Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

27/07/2023

Kêu gọi nghệ sĩ và doanh nghiệp nhà nước giúp Đảng

RFA tổng hợp

Nghệ sĩ lại được kêu gọi đấu tranh : cởi trói hay lấy lòng !

RFA, 27/07/2023

Tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam sáng 25 tháng 7 năm 2023, ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu rằng : "Hơn lúc nào hết, người nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống ; phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nhiệm vụ của xã hội, đặc biệt là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực".

keugoi1

Ông Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam sáng 25/7/2023 - Báo Thanh Tra

Theo ông Trọng, người nghệ sĩ phải đấu tranh với mọi biểu hiện sai trái trong xã hội ; phải phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực của đất nước trong thời kỳ đổi mới ; phải có bản lĩnh và phải tỉnh táo.

Một số người cho rằng, đây là một bước mở cho giới văn nghệ sĩ được tự do trong sáng tác. Một số khác lại cho rằng, đây chỉ là cách nói của một vị lãnh đạo chứ thực tế thì khác hẳn. Nhạc sĩ Lê Thiệu nêu quan điểm của ông :

"Từ hồi nào đến giờ họ vẫn nói một đằng làm một nẻo mà. Ví dụ họ nói dân cùng chống tham nhũng, tố cáo tham nhũng nhưng khi tố cáo quyết liệt thì lại bị bắt. Đó chỉ là cách nói để được lòng dân thôi. Không tin được đâu. Thực sự trong giới văn nghệ sĩ, người nào có tư tưởng tự do thì họ vẫn sáng tác, vẫn viết theo chủ đề tự do của họ. Còn giới văn nghệ sĩ của nhà nước thì họ an phận, không các quan chức. Chỉ còn lại số văn nghệ sĩ tự do bên ngoài.

Thật sự với những người công chính, họ chẳng cần ai nói mà tự bản thân họ cảm thấy điều gì bức bối, nghịch lý, bất công trong xã hội là họ lên tiếng. Không cần ai đốc thúc hết. Đó là lương tâm của họ.

Nhiều đời nguyên thủ quốc gia vẫn khuyến khích thế nhưng rồi họ vẫn kiên định đi theo con đường của họ. Nếu ai đi ngược đường họ thì họ ngăn chặn. Ngăn chặn rồi mà vẫn dấn thân thì họ sẽ bắt theo Điều 331. Họ muốn bắt ai thì bắt thôi.

Còn yêu cầu văn nghệ sĩ phải tỉnh táo. Tỉnh táo ở đây là không được nói bậy - theo cách diễn giải của nhà nước. Như bên tuyên giáo họ thường nói phải tỉnh táo, không nghe luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch. Ông Trọng nói theo cách mở, nhưng mở tới đó thôi không được vượt ngưỡng họ đưa ra. Văn nghệ sĩ họ nói sự thật thì bị cho là xuyên tạc".

Nhắc tới nghệ sĩ nhà nước, có dư luận cho rằng họ không cần khán giả qua trường hợp diễn viên Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - khi đăng tải một câu chuyện có tên "Cái tát của mẹ" trên Facebook cá nhân cuối năm 2022. Theo dư luận hiểu, Xuân Bắc coi công chúng là "đứa bé ăn tát", là những người "ăn cháo đá bát". Nhiều ý kiến bình luận trên mạng xã hội cho rằng, cách hành xử của Xuân Bắc là sản phẩm của một chế độ dùng văn nghệ để tuyên truyền.

Văn nghệ sĩ là tên gọi chung cho những người hoạt động ở lĩnh vực văn học, nghệ thuật như kiến trúc sư, diễn viên, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia...

Cũng tại buổi lễ hôm 25 tháng 7 vừa qua, ông Trọng cho rằng cuộc sống có rất nhiều điều để nói, để viết, nhưng quan trọng là nói như thế nào và viết như thế nào. Ông Trọng đồng thời lưu ý văn nghệ sĩ "đừng để cho sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh".

Để đội ngũ văn nghệ sĩ có điều kiện sáng tạo, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, sự phát triển toàn diện của con người trong xã hội, thì họ phải được tự do sáng tác. Nhưng với thể chế hiện nay, vai trò của văn nghệ sĩ là phải đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, chống âm mưu "diễn biến hòa bình", chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trên lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Cũng theo ông Trọng, đội ngũ văn nghệ sĩ còn đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh chống các quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch ; vạch trần, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch lợi dụng vấn đề xã hội nhạy cảm chống đảng, nhà nước trên lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Với lời khuyến khích văn nghệ sĩ phải dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống ; phải đấu tranh với mọi biểu hiện sai trái mà ông Trọng mới đưa ra, nhà thơ Hoàng Hưng nhận định với RFA :

"Tôi nghĩ rằng, các ông lãnh đạo Đảng Cộng sản thì lúc nào cũng nói thế thôi. Không có gì mới cả. Vấn đề là phải hiểu câu nói ấy như thế nào và thực tế áp dụng ra sao thì cũng còn một khoảng cách nhiều khi rất lớn. Xưa nay những người lãnh đạo vẫn nói văn học phải phản ánh trung thực cuộc sống ; phải đấu tranh với những sai trái trong xã hội. Nói chung chung thế thôi thì ông nào chả nói được.

Nhưng trên thực tế, khi phản ánh trung thực cuộc sống và đấu tranh với những sai trái nhưng nó lại phơi bày ra những cái lỗi của người lãnh đạo, lỗi của chính quyền hay lỗi của cả hệ thống của ĐCS thì họ sẽ xử trí ra sao ? Chúng ta có quá nhiều kinh nghiệm về việc này rồi.

Cái thể chế lãnh đạo độc quyền toàn trị rất khó lòng có sự cởi mở để văn nghệ sĩ được quyền thực thi quyền rất tự nhiên của con người, là tự do ngôn luận và tự do tư tưởng, để nói thẳng về thực trạng xã hội".

Nhà thơ Hoàng Hưng nói thêm, ông Trọng từng nói ‘đánh chuột đừng để vỡ bình’trong đấu tranh chống tham nhũng, thì đây cũng thế thôi. Đấu tranh nhưng phải tỉnh táo, là không được nói hết những cái xấu cần nói, nhất là đụng đến cấp lãnh đạo.

Hơn 10 năm trước, nhà văn Phạm Xuân Nguyên, lúc đó là Chủ tịch hội văn học Hà Nội, đã kêu gọi các văn nghệ sĩ sáng tác khích lệ tinh thần yêu nước của người dân trước các hành động lấn áp của Trung Quốc trên biển Đông. Một số nghệ sĩ sáng tác sau đó bị tù như Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình.

Nguồn : RFA, 26/07/2023

****************************

Chính sách doanh nghiệp quốc doanh : nhầm lẫn và mâu thuẫn

RFA, 27/07/2023

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính cho rằng những kết quả mà doanh nghiệp nhà nước đạt được "chưa ngang tầm với vốn, tổng giá trị tài sản đang nắm giữ". Tuy vậy, ông vẫn chỉ đạo "các doanh nghiệp nhà nước phải tìm cách đầu tư và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để cung tiền ra nền kinh tế". 

keugoi2

Ông Phạm Minh Chính kêu gọi mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp hãy là "một chiến sĩ tinh nhuệ"

Chính phủ Việt Nam cũng nhận thấy các Doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp nhà nước) không có động lực sáng tạo, "chưa chú trọng đầu tư các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hoạt động đầu tư cũng mang tính đơn lẻ, chưa có sự liên kết để thực hiện dự án lớn". 

Mệnh lệnh yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tăng cường đầu tư để "cung tiền ra nền kinh tế" dường như nằm trong một chính sách "có tính chiến lược" phát triển doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ Việt Nam. 

Có 35 doanh nghiệp nhà nước tỷ đô trong 3 năm ?

Tiến sĩ Nguyễn Lê Tiến trao đổi với RFA về Nghị quyết Số : 68/NQ-CP  năm 2022 của Chính phủ Việt Nam "về tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế-xã hội". 

Nghị quyết ban hành năm 2022 này đặt ra mục tiêu đến năm 2025, nghĩa là chỉ trong vòng 3 năm, Việt Nam "có ít nhất 25 doanh nghiệp nhà nước có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ đô la Mỹ, trong đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức trên 5 tỷ đô la Mỹ".

Nếu có ít nhất 10 doanh nghiệp nhà nước đạt mức vốn chủ sở hữu, hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán, là 5 tỷ đô la Mỹ, thì tổng số vốn 10 doanh nghiệp này đạt được sẽ là 50 tỷ đô la. Và nếu có ít nhất 25 doanh nghiệp nhà nước đạt số vốn (chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán) đạt trên 1 tỷ đô la Mỹ thì tức là tổng số vốn của 25 công ty này sẽ là 25 tỷ đô la. Tổng cộng của cả 35 doanh nghiệp nói trên sẽ là 75 tỷ đô la Mỹ.

Tiến sĩ Nguyễn Lê Tiến nhận xét rằng mục tiêu mà Chính phủ muốn doanh nghiệp nhà nước phải đạt được, như Nghị quyết này đặt ra, nếu làm theo nguyên tắc cạnh tranh sòng phẳng và công bằng trên thị trường, thì chỉ là vĩ cuồng. Còn nếu Việt Nam thực hiện mục tiêu này theo cách lâu nay vẫn làm thì sẽ đạt được mục tiêu, nhưng mục tiêu đó là có hại cho nền kinh tế.

Cách mà lâu nay Việt Nam vẫn làm sẽ là lấy tài sản công, như đất đai hoặc ngân sách, cung cấp vào các công ty này để tạo ra "vốn chủ sở hữu" lớn. Bằng cách làm đơn giản và có tính cơ học đó, họ có thể đạt được mục tiêu đề ra. Nhưng làm như vậy sẽ gây hại cho quốc gia. Tiến sĩ Nguyễn Lê Tiến phân tích cụ thể hai cái hại có tính chiến lược của chính sách này : 

Một mặt, nó chôn vùi nguồn lực quốc gia vào chỗ không thể tạo ra giá trị. Không chỉ riêng gì Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước ở bất kì đâu, một khi được bao cấp nguồn lực và độc chiếm một thị trường nào đó mà không phải cạnh tranh, cũng sẽ trở nên trì trệ và mất động lực phát triển. Chôn nguồn lực ít ỏi của quốc gia vào chỗ ấy, mất nguồn lực để đầu tư cho gốc rễ của sự phát triển là giáo dục, văn hoá, xã hội, Việt Nam sẽ chìm sâu hơi vào các loại bẫy kinh tế, chính trị, xã hội, kìm hãm cơ hội phát triển của dân tộc.

Mặt khác, doanh nghiệp nhà nước chiếm dụng nguồn lực quốc gia và độc quyền thị trường sẽ khiến cho cơ hội dành cho khối doanh nghiệp tư nhân trở nên hẹp hơn. Không tích lũy đủ nguồn lực, và không có cơ hội (cả về thị trường, vốn và cơ chế chính sách) khối tư nhân sẽ chỉ loay hoay trong một số lĩnh vực không có tính chiến lược với sự phát triển quốc gia.

Nếu chúng ta giả định rằng nhà nước Việt Nam sẽ đặt ra cơ chế cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp nhà nước này, mục tiêu mà Nghị quyết nói trên nêu ra là không tưởng. Doanh nghiệp nhà nước luôn kém hiệu quả, thiếu sáng tạo. Đây là nhược điểm chung ở khắp nơi trên thế giới, không cứ riêng gì ở các nước XHCN hay Việt Nam. Thực tế là phần lớn các doanh nghiệp nhà nước đều kinh doanh lỗ lã, không xứng với số vốn và tài nguyên bỏ cho nó.

Ông Nguyễn Lê Tiến kết luận rằng doanh nghiệp nhà nước chỉ nên làm những gì tư nhân không thể, hay không muốn làm. Doanh nghiệp nhà nước luôn có nhà nước đứng sau, nếu tham gia cả vào những gì tư nhân làm, bằng nguồn lực quốc gia với "nước sông, công lính" và quyền lực nhà nước thì luôn bóp chết doanh nghiệp tư nhân. Ông nêu ra một nghị quyết khác  của Chính phủ Việt Nam ban hành cuối tháng 3 năm 2023, "về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" (Nghị quyết số 45/NQ-CP), và đặt vấn đề :

"Chính phủ một mặt muốn ‘phát triển kinh tế tư nhân’, mặt kia lại đồng thời phát triển ‘những quả đấm thép’ nhà nước thì quả là mâu thuẫn !".

Lẫn lộn mục đích và kết quả 

Trả lời câu hỏi của RFA về mục tiêu có 35 doanh nghiệp nhà nước "vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán" đạt trên 75 tỷ đô la Mỹ", một cựu quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) không muốn nêu tên, nhận xét : Vấn đề nằm ở chỗ "vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ đô la Mỹ hay trên 5 tỷ đô la Mỹ" không phải là mục tiêu, mà là kết quả tự nhiên đi đến sau khi đạt được mục tiêu. Ông giải thích rằng đối với các doanh nghiệp nhà nước, mục tiêu phải là lĩnh hội các thành tựu khoa học kĩ thuật mới, đổi mới sáng tạo, cho ra những sản phẩm phù hợp với thị trường và thành công về mặt thị trường. Khi đạt được những mục tiêu này, doanh nghiệp bước vào thị trường chứng khoán và được thị trường này chấp nhận, thì sẽ đạt kết quả về mặt tài chính. 

Ví dụ, cùng là doanh nghiệp nhà nước, nhưng Viettel làm kinh doanh thành công, trong khi nhiều doanh nghiệp khác kém hiệu quả hoặc thua lỗ. Cái tạo ra sự khác biệt này là Viettel có chiến lược, có sản phẩm, có kế hoạch làm chủ công nghệ. 

Việt Nam thường có thói quen tư duy là đặt ra các mục tiêu về mặt danh hiệu lên trước, và khi hành động thì nhắm đến các mục tiêu có tính hình thức này. Chúng ta thấy hiện tượng này khác phổ biến. Ví dụ trong lĩnh vực giáo dục đại học, người ta đặt ra mục tiêu vào được danh sách xếp hạng "100 trường đại học hàng đầu". Làm như vậy, họ quên mất rằng vào được danh sách xếp hạng "100 trường đại học hàng đầu" chỉ là kết quả của một quá trình cố gắng cải cách bộ máy, tổ chức, đầu tư nguồn lực cho giảng dạy, nghiên cứu, phát triển môi trường học thuật… Nguyên quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhấn mạnh : Khi đạt được những thành tựu này thì kết quả xếp hạng sẽ đến một cách tự nhiên, chứ vị trí trong bảng thứ hạng không phải là đích đến đầu tiên.

Nguồn : RFA, 27/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 257 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)