Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

14/07/2023

Hà Nội "bắt vét" theo tội danh vi phạm Điều 117 và Điều 331 ?

RFA tiếng Việt

Thời gian gần đây, hàng loạt nhà hoạt động, bất đồng chính kiến, facebooker... bị bắt và bị khép tội vi phạm Điều 331 hoặc vi phạm Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015. Những điều luật này bị cho là đi ngược lại với những quy định trong Hiến pháp, đi ngược lại Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Có nhận định rằng chính quyền Hà Nội đang có chiến dịch "bắt vét" những người có tiếng nói đối kháng.

toidanh1

Nhà hoạt động Lê Văn Dũng tại phiên tòa ở Hà Nội hôm 23/3/2022. Ông bị cáo buộc tội tuyên truyền chống Nhà nước theo Điều 117 Bộ luật Hình sự (minh hoạ) AFP

Trong Bộ Luật Hình sự 2015, Điều 117 quy về "Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam" ; Điều 331 về "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Ông Lê Thân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, nói với RFA rằng : "Điều 117 và Điều 331 của Bộ luật hình sự năm 2015 rất là vô lý. Nó làm chỗ dựa để bắt bớ, tù đày những người yêu nước".

Đối với nhận định rằng, chính quyền Việt Nam đang có chủ trương "bắt vét", tức bắt hết những người mà họ cho rằng có liên quan đến vi phạm Điều 117 hoặc Điều 331, Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong ba luật sư đang bị công an Long An ra quyết định truy tìm do "có dấu hiệu vi phạm Điều 331", nói với RFA :

"Theo tôi, việc dư luận đưa ra nhận xét rằng, chính quyền Việt Nam đang "bắt vét" hết tất cả những người những tiếng nói mà bao hàm ý nghĩa phê phán, hoặc là nhận xét không đúng, hoặc là nhận xét có liên quan đến chính quyền… là hoàn toàn chính xác. Theo chúng tôi nghĩ, điều này rất là không nên, bởi lẽ trong lần ông Obama đến Việt Nam thì ông có nói một câu mà tôi nghĩ là lời gửi gắm đến chính quyền Việt Nam, rằng ‘chúng tôi bị chỉ trích hằng ngày, từ đó chúng tôi ngày càng mạnh’. Điều đó cho thấy, nếu có những lời chỉ trích, góp ý, phê bình, đánh giá thì đó là điều tốt cho chính quyền, để chính quyền biết được rằng mình cần phải làm điều để phục vụ đúng với ý nguyện của người dân và đúng với quyền lợi của dân tộc. Việc dập tắt hết tất cả mà tiếng nói có dính líu đến chính quyền sẽ khiến cho chính quyền như một người mù đi trên sa mạc. Điều đó chỉ làm tan hoang thêm đất nước vốn đang rất là tan hoang rồi".

Là một nhà hoạt động, đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền trong nước, nhà báo Nguyễn Khắc Toàn khẳng định, nhà nước Việt Nam hiện nay đang có chiến dịch bắt bớ những người không hẳn là bất đồng chính kiến có tên có tuổi, mà chỉ cần những người này dùng Facebook để bày tỏ ý kiến, quan điểm khác với nhà nước ; trái ngược với nhà nước. Ông giải thích thêm :

"Nhà nước Việt Nam họ tăng cường bắt bớ và trấn áp những người sử dụng Facebook là vì không gian internet ở trong nước rất là mạnh. Rất nhiều người có ý kiến đối lập với nhà nước bởi người ta nhìn thấy bất công, người ta nhìn thấy cái nghịch lý, người ta nhìn thấy cái oan sai của người dân cho nên người ta bày tỏ lên mạng xã hội.

Đó là chuyện bình thường nhưng công an thì ngăn chặn không cho người tình trạng này lan rộng. Đây là một chiến lược tôi gọi là ‘be bờ’ để ngăn chặn, cho nên những ai ở tỉnh lẻ mà trước này không ai biết tên tuổi cũng bị bắt để ngăn chặn những tỉnh này theo gương những tỉnh khác sử dụng mạng xã hội để bày tỏ chính kiến của mình. Nhất là những ý kiến đối lập, khác biệt của nhà nước.

Thỉnh thoảng lại thấy người nọ người kia ở những tỉnh nhỏ như Daklak, Cần Thơ, Daknong, An Giang… bị bắt, dù trước đây không ai nghe tên tuổi họ. Thế mà bây giờ họ lại tổng kết người này đã viết bao nhiêu bài, đã có những ý kiến gì…"

RFA gởi email đến Bộ công an và Chính phủ Việt Nam để hỏi về thông tin này nhưng không nhận được hồi âm.

toidanh2

Ông Nguyễn Lân Thắng thời điểm bị bắt tạm giam hồi tháng 7/2022

Tuy bị coi là những điều luật vô lý nhưng theo tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW), tính từ khi Việt Nam tuyên bố ra ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền ngày 22 tháng 2 năm 2021 đến ngày 12 tháng 12 năm 2022, Việt Nam đã câu lưu, bắt giữ và xử án ít nhất là 48 nhà báo, nhà hoạt động và nhà lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ (NGO) với các tội danh tùy tiện, từ "lợi dụng các quyền tự do dân chủ", "tuyên truyền chống nhà nước", "trốn thuế" theo các điều 331, 117 và 200 của Bộ luật Hình sự.

Đầu năm 2023, bốn chuyên gia độc lập về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã gửi một thư chung tới Chính phủ Việt Nam yêu cầu giải trình về việc cầm tù 18 nhà hoạt động, người bảo vệ nhân quyền và nhà báo - những người bị đã bị bắt giữ tùy tiện và bị tước quyền tự do khi thực thi quyền tự do ngôn luận.

Trong đó, cựu sĩ quan công an Lê Chí Thành và nhà báo Trương Châu Hữu Danh bị kết án "lợi dụng quyền tự do dân chủ" theo Điều 331. 16 người còn lại bị kết án hoặc bắt giữ theo cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự (hoặc Điều 88 của BLHS cũ).

Mới đây, hai tổ chức gồm Giám sát Nhân quyền (HRW) và Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã ra kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà hoạt động Trương Văn Dũng, người bị Tòa án Thành phố Hà Nội tuyên sáu năm tù với cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước" theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự năm 1999 trong phiên sơ thẩm.

Theo bà Ming Yu Hah, Phó Giám đốc Khu vực của Ân xá Quốc tế, cơ quan chức năng Việt Nam lại sử dụng sai trái hệ thống tư pháp để đàn áp tiếng nói bất đồng. Bà nói : "Những cáo buộc bất công và điều kiện vô nhân đạo của nhà tù Việt Nam cho thấy mong muốn bịt miệng đối lập một cách có hệ thống của cơ quan chức năng Việt Nam vi phạm trực tiếp luật nhân quyền quốc tế. Việc Việt Nam phê chuẩn Công ước Chống Tra tấn và Các Hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm ; cũng như chiếc ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chỉ là những dấu chỉ rỗng tuếch".

Ông Nguyễn Lân Thắng, một người trong giới hoạt động dân chủ bị kết án sáu năm tù hồi tháng 4 vừa qua với tội "tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước" theo khoản 1 của Điều 117 Bộ luật hình sự, được dẫn như một minh chứng cho nhận định "bắt vét" mà chính quyền Hà Nội đang tiến hành. Lý do vì mấy năm qua ông Thắng dường như không còn công khai chỉ trích chính quyền.

Tuy vậy, cáo trạng được đưa ra trong phiên sơ thẩm, từ ngày 13 tháng 6 năm 2018 đến cuối năm 2020, ông Thắng trực tiếp tham gia trả lời phỏng vấn các trang mạng, đăng tải lên Internet nhiều video, bài viết có nội dung tuyên truyền thông tin, xuyên tạc đường lối, chính sách của nhà nước.

Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) lúc bấy giờ cho rằng, bản án sáu năm tù giam đối với blogger Nguyễn Lân Thắng là "thêm một cuộc tấn công vào nền pháp quyền vốn đã xuống cấp của Việt Nam". Cùng lúc, Tổ chức Ân xá Quốc tế trong email gửi cho RFA nhận định, "bản án không gì khác hơn là một nỗ lực bịt miệng ông và những người dũng cảm ghi lại các vi phạm nhân quyền trong nước".

Nguồn : RFA, 12/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 329 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)