Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

05/07/2023

Chi phí logistics quá cao khiến Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh

RFA tiếng Việt

Tại Hội thảo ‘Logistics xanh – Từ xu hướng đến thực tiễn và vai trò trong sản xuất, xuất khẩu thực phẩm’ hôm 28/6, ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh – ITPC cho biết, xếp hạng chung của ngành logistics tại Việt Nam năm 2023 giảm so với năm 2018.

logistics1

Các container hàng hóa tại cảng Đà Nẵng. AFP PHOTO

Theo ông Tuấn, hạ tầng hạn chế, chi phí cao và dịch vụ ngành logistics chưa đáp ứng thực tế phát triển. Việt Nam có 1,5 triệu xe tải, nhiều hơn Thái nhưng vận chuyển hàng chỉ bằng 50%.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, nhận định với RFA hôm 5/7/2023 :

"Hiện nay chi phí về logistics tại Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực, vào khoảng 18%, nó làm tăng thêm giá thành của các sản phẩm Việt Nam, vì vậy nó giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Ở đây có nhiều vấn đề, một là các bến cảng của Việt Nam việc bốc xếp chưa được cơ giới hóa, chưa được tổ chức hợp lý. Thứ hai, các ô tô tải của Việt Nam chưa nhận tận dụng được vận chuyển hai chiều, chỉ vận chuyển một chiều sau đó không có hàng hóa trong chuyến quay về, cho nên giá thành vận chuyển tăng lên".

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, để giải quyết vấn đề này phải có sự kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp vận tải, với yêu cầu vận chuyển vật tư cho các doanh nghiệp. Những việc này theo ông Doanh cần thực hiện theo kinh tế số. Tuy nhiên ông Doanh nói tiếp :

"Về lý thuyết thì Việt Nam đang vận dụng kinh tế số, trong thực tế một số lĩnh vực có tiến bộ, nhưng một số lĩnh vực khác thì tiến bộ lại chậm như trong vấn đề logistics".

Theo ông Nguyễn Tuấn, nếu chỉ tính riệng ngành nông sản Việt Nam, chi phí logistics chiếm khoảng 30% giá thành sản phẩm, trong khi con số này của Thái Lan chỉ 12,5%. Chi phí logistics quá cao làm nông sản Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh.

Quản lý một doanh nghiệp kinh doanh nông sản, không muốn nêu tên vì lý do an toàn cho RFA biết vì sao chi phí logistics bị tăng cao :

"Do 3 vấn đề chính bao gồm thứ nhất gọi là ‘chung – chi’, thứ hai là trạm BOT và thứ ba là chi phí xăng dầu. Ví dụ, nếu như doanh nghiệp chở đủ tải thì không bị lỗi này, cũng bị lỗi kia vì bị công an giao thông làm khó. Còn nếu như doanh nghiệp bắt buộc chở quá tải để bù vào giá cước, thì bắt buộc phải bị ‘làm luật’ rồi. Đó là luật ngầm, phải chấp nhận thôi".

logistics0

Tân cảng Cái Cui ở thành phố Cần Thơ. Courtesy cantho.gov.vn

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 6 kho lạnh, trong đó 4 kho ở Long An, 2 kho ở Cần Thơ và Hậu Giang, trong khi đó khu vực này có hàng trăm nhà máy sản xuất nông thủy sản, kho của doanh nghiệp thì thiếu hạ tầng lạnh dẫn đến hao hụt sau thu hoạch lên đến 20-40%. Ngoài ra, việc phải chịu mức chi phí logistics quá lớn khiến nông sản Đồng bằng sông Cửu Long rất khó cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực khi xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Hệ thống hạ tầng thấp kém của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là câu chuyện đã được các chuyên gia lên tiếng cảnh báo nhiều năm nay. Do vùng này có hệ thống hạ tầng được xem là vùng trũng của Việt Nam, trong khi nơi đây lại là vựa lương thực của cả nước.

Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Quy hoạch các trung tâm logistics trên toàn lãnh thổ Việt Nam, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long có 2 trung tâm hạng 2. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có trung tâm logistics nào ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này hôm 5/7 cho biết :

"Hiện nay Việt Nam cũng rất tích cực trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông đường bộ. Có thể nói trong suốt 10 năm qua chính phủ đã dàn xếp được ngân sách để đổ vào đầu tư công, hy vọng phát triển cơ sở hạ tầng, đó là yếu tố mang tính tiên quyết để có thể phát triển kinh tế. Thế nhưng đầu tư công ở Việt Nam còn hạn chế khi giao cho doanh nghiệp, hoặc các tổ chức dịch vụ công để thực hiện luôn luôn bị chậm giải ngân vốn. Chính vì vậy thời gian qua việc giải ngân không bao giờ kịp kế hoạch đặt ra, đây là nhược điểm đến nay chưa khắc phục được".

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, chính vì vậy mong muốn có được một hạ tầng phù hợp và phát triển, để có thể tạo ra được hiệu quả trong phát triển kinh tế đến nay vẫn chưa đạt được. Ông Võ nói tiếp :

"Đây là nhược điểm đến nay vẫn mang tính cố hữu, mà chính phủ Việt Nam đã tìm nhiều cách nhưng chưa đạt được mong muốn trong việc đầu tư công để phát triển hạ tầng một cách đồng bộ. Nó làm cho hiệu quả phát triển về giao thông vận tải dù cố gắng nhiều, nhưng vẫn chưa đạt được mức như mong muốn".

Giải pháp cắt giảm chi phí logistics tại nội địa Việt Nam theo một số chuyên gia trong ngành logistics là phải dựa vào các yếu tố như mạng lưới chuyển phát gồm kho bãi, kênh trung chuyển, năng lực công nghệ, giảm thiểu các khâu trung gian, tự động hoá việc luân chuyển hàng hoá đến nơi gần người mua nhất… Trong khi đó, chỉ bản thân doanh nghiệp thì không thể làm giảm chi phí logistics nếu không có quy hoạch logistics tốt.

Nguồn : RFA, 05/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Tuấn, Lê Đăng Doanh, Đặng Hùng Võ, RFA
Read 308 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)