Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo, Việt Nam và Thái Lan đàm phán lại hợp đồng nửa triệu tấn
RFA, 02/08/2023
Hai nguồn tin thương mại cho biết các nhà xuất khẩu gạo ở Việt Nam và Thái Lan đang đàm phán lại giá cả đối với các hợp đồng mua bán khoảng nửa triệu tấn gạo cho các lô hàng tháng 8, do lệnh cấm của Ấn Độ thắt chặt nguồn cung toàn cầu.
Công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến gạo ở Cần Thơ (minh họa) - Reuters
Các nhà xuất khẩu đang gấp rút bao tiêu nguồn cung gạo từ những người nông dân - đã tăng giá bán sau khi thị trường thế giới tăng vọt, khiến các thương vụ trị giá hàng triệu đô la gặp rủi ro.
Theo hãng tin Reuters, nông dân trồng lúa và các nhà xuất khẩu đã mua các lô hàng trước sẽ được hưởng lợi từ việc thắt chặt nguồn cung trên thế giới, trong khi người mua có khả năng bị thiệt dù đã đặt hàng trước khi Ấn Độ thông báo lệnh cấm do người bán đàm phán lại hợp đồng để có giá cao hơn.
Các thương nhân cho biết các nhà nhập khẩu gạo không có lựa chọn nào khác ngoài việc trả mức giá cao hơn vì người bán sẽ không thực hiện được hợp đồng do giá mặt hàng chủ lực tăng đáng kể.
Cuối tháng trước, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo trắng trong bối cảnh tình hình sản xuất trong nước không chắc chắn, làm gia tăng lo ngại về nguồn cung lương thực đối với các nhà nhập khẩu mặt hàng chủ lực ở Châu Á và Châu Phi.
Thái Lan và Việt Nam, lần lượt là các nhà xuất khẩu số hai và ba thế giới, ước tính sẽ xuất khẩu hơn một triệu tấn gạo trong tháng 8. Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% nguồn cung toàn cầu.
Giá toàn cầu của các loại gạo chính được vận chuyển trên toàn thế giới đã tăng khoảng 80 USD/tấn kể từ khi Ấn Độ áp đặt lệnh cấm vào ngày 20/7.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên 590 USD/tấn so với giá trước đó là 515-525 USD.
"Giá hiện nay cao hơn rất nhiều so với giá trong hợp đồng. Giá xuất khẩu tăng mạnh đã khiến giá lúa trong nước tăng mạnh. Một số thương nhân hiện đang gấp rút đẩy mạnh thu mua từ nông dân", một thương lái ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Trong khi các công ty xuất khẩu lớn có khả năng hoàn thành hợp đồng, các công ty thương mại nhỏ hơn dự kiến sẽ không trả được các lô hàng, các thương nhân cho biết.
Các nhà nhập khẩu, bao gồm cả Philippines, có khả năng tìm kiếm các thỏa thuận trực tiếp với chính phủ của các nước xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng.
Philippines sẽ tăng lượng gạo tồn kho, bao gồm cả nhập khẩu, với việc chính phủ khuyến khích các thương nhân tư nhân tăng cường mua hàng, một quan chức nông nghiệp cấp cao cho biết hôm 1/8 vừa qua.
Nguồn : RFA, 02/08/2023
*************************
Việt Nam tăng sản lượng gạo để tận dụng cơ hội giá tăng
RFA, 02/08/2023
Việt Nam sẽ gia tăng sản xuất lúa gạo trong năm nay để tận dụng cơ hội giá cả gia tăng như hiện nay. Dự kiến sản lượng lúa gạo năm nay đạt trên 43 triệu tấn lúa, so với mức 42,7 triệu tấn vào năm ngoái, và xuất khẩu hơn bảy triệu tấn gạo.
Nông dân trên cánh đồng lúa ở Hà Nội hôm 6/3/2023 (minh họa) - AFP
Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Việt Nam, ông Nguyễn Như Cường, thông báo như vừa nêu tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 của Chính phủ Hà Nội vào ngày 1/8.
Ông này cho biết Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam cho nâng diện tích trồng lúa tại Đồng bằng Sông Cửu Long từ đầu năm nay từ 650.000 héc-ta lên 700.000 héc-ta.
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường, Việt Nam hoàn toàn có thể yên tâm về vấn đề an ninh lương thực ; có thể tận dụng thời cơ tốt nhất cho xuất khẩu. Ông này cho rằng nếu không xảy ra tình hình thời tiết hay dịch bệnh bất thường thì mục tiêu đạt trên 43 triệu tấn lúa của Việt Nam hoàn toàn khả thi.
Ông Nguyễn Như Cường cũng trấn an nếu hiện tượng El Nino tác động đến ngành hàng lúa gạo của Việt Nam thì đến tháng 10 tới đây mới có thể bắt đầu và tác động đến vụ Đông Xuân 2023- 2024 và năm 2024.
Thống kê cho thấy trong bảy tháng đầu năm nay, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 4,38 triệu tấn với giá trị 2,68 tỷ USD.
Nguồn : RFA, 02/08/2023
**********************
Doanh nghiệp lúa gạo báo cáo lỗ hoặc lợi nhuận giảm
RFA, 02/08/2023
Một số doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo của Việt Nam báo lỗ hoặc lợi nhuận bị giảm sút.
Nông dân thu hoạch lúa trên cánh đồng ở Hà Nội (minh họa) - Reuters
Mạng báo Tiền Phong loan tin ngày 2/8 dẫn báo cáo lỗ hay giảm lợi nhuận của một số doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trong nước. Lý do cho tình trạng này được nói vì chi phí lãi vay tăng nhanh.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ Cao Trung An ở Cần Thơ báo cáo lợi nhuận sau thuế của công ty trong quý II năm nay bị âm gần tám tỷ đồng ; lợi nhuận ròng của công ty giảm gần 84 lần so với nửa đầu năm ngoái. Chi phí lãi vay của công ty trong nửa đầu năm nay tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái ; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh từ hơn chín tỷ lên hơn 15 tỷ đồng. Song song đó, Công ty Trung An phải bù đắp một khoản dự phòng tài chính khi không thể thu hồi một số hàng hóa hư hỏng giao tại cảng cho khách hàng ngoại quốc.
Tổng Công ty Lương thực Miền nam (VinaFood 2), nợ phải trả của công ty tăng khá nhanh. Trong sáu tháng đầu năm 2023, con số này tăng hơn 400 tỷ đồng lên 6.400 tỷ đồng. Chi phí lãi vay của Vinafood 2 tăng gấp đôi lên gần 95 tỷ đồng. Báo cáo của công ty nêu rõ dòng tiền bị âm nặng, trong đó dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 2.470 tỷ đồng, dòng tiền từ hoạt động tài chính âm hơn 814 tỷ đồng so với mức 674 tỷ đồng vào năm ngoái. Khả năng sinh lời của Vinafood 2 được cho biết ở mức rất thấp, thuộc nhóm cuối bảng trong số các doanh nghiệp ngành gạo niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang- đơn vị có tiếng trong ngành xuất khẩu gạo Việt Nam gần 50 năm qua, báo cáo trong nửa đầu năm nay, doanh thu thuần hợp nhất của công ty giảm 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do chi phí lãi vay tăng mạnh và chi phí bán hàng tăng gần gấp năm lần dẫn đến mức lỗ hơn 56 tỷ đồng, gấp 10 lần so với năm 2022.
Nguồn : RFA, 02/08/2023