Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

18/08/2023

Xử phạt vi phạm giao thông : Tranh giành "miếng bánh ngon" !

RFA tiếng Việt

Bộ Giao thông và vận tải trong Dự thảo Luật Đường bộ gửi đến Bộ Tư pháp thẩm định, đã đề xuất bỏ quy định lực lượng thanh tra giao thông ‘được dừng xe xử phạt vi phạm’. Với lý do được đưa ra để tránh ‘dẫm chân’ với Cảnh sát giao thông.

giaothong1

Cảnh sát giao thông chận xe để kiểm soát vi phạm luật giao thông

"Tranh giành" quyền lợi

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí khi trao đổi với RFA từ Hà Nội vào ngày 18/8/2023, nhận định :

"Tôi nghĩ miếng bánh chỉ có ngần ấy, nếu quy về một đầu mối kiểm tra thì đỡ phiền hà cho người tham gia giao thông. Có nghĩa tôi thấy việc không cho thanh tra giao thông dừng xe để kiểm tra nữa, mà chỉ đưa về cho cảnh sát giao thông, thì nói chung là phù hợp".

Theo Luật Giao thông đường bộ và thông tư của Bộ Giao thông vận tải hiện hành, thanh tra giao thông có quyền dừng xe trong trường hợp cấp thiết gồm : Xe có dấu hiệu chở quá tải, xe quá khổ, xe bánh xích lưu thông trên đường, phương tiện đổ đất lên đường bộ hoặc hành lang đường bộ...

Còn Dự thảo Luật Đường bộ mới đề xuất, thì Thanh tra đường bộ có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc thực hiện các quy định của pháp luật về kết cấu hạ tầng đường bộ, vận tải đường bộ tại đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, hệ thống kiểm soát tải trọng xe, dịch vụ hỗ trợ vận tải... Trong đó không có quy định ‘được dừng xe xử phạt vi phạm’.

Anh Đệ, một người tham gia giao thông ở Sài Gòn nói với RFA hôm 18/8 :

"Theo ý tôi, thanh tra giao thông dừng xe thì cảnh sát giao thông nghỉ việc... hoặc mấy anh cảnh sát làm, thì mấy anh thanh tra giao thông nghỉ việc... chứ cứ đẻ ra nhiều tầng, nhiều lớp, ai cũng dừng được xe hết. Việt Nam có nhiều cái rất lạ, không chỉ cảnh sát giao thông áo vàng, thanh tra giao thông áo xanh da trời, mà anh công an phường, quận coi an ninh trật tự cũng dừng được xe... đó là hình thức lạm quyền. Trên báo đài cũng có nói, cứ dừng xe lại là phạt vạ, đủ cách phạt, xảy ra tiêu cực, bôi trơn... Đó là một cái khiến họ xúm nhau vào kiểm tra, chứ còn thật sự chỉ một anh cảnh sát giao thông là người dân đã đủ chết rồi".

Vẫn theo anh Đệ, nếu để lực lượng công quyền "làm quá" (quyền hạn của mình-pv), thì dễ xảy ra tiêu cực, anh nói tiếp :

"Nếu cứ đè dân ra phạt, rồi lại bôi trơn, hết anh công an giao thông rồi lại đến thanh tra giao thông, thì xin lỗi người dân ra đường chỉ nghĩ đến chuyện kiếm một ít tiền nhét cho họ là xong, còn vấn đề vi phạm giao thông thì họ vẫn cứ vi phạm. Cái chính ở đây là phạt như thế nào, phạt là phải giáo dục được, chỉ ra cái sai, nhắc nhở... Chứ cứ bu vào mà phạt và anh nào cũng phạt được thì chỉ xảy ra tiêu cực".

giaothong2

Thanh tra giao thông cũng tranh giành chận phạt vi phạm giao thông

Nên giảm quyền, tăng trách nhiệm

Không chỉ các vụ án lớn liên quan Bộ Giao thông vận tải, các Thanh tra Giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải lâu nay vẫn bị dư luận cho rằng có nhiều vi phạm liên quan xử phạt giao thông. Đơn cử như vụ bốn bị cáo nguyên là cán bộ Thanh tra Giao thông, nhận hối lộ bảo kê logo ‘xe vua’ ở Hà Nội được truyền thông loan thời gian qua.

Một lái xe ở Thành phố Hồ Chí Minh không muốn nêu vì lý do an toàn, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này, cho biết :

"Thanh tra giao thông không ăn vặt như Cảnh sát giao thông đâu, mà ăn tàn bạo ác nhân ác đức... Xe quá tải nếu không được bảo kê, gửi gắm mà bị bắt thì chung tiền lòi con mắt mà chưa chắc được. Chưa kể hàng loạt đường dây bảo kê cho xe quá tải, quá tải đường, quá tải cầu... nhiều lắm".

Không chỉ các bác tài là những người thường xuyên "đụng độ" với Cảnh sát giao thông hoặc thanh tra giao thông, ca than về việc lạm quyền của lực lượng công an, thanh tra Giao thông vận tải... mà nhiều người dân mà chúng tôi trò chuyện đều cho rằng, cần phải có lực lượng giám sát như người dân, báo chí và các đảng đối lập... hoặc thanh tra kiểm toán từ bên ngoài nhưng phải không cùng một hệ thống đảng thì may ra mới giảm được tệ "vòi tiền" hay nói lớn hơn là "hối lộ", "tham nhũng" trong đội ngũ công quyền Việt Nam hiện nay.

Thêm vào đó, theo cựu Trung tá Vũ Minh Trí, nếu cùng hệ thống đảng thì họ (cán bộ, công chức-pv) lại chia chác và tham nhũng tiếp... Và do đó càng "đẻ" ra nhiều đoàn kiểm tra, nhiều cơ quan giám sát thì tham nhũng lại càng nặng nề.

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí nhận định thêm với RFA :

"Tôi cũng ra ngoài đường nhiều, tôi thấy trong thời gian gần đây những cảnh như tham nhũng, tiêu cực, làm sai quy định để lấy tiền cũng có giảm bớt... Bởi vì trước hết, những người tham gia giao thông như dân thường chúng tôi đã có ý thức, giám sát việc thực thi pháp luật của lực lượng cảnh sát giao thông bằng kiến thức pháp luật của mình, bằng các phương tiện hỗ trợ như quay phim, chụp hình, live stream đưa lên mạng xã hội... Những cái đấy có tác dụng giúp cho việc nhũng nhiễu của cảnh sát giao thông ở góc độ nào đấy giảm bớt".

Tuy nhiên theo ông Trí, chống tiêu cực của Cảnh sát giao thông thì trách nhiệm trước hết thuộc về người tham gia giao thông, chứ không thể đổ hết cho các cơ quan chức năng của chính quyền. Ông lý giải :

"Bởi vì nếu người tham gia giao thông thực hiện đúng luật giao thông nghiêm túc, thường xuyên phát huy vai trò kiểm tra giám sát của mình, thì cảnh sát giao thông cũng không có cớ gì để mà nhũng nhiễu, để mà làm tiền cả".

Liên quan ý kiến cho rằng việc tố cáo Cảnh sát giao thông tiêu cực có thể gây nguy hiểm cho người dân, Cựu Trung tá Vũ Minh Trí nói :

"Khi đụng đến miếng cơm, manh áo của nhau thì đương nhiên họ phải phản ứng lại. Tôi nhớ trong Thành phố Hồ Chí Minh đã có trường hợp công an giao thông đi cùng với người tiếp thị sữa, tóm lại là những thành phần hỗ trợ có tính chất cò mồi, giúp cảnh sát giao thông lấy tiền của những người tham gia giao thông, có trường hợp còn uy hiếp cả người tham gia giao thông vì họ có ý kiến. Nhưng tôi vẫn nghĩ cơ bản nhất là bản thân những người nào tham gia giao thông trước hết phải tự bảo vệ mình, có thấy gì đúng thì cũng phải hành xử chuẩn mực, phải quay được video rõ ràng minh bạch đưa lên, thì họ không cãi được".

Ông Trí cho rằng ‘cây ngay không sợ chết đứng’, không sợ bị trả thù... bởi vì một khi đã dám làm, thì sẽ dám trả giá. Ông Trí cho biết sau rất nhiều biến cố của cá nhân cũng như xã hội, thì ông vẫn tin vào lẽ phải, những người làm đúng bao giờ cũng sẽ chiến thắng những kẻ sai trái, những cái không đúng.

Nguồn : RFA, 18/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 376 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)