Để giải quyết tình trạng lụt lội trên phố vào mùa mưa, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đồng ý cho lắp thử nghiệm hệ thống máy bơm thông minh công suất lớn do một công ty công nghiệp trong nước sản xuất.
Đường phố Hà Nội ngập nước sau trận mưa lớn vào ngày 8 tháng 8 năm 2013. AFP photo
"Không hết ngập không lấy tiền"
Theo chấp thuận của bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và các viên chức lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh hôm 24 tháng Sáu, một hệ thống máy bơm nước thông minh do Tập Đoàn Công Nghiệp Quang Trung chế tạo sẽ được lắp ráp và đưa vào thử nghiệm trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh quận Bình Thạnh, nơi thường xuyên ngập lụt khi có mưa lớn hay triều cường.
Với cam kết "không hết ngập không lấy tiền", tổng giám đốc Tập Đoàn Công Nghiệp Quang Trung, ông Nguyễn Tăng Cường, cho biết hệ thống máy bơm thông minh này có công suất từ 27.000 đến 96.000 mét khối/giờ, hoạt động hiệu quả ngay cả khi trong nước có lẫn rác và bùn đất, chưa kể chi phí thấp và mang lại hiệu quả tức thời :
Chúng tôi nghiên cứu cái này cách đây 7 năm, làm đi làm lại nhiều lần cũng không đạt yêu cầu, sau đó cứ hoàn thiện dần và cuối cùng thanh công. Chúng tôi đưa xuống dưới sông để thử nghiệm thì rất cả các yêu cầu kỹ thuật đều đạt. Bơm này có cả thiết bị tách và lọc rác ra nữa nên cũng góp phần bảo vệ môi trường và làm giảm đi lao động cực nhọc của công nhân đô thị.
Tách các tạp chất ra một cách tự động cũng là một trong những công năng của bơm thôi, còn bơm của chúng tôi bơm được trong tất cả mọi điều kiện, kể cả khi nước thủy triều có cao hơn nước trong cống thì bơm vẫn hoạt động được, nước thủy triều vẫn không lọt được vào bên trong cống. Đấy là những công dụng mà qua một thời gian nghiên cứu thực tế thì chúng tôi mới có được những ý tưởng và những sáng tạo đó.
Được hỏi bằng cách nào ông thuyết phục lãnh đạo thành phố cho thử nghiệm máy bơm của Tập Đoàn Công Nghiệp Quang Trung, ông Nguyễn Tăng Cường trình bày tiếp :
Thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm nay lụt lội do nguyên nhân chính là cốt nền của nó rất thấp, chỉ quân bình 1 mét rưỡi thôi, nên tất cả các cống hiện hữu đấy thì độ dốc thủy lực của nó rất nhỏ nên nước không thoát được dẫn đến lụt. Rất nhiều các chuyên gia đưa ra những giải pháp, nào là lắp van một chiều rồi dùng những cái bơm nước thông thường để bơm. Nhưng mà những bơm đó không phù hợp vì bên trong cống rất nhiều tạp chất, độ nhớt rất đậm đặc, bơm bình thường đưa vào dễ bị kẹt và bị cháy bơm, thậm chí không khí lọt vào buồng bơm thì bị "air bơm", nên là trong lúc cần tiêu thoát nước thì lại bị hỏng bơm, dẫn đến tình trạng ngập lụt.
Còn trong trường hợp thay cống to lên rồi đặt cống bằng với cốt đường thì nước ngoài sông lại chảy vào. Còn nếu nâng cống cao lên thì phải đầu tư thêm mặt đường ở đấy nữa. Thế là vừa thay cống vừa thay đường cũng ảnh hưởng rất nhiều đến các hạ tầng chung quanh nữa, rất là tốn kém.
Ở thành phố Hồ Chí Minh hay có những trận mưa liên tục rất lớn, triều cường hiện nay cũng liên tục mà cũng từ tháng Tám cho đến tháng Mười Một, tất cả các cống xây mới đặt vào thành phố Hồ Chí Minh đều không có hiệu quả.
Sau khi nghe chúng tôi trình bày công nghệ mới rất cần thiết để áp dụng cho thành phố Hồ Chí Minh thì thành ủy và đồng chí phó chủ tịch đã cho lắp bơm của đơn vị chúng tôi. Chắc chắn sau mùa mưa này có lẽ thành phố sẽ chứng kiến hiệu quả của bơm này.
Liệu có hiệu quả ?
Một công viên ở Hà Nội bị ngập nước sau mưa lớn vào ngày 8 tháng 8 năm 2013. AFP photo
Ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải thành phố Sài Gòn, nói với báo chí là để bảo đảm tính khả thi của dự án máy bơm nước thông minh này, Sở Giao Thông Vận Tải đã hỏi ý kiến các chuyên gia và các khoa học gia mà kết quả chung là hầu hết đều tỏ ra tin tưởng vào khả năng chống ngập của thiết bị bơm do Tập Đoàn Công Nghiệp Quang Trung sản xuất.
Tuy nhiên, thạc sĩ Hồ Long Phi, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Nước Và Biến Đổi Khí Hậu, nguyên phó Ban Điều Phối Chống Ngập thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu một cách dè dặt rằng bất kể loại bơm nào và công suất lớn cỡ nào thì cũng gặp phải nhược điểm là không thể hút nước kịp. Ông nhấn mạnh rằng máy bơm nước ngập chỉ giải quyết hậu quả chứ không giải quyết được nguyên nhân :
Năng lực hút của máy bơm bị giới hạn bởi năng lực thoát nước của cống. Cống rất nhỏ thì nước không thoát kịp thì máy bơm cũng không hút được bao nhiêu hết. Nếu có thể tăng được công suất hút lên nhưng kết quả tính toán thì cũng chỉ tăng khoảng 20% thôi. Nói cách khác nó cải thiện phần nào tình trạng úng ngập nhưng đảm bảo hoàn toàn thì chắc chắn là không đạt. Những trận mưa mà lớn cở 120 milimét trở lên thì chắc chắn cũng sẽ ngập thôi.
Bài toán ngập nước là bài toán cân bằng giữa vào và ra, dùng bơm công suất bao nhiêu đi nữa thì cũng chỉ đạt ngưỡng trên cùng của nó là khả năng nước có về được hay không để mà hút chứ không phải bơm lớn bao nhiêu. Thực sự giải pháp bơm cũng có hiệu quả trong chừng mực nào đó để giải quyết tình trạng cấp bách hiện tại, thành ra cái gì áp dụng được cũng nên áp dụng bởi vì biện pháp lâu dài thì còn lâu lắm.
Có sản phẩm khoa học công nghệ mới như hệ thống máy bơm thông minh chống ngập thì cứ phải thử nghiệm xem kết quả tới đâu, vấn đề là chưa có hệ thống cống bao quanh thành phố để ngăn nước vào mà nói chuyện bơm ra thì không thực tế, là lời phó giáo sư tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Trung Tâm Công Nghệ Môi Trường thành phố Hồ Chí Minh :
Không mất gì thì cứ cho làm thử, mà thử thì tôi nghĩ sẽ không hiệu quả. Nguyên nhân gây ngập thành phố thứ nhất là mưa, thứ hai là triều cường và thứ ba là nước xả lũ ở thượng nguồn từ các đập thủy lợi đổ về. Đầu tiên muốn bơm ra thì phải bao bọc thành phố Hồ Chí Minh bằng bằng hệ thống cống để nước không tự động vào được nữa đúng không ?Cho nên bơm chỉ hiệu quả khi nào chúng ta có hệ thống cống bao quanh thành phố, lúc đó cứ mưa xuống thì ta có hệ thống bơm ta bơm ra thì mới có hiệu quả. Chưa có hệ thống cống bao bọc để chống triều vào chống lũ thượng nguồn vào thì chả tác dụng gì, bơm ra chỗ này nó lại vào chỗ kia. Thành phố Hồ Chí Minh 2000 cây số vuông rồi thì hệ thống cống tùm lum như thế cả thì hàng chục cái máy bơm cũng chẳng giải quyết được.
Dựa trên số liệu đo đạc chính thức và cập nhật thì thành phố Hồ Chí Minh có 66 điểm mà tình trạng ngập úng càng ngày càng gia tăng, trong đó trên 40 điểm tại các Quận Một, Quận Hai, Quận Thủ Đức, Khu Nhà Bè chẳng hạn thường xuyên bị ngập nặng. Quyết định lắp đặt thử nghiệm hệ thống máy bơm nước khỏi thành phố dù mạnh thế nào đi nữa cũng chỉ là biện pháp giải quyết cấp thời chứ không được gọi là lâu dài, phó giáo sư tiến sĩ Phùng Chí Sỹ kết luận.
Nhưng vẫn theo ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải thành phố, bằng vào những thành tích và những sản phẩm khoa học công nghệ mà Tập Đoàn Công Nghiệp Quang Trung đạt được trong thời gian qua, người ta có thể tin tưởng các thiết bị chống ngập bằng máy bơm ly tâm để bơm hút nước ra khỏi thành phố sẽ mang lại kết quả khả quan. Ông nói hệ thống bơm hút ly tâm tự động này có thể được điều khiển từ xa, có khả năng đẩy nước chảy xa tới 10 kilômét mà không thể dội ngược lại do được trang bị van một chiều.
Ông Nguyễn Tăng Cường cho biết nếu thử nghiệm thành công thì thành phố sẽ ký với Tập Đoàn Công Nghiệp Quang Trung qua một hình thức hợp đồng công để tiến hành lắp ráp những hệ thống máy bơm thông mình chống ngập cho thành phố trong tương lai.
Thanh Trúc, phóng viên RFA