Cư dân phản đối làm bệnh viện trong chung cư
RFA, 27/07/2023
Cư dân chung cư Sunrise City Central, thuộc phường Tân Hưng, quận 7 đang phản đối gay gắt dự án xây dựng phòng khám đa khoa rộng đến hơn 23.000 mét vuông ở bốn tầng của chung cư này.
Người dân cung cấp
Khu vực bốn tầng 1, 2, 3, 4 của chung cư này có mục đích sử dụng là thương mại – dịch vụ thuộc quyền sở hữu của Vietinbank. Hồi tháng 6/2023, cư dân sinh sống tại chung cư Sunrise nhận được thông báo của Ban quản lý chung cư về việc Vietinbank đã cho công ty Bệnh viên đa khoa Tâm Anh (bệnh viện Tâm Anh) thuê lại để làm phòng khám đa khoa không lưu trú.
Ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cư dân
Ngay lập tức, dự án này bị hàng loạt cư dân sinh sống tại đây phản đối quyết liệt. Cư dân ở đây cho rằng mục đích sử dụng của chung cư và bệnh viện là hoàn toàn khác nhau. Do đó, từ thiết kế, kiến trúc tổng thể đến không gian từng phòng chức năng, hệ thống thoát hiểm, thoát nước, xử lý rác, nước thải đến thang máy, các trang thiết bị, tiện ích công cộng, an ninh trật tự… cũng khác biệt.
Cư dân lo ngại rằng tầng hầm giữ xe sẽ ngày càng quá tải hơn vì lượng xe gởi của người khám và thân nhân : Các tiện nghi công cộng như phòng thể dục thể hình, phòng giải trí… bị thu hẹp, thậm chí biến mất : Khu vực hồ bơi, sân tập thể dục, không gian chung sẽ bị ảnh hưởng và càng khó quản lý : Hệ thống xả thải đang dùng chung, có thể dẫn mầm bệnh đến từng nhà : Việc xử lý nước thải, rác y tế của bệnh viện được thiết kế riêng vẫn chưa triệt để : Hệ thống thông gió tự nhiên, thông gió ống dẫn rác không thể đáp ứng : Tiếng ồn, xe cấp cứu 24/7 và nguồn điện quá tải bởi các trang thiết bị bệnh viện. Nguy cơ cháy nổ nhãn tiền : Khách vãng lai gia tăng kéo theo nhiều hệ luỵ về an ninh trật tự và các dịch vụ ăn theo, nhất là dịch vụ Airbnb lưu trú cho bệnh nhân ngoại trú và người thân : Thang máy vốn có đã quá tải sẽ càng quá tải : Mọi thứ bị tác động : Cuộc sống và nhịp sinh hoạt đảo lộn với những hệ lụy khôn lường.
Ông Mỹ, một cư dân sinh sống ở chung cư này đã tám năm nay nói với RFA rằng :
"Làm gì có chuyện mở một phòng khám to đùng ở đây được. Cư dân phản đối nhưng mà ban quản trị, người đại diện của chung cư rồi Ủy ban phường họ tìm mọi cách để thuyết phục cư dân, làm sao để ủng hộ chủ trương đó".
Trái quy định pháp luật ?
Với hàng loạt các rủi ro kể trên, ngày 27/6, khoảng 200 cư dân đã đồng ký tên một lá đơn khiếu nại gởi các cơ quan ban ngành của Thành phố Hồ Chí Minh về việc "mở phòng khám đa khoa trái quy định pháp luật tại bốn tầng thương mại dịch vụ diện tích 23.599 m2 tại Chung cư Sunrise City Central".
Lá đơn khiếu nại mà cư dân gởi cho RFA chỉ ra các sai phạm về pháp lý trong dự án này như sau :
Việc Ngân hàng Vietinbank cho Bệnh viện Tâm Anh thuê lại toàn bộ bốn tầng với tổng diện tích rất lớn lên đến hơn 23.000 m2 để làm phòng khám đa khoa với quy mô tương đương một bệnh viện lớn là không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, không phù hợp chức năng, công năng sử dụng của các sàn thương mại.
Toàn bộ bốn sàn mà Vietinbank sở hữu có công năng là "thương mại – dịch vụ". Trong khi đó, dịch vụ y tế không thuộc mã ngành "thương mại – dịch vụ". Đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện, đặc thù, phải đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia chặt chẽ và phải được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy phép con đối với từng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Khám bệnh, Chữa bệnh.
Vi phạm nghiêm trọng về quy trình thực hiện việc sửa chữa, xin cấp giấy phép xây dựng. Bệnh viện Tâm Anh chưa xuất trình được giấy phép mở phòng khám nhưng UBND phường Tân Hưng đã thống nhất các hạng mục sửa chữa và cho phép người vào chung cư xây dựng, cải tạo khi chưa họp và lấy ý kiến của toàn thể cư dân.
Ông Mỹ cho biết, cư dân ở đây đã chủ động liện hệ với rất nhiều các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước về vụ việc này, nhưng không được như ý nguyện :
"Khi người dân gửi đơn cho các cơ quan báo chí thì không có báo nào dám đăng, thậm chí có báo đăng xong rồi rút bài liền.
Tôi nghĩ rằng điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi vì tập đoàn Novaland hay Vietinbank và bệnh viện Tâm Anh đã chi tiền quảng cáo rất nhiều cho các cơ quan truyền thông. Cho nên sẽ không tờ báo nào dám đụng tới họ.
Chỉ có một vài các tờ báo nhỏ nhỏ hoặc là các blog cá nhân thôi, còn các cơ quan truyền thông là đều im lặng".
Phản ứng của Chính quyền
Buổi họp giữa cư dân chung cư, UBND quận 7 đại diện bệnh viện Tâm Anh. Ảnh : Người dân cung cấp
Trước sự phản đối của cư dân, hôm 12/7, UBND quận 7 tổ chức cuộc họp đối thoại giữa các bên, bao gồm cư dân chung cư, chủ đầu tư - công ty Novaland, chủ sở hữu bốn sàn - ngân hàng Vietinbank và đại diện bệnh viện Tâm Anh.
Ông Lê Văn Thành, phó chủ tịch quận 7, cho biết "Quận 7 có mục tiêu định hướng phát triển hình thành cụm đô thị y tế, giáo dục chất lượng cao, gắn với phát triển du lịch tại trung tâm phía Nam thành phố. Do đó, UBND quận 7 ủng hộ đầu tư mở phòng khám đa khoa trên địa bàn quận 7 nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn quận".
Ngày 13/7, UBND quận 7 ra văn bản yêu cầu Vietinbank gởi các bằng chứng về quyền sở hữu bốn tầng chung cư Sunrise cho UBND quận : Yêu cầu bệnh viện Tâm Anh gởi công văn giải trình về các thủ tục hành chính, hoàn thiện hồ sơ về y tế môi trường, phòng cháy chữa cháy, khai thác sử dụng và hoạt động đúng theo ngành nghề chức năng đã được các cơ quan có thẩm quyền cho phép, rồi niêm yết công khai để cư dân chung cư được biết.
Bà Ánh, một cư dân phản đối dự án này cho biết, từ hôm họp cho đến nay, bà không thấy bất kỳ một thông tin nào từ UBND Quận 7 nữa. Quận hay phường Tân Hưng đều không có động thái gì :
"Tôi nghĩ rằng các cơ quan, đơn vị cần phải làm rõ. Bởi vì luật ở Việt Nam, chính quyền địa phương nhiều khi họ cũng không hiểu được rằng cái này được hay là không được".
Tiếp tục thi công bất chấp phản đối
Bà Ánh nói với RFA rằng, hôm 27/7, bệnh viện Tâm Anh vẫn tiếp tục cho người đến thi công cải tạo ở tầng 4 của chung cư. Bà nói không biết họ sửa chữa những gì mà người dân phát hiện tình trạng nứt và chảy nước dưới tầng hầm :
"Cư dân yêu cầu ban quản lý làm việc, xong rồi gọi bên UBND phường phụ trách về vấn đề xây dựng, cũng như công an phường… nói chung là rất nhiều bộ phận liên quan tới để lập biên bản và kiểm tra thì bệnh viện Tâm Anh cũng không cho cơ quan nhà nước vào luôn.
Cho nên mình nghĩ là cư dân của mình sẽ chẳng làm gì được. Họ có làm cái gì ở trong đó thì mình cũng không biết được".
Phóng viên RFA đã gọi tới số điện thoại của chủ tịch và bí thư phường Tân Hưng, theo số điện thoại công khai trên trang web của phường Tân Hưng, nhưng không có ai nghe máy.
RFA cũng đã gởi email đến Bệnh viện Tâm Anh để hỏi thêm về vụ việc, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Nguồn : RFA, 27/07/2023
*********************
Lại câu chuyện giáo dục : Sao cả trăm ngàn trẻ tiểu học lưu ban ?
RFA, 27/07/2023
Bộ Giáo dục-Đào tạo Việt Nam mới đây cho biết, cả nước có 105.734 học sinh tiểu học chưa hoàn thành chương trình lớp học, trong đó khối lớp 1 nhiều nhất với 52.456 học sinh.
Học sinh lớp Một trong ngày khai giảng tại một trường tiểu học ở Hà Nội - AFP
Theo Vụ Giáo dục tiểu học, sở dĩ con số cao như vậy là do việc thực hiện đánh giá học sinh dần đi vào thực chất, không vì thành tích và xem việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Vụ Giáo dục tiểu học cũng cho rằng, điều này phản ánh thực chất chất lượng giáo dục nói chung trên bình diện toàn quốc.
Với con số hơn một trăm ngàn học sinh tiểu học có nguy cơ bị lưu ban, nhiều người cho đây là tin vui bởi không còn bệnh thành tích, nhưng nhiều người khác lại cho là tin không vui, bởi đó là bộ mặt thật của giáo dục Việt Nam với chương trình giáo dục không phù hợp.
Thầy giáo Ngọc Sơn nói với RFA :
"Thật ra là học sinh tiểu học ở lại lớp thì nó cũng có từ nhiều năm trước rồi, nhưng có lẽ chưa có một cái thống kê chính thức thôi.
Cái quan trọng là nguyên nhân dẫn đến việc các cháu cấp một phải ở lại. Nó có nhiều nguyên nhân lắm. Ví dụ bây giờ là bệnh thành tích, con nít phải biết chữ trước khi vào lớp một. Còn nếu mà chưa biết chữ thì khi vào lớp một hầu như bị thầy cô bỏ bê luôn. Nếu cha mẹ mà không cho học thêm, học kèm thì chắc chắn các cháu nó sẽ lưu ban. Cái thứ hai nữa là các trường mầm non dạy vẹt cho trả. Nhiều đứa cầm sách đọc ro ro mà hỏi từng chữ thì cháu không biết. Những trẻ này lên lớp một sẽ rất khó để dạy lại vì cô giáo nghĩ cháu biết chữ. Mà phải nói thật là bây giờ rất hiếm giáo viên có tâm. Một khi học sinh đóng tiền học thêm là sẽ được lên lớp dù thực chất thì không có.
Còn một yếu tố nữa khiến trẻ không theo kịp chương trình học. Do những học sinh yếu kém sẽ được thầy cô kèm học vào mùa hè rồi cho thi lại. Có đứa thi hai, ba lần. Không ai bỏ công mà dạy nhiều nên cứ dạy qua loa rồi cho tụi nó thi, cho điểm rồi lùa lên lớp là xong việc".
Bệnh thành tích trong giáo dục ở Việt Nam từ nhiều năm qua bị coi là ngày càng tăng dẫn đến chất lượng giáo dục không thực chất. Tháng 4 năm 2021, báo chí Nhà nước Việt Nam đăng tải thông tin về việc một số học sinh trường Trung học cơ sở Tân Mỹ, huyện Thanh Bình - Đồng Tháp đọc viết khó khăn, dù đã học lớp 6 nhưng có chữ đọc được, chữ không. Có học sinh đã phải bỏ học vì mặc cảm không theo kịp bài. Ngay chính những em học sinh này cũng không biết vì sao bản thân lại được lên lớp.
Lý giải hiện tượng này, một lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo Đồng Tháp cho rằng, đây chỉ là những trường hợp cá biệt. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc các cơ sở giáo dục thực hiện chưa tốt việc dạy học, kiểm tra. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này nhìn nhận việc gây áp lực cho giáo viên bằng chỉ tiêu thi đua không phù hợp.
Theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo, đối với học sinh chưa được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học, giáo viên phải lập kế hoạch giúp đỡ : đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học. Đối với học sinh đã được giúp đỡ mà vẫn chưa hoàn thành chương trình lớp học, tùy theo mức độ, giáo viên lập danh sách báo cáo hiệu trưởng để kiểm tra, đánh giá và xem xét, quyết định việc được lên lớp hoặc chưa được lên lớp.
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa nêu quan điểm của ông với RFA :
"Theo quan điểm của tôi thì học sinh tiểu học mà có nguy cơ bị lưu ban lên tới con số cả trăm ngàn như thế thì đúng là quá lớn. Bởi trẻ lớp một thật sự chỉ cần đến trường vui chơi, biết đọc biết viết đơn giản là đủ, nhưng chương trình lớp một của trẻ đã nhiều thứ lắm rồi, những bốn năm môn. Chuyện đó gây nặng nề cho trẻ.
Theo tôi, phải giảm chương trình học cho trẻ cấp 1 xuống còn một nửa thôi. Vừa rồi tôi mở thử cuốn sách toán lớp 4, tôi kinh hoàng vì chương trình quá nặng. Không hiểu khi soạn sách giáo khoa, các vị có thử đặt mình vào vị trí đứa trẻ lớp 4 xem có nuốt nổi không. Lớp 5 còn nặng nề hơn. Cải cách đâu không biết, chỉ biết làm khổ trẻ.
Đặc biệt có một phong trào rất tệ hại, đó là trẻ vào lớp một người ta đua nhau bắt trẻ phải biết đọc biết viết trước khi vào lớp một trong khi bộ giáo dục cấm không cho dạy chữ trước khi cho trẻ vào lớp một. Điều này dẫn đến việc nhiều trẻ vào lớp một đã biết đọc biết viết rồi, những trẻ khác chưa biết có thể có sự phân biệt đối xử dẫn đến giáo viên thẳng tay không cho cháu lên lớp.
Đấy là một hiện trạng xảy ra rất là nặng nề ở những nơi có điều kiện kinh tế tương đối phát triển".
Là một phụ huynh có hai con đang tuổi đến trường, ông Liêu Thái nêu quan điểm của mình với RFA :
"Hiện tại theo chương trình mà con tôi học thì tôi thấy không quá nặng nhưng cái cặp sách của nó thì quá nặng. Có rất nhiều môn không cần thiết nhưng lại là môn chính ở trong trường. Cho nên cái nguy cơ học sinh ở lại lớp rất là cao. Đó chỉ là một phần nhỏ thôi. Nguyên nhân chính là bệnh thành tích. Có nghĩa là giáo dục Việt Nam nó giống như con rắn nuốt con nhái vậy. Chỗ nào có con nhái thì cho nó phình lên, phần còn lại thì teo tóp. Nghĩa là ở đâu có thi đua, có thưởng thì sẽ có thành tích. Cái thành tích đó nó không thật bởi mọi chỉ tiêu giáo dục tại Việt Nam đều mang hơi hướng chính trị với tính đảng rất cao. Do đó nó bị chi phối và nó không thật ngay từ trong bản chất.
Với con số hơn 100 ngàn học sinh tiểu học có nguy cơ lưu ban thì sẽ có hơn 100 ngàn cái nhu cầu đến với giáo viên. Có thể là học thêm, có thể học kèm, có thể bằng cách này hay cách khác để đưa cho con mình lên lớp. Bởi vì một cái nền giáo dục nghe nó lớn lao lắm với tiêu chuẩn xóa mù chữ tại Việt Nam là đến lớp 12. Có nghĩa rối tất cả lại lên lớp.
Do đó theo tôi, việc rất nhiều học sinh có nguy cơ ở lại lớp không hẳn là một tín hiệu tích cực trong giáo dục đâu. Có thể chuẩn bị sẽ có một cái gì đó phía sau mà mình chưa biết. Nói tới giáo dục Việt Nam cho đến bây giờ thì chỉ gói gọn trong bốn chữ : Không hết bi quan !"
Việc có cả trăm ngàn học sinh tiểu học lưu ban dẫn đến chuyện thiếu trường lớp trầm trọng hơn trong cả nước. Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội dự kiến xây dựng mới 433 trường, trong đó thành lập mới 225 trường. Đồng thời, cải tạo, sửa chữa 631 trường.
Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng thiếu lớp, thiếu thầy đã được báo chí nhà nước đề cập đến. Theo đó, số liệu báo cáo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về công tác chuẩn bị năm học mới 2023-2024 cho thấy, toàn thành phố dự kiến tăng hơn 35 ngàn học sinh.
Trả lời báo chí tại buổi họp báo chiều 13/7/2023, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục-Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu phòng học, Sở đã trình đề xuất ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình trường học theo kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch được duyệt, phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tế từng địa bàn quận, huyện.
Nguồn : RFA, 27/07/2023
**************************
Tốc độ già hóa nhanh, tăng trưởng kinh tế chậm và áp lực an sinh xã hội tại Việt Nam
RFA, 27/07/2023
Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những thay đổi về nhân khẩu học, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sẽ là áp lực vô cùng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội.
RFA
Tốc độ già hóa nhanh chóng
Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), tỷ lệ sinh của Việt Nam đang giảm dần và dân số già đi nhanh chóng qua từng năm. Việt Nam đã qua đỉnh của thời kỳ "dân số vàng" và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt, từng là chuyên gia kinh tế của Liên Hiệp Quốc nhận định Việt Nam thuộc nhóm các nước có dân số sẽ giảm trong tương lai vì tỷ lệ sinh đẻ hiện này là 1,9. Nếu tỷ lệ sinh dưới 2,1 thì dân số có khả năng giảm, còn giảm nhiều hay ít còn tùy thuộc tỷ lệ chết và nhập cư.
UNFPA ước tính, đến năm 2036, tức là chỉ còn khoảng 13 năm nữa thôi, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ "dân số già". Và đến năm 2051, dân số Việt Nam sẽ đạt đỉnh với khoảng 107 triệu người, sau đó sẽ giảm dần do tỷ lệ sinh thấp.
Theo tiến sĩ Vũ Quang Việt, khi bước vào giai đoạn xã hội già hay giảm dân số trong tương lai, một số vấn đề kinh tế mà Việt Nam phải đối mặt, bao gồm :
"Lực lượng lao động sẽ tăng chậm rồi giảm, tăng trưởng kinh tế chỉ còn dựa vào tăng năng suất lao động. Sức chi tiêu sẽ không tăng nhanh vì người già phải tăng để dành lo tuổi già. Đây là vấn đề của Nhật hiện nay và kể cả Trung Quốc".
Tuy nhiên, tiến sĩ Vũ Quang Việt cũng chỉ ra một số điểm tích cực của sự giảm dân số. Theo ông, tốc độ tăng trưởng tạo ra bởi ba nguồn : thứ nhất là tăng yếu tố đầu vào của tài sản cố định như máy móc, đất đai : thứ hai, tăng yếu tố lao động như giờ hay số người lao động, và thứ ba là tăng năng suất tổng thể do kiến thức :
"Nếu chỉ dựa vào tăng dân số thì thế giới hạn hẹp này lấy đâu nguồn tài nguyên để đáp ứng nổi nhu cầu của dân, nhất là những tài nguyên không thể tái tạo như đất, nước, kim loại,… Đó là chưa kể tới lượng ngày càng tăng rác thải ô nhiễm môi trường cần xử lý.
Kể cả những nước như Trung Quốc hay Ấn độ cũng thế, Ấn Độ chỉ còn tăng 0.7%, Việt Nam cũng thế. Điều này cũng giúp làm dễ dàng việc tăng thu nhập đầu người cho dân cư. Điều này nên mừng chứ !"
Áp lực an sinh xã hội
Ông lão làm nghệ hớt tóc ở Hà Nội. Ảnh : AFP
Tiến sĩ Trịnh Khánh Ly, từng công tác tại Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam & Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ở Hà Nội, cảnh báo rằng với tốc độ già hóa nhanh chóng như hiện nay mà hệ thống bảo hiểm xã hội không cải thiện, thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực an sinh xã hội vô cùng lớn khi trở thành một "xã hội già".
Bà cho biết trong khi tốc độ già hóa dân số tại Việt nam tăng nhanh, hiện nay vẫn có gần 18 triệu lao động tại Việt Nam làm việc trong khu vực phi chính thức, mà có đến 97,9% trong số đó không tham gia bất cứ loại hình bảo hiểm nào.
Ngoài ra, Quỹ bảo hiểm xã hội còn phải đối mặt với xu hướng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần ngày một tăng. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn quốc có 4,85 triệu người đã rút bảo hiểm xã hội một lần giai đoạn 2016-2022. Nguyên nhân được nói là do người lao động bị mất việc làm, phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt trong khi đó những người này chủ yếu là lao động có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều.
Bà Khánh Ly cho biết thêm :
"Còn có một nguyên nhân khác là người lao động chưa thực sự tin tưởng vào hệ thống bảo hiểm xã hội. Bởi vì có một thực tế đáng buồn là mức lương hưu hiện nay chưa đảm bảo mức sống tối thiểu cho nhiều người già mặc dù trước đó họ có đóng đủ bảo hiểm xã hội".
Theo số liệu thống kê tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, chiếm khoảng 64,4% người già không có lương hưu và trợ cấp, phải sống dựa vào con cháu, người thân hoặc tiếp tục lao động mưu sinh.
Ông Minh, một người có gần 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và hiện đang về hưu ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết ngay cả người có nhận lương hưu thì số tiền đó cũng không đủ trang trải cuộc sống hiện nay :
"Người lao động không muốn đóng bảo hiểm xã hội vì họ không tin vào bảo hiểm xã hội hoặc có thể là lo sợ tiền để lâu sẽ mất giá. Đó là hệ quả của xã hội thôi.
Người ta không muốn về hưu sớm là bởi vì lương hưu quá thấp, quá vô lý. Tôi không nhậu nhẹt gì cả, không có nhu cầu gì lớn nhưng cũng không đủ sống được".
Tổ chức Lao động quốc tế dự báo, nếu không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì năm 2030 Việt Nam sẽ có hơn 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu do tốc độ già hóa xảy ra nhanh hơn cả tốc độ phát triển kinh tế. Bà Khánh Ly nhận định :
"Thực trạng người trẻ rút bảo hiểm xã hội một lần năm sau cao hơn năm trước, người già không có lương hưu và trợ cấp là một bức tranh ảm đạm và chưa có hướng giải quyết.
Thực trạng này, nếu không thay đổi, sẽ làm gia tăng số lượng người già bắt buộc phải tham gia thị trường lao động để mưu sinh sau khi đủ tuổi về hưu, tăng gánh nặng về các dịch vụ xã hội và chăm sóc y tế đối với người già".
Chính phủ cần chuẩn bị từ bây giờ
Hiện nay, các cơ quan hữu quan đang trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Theo đó, có nhiều ý kiến đề xuất giảm tuổi trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 tuổi đối với những người không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội : đồng thời tăng mức hỗ trợ từ 360.000đ/tháng lên 500.000đ/tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Tuy nhiên, ngay cả khi các ý kiến đề xuất nói trên được tiếp thu và thể hiện trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thì những quy định này vẫn chưa khả thi mà còn mang tính đại trà, chưa tập trung vào việc giải quyết an sinh xã hội cho những đối tượng người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn mà không có lương hưu lẫn trợ cấp bảo hiểm xã hội. Từ những hậu quả có thể dự báo trước, bà Khánh Ly đề ra những vấn đề gốc rễ cần giải quyết từ bây giờ :
"Đây là một thực trạng đáng lo ngại. Theo tôi, để chuẩn bị cho một xã hội già nhìn từ khía cạnh an sinh xã hội thì Việt Nam cần phải mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc : xử lý các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội : tình trạng doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội : cân đối lại độ tuổi nghỉ hưu phù hợp với từng loại hình lao động : cân đối lại số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng mức lương hưu nhằm phù hợp với tốc độ già hóa dân số nhanh".
Ông Việt đánh giá, vấn đề già hóa không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà của cả thế giới. Ông đề xuất một số giải pháp mà nhà nước Việt Nam có thể thực hiện ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho tình trạng dân số già :
"Đừng sợ chưa giàu đã già mà nên xem làm gì khi xã hội già hóa.
Đây là vấn đề cho nhà nước Việt Nam. Hiện nay họ quá tập trung vào kêu gọi đầu tư nước ngoài, nhằm dùng lao động cơ bắp, sản xuất để xuất khẩu.
Dân có chút thu nhập, GDP tăng có vẻ cao nhưng lợi nhất là cho tư bản nước ngoài, còn thiên nhiên thì cạn kiệt dần và ô nhiễm nặng nề.
Vấn đề chính để phát triển là tăng năng suất lao động tổng thể, tức là phải tăng cường hiểu biết, thông qua giáo dục, đặc biệt là giáo dục chuyên môn, nghề nghiệp, chứ đầu phải tăng số người có bằng tiến sĩ".
Nguồn : RFA, 27/07/2023