Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

26/06/2023

Thành phố Hồ Chí Minh chỉ phát triển khi xóa được "hàng rào tư tưởng" !

RFA tiếng Việt

Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Nghị quyết mới) vừa được Quốc hội thông qua chiều 24 tháng 6 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 8 năm 2023 với nhiều cơ chế, chính sách và thẩm quyền quan trọng lần đầu được quy định. Nghị quyết được cho là tạo sức bật phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh.

saigon1

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh - AFP

Trao đổi với truyền thông Nhà nước ngay sau khi nghị quyết được thông qua, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nói : "Tôi rất vui, phấn khởi nhưng cũng lo lắng về trách nhiệm, việc chuẩn bị triển khai nghị quyết thành công. Cám ơn Bộ chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các đại biểu Quốc hội đã ủng hộ Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nỗ lực triển khai tốt nghị quyết. Cả nước đã vì Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung làm để đáp ứng niềm tin đó".

Nghị quyết mới cho phép thành phố được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng… ; được quyết định cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực như sản xuất chip, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới.

Một số chuyên gia cho rằng, để phát triển kinh tế ở một thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh thì bản thân Nghị quyết được thông qua vẫn chưa đủ mà cần nhiều yếu tố khác. Cách đây năm năm đã có Nghị quyết 54/2017/QH 14 "Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh" do Chủ tịch Quốc hội lúc đó là bà nguyễn Thị Kim Ngân ký ban hành, nhưng rồi Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa phát triển như mong muốn.

Tiến sĩ Khoa học Đặng Hùng Võ nói với RFA nhận định của ông :

"Ai cũng biết Thành phố Hồ Chí Minh là một đầu tàu kinh tế ở Việt Nam. Thế nhưng bản thân nền kinh tế định hướng XHCN vẫn còn đang rất dè dặt trong việc trao quyền cho thị trường. Chính vì vậy mà tư duy chung vẫn cho thấy đầu tàu kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chưa phát huy hết được tính chủ động về mặt phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường. Nhưng ngay việc trao quyền của Nghị quyết 54/2017 thì cuối cùng mà nói, vẫn không thấy Thành phố Hồ Chí Minh có cái gì đặc quyền cả. Tức là nó vẫn còn bị bó hẹp đối với cái cần thiết của cơ chế thị trường.

Lần này, ngoài những cái gọi là cơ chế đặc thù, còn một chuyện rất quan trọng tức là phần thu ngân sách từ các nguồn. Có phần được giữ lại thành phố và phần phải nộp lên trung ương. Tôi cũng có một ý tưởng, tức là để cho Thành phố Hồ Chí Minh rộng tay trong việc thu từ giá trị đất đai. Nới rộng quyền hơn cho Thành phố Hồ Chí Minh về các cơ chế phát triển, hay nói cách khác là mang tính tự chủ nhiều hơn".

saigon2

Xe chở rác ở Thành phố Hồ Chí Minh. AFP

Cuối năm 2022, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, thay thế Nghị quyết 54. Cuối tháng 5/2023, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội về dự thảo chính thức nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghị quyết mới vừa được thông qua có 40 cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư ; tài chính ngân sách ; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường ; thu hút nhà đầu tư chiến lược ; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo ; tổ chức bộ máy của thành phố. Trong đó có một vài chính sách kế thừa Nghị quyết 54, một vài chính sách vừa kế thừa vừa bổ sung từ Nghị quyết 54 ; một vài chính sách tương tự các địa phương khác hoặc đã được dự kiến trong dự thảo Luật Đất đai và Luật Nhà ở (sửa đổi). Có đến 27 cơ chế, chính sách hoàn toàn mới.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, đến bây giờ vẫn chỉ là thí điểm, tức là vẫn "làm thử, sai thì bỏ" thì khó mà phát triển được Thành phố Hồ Chí Minh như những gì họ nói. Ông nói tiếp :

"Nhìn lại Nghị quyết 54/2017 bắt đầu thực hiện từ năm 2018. Muốn biết thành công hay không thì phải nhìn vào ba yếu tố căn bản và quan trọng, đó là con người, đất đai và vốn liếng. Con người mang tính quyết định trong ba yếu tố đó. Phải thu hút được nhân tài ở các lãnh vực thì mới phát triển được. Con người quan trọng nhất là phải có tự do tư tưởng.

Còn yếu tố đất đai, bây giờ có sửa đổi, thay đổi cách nào đi nữa cũng buộc phải tuân theo Luật đất đai, tuân theo Hiến pháp. Thành ra vấn đề đất đai trong Nghị quyết mới này cũng không có gì thay đổi hết. Cái thứ ba là vấn đề vốn liếng. Nó cũng không thể thoát khỏi Luật ngân sách, Luật đầu tư. Do vậy, với mô hình Nhà nước độc đảng hiện nay, không có căn cứ để cho tôi tin rằng cái nghị quyết này sẽ thành công vì nó không vượt nổi cái quan trọng nhất, đó là cái rào tư tưởng".

Đầu năm 2023, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao ; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.

saigon3

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. AFP

Ngoài ra, Nghị quyết này cũng đặt tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á ; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu ; kinh tế, văn hoá phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao ; là hạt nhân của vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước ; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ bình luận với RFA về các nghị quyết phát triển Thành phố Hồ Chí Minh : 

"Việc cho phép chính quyền địa phương nhiều quyền tự chủ hơn trong việc điều hành chính sách, quản lý ngân sách của mình, nói một cách khác là tản quyền, là một xu hướng chung của quản trị hành chính quốc gia. Dù muốn dù không thì chính quyền trung ương không thể nào biết rõ việc của từng địa phương trên cả nước được. Và nếu biết rõ thì họ cũng không thể cùng một lúc điều phối hết cả 63 tỉnh thành.

Việc tản quyền có nhiều cái lợi nhưng không phải lúc nào tản quyền cũng trở nên hiệu quả. Một chính quyền địa phương chỉ thực hiện chính sách một cách hiệu quả khi nó phải có một vài điều kiện đi kèm. Thứ nhất là nó phải có đủ nguồn lực. Nguồn lực ở đây là ngân sách, tài nguyên và nhân sự. Ngân sách, tài nguyên và nhân sự đến lượt nó đi kèm với dân số và diện tích đất. Dân số và diện tích là hai yếu tố quan trọng để quyết định rằng một khu vực có thích hợp để được quản lý tự chủ hay không. Thứ hai là muốn việc quản lý hiệu quả thì nó phải đi cùng là hệ thống dân chủ. Dân chủ giúp người dân địa phương biết đâu là những lãnh đạo thích hợp để họ chọn ra lãnh đạo khu vực. Và dân chủ giúp người dân giám sát các chính sách nhằm phục vụ chính lợi ích của người dân địa phương mình".

Trở lại trường hợp của Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng, việc phân chia đơn vị hành chính thành 63 tỉnh thành là quá nhiều dẫn đến có nhiều tỉnh dân số chỉ có vài trăm ngàn người, quá ít. Với những địa phương như vậy nếu cho tự chủ, chính quyền địa phương cũng không đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách cho địa phương mình, bắt buộc chính quyền trung ương phải can thiệp và hỗ trợ dẫn đến hỗn loạn trong điều hành chính phủ bởi chính phủ trung ương phải lo việc điều hành vĩ mô.

Tiến sĩ Vũ kết luận :

"Một mô hình chính quyền mà Việt Nam trước sau gì cũng phải xem xét đến là mô hình hành chính vùng. Vài tỉnh trong cùng một vùng sẽ ngồi lại, lập nên một chính quyền vùng, chịu trách nhiệm về chính sách phát triển của vùng đó. Chính quyền vùng lúc đó sẽ thu thuế, phát hành trái phiếu, vận động tài chính và tất cả các nguồn lực để thực thi chính sách vì sự phát triển của vùng mình. Với một quyền lực lớn như vậy, đòi hỏi chính quyền vùng phải bị giám sát liên tục để tránh việc nhũng loạn.

Do đó, việc cải cách hành chính luôn đi kèm với việc cải cách hệ thống chính trị theo hướng dân chủ hoá, giúp người dân can dự và giám sát việc quản trị hành chính ở địa phương mình nhiều hơn. Còn nếu không, nó sẽ trở thành những cơ hội tham nhũng lớn dẫn đến tàn phá và sụp đổ quốc gia".

Nguồn : RFA, 26/06/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 177 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)