Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

08/09/2023

Đổi tên gọi có đủ bảo đảm tính độc lập của tòa án ?

RFA tiếng Việt

Dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi đề xuất tòa án nhân dân phúc thẩm thay cho tòa án nhân dân cấp tỉnh ; tòa án nhân dân sơ thẩm thay cho tòa án nhân dân cấp huyện.

toaan0

Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội. AFP Photo

Tại phiên họp thẩm tra dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi do Ủy ban Tư pháp tổ chức hôm 7/9/2023, Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Nguyễn Văn Tiến cho rằng, đổi tên để thể chế hóa nhiệm vụ ‘bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử’ được đề ra tại Nghị quyết số 27 của Trung ương.

Chỉ đổi tên gọi các tòa có đủ bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử ? Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức Quốc hôm 8/9/2023 nhận định với RFA :

"100 % những người được phong thẩm phán đều là đảng viên Đảng cộng sản, ngoài ra người đứng đầu tòa án ví dụ như tại tòa án nhân dân cấp quận huyện hay tỉnh thành phố, thì họ đều là thành viên huyện ủy viên, tỉnh ủy viên, ở trung ương thì thậm chí là Ủy viên Bộ Chính trị. Cho nên tất cả sự can thiệp của Đảng cộng sản Việt Nam và vấn đề xét xử ở tòa án thì họ hoàn toàn có thể can thiệp được. Ở đây, cho dù họ có đổi tên như thế nào, thì đấy không phải là vấn đề mấu chốt để đảm bảo tính độc lập hay tính công bằng, công lý khi tòa án xét xử bất kỳ một vụ án dân sự, hành chính hay lao động".

Dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi gồm 151 điều được bố cục thành 9 chương ; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều. Trong đó có quy định việc đổi tên tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện như vừa nêu.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 8/9/2023, lại cho rằng nên đổi tên tòa án, ông giải thích :

"Tôi thấy rằng hệ thống tòa án đang đứng trước những thách thức lớn như các vụ tranh chấp ngày càng cao, trách nhiệm ngày càng lớn ; số lượng vụ việc phải giải quyết ngày càng tăng, với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp ; yêu cầu nội luật hóa cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài phát sinh, đây là một vấn đề mới. Thực trạng đó đang đặt ra yêu cầu phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, cho nên mình phải xây dựng tòa án điện tử".

Do vậy theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phải xây dựng hành lang pháp lý phù hợp thông qua việc sửa đổi Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014, pháp luật liên quan và bố trí các điều kiện bảo đảm để các tòa án hoàn thành nhiệm vụ. Để từ đó, nâng cao vị thế, uy tín, tạo điều kiện để tòa án Việt Nam phát triển ngang tầm với trình độ phát triển chung của các tòa án trong ASEAN và trên thế giới. Luật sư Hậu nói tiếp :

"Do đó tôi thấy lần sửa đổi này rất cần thiết, một điểm mới tôi rất quan tâm đó là tòa án nhân dân phúc thẩm thay cho tòa án nhân dân cấp tỉnh và tòa án nhân dân sơ thẩm thay cho tòa án nhân dân cấp huyện. Ví dụ tòa án nhân dân phúc thẩm Hà Nội, tòa án nhân dân sơ thẩm Hoàn Kiếm... Và như vậy sẽ bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử. Việc thay đổi nêu trên không ảnh hưởng đến hoạt động và quan hệ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng. Cũng như một nguyên tắc mà tôi cho rằng góp phần thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử để xây dựng Nhà nước pháp quyền".

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết, ông rất ủng hộ và thấy lần sửa đổi này là cần thiết, vì nó đáp ứng việc cải cách trong vấn đề tư pháp.

Không chỉ mới đây việc thay đổi tòa án được nêu lên... Từ năm 2022 đến nay, hàng loạt đề xuất đã được Tòa án nhân dân tối cao đề xuất thay đổi liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tòa án... Đơn cử như đề xuất kéo dài nhiệm kỳ thẩm phán ; đề xuất bỏ ngạch thẩm phán cao cấp, trung cấp và sơ cấp, hay đề xuất bỏ quy định tòa có quyền khởi tố vụ án hình sự...

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, trong các chế độ độc tài, đặc biệt là ở Việt Nam, các cơ quan như cơ quan điều tra, truy tố, bên kiểm sát hay cơ quan xét xử là tòa án không mang tính độc lập, mà chỉ là công cụ trong tay chế độ cộng sản Việt Nam sử dụng để bảo vệ cho quyền lực tuyệt đối của họ... Ông Đài nói tiếp :

"Cho nên từ xưa đến nay, tòa Việt Nam chưa bao giờ có tính độc lập trong quá trình xét xử bất kỳ vụ án nào. Một ví dụ rất điển hình là hiện nay là cấp tỉnh có Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, ở Trung ương thì có Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương... cho nên hầu hết các vụ án từ cấp tỉnh cho đến cấp trung ương thì phần lớn đến 80% thuộc quyền chỉ đạo của ban chỉ đạo trung ương hay cấp tỉnh về vấn đề tham nhũng. Và đương nhiên cơ quan tỉnh ủy và cơ quan trung ương Đảng cộng sản Việt Nam có quyền can thiệp vào tòa án đó. Ở cấp tỉnh thì do Bí thư Tỉnh ủy đứng trưởng Ban, ở Trung ương là ông Tổng Bí thư".

Theo Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài, với hệ thống tư pháp bị can thiệp như vậy, thì làm sao có thể có tính độc lập được.

Nguồn : RFA, 08/09/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 240 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)