy đá tự đè vào chân mình. Luật sư Đặng Trọng Dũng bình luận với RFA sáng 12 tháng 6 năm 2023 :

"Cái cách làm này cho thấy họ không tin nhau nữa. Họ phải có cách để bắn tiếng cho nhau biết sự việc nó như thế nào. Mình giả dụ có một đoàn thanh tra công ty điện lực, thì đoàn giám sát phía trên có những xét có khi trái lại nhận xét của đoàn thanh tra vừa mới làm nhiệm vụ thanh tra. Thành ra, việc tổ chức một cái hệ thống như thế thì về mặt pháp luật Việt Nam không thể chấp nhận được.

Thế nhưng tại sao họ vẫn tổ chức làm như thế ? Ngay trong cơ chế nó có những cái tổ chức chồng chéo nhau và gần như là họ có những bộ phận để bênh nhau. Họ chưa làm gì hết nhưng đã bày binh bố trận để phản bác kết quả thanh tra nếu họ không đạt những mục tiêu họ mong muốn. Họ cố làm ra vẻ có một cơ chế giám sát quyền lực nhưng thực sự ra, họ tổ chức ra như thế để đáp ứng dư luận sôi sục của người dân Việt về công ty điện lực".

Trước tình trạng nhiều địa phương bị cắt điện luân phiên từ đầu tháng 6 vừa qua, đại diện EVN thông tin với truyền thông nhà nước rằng, việc thiếu hụt công suất khi nhu cầu tăng cao có thể gây ra nguy cơ mất an toàn cho hệ thống điện nên cần cắt điện luân phiên.

Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương), cho hay, tính đến ngày 6 tháng 6, hầu hết các hồ thủy điện về mực nước chết (Sơn La và Lai Châu, Thác Bà…), riêng thủy điện Lai Châu, Sơn La xuống dưới mực nước chết, còn thủy điện Hòa Bình còn nước nhưng chỉ đủ phát điện đến ngày 12, 13 tháng 6 năm 2023.

Tuy vậy, Bộ Công thương khẳng định đã có nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện, như việc có nhiều văn bản chỉ đạo, đảm bảo cung ứng nguyên liệu than, khí cho phát điện...

Nguồn : RFA, 12/06/2023

************************

Đền bù tổn thất tinh thần cho dân bị thu hồi đất : cần đúng luật là tốt lắm rồi !

RFA, 12/06/2023

Tại nghị trường kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, khi bàn luận các vấn đề xoay quanh Luật Đất đai sửa đổi năm 2023 ; một số đại biểu đưa ra đề xuất được xem "có lợi" cho người dân bị thu hồi đất như "đền bù tinh thần" cho họ. Đối với những người từng bị thu hồi đất, mà theo họ không đúng quy định của pháp luật phải khiếu kiện lâu nay, chỉ cần chính quyền làm đúng luật là đã tốt lắm rồi.

vn2

Dân oan Dương Nội kéo đến cơ quan công quyền khiếu nại đất đai - Citizen photo

Đề xuất đền bù "tổn thất tinh thần"

VnExpress dẫn lời Đại biểu Trương Trọng Nghĩa , trong phiên họp Quốc hội về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi hôm 9/6, nói rằng "Nhiều khi Nhà nước tính toán, định giá mảnh đất đó 500 triệu đồng và đền bù 700 triệu đồng, cho rằng như vậy là quá tốt rồi. Nhưng ngoài giá đền bù, còn những yếu tố khác về dòng tộc, tâm linh, môi trường sống quen thuộc của người dân". Do đó, ông đề nghị dự thảo Luật Đất đai cũng cần tính đến đền bù tinh thần cho người bị thu hồi đất.

Cũng trong phiên họp này, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị thể chế hóa đề xuất "bồi thường về tinh thần" cho người mất đất của ông Nghĩa ; đồng thời yêu cầu phải đền bù, hỗ trợ, tái định cư thỏa đáng để người dân cũng được hưởng lợi từ dự án tương lai trên mảnh đất của họ trước đây.

Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường từ năm 2022 đến 2007, cho biết đề xuất này là hoàn toàn hợp lý và đáng được hoan nghênh :

"Điều đó là quá đúng rồi. Bởi vì cuộc sống của người ta đang bình thường, đang làm ăn, có nghề nghiệp nhưng mà đưa người ta đến chỗ không còn nghề nghiệp nữa thì chắc chắn là nó có ảnh hưởng về tinh thần.

Một cuộc sống thì đâu phải chỉ có vật chất, nhiều khi văn hóa tinh thần còn mang yếu tố quyết định hơn nhiều. Chính vì vậy mà ý kiến đó là hoàn toàn chính xác và ở những nước tiến bộ thì nước nào người ta cũng làm".

Lấy ví dụ, tiến sĩ Đặng Hùng Võ cho rằng chính cái từ "cưỡng chế" nó cũng đã làm ảnh hưởng lớn đến tinh thần của người có đất bị thu hồi rồi. Do đó, ông cho rằng thay vì cưỡng chế, luật nên quy định về việc đối thoại để đi đến đồng thuận, để các bên cùng thấy việc chuyển dch đất đai là hợp lý vì lợi ích phát triển đất nước ; Đồng thời cần phải kết hợp một số biện pháp khác :

"Ngay khu vực của những người mất đất thì phải ngay lập tức tạo thu nhập cho người ta để cuộc sống của người ta không bị hẫng hụt, không bị mất mát nhiều. Đó chính là có ý nghĩa về tinh thần rất quan trọng.

Rồi tùy từng đồng bào dân tộc thiểu số mà giải quyết những tổn thất kéo theo. Chúng ta cũng phải nghiên cứu về văn hóa, về phong tục tập quán của những người mất đất để giải quyết bồi thường theo đúng tập quán văn hóa, tinh thần của người ta".

Cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cũng tỏ ra khá lạc quan về việc thông qua đề xuất điều luật này. Điều quan trọng, theo ông Võ là Chính phủ khi thực hiện bồi thường, thu hồi đất cần phải dựa trên nguyên tắc cân bằng lợi ích tất cả các bên :

"Hoàn toàn là khả quan nếu chúng ta quyết tâm làm. Ở trong luật phải quy định rất rõ "tổn thất tinh thần" là những gì. Còn chi tiết hóa đó để thực hiện thì chính phủ phải có những nghị định để hướng dẫn thực hiện. Tôi cho rằng như thế là đủ chứ không có gì nhiều". 

Dân không tin tưởng

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi  năm 2023 còn quy định một số điều khoản hứa hẹn mang lại lợi ích hơn cho người dân bị thu hồi đất.

Ví dụ, Điều 89 về "Nguyên tắc bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất" quy định "Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ".

Điều 227 đề xuất sửa đổi quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấđất đai. Theo đó, tranh chấđất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án giải quyết. Như vậy, với điều luật này, UBND các cấp không còn là nơi vừa có quyền ra quyết định cưỡng chế, vừa có thẩm quyền phân xử nữa. 

Tuy nhiên, ở góc độ người dân, đặc biệt là những người bị mất đất, phải đi khiếu kiện hơn chục năm trời, họ tỏ ra không mấy tin tưởng về việc chính quyền sẽ nghiêm túc thực hiện theo luật.

Ông Trịnh Bá Khiêm, một dân oan Dương Nội (ngoại thành Hà Nội) nói với RFA :

"Riêng phát biểu đấy thì tôi cũng đồng tình... nhưng mà Nhà nước này cứ nói một đường làm một nẻo…

Ngày trước Luật đất đai cũng nói là phải đền bù thỏa đáng, bằng hoặc hơn chỗ ở cũ, đền bù để mua được ở chỗ khác… Nhưng thực tế là họ hầu như là cướp trắng. Tôi đồng tình thế thôi chứ cũng không tin được họ sẽ làm đâu".

Ông Toản, một người dân Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), đi khiếu kiện vì thu hồi đất đền bù không thoả đáng từ hơn chục năm nay cho biết :

"Cái đó thì quên đi. Chả bao giờ có đâu. Chỉ yêu cầu nó làm đúng trình tự, đúng thủ tục, đúng pháp luật mà nó còn không làm, thì nói gì tới "tinh thần". Cái vấn đề về tinh thần thì quên đi, chẳng bao giờ nó để ý tới đâu". 

Hồi tháng 4/2023, ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu đến tháng 6/2023, TP.Thủ Đức phải cơ bản giải quyết các tồn đọng ở Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh và Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ông Toản cho biết, từ đó cho đến nay chưa thấy chính quyền rục rịch giải quyết dứt điểm khiếu nại cho người dân. Ông nói, đến hết tháng 6 mà không giải quyết xong thì họ sẽ về cất lại nhà trên đất cũ của mình.

Theo báo cáo  của Bộ Tài nguyên & Môi trường, trong năm 2022, Bộ này tiếp nhận 3.482 lượt đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó có đến hơn 96% vụ việc liên quan đến đất đai.

Nguồn : RFA, 12/06/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 211 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)