Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/09/2023

Đối phó với Trung Quốc : Việt Nam đang xoay trục ?

RFA tiếng Việt

Việt Nam, Ấn Độ, Mông Cổ : xoay chuyển chính sách để đối phó với Trung Quốc

RFA, 06/09/2023

Việt Nam đang được chú ý trên truyền thông quốc tế vì chuyến thăm ngày 10 tháng 9, 2023 sắp tới của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Hai nước được cho là sẽ nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất là "Đối tác chiến lược toàn diện". Theo Tiến sĩ Nagao Satoru ở Hudson Institute, bước đi này của Việt Nam tương tự như Mông Cổ và Ấn Độ vì cả ba nước Việt Nam, Ấn Độ, Mông Cổ đều có một lịch sử đối ngoại khá giống nhau. 

vietnam1

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris gặp Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai tại Nhà Trắng, ngày 2 tháng 8, 2023, khi hai nước công bố nâng cấp quan hệ "Đối tác chiến lược". Reuters

Mông Cổ nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ từ ngày 02 tháng 08, 2023. Quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Mông Cổ tập trung vào hợp tác kinh tế, thúc đẩy các nguyên tắc dân chủ, và tăng cường hợp tác an ninh. Cùng lúc đó, Nhật Bản cũng có một kế hoạch hợp tác an ninh với Mông Cổ. Trả lời câu hỏi của RFA về việc kế hoạch hỗ trợ an ninh cho Mông Cổ của Nhật Bản có liên quan đến quan hệ Mỹ-Mông Cổ hay không, Tiến sỹ Nagao Satoru khẳng định Nhật Bản và Hoa Kỳ có chung lợi ích trong nhiều mặt, trong đó có việc viện trợ cho Mông Cổ, do đó các bước đi này đều có liên quan với nhau. Tương tự như Mông Cổ, Việt Nam cũng là láng giềng của Trung Quốc, sắp sửa nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ và cũng được Nhật Bản đưa vào nhóm sáu nước nhận Viện trợ An ninh Chính thức năm 2024.

Tiến sĩ Nagao Satoru chỉ ra rằng việc tăng cường viện trợ cho Mông Cổ cũng là một hậu quả của cuộc chiến Ukraine. Nếu Nga không xâm lược Ukraine, có khả năng Mỹ - Nhật và Nga sẽ hợp tác chống Trung Quốc. Trong Chiến tranh Lạnh Mỹ - Liên Xô, cả Mỹ và Trung Quốc đã hợp tác với nhau để kiềm chế Liên Xô từ những năm 1970. Một mô hình tương tự có thể xảy ra vào thời điểm ngày nay. Nếu có thể tổ chức được thế trận đó, Mông Cổ là một địa điểm quan trọng phía Bắc để kiềm chế Trung Quốc. Biên giới phía Bắc của Bắc Kinh bằng phẳng và xe tăng dễ dàng chạy tới Bắc Kinh. Đối với an ninh của Trung Quốc, đó có thể là khu vực bị hở sườn. 

Ngoài ra, Mông Cổ còn mong muốn được độc lập trước các cường quốc quá lớn : Nga và Trung Quốc. Do đó, hợp tác Nhật - Mỹ - Mông Cổ có thể giúp đôi bên cùng có lợi.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nagao, sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, dưới sự hợp tác Nga-Trung hiện nay, nền ngoại giao của Mông Cổ bị bao vây bởi cả Nga và Trung Quốc. Mông Cổ khó thể thoát khỏi họ. Mông Cổ mong muốn thoát khỏi tình thế này để độc lập khỏi Nga và Trung Quốc nhưng quyền tự do của họ vẫn bị hạn chế.

Ngay cả trong tình huống hiện nay như vậy, Mông Cổ vẫn rất quan trọng. Ông Nagao Satoru so sánh tầm quan trọng của những nước "chơi với cả hai bên" trong các mối quan hệ cạnh tranh giữa các nước lớn : Trong Chiến tranh Lạnh, Pakistan có quan hệ ngoại giao chính thức với cả Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, vào những năm 1970, Henry Kissinger, Cố vấn An ninh Quốc gia dưới chính quyền của Tổng thống Richard Nixon đã đến thăm Trung Quốc qua ngả Pakistan, bằng cách sử dụng máy bay của Tổng thống Pakistan để sắp xếp chuyến thăm của Tổng thống Nixon tới Trung Quốc. Tương tự như vậy, Mông Cổ có thể đóng vai trò là cầu nối khi nước này có quan hệ với cả hai bên. Và nước này cũng có thể làm cầu nối để Nhật - Mỹ đàm phán với Bắc Triều Tiên. Vì vai trò như vậy của Mông Cổ nên Nhật - Mỹ vẫn nhất quyết duy trì mối quan hệ với nước này.

Một số học giả cho rằng Việt Nam ngần ngại nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ vì Việt Nam là láng giềng của Trung Quốc. Việt Nam cần cẩn thận để không chọc giận Trung Quốc. Vì vậy, Mỹ đề nghị Việt Nam nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược từ năm 2011 nhưng phải đến năm 2023 mới được thăng cấp. 

Tuy nhiên, Mông Cổ là một quốc gia nhỏ với diện tích 1.564.116 km2, dân số chỉ 3,3 triệu người. người và GDP khoảng 17 tỷ USD. Mông Cổ là nước láng giềng phía bắc của Trung Quốc và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Mông Cổ. RFA đặt câu hỏi với Tiến sĩ Nagao Satoru rằng liệu động thái của Mông Cổ có chọc giận Trung Quốc và gây tổn hại đến an ninh của Mông Cổ ? Và các học giả có thể so sánh hai chính sách đối ngoại của Việt Nam và Mông Cổ như thế nào ? Ông Nagao Satoru nhận xét rằng động thái ngoại giao của Mông Cổ và Việt Nam, thậm chí có thể kể thêm cả Ấn Độ trong trường hợp này là giống nhau. Bởi vì Việt Nam, Mông Cổ và Ấn Độ đều có chung một hoàn cảnh, dù giữa họ vẫn có những điểm khác biệt cơ bản.

Tất cả các quốc gia này đều có chung đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc. Để ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc, trước đây cả ba nước đều chọn liên minh với Liên Xô. Đó là điểm giống nhau căn bản của họ. 

Thế rồi sau khi Liên Xô sụp đổ, họ phải đối mặt với một số vấn đề nan giải. Ông Nagao phân thích hai nghịch lý cơ bản mà họ phải giải quyết. 

Vấn đề nan giải thứ nhất là vừa không gây xung đột với Trung Quốc vừa phải né tránh sự cản trở của Trung Quốc không muốn họ tăng cường hợp tác với các đối tác mới. Khi họ hợp tác với các đối tác mới, những sự hợp tác này có thể đẩy Trung Quốc đi quá xa, làm tăng khả năng Trung Quốc gây hấn với ba nước này. Khi Ấn Độ ký kết hợp tác thương mại chính thức với Đài Loan năm 2019 thì sau đó Trung Quốc đã phát động một cuộc xung đột biên giới nhỏ với Ấn Độ. 

Vấn đề nan giải thứ hai liên quan đến Mỹ. Bởi vì mối quan hệ của cả Việt Nam, Ấn Độ và Mông Cổ với Mỹ trước đây không tốt nên họ ngần ngại trở thành đồng minh chính thức của Mỹ. Nhưng nếu họ không phải là đồng minh chính thức của Mỹ thì không có đảm bảo pháp lý nào rằng Mỹ sẽ giúp họ tự vệ.

Tiến sĩ Nagao chỉ ra là trong tình hình như vậy, cả ba nước này đã tiến hành các bước vận động ngoại giao rất thận trọng, chậm rãi nhưng chắc chắn. Cả ba nước đều hợp tác cùng lúc với Mỹ và nhiều đồng minh của Mỹ. Cả 3 nước này đều lo lắng về hợp tác quân sự với Mỹ vì hợp tác quân sự có thể khiến Trung Quốc phản ứng. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của sự hợp tác chậm mà chắc này chính là hợp tác mạnh mẽ hơn và lâu dài hơn với các nước lâu nay đứng về phía Mỹ. Trong tình hình hiện nay, nếu có một quốc gia nào có thể giành chiến thắng nếu bị Trung Quốc xâm lược thì đó là Mỹ và các đồng minh. Vị chuyên gia về an ninh quốc tế ở Hudson Institute nhận xét rằng vì Mỹ có thể thắng nên Mỹ và các đồng minh có thể răn đe Trung Quốc, do đó, nếu Mông Cổ, Việt Nam và Ấn Độ muốn răn đe Trung Quốc để ngăn ngừa chiến tranh từ xa, họ sẽ phải tăng cường hợp tác với Mỹ và các đồng minh.

Nguồn : RFA, 06/09/2023

**************************

Việt Nam sẽ hưởng lợi từ Chương trình Viện trợ An ninh Chính thức của Nhật Bản ?

RFA, 05/09/2023

Trong cuộc họp báo hôm 8/8/2023, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản cho biết Chương trình Viện trợ An ninh Chính thức (OSA) của Nhật Bản năm 2023 đã chọn bốn nước là Philippines, Malaysia, Bangladesh và Fiji. Nhưng sang năm 2024, sẽ có sáu nước nhận được viện trợ từ chương trình này, bao gồm Việt Nam, Philippines, Indonesia, Papua New Guinea, Mông Cổ and Djibouti. 

vietnam2

Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi phát biểu trong hội thảo Bộ tứ tại New Delhi, Ấn Độ ngày 3/3/2023 (Ảnh minh họa) - Reuters

Trả lời câu hỏi của RFA về lý do Nhật Bản chọn 6 nước Philippines, Việt Nam, Indonesia, Papua New Guinea, Mông Cổ và Djibouti để viện trợ an ninh vào năm 2024, Giáo sư Carlyle Thayer ở Đại học UNSW Canberra và Tiến sĩ Nagao Satoru ở Hudson Institute đều cho rằng tất cả đều do lợi ích an ninh của Nhật Bản gắn liền với các nước này. Giáo sư Carlyle Thayer nói an ninh của Nhật Bản đang bị đe dọa bởi sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc, bao gồm các cuộc tập trận trên biển và trên không của nước này nhắm vào Đài Loan, sự xâm nhập liên tục của các tàu hải cảnh trong vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, và sự hợp tác giữa nước này và Nga. Ngoài ra, an ninh của Nhật Bản cũng bị đe dọa bởi các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Ông Carlyle Thayer nhấn mạnh Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và có lợi ích sống còn gắn liền với sự an toàn và an ninh của các tuyến đường vận chuyển toàn cầu đi qua Biển Đông và Ấn Độ Dương. Và an ninh của Nhật Bản cũng bị đe dọa bởi nạn cướp biển ngoài khơi vùng Sừng Châu Phi.

Nhật Bản có lợi ích sống còn trong việc ngăn chặn Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế để cô lập nước này. Chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản là chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách hỗ trợ các quốc gia chủ chốt trong vùng xây dựng năng lực để họ có thể hành động độc lập.

Nhật Bản cũng có lợi ích quốc gia quan trọng trong việc duy trì liên minh với Hoa Kỳ, vượt ra ngoài phạm vi phòng thủ quân sự, mà đi đến cả những vấn đề khác, như thúc đẩy năng lực quản trị quốc gia tốt và phát huy giá trị dân chủ giữa các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chính những lo ngại về an ninh này mà Nhật Bản đang cố gắng giảm thiểu các nguy cơ bất ổn trong khu vực bằng cách cung cấp Viện trợ An ninh Chính thức cho Philippines, Việt Nam, Indonesia, Papua New Guinea, Mông Cổ và Djibouti.

Tiến sĩ Nagao Satoru cho rằng Nhật Bản đã rất cẩn trọng nên họ mới chỉ khởi động Chương trình Viện trợ An ninh Chính thức (OSA) trong năm nay chứ không phải sớm hơn. Nhật Bản đã truyền đi thông điệp rõ ràng khi chọn 4 quốc gia để hỗ trợ trong năm 2023 (Philippines, Malaysia, Bangladesh và Fiji), và sáu quốc gia trong năm 2024 (Việt Nam, Philippines, Indonesia, Papua New Guinea, Mông Cổ và Djibouti). Theo Tiến sĩ Nagao, thông điệp thứ nhất cần chú ý là tất cả các quốc gia nhận hỗ trợ đều nằm ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đó là nơi Nhật Bản đang cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc, còn Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia đang phải đối mặt với sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Philippines ngoài vấn đề bảo vệ an ninh trên Biển Đông còn được xem là chìa khóa hỗ trợ cho cuộc khủng hoảng Đài Loan nếu nó xảy ra. Đó là lý do Chương trình Viện trợ An ninh Chính thức (OSA) của Nhật đã tập trung vào Philippines trong cả năm 2023 và 2024. 

Đối với Fiji và Papua New Guinea, Tiến sĩ Nagao giải thích năm 2023, Chương trình OSA chọn Fiji còn năm 2024 chọn Papua New Guinea vì cả hai đều nằm ở khu vực Nam Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc cũng đang mở rộng ảnh hưởng. Giờ đây, Nhật Bản-Mỹ-Úc, Ấn Độ, Anh, Pháp, New Zealand và Đài Loan đang hợp tác với nhau để đẩy lùi ảnh hưởng về mặt tài chính của Trung Quốc.

Đối với trường hợp Bangladesh ở khu vực Nam Á và Djibouti Châu Phi, ông Nagao cho rằng cả hai nước này đều đang đối mặt với bẫy nợ của Trung Quốc. Nhật Bản đều đang cố gắng cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại đây. Ở Bangladesh, trong cuộc cạnh tranh này, Nhật Bản đã giành chiến thắng với dự án cảng Matarbari trước dự án cảng Sonadia của Trung Quốc. Tuy nhiên, do Bangladesh nhập khẩu nhiều vũ khí trong đó có tàu ngầm từ Trung Quốc cho nên Nhật Bản và Ấn Độ vẫn lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc tại Bangladesh. Ở Djibouti, Trung Quốc đã đầu tư hạ tầng và tạo ra một khoản nợ khổng lồ cho nước này. Sau đó Trung Quốc đã mở một căn cứ hải quân lớn. Trung Quốc đang mở rộng căn cứ hải quân này và bến cảng của nó sẽ đủ lớn cho tàu sân bay Trung Quốc trong thời gian tới.

Theo Tiến sĩ Nagao, Mông Cổ và Việt Nam là hai quốc gia sẽ được bổ sung vào danh sách nhận viện trợ trong năm 2024 của Chương trình OSA vì hai nước này có nhiều điểm chung. Giống như Việt Nam, Mông Cổ trước đây lệ thuộc vào Nga. Tuy nhiên, gần đây Mông Cổ cũng muốn độc lập trước cả Nga và Trung Quốc, hai nước có chung đường biên giới rất dài. Vì vậy, Mông Cổ mời nhiều nước phương Tây tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung trên đất của họ. Còn Việt Nam thì vừa là láng giềng của Trung Quốc, vừa chịu sự chi phối của Trung Quốc trong quan hệ thương mại và chịu sự cưỡng bách của nước này trên Biển Đông. 

Vấn đề thứ hai cần lưu ý, theo vị chuyên gia về an ninh quốc tế đến từ Hudson Institute, cả chín nước nhận viện trợ OSA của Nhật Bản năm 2023 và 2024 đều không phải là nước mạnh. OSA của Nhật Bản hiện tập trung hỗ trợ các quốc gia nhỏ hơn (không như Ấn Độ hay Úc, v.v.). Nhật Bản sẽ cung cấp radar, máy bay không người lái, hệ thống thông tin liên lạc và tàu tuần tra cho các nước này. Điều này có nghĩa là OSA của Nhật Bản ở mức độ khá vừa phải về mặt hỗ trợ quân sự, nếu so sánh với việc cung cấp tên lửa, máy bay chiến đấu, tàu hải quân, xe tăng, v.v. Do đó, ảnh hưởng của Chương trình OSA Nhật Bản vẫn còn hạn chế. Đó là lý do tại sao OSA chọn các nước nhỏ không mua thiết bị quân sự quan trọng từ Nhật Bản để hỗ trợ. Vào năm 2023, quy mô của OSA là 2 tỷ yên. Vào năm 2024, nó sẽ là mức 5 tỷ yên. Điều này có nghĩa là số quốc gia có thể nhận OSA bị hạn chế. Nhưng trong tương lai, quy mô sẽ lớn hơn và số lượng quốc gia nhận hỗ trợ sẽ nhiều hơn. 

Tiến sĩ Nagao cho biết Nhật Bản sẽ thành lập cơ quan chịu trách nhiệm cho Chương trình OSA. Hiện nay, ODA (Viện trợ Phát triển Chính thức) đã có JICA là tổ chức chịu trách nhiệm. OSA (Viện trợ An ninh Chính thức) cũng cần một tổ chức tương tự như JICA nếu OSA sau này trở nên lớn hơn, còn bây giờ chỉ là sự khởi đầu. Nhưng một khi Nhật Bản thiết lập một tổ chức như vậy, nếu nó hoạt động tốt và quy mô ngân sách đủ lớn, Chương trình OSA sẽ có ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong trường hợp này, Việt Nam sẽ là một trong những nước được hưởng lợi từ chương trình.

Nguồn : RFA, 05/06/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 416 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)