Tòa án Nhân dân tối cao đề xuất đổi tên tòa án cấp tỉnh và cấp huyện với kỳ vọng góp phần thúc đẩy độc lập xét xử.
Cơ quan này đề xuất đổi mới mô hình tổ chức hệ thống tòa án, trong đó đổi tên tòa án nhân dân cấp tỉnh thành tòa án nhân dân phúc thẩm – ví dụ Tòa án nhân dân phúc thẩm Hà Nội ; tòa án nhân dân cấp huyện thành tòa án nhân dân sơ thẩm – ví dụ Tòa án nhân dân sơ thẩm Hoàn Kiếm.
Đề xuất trên của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi đã đề ra mô hình tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, không gắn với địa giới hành chính. Đây là giải pháp căn bản củng cố và bảo đảm cho nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án được tôn trọng.
Có chuyện thật như đùa là ở một số địa phương, lắm khi vui miệng người ta gọi Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh là "sở trưởng", coi Tòa án cũng như một sở trong hệ thống cơ quan hành chính. Trong bối cảnh dính mắc như thế, thực hiện nguyên tắc Hiến định "Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật ; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm" thật nan giải.
Một thẩm phán ở tỉnh Gia Lai kể: Tháng 7-2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật cảnh cáo một ông Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân một tỉnh ở Tây Nguyên vì đã can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Trước đó, trong một vụ án dân sự, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện bồi thường về tài sản của nguyên đơn, buộc bị đơn là một ngân hàng bồi thường 115 tỷ đồng.
Hai tháng sau phiên tòa, ông Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh ký văn bản gửi Tòa án nhân dân tỉnh đề nghị cung cấp bản sao toàn bộ hồ sơ liên quan đến quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm ; Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh và lãnh đạo Tòa án nhân dân đã xét xử sơ thẩm báo cáo quan điểm giải quyết vụ án ; yêu cầu Thẩm phán viết văn bản giải trình. Tòa án và Thẩm phán phải thực hiện theo yêu cầu của ông Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, không dám từ chối.
Sau đó, Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại. Nguyên đơn khiếu nại đến Ban Nội chính Trung ương và Ủy ban kiểm tra Trung ương mới dẫn đến kết quả kỷ luật ông Phó Chủ tịch Hội đồng nân dân tỉnh nêu trên.
"Có nhiều chủ thể, nhiều mối quan hệ có thể tác động đến tính độc lập của Thẩm phán, của Tòa án, đều cần được nghiên cứu tìm ra giải pháp đồng bộ để ngăn chặn. Vụ kỷ luật trên đây là trường hợp can thiệp trái pháp luật của lãnh đạo địa phương vào hoạt động xét xử của tòa án khá điển hình và đã được xử lý công khai, minh bạch, nhưng thực tế chắc chắn còn không ít sự can thiệp khác kín đáo hơn, khó phát hiện hơn vẫn diễn ra ở nhiều tòa án địa phương" – vị thẩm phán của tòa Gia Lai nhận xét.
Theo ý kiến của vị thẩm phán trên, thì dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi đã đề ra giải pháp khắc phục triệt để mối dính mắc triền miên đó, bằng mô hình tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không gắn với địa giới hành chính. Khi Tòa án không nằm trong hệ thống cơ quan nhà nước tại địa phương thì chắc chắn không có vị lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện nào có thể can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án như ông Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nọ.
Tuy nhiên ở đây có ít nhất một thắc mắc mà phương án thay đổi trên cho đưa ra được câu trả lời, đó là việc đổi tên Tòa án nhân dân cấp tỉnh và huyện trong khi thẩm quyền về địa hạt tư pháp và xử lý vụ án, vụ việc cơ bản vẫn giữ nguyên sẽ không giải quyết được triệt để nguyên tắc bảo đảm tính độc lập của tòa án.
Đặc biệt, sự thay đổi này sẽ dẫn đến phải sửa đổi các văn bản pháp luật lớn về tố tụng như bộ luật Tố tụng hình sự, bộ luật Tố tụng dân sự, luật Tố tụng hành chính… ; và có thể xảy ra vướng mắc về sự tương thích với mô hình, tên gọi, hoạt động của cơ quan điều tra và viện kiểm sát cùng cấp đang vẫn thực hiện nhiệm vụ theo địa giới hành chính.
"Quốc hội đã có nghị quyết cho phép được sai 1,5%, nghĩa là trong 600.000 vụ án thì có 9.000 vụ được phép sai do lỗi chủ quan (không phải do giả mạo hồ sơ, cố ý làm sai)..."
Ông Mạnh không phải là trường hợp duy nhất và chắc chắn chưa phải là trường hợp cuối cùng. Ngay vào lúc này vẫn còn hai tử tù mà hiếm có ai tin rằng họ có tội : Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Hình minh hoạ.
Bất kể công chúng cả trong lẫn ngoài Việt Nam phản ứng thế nào, những cá nhân và cơ quan hữu trách ở Việt Nam vẫn không thèm lên tiếng về việc thi hành án tử hình ông Lê Văn Mạnh.
Ông Mạnh, 41 tuổi, ngụ tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đã bị tiêm thuốc độc vào sáng 22/9/2023 theo bản án chung thẩm mà Tòa Phúc thẩm của Tòa án Tối cao tại Hà Nội tuyên vào tháng 11/2008. Tóm tắt niên biểu mà tạp chí Luật Khoa đã lập thì...
Tháng 3/2005, tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa có một bé gái 14 tuổi bị giết. Công an cho biết, trước khi bị giết, nạn nhân đã bị cưỡng hiếp. Tháng 4/2005, Công an Thanh Hóa bắt ông Mạnh theo lệnh truy nã của Công an Đồng Nai vì "cướp tài sản".
Ba ngày sau khi bị bắt, ông Mạnh "viết thư" gửi cho cha, kể rằng chính ông đã giết bé gái. Do có một phạm nhân bị giam chung "tố cáo", Công an Thanh Hóa đã tịch thu "thư" này và dùng "thư" đó để buộc ông Mạnh là thủ phạm vụ "hiếp dâm" và "giết người".
Tháng 7/2005, ông Mạnh bị đưa ra xét xử sơ thẩm với ba tội là "cướp", "hiếp dâm" và "giết người". Tòa án tỉnh Thanh Hóa phạt ông Mạnh "tử hình". Tuy nhiên bản án bị Tòa Phúc thẩm của Tòa án Tối cao tại Hà Nội hủy kèm lệnh phải điều tra lại.
Tháng 3/2006, Tòa án tỉnh Thanh Hóa đưa ông Mạnh ra xét xử sơ thẩm lần thứ hai. Tòa vẫn xác định phải "tử hình" ông Mạnh. Khi xét xử phúc thẩm lần thứ hai, Tòa Tối cao đồng ý với Tòa Thanh Hóa.
Thế nhưng Viện Kiểm sát Tối cao không đồng ý. Tháng 4/2007, nơi này đề nghị Tòa Tối cao giám đốc thẩm, hủy cả bản án sơ thẩm thứ hai lẫn bản án phúc thẩm thứ hai vì có nhiều sai sót, mẫu thuẫn khi điều tra và kết luận ông Manh "hiếp dâm", "giết người".
Tháng 6/2007, Tòa Tối cao tiến hành giám đốc thẩm vụ án Lê Văn Mạnh và tuyên bố hủy cả bản án sơ thẩm thứ hai lẫn bản án phúc thẩm thứ hai. Hồ sơ vụ án được giao cho Viện Kiểm sát điều tra lại.
Tháng 8/2008, Tòa án tỉnh Thanh Hóa đưa ông Mạnh ra xét xử sơ thẩm lần thứ ba và vẫn xác định ông Mạnh đã "hiếp dâm", "giết người" nên phạt "tử hình". Khi xét xử phúc thẩm lần thứ ba, Tòa Tối cao đồng ý (1).
Tính đến thời điểm đó, vụ án Lê Văn Mạnh "hiếp dâm", "giết người" được đưa ra xét xử... bảy lần. Trừ Tòa Thanh Hóa khăng khăng cho rằng ông Mạnh phạm tội và cần "tử hình", Tòa án Tối cao dùng dằng, không mạnh dạn xác định ông Mạnh thật sự có tội. Đó là lý do phiên xử phúc thẩm lần một đã hủy bản án sơ thẩm thứ nhất và lúc xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, cũng Tòa Tối cao tuyên hủy cả bản án sơ thẩm thứ hai lẫn bản án phúc thẩm thứ hai.
Không chỉ có Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát Tối cao cũng dùng dằng với việc xác định ông Mạnh phạm tội, bởi vậy mới kháng nghị, đề nghị Tòa Tối cao xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, hủy cả bản án sơ thẩm thứ hai lẫn bản án phúc thẩm thứ hai.
Sự dùng dằng ấy phát xuất từ việc dường như ông Mạnh ngoại phạm (vào thời điểm nạn nhân bị giết, ông đang giúp em gái dọn nhà). "Thư nhận tội" - bằng chứng được dùng để cáo buộc ông Mạnh "hiếp dâm", "giết người" – không chỉ phi logic (chỉ ba ngày sau khi bị tạm giam để điều tra ông Mạnh đã có thể viết thư gửi gia đình) mà còn là dấu hiệu của tra tấn, ép cung (ngoài tố cáo của ông Mạnh còn một số nhân chứng khác cho biết, công an đã dùng phạm nhân tra tấn nghi can, ép nghi can viết thư nhận tội).
Chưa kể, công an chỉ khăng khăng khẳng định quần áo rách thu được tại hiện trường là vật chứng và không làm gì thêm, cho dù nhiều người khẳng định, ông Mạnh đã tham gia lặn – tìm xác nạn nhân và cởi bỏ, vứt lại quần áo bị rách...
***
Tháng 10/2015 – bảy năm sau khi Tòa Phúc thẩm của Tòa án Tối cao tại Hà Nội công bố phán quyết phúc thẩm lần thứ ba, đồng thời cũng là chung thẩm, xác định ông Mạnh cần bị "tử hình" - Tòa án tỉnh Thanh Hóa thông báo cho gia đình ông Mạnh rằng họ sẽ thi hành bản án này và cha mẹ ông Mạnh có thể làm đơn xin nhận thi thể ông Mạnh, nhiều luật sư – trong đó có những người từng bào chữa cho ông Mạnh - đã đề nghị Chủ tịch Nhà nước hoãn thi hành bản án.
Một số tổ chức quốc tế như Ân xá Quốc tế, Ủy ban Luật gia Quốc tế cũng gửi thư, đề nghị ông Trương Tấn Sang – khi ấy là Chủ tịch Nhà nước – ra lệnh hoãn thi hành bản án tử hình ông Mạnh.
Chánh án Tòa án Thanh Hóa cho biết đã hoãn thi hành bản án. Chánh án Tòa án Tối cao ra lệnh rút toàn bộ hồ sơ vụ án liên quan đến ông Mạnh về để xem xét lại toàn bộ vụ án. Thậm chí có tin là một nhóm công tác liên ngành tư pháp đã được thành lập để "rà soát vụ án". Tất cả những diễn biến này kéo dài suốc từ cuối năm 2015 đến cuối năm 2016 và chỉ như thế mà thôi, không có thêm bất kỳ thông tin nào khác. Lê Văn Mạnh tiếp tục bị biệt giam, cả ông lẫn thân nhân không rõ số phận của ông sẽ được định đoạt thế nào.
Thêm sáu năm nữa, tháng 9/2022, Chánh án Tòa án Tối cao loan báo Tổ Công tác liên ngành tư pháp đang xác minh đơn kêu oan của tử tù Lê Văn Mạnh và cũng chỉ có thế mà thôi, không có bất kỳ cá nhân hay cơ quan hữu trách nào dám xác định ông Mạnh có tội.
Một năm sau – trung tuần tháng này (18/9/2023) – Tòa án tỉnh Thanh Hóa thông báo cho gia đình ông Mạnh rằng họ sẽ thi hành bản án tử hình. Thêm một lần nữa, thân nhân của ông Mạnh, công chúng, chính phủ nhiều quốc gia như Phái đoàn ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu, Đại sứ quán Anh, Đại sứ quán Na Uy, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế như Ân xá Quốc tế, Ủy ban Luật gia Quốc tế... kêu gọi dừng thi hành án tử hình và điều tra lại tố cáo tra tấn, bức cung ông Lê Văn Mạnh.
Lần này không có bất kỳ hồi đáp nào từ phía các cá nhân và cơ quan hữu trách của Việt Nam. Phản hồi duy nhất là thông báo từ Tòa án tỉnh Thanh Hóa là án tử hình đã đuợc thi hành, ông Mạnh đã được đưa từ Hòa Bình về táng tại Thanh Hóa !
***
Ông Mạnh không phải là trường hợp duy nhất và chắc chắn chưa phải là trường hợp cuối cùng. Ngay vào lúc này vẫn còn hai tử tù mà hiếm có ai tin rằng họ có tội : Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải.
Không cá nhân và cơ quan hữu trách nào tại Việt Nam dám khẳng định việc điều tra, truy tố, kết án Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng là hoàn toàn đúng đắn song cũng không có bất kỳ cá nhân và cơ quan hữu trách nào cho rằng cần phải hủy các quyết định tử hình Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng vì những vi phạm pháp luật trong tiến trình điều tra cả hai vụ án khiến việc đánh giá, nhận định, đưa ra phán quyết về họ không bảo đảm sự khách quan, chính xác.
Nguyễn Văn Chưởng đã bị giam cầm 16 năm còn Hồ Duy Hải thì 15 năm. Gia đình của cả hai đều đã từng được thông báo về việc họ sẽ bị hành quyết nhưng do phản ứng của nhiều người, nhiều giới ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam nên giờ chót, kế hoạch hành quyết bị hoãn, song cả hai vẫn tiếp tục sống mòn, chưa rõ đến lúc nào sẽ được trả tự do, được xin lỗi, được bồi thường như những Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Hàn Đức Long (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận)... hay bị hành quyết như Lê Văn Mạnh.
***
Nếu chấp nhận sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam, đừng mơ công lý. Tòa án tỉnh Thanh Hóa thông báo cho gia đình ông Lê Văn Mạnh về việc sẽ hành quyết ông cùng lúc với việc Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam xem xét Dự luật sửa Luật Tòa án nhân dân. Ngoài việc đổi cách gọi tòa án các cấp, Tòa án Tối cao – nơi soạn và trình dự luật này – muốn rằng: Thẩm phán chỉ chịu trách nhiệm đối với những phán quyết, quyết định sai nếu đó là "lỗi chủ quan".
Theo giải trình của Chánh án Tòa án Tối cao thì cần có quy định như thế về việc truy cứu trách nhiệm của thẩm phán bởiQuốc hội đã có nghị quyết cho phép được sai 1,5%, nghĩa là trong 600.000 vụ án thì có 9.000 vụ được phép sai do lỗi chủ quan (không phải dogiảmạo hồ sơ, cố ý làm sai). Ông Bình nhắc nhở những viên chức cao nhất trong cơ quan lập pháp rằng :Cứ sai là bị kỷ luật hết thì lấy đâu ra người làm việc (2). Khi hệ thống tòa án làm việc cho Đảng thì rõ ràng rất cần phải răn đe Đảng như thế.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 27/09/2023
Chú thích
(1) https://www.luatkhoa.com/2023/09/dien-bien-vu-an-le-van-manh/
Dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi đề xuất tòa án nhân dân phúc thẩm thay cho tòa án nhân dân cấp tỉnh ; tòa án nhân dân sơ thẩm thay cho tòa án nhân dân cấp huyện.
AFP Photo
Tại phiên họp thẩm tra dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi do Ủy ban Tư pháp tổ chức hôm 7/9/2023, Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Nguyễn Văn Tiến cho rằng, đổi tên để thể chế hóa nhiệm vụ ‘bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử’ được đề ra tại Nghị quyết số 27 của Trung ương.
Chỉ đổi tên gọi các tòa có đủ bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử ? Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức Quốc hôm 8/9/2023 nhận định với RFA :
"100 % những người được phong thẩm phán đều là đảng viên Đảng cộng sản, ngoài ra người đứng đầu tòa án ví dụ như tại tòa án nhân dân cấp quận huyện hay tỉnh thành phố, thì họ đều là thành viên huyện ủy viên, tỉnh ủy viên, ở trung ương thì thậm chí là Ủy viên Bộ Chính trị. Cho nên tất cả sự can thiệp của Đảng cộng sản Việt Nam và vấn đề xét xử ở tòa án thì họ hoàn toàn có thể can thiệp được. Ở đây, cho dù họ có đổi tên như thế nào, thì đấy không phải là vấn đề mấu chốt để đảm bảo tính độc lập hay tính công bằng, công lý khi tòa án xét xử bất kỳ một vụ án dân sự, hành chính hay lao động".
Dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi gồm 151 điều được bố cục thành 9 chương ; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều. Trong đó có quy định việc đổi tên tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện như vừa nêu.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 8/9/2023, lại cho rằng nên đổi tên tòa án, ông giải thích :
"Tôi thấy rằng hệ thống tòa án đang đứng trước những thách thức lớn như các vụ tranh chấp ngày càng cao, trách nhiệm ngày càng lớn ; số lượng vụ việc phải giải quyết ngày càng tăng, với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp ; yêu cầu nội luật hóa cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài phát sinh, đây là một vấn đề mới. Thực trạng đó đang đặt ra yêu cầu phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, cho nên mình phải xây dựng tòa án điện tử".
Do vậy theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phải xây dựng hành lang pháp lý phù hợp thông qua việc sửa đổi Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014, pháp luật liên quan và bố trí các điều kiện bảo đảm để các tòa án hoàn thành nhiệm vụ. Để từ đó, nâng cao vị thế, uy tín, tạo điều kiện để tòa án Việt Nam phát triển ngang tầm với trình độ phát triển chung của các tòa án trong ASEAN và trên thế giới. Luật sư Hậu nói tiếp :
"Do đó tôi thấy lần sửa đổi này rất cần thiết, một điểm mới tôi rất quan tâm đó là tòa án nhân dân phúc thẩm thay cho tòa án nhân dân cấp tỉnh và tòa án nhân dân sơ thẩm thay cho tòa án nhân dân cấp huyện. Ví dụ tòa án nhân dân phúc thẩm Hà Nội, tòa án nhân dân sơ thẩm Hoàn Kiếm... Và như vậy sẽ bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử. Việc thay đổi nêu trên không ảnh hưởng đến hoạt động và quan hệ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng. Cũng như một nguyên tắc mà tôi cho rằng góp phần thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử để xây dựng Nhà nước pháp quyền".
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết, ông rất ủng hộ và thấy lần sửa đổi này là cần thiết, vì nó đáp ứng việc cải cách trong vấn đề tư pháp.
Không chỉ mới đây việc thay đổi tòa án được nêu lên... Từ năm 2022 đến nay, hàng loạt đề xuất đã được Tòa án nhân dân tối cao đề xuất thay đổi liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của tòa án... Đơn cử như đề xuất kéo dài nhiệm kỳ thẩm phán ; đề xuất bỏ ngạch thẩm phán cao cấp, trung cấp và sơ cấp, hay đề xuất bỏ quy định tòa có quyền khởi tố vụ án hình sự...
Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, trong các chế độ độc tài, đặc biệt là ở Việt Nam, các cơ quan như cơ quan điều tra, truy tố, bên kiểm sát hay cơ quan xét xử là tòa án không mang tính độc lập, mà chỉ là công cụ trong tay chế độ cộng sản Việt Nam sử dụng để bảo vệ cho quyền lực tuyệt đối của họ... Ông Đài nói tiếp :
"Cho nên từ xưa đến nay, tòa Việt Nam chưa bao giờ có tính độc lập trong quá trình xét xử bất kỳ vụ án nào. Một ví dụ rất điển hình là hiện nay là cấp tỉnh có Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, ở Trung ương thì có Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương... cho nên hầu hết các vụ án từ cấp tỉnh cho đến cấp trung ương thì phần lớn đến 80% thuộc quyền chỉ đạo của ban chỉ đạo trung ương hay cấp tỉnh về vấn đề tham nhũng. Và đương nhiên cơ quan tỉnh ủy và cơ quan trung ương Đảng cộng sản Việt Nam có quyền can thiệp vào tòa án đó. Ở cấp tỉnh thì do Bí thư Tỉnh ủy đứng trưởng Ban, ở Trung ương là ông Tổng Bí thư".
Theo Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài, với hệ thống tư pháp bị can thiệp như vậy, thì làm sao có thể có tính độc lập được.
Nguồn : RFA, 08/09/2023
Trương Quốc Cường, buồng cau và con vịt
Trân Văn, VOA, 24/05/2022
"Truyện cười nước Việt" mà Lê Đức Dục nhận được không có chữ nào chỉ là tấm ảnh, chụp lại tin "Cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường bị phạt bốn năm tù" đặt cạnh hai tin "Trộm sáu buồng cau đổi án sáu năm tù" và "Một thanh niên lãnh bảy năm tù vì bắt một con vịt về nhậu".
Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường tại phiên xử.
Không ít người sửng sốt khi Tòa án thành phố Hà Nội tuyên phạt ông Trương Quốc Cường – cựu Thú trưởng Y tế - bốn năm tù vì "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ cấp giấy phép cho VN Phama "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" !
***
Phiên xử ông Cường và 13 bị cáo khác liên quan đến vụ VN Pharma "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" diễn ra trong tám ngày. Trong tám ngày đó, đã có rất nhiều người ôn lại vụ VN Pharma và rủa ông Cường.
Ví dụ Mai Bá Kiếm :Hổm rày, thấy hình Trương Quốc Cường lấy áo che mặt và che còng khi bị giải ra tòa mà ứa gan, tràn mật ! Che đậy tội ác là bản chất cố hữu của ba con "tắc kè" : Trương Quốc Cường, Cao Minh Quang và Nguyễn Thị Kim Tiến !
Ông Kiếm tóm tắt tại sao ông xem cả ba viên chức y tế cao cấp đã gây "tội ác" : Một quyết định của Thủ tướng Việt Nam xác định "Thương nhân nước ngoài cung cấp thuốc chưa có số đăng ký nhập khẩu vào Việt Nam phải là các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động tại Việt Nam do Bộ Y tế cấp", nhưng ông Cao Minh Quang đã ký một thông tư gạt bỏ yêu cầu này. Nhờ vậy, mới xảy ra chuyện Helix Pharmaceuticals Inc. ở Canada, không có giấy phép hoạt động tại Việt Nam. Bởi Helix Pharmaceuticals Inc. không có thật nên Nguyễn Minh Hùng (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc VN Pharma) mới làm giả hồ sơ. Để cứu ông Cường và ông Quang, bà Tiến đã cử một phái đoàn sang Ấn Độ xác minh, rồi ra văn bản xác định "lô thuốc H-Capita có nguồn gốc từ Ấn Độ chứ không phải thuốc giả".
Ông Kiếm nhận xét :Lẽ ra, Hội đồng xét xử Nguyễn Minh Hùng phải đề nghị cơ quan điều tra khởi tố Kim Tiến tội "làm giả giấy tờ". Đàng này, Tòa không chấp nhận do không phải là văn bản xác nhận theo yêu cầu của cơ quan tố tụng !
Theo ông Kiếm, nếu ông Quang dùng thông tư tạo khe hở để nhập thuốc giả, không rõ nguồn gốc thì ông Cường ký một thông tư khác để tạo điều kiện nhập thuốc sắp hết hạn sử dụng ! Thông tư này đã mở đường để đưa hai lô vaccine Pfizer vào Việt Nam đúng hai tuần trước khi hết date rồi được Bộ Y tế gia hạn thời gian sử dụng thêm ba tháng (1) !
Thanh Hằng thì ôn lại chuyện công bố Kết luận Thanh tra Bộ Y tế trong vụ VN Pharma :
"Nhớ hồi đó anh chửi bọn báo chí nhiều chuyện và khẳng định "Chờ mà xem, anh chả sai gì !". Bình về điều ông Cường phát biểu khi được phép nói lời cuối cùng, Thanh Hằng viết :Quả là anh Cường tôi vẫn giữ vững bản lĩnh, tính cách như bao năm qua. Thành thật khen anh Cường khi anh đề nghị tòatuyên mức án thấp cho cấp dưới – những người có phần vì anh mà vướng vòng lao lý nhưng tôi ngạc nhiên khi không hề thấy hai từ XIN LỖI trong lời nói cuối cùng của anh. Theo tôi, lẽ ra anh cần phải xin lỗi nhân dân, xin lỗi đồng nghiệp đã vì anh mà vướng vòng lao lý, đặc biệt là xin lỗi những người bệnh ung thư đã dùng phải thuốc giả mà anh phê duyệt cho nhập, những 838.100 hộp thuốc giả.
Ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội ViệtNam nên tổchức khảo sát những bệnhviện đã dùng số thuốc giả để biết có bao nhiêu bệnh nhân phải dùng thuốc này, số người bệnh đã dùng thuốc giả còn sống hay đã mất… Từ đó mới đánh giá được hậu quả của việc buôn bán thuốc giả.Một vi phạm liên quan đến tính mạng, sức khỏe của hàng ngàn, thậm chí, hàng chục ngàn người bệnh, nhưng anh Cường tôi nói là KHÔNG MAY. Ôi, thế thì những bệnh nhân ung thư chết vì điều trị bằng sốthuốc giả do anh cho nhập, rồi biết giả mà không thu hồi, cũng chỉ là KHÔNG MAY thôi ư ? Gia đình những bệnh nhân này, khi biết người nhà chết vì liên quan đến thuốc giả, có đồng ý với anh không ?
Liệu có nên nói là KHÔNG MAY khi anh Cường tôi đã nhận hàng loạt email cảnh báo dấu hiệu thuốc giả nhưng anh tôi đã không cho thu hồi. Trong khi theo quy định, chỉ cần nghi thuốc là giả, nếu không vì quyền lợi nào đó, anh Cường cần phải đình chỉ lưu hành. Còn nữa, anh Cường tôi nói "sai sót xảy ra do làm việc quá tải, cơ sở vật chất thiếu thốn". Rất nhiều người có chuyên môn luôn sẵn sàng thay thế các nhân viên Cục Quảnlý Dược để gánh hộ nỗi vất vả ấy, liệu có được không ?Buồn là đến lúc này, anh Cường tôi vẫn quên rằng đã có nhiều người dùng thuốc mà anh đã duyệt và chết oan uổng để xin lỗi những linh hồn đến lúc cuối đời vẫn bị lừa đảo ấy !Con số 838.100 hộp thuốc ung thư giả thực sự là một con số ám ảnh, anh Cường ạ !"(2).
***
Vụ VN Pharma được phép nhập thuốc giả bùng lên từ giữa thập niên 2010, điều tra đi, điều tra lại rồi xử đi, xử lại nhưng cuối cùng cũng chỉ có các cá nhân làm việc trong những công ty kinh doanh dược phẩm bị phạt tù. Bất chấp thắc mắc, ý kiến của nhiều giới, ông Cường vẫn được cất nhắc - từ Cục trưởng Quản lý Dược được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Y tế, mãi đến cuối năm ngoái, ông mới bị khởi tố nhưng được tại ngoại hậu tra, sau đó mới bị tống giam.
Tuy xác định hậu quả của vụ "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh gây hậu quả rất nghiêm trọng" nhưng khi luận tội, phía kiểm sát chỉ đề nghị phạt ông Cường tử bảy đến tám năm tù. Giờ chót, trước khi Hội đồng xét xử nghị án, phía kiểm sát đột ngột đổi ý, đề nghị chỉ phạt ông Cường từ bốn năm tù đến năm năm tù vì "thành khẩn, ăn năn" và Hội đồng xét xử hoàn toàn nhất trí (3) !
Sau khi bản án được tuyên, có người như Bùi Chí Vinh giận quá, làm ngay một bài thơ với tựa là Luật rừng :
Cựu Thứ trưởng Y tế.
Bị phạt 4 năm tù.
Tội "đặc biệt nghiêm trọng".
Vụ thuốc giả Pharma.
Vừa ăn cướp vừa la.
"Đừng làm tôi đau khổ".
Hung thủ đề nghị Tòa.
Một mức án dễ thở.
Nói không biết mắc cỡ.
Hại hàng trăm ngàn người.
Gây cái chết hàng loạt.
Giờ lại đòi xả hơi.
Vậy mà Tòa vâng lời.
Y chang bốncuốn lịch.
Thời ma quỷ sinh sôi.
Cái ác vui bằng thích.
Xử án như diễn kịch.
Ăn trộm sáu buồng cau.
Bị coi như thù địch.
Chín năm tù thương đau.
Một thanh niên quá nghèo.
Bắt con vịt về nhậu.
Ra Tòa gặp cái eo.
Đúng 7 năm hộc máu.
Còn thằng Thứ trưởng láo.
Ăn bổng lộc triều đình.
Giết người bằng thuốc giả.
Xử như là tôn vinh(4) !
Có người như Lê Đức Dục kể "Truyện cười nước Việt" :Đang buồn bực vụ đường tránh quê nhà và mạng người dân quê bị coi rẻ thì thằng em gửi cho cái truyện cười này bảo đại ca đọc đi, mạng người nào cũng là mạng người cả mà, buôn thuốc ung thư giả cũng giết bao nhiêu mạng người đó, án ănthua đâu ! Đại ca buồn làm gì !Thôi thì cười chớ sao giờ !
"Truyện cười nước Việt" mà Lê Đức Dục nhận được không có chữ nào chỉ là tấm ảnh, chụp lại tin "Cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường bị phạt bốn năm tù" đặt cạnh hai tin "Trộm sáu buồng cau đổi án sáu năm tù" và "Một thanh niên lãnh bảy năm tù vì bắt một con vịt về nhậu" (5).
Không phải lúc nào công lý cũng là công minh và công bằng !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 24/05/2022
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/bakiem.mai/posts/1918339345024593
(2) https://www.facebook.com/thanhhang1501/posts/5714928111856664
(4)https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=131777772787763&id=100078666210344
(5) https://www.facebook.com/duc.leduc/posts/10219533051094018
***********************
Gió Bấc, RFA, 22/05/2022
Sau bảy năm phát hiện, điều tra về tội ác tài trời cấp giấy phép để nhập và cho tiêu thụ trong bệnh viện gần một triệu hộp thuốc trị ung thư giả, can phạm Trương Quốc Cường vẫn đường hoàng thăng tiến từ Cục Trưởng lên Thứ Trưởng Bộ Y. Mãi đến sau khi công an khởi tố, Đảng mới ra tay kỷ luật khai trừ. Bộ Y tế mới cách chức. Lẽ ra phải là đồng phạm trong vụ án buôn bán hàng giả là thuốc trị bệnh mà khung hình phạt cao nhất là tử hình, Trương Quốc Cường và các quan chức đàn em lại được Đảng cho tách ra xử riêng với tội danh nhẹ nhàng là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bản án tình cảm chỉ bốn năm tù dành cho y thuận theo ý Đảng nhưng lòng dân thì phẫn nộ. Tiến trình tố tụng và bản án bốn năm tù như cố ý tuyên cáo với nhân dân rằng pháp luật chỉ là để trị dân và bảo kê cho quan chức đến cùng, dù có tham nhũng, giết người cũng chỉ bị xử phạt nhẹ nhàng, tình cảm.
PLO
Dù phiên tòa xử Trương Quốc Cường và đồng bọn diễn ra trong lúc có nhiều sự kiện lớn chi phối như chiến sự Nga xâm lược Ukraine, chuyến đi Mỹ đình đám "mẹ nó, sợ gì" của Thủ Tướng Phạm Minh Chính, SEAGAMES chi phối, nhưng dự luận cộng đồng mạng vẫn sôi sục căm phẫn vì bản án nhẹ như lông hồng đầy tình cảm thương yêu của cả Viện Kiểm sát và Tòa dành cho tên tội phạm từng là Thứ trưởng ngành Y.
Một bức ảnh ghép tít của ba bài báo về ba vụ án được lưu truyền rộng rãi trên mạng kèm theo những lời bình phẩm đau đáu về sự bất công của luật pháp hay nói khác hơn là về sự chập chờn của cái lò trị tham nhũng mà cụ Tổng vẫn luôn tự hào.
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Tuấn, người hết lòng đau đáu với đất nước Việt Nam, vừa hoàn tất chương trình giảng dạy ở Việt Nam đã bình trên Facebook: "Biết rằng công lí ở đâu cũng không hoàn hảo, nhưng những khác biệt về mức phạt ở VN (như so sánh dưới đây) làm cho người bàng quan nhứt cũng thấy khó giải thích, và phải hỏi rằng nền công lí này phục vụ cho ai" (1).
Nhà giáo, Tiến sĩ Chu Mộng Long đi sâu vào hậu quả nghiêm trọng của hành vi tội phạm mà các cơ quan tố tụng không hề xem xét đến.
"Nhập chất độc đầu độc con người, nhập thuốc giả chữa bệnh làm cho người bệnh chết nhanh hơn, tội ác đó ngang hàng tội diệt chủng ! Cứ đến các bệnh viện ung bướu mà xem, bệnh nhân nằm la liệt dưới gầm giường, hành lang, và cứ nhìn vào đời sống của người dân, nguy cơ ung thư đứng hàng đầu thế giới, đủ thấy tội ác của kẻ đứng đầu cái ngành chăm sóc sức khỏe cho toàn dân !
Việt Nam có điều luật lạ lùng : "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" với khung hình phạt nhẹ hơn ăn cắp cái bánh mì hay con vịt.
…Trong khi với tội ác được phân tích trên kia, cùng với thứ lương tâm chỉ biết cho mình và cho gia đình thì có xử mức cao nhất cũng không hết tội.
Ông cựu Thứ trưởng nên nhớ rằng, không có kẻ đứng đầu làm quỷ thì không con ma nào dám lộng hành. Tội "thiếu trách nhiệm" của ông phải nặng hơn tội của đồng bọn"
Dư luận càng phẫn uất hơn trước những lời trí trá, xin giảm án của Trương Quốc Cường cho rằng do kHÔNG MAY phạm tội, do công việc quá nhiều, cơ sở vật chất thiếu thốn. Cường trâng tráo đề nghị " xin quý tòa xem xét mọi khía cạnh, điều kiện sao cho bị cáo có mức án không mang thêm đau khổ cho bị cáo, gia đình bị cáo" (3).
Facebooker Thanh Hằng đã viết status tựa đề "Đã có nhiều người dùng thuốc của ông mà chết oan uổng…" tranh luận với Trương Quốc Cường. Thanh Hằng đã chỉ ra một thiếu sót chết người trong vụ án này không chỉ của Trương Quốc Cường mà còn của cả các cơ quan tố tụng trong xem xét đánh giá về hậu quả của việc đã buôn bán và tiêu thụ hết sạch gần một triệu hộp thuốc trị ung thư giả.
"Tôi thật ngạc nhiên khi qua báo chí tường thuật, không hề thấy hai từ XIN LỖI trong lời nói cuối cùng của anh. Mà theo tôi, lẽ ra anh cần phải xin lỗi nhân dân, xin lỗi đồng nghiệp đã vì anh mà vướng vòng lao lý, đặc biệt là xin lỗi những người bệnh ung thư đã dùng phải thuốc giả mà anh ký duyệt cho nhập, những 838.100 hộp thuốc giả - một con số không hề nhỏ.
Ngành y tế và Bảo hiểm Xã hội VN cũng nên có một khảo sát ở những bệnh viện đã dùng số thuốc giả, để biết có bao nhiêu bệnh nhân phải dùng thuốc này, số người bệnh đã dùng thuốc giả còn hay đã mất… Từ đó mới đánh giá được hậu quả của việc buôn bán thuốc giả.
Một vi phạm liên quan đến tính mạng, sức khoẻ của hàng ngàn, thậm chí, hàng chục ngàn người bệnh, nhưng anh Cường tôi nói là KHÔNG MAY. Ôi, thế thì những bệnh nhân ung thư chết vì điều trị bằng số thuốc giả do anh cho nhập, rồi biết giả mà không thu hồi, cũng chỉ là KHÔNG MAY thôi ư anh? Gia đình những bệnh nhân này, khi biết người nhà chết vì liên quan đến thuốc giả, có đồng ý với anh không?
Liệu có nên nói là KHÔNG MAY khi anh Cường tôi đã nhận hàng loạt email cảnh báo dấu hiệu thuốc giả nhưng anh tôi đã không cho thu hồi. Trong khi theo quy định, chỉ cần có nghi thuốc là giả, thì nếu không vì quyền lợi nào đó, là anh Cường cần phải đình chỉ lưu hành….
Buồn là đến lúc này, anh Cường tôi vẫn quên rằng, đã có nhiều người dùng thuốc của anh mà chết oan uổng, để xin lỗi những linh hồn đến lúc cuối đời bệnh tật vẫn bị lừa đảo ấy!
Con số 838.100 hộp thuốc ung thư giả thực sự là một con số ám ảnh, anh Cường ạ !" (4).
Bệnh ung thư là căn bệnh gây chết người nhưng với khoa học ngày nay bệnh nhân ung thư vẫn có thể thoát khỏi vòng tay thần chết nếu được điều trị kịp thời đúng thuốc, đúng phương pháp. Có bao nhiêu bệnh nhân tử vong vì gần 1 triệu hộp thuốc giả của các bị cáo? Đây là thông tin cần phải làm rõ vì theo điều 194 Bộ Luật Hình sự quy định về tội Buôn bán hàng giả là thuốc trị bệnh thì tình tiết số người chết hoặc bị ảnh hưởng sức khoẻ là yếu tố xem xét định khung hình phạt. Nếu thuốc giả làm hai người chết thì mức án phải từ 20 năm tù đến chung thân tử hình (5).
Rất tiếc, không chỉ Trương Quốc Cường vô tâm ác, cơ quan tố tụng không hề ân hận, xin lỗi những bệnh nhân chết oan, mà các cơ quan tố tụng cũng vô tư chỉ xem xét hậu quả việc bán thuốc ung thư giả về mặt tiền bạc thiệt hại tổn thất. Xem việc Cường bồi thường hơn 1,8 tỉ đồng là hành vi khắc phục hậu quả nên đã tình thương mến thương chỉ phạt nhẹ nhàng bốn năm tù.
Nếu có điều tra xác minh về hậu quả chết người thì khung hình phạt chắc chắn phải khác đi và số tiền 1,8 tỉ đồng không thể nào khắc phục hậu quả gây chết người.
Không điều tra số nạn nhân tử vong do thuốc giả là một thiếu sót chết người trong vụ án này nhưng đâu chỉ có bấy nhiêu, dưới sự lãnh đạo thiên tài của Đảng, trước tội ác tài trời gây thiệt hại cho xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh mạng của biết bao bệnh nhân, việc lôi đồng chí Trương Quốc Cường ra trước vành móng ngựa trải qua biết bao khó khăn chật vật. Thời điểm khởi tố vụ án, đồng chí Cường mới chỉ là Cục Trưởng, tay nhúng chàm quá rõ nhưng Cường được đảng cơ cấu và chính phủ bổ nhiệm làm Thứ Trưởng Bộ Y những năm năm đồng chí mới bị khởi tố, bắt giam.
Điểm lại quá trình tố tụng rối nùi trần ai khoai củ này mới thấy cái tài tình kiên quyết đốt lò, đập chuột không để vỡ bình hay ho đến mức nào.
Năm 2013, Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược đã ký công văn cho VN Pharma nhập khẩu thuốc H-Capita 500mg Caplet. Lô thuốc trị ung thư này đã được xác định là giả nguồn gốc xuất xứ, không được dùng chữa bệnh cho người.
Ngày 19/9/2014, Tổng Giám Đốc VN Pharma bị khởi tố, bắt giam vì... "buôn lậu" và "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức". Tiếp đó nhiều cán bộ nhân viên công ty này bị khởi tố bắt giam
Ngày 16/11/2016 Trương Quốc Cường dược bổ nhiệm làm Thứ Trưởng Bộ Y tế
Tháng 8/2017, Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lần thứ nhất.
Tháng 9/2017, Viện Kiểm sát Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị xem xét lại toàn bộ vụ án:thay đổi tội danh từ "buôn lậu" thành "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh". Viện cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Cục Quản lý Dược và khoản hoa hồng mà VN Pharma đã chi.
Tháng 10/2017, Tòa án Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lần thứ nhất và tuyên bố hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Tháng 7/2019, lãnh đạo và nhân viên VN Pharma bị truy tố lần hai thay đổi tội danh là "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" nhưng các quan chức Cục Quản Lý Dược vẫn bình an vô sự.
Dư luận phản ứng rất mạnh về vai trò quan chức liên quan. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tuyến có em chồng và con trai lãnh lương tại công ty này. Bà Tiến tổ chức đoàn sang Ấn Độ làm hồ sơ bao che cho sai phạm của Cục Quản Lý Dược. Trách nhiệm của cán bộ Cục Quản lý Dược cấp phép trái quy định cho lô hàng giả nhưng vẫn vô tư yên vị.
Tháng 9/2019, Thanh tra Chính phủ chuyển kết luận thanh tra về trách nhiệm của Cục Quản lý Dược trong scandal Pharma cho Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với những đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nhưng cơ quan này vẫn im re.
Cũng trong tháng 9/2019, Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh xử sơ thẩm lần hai vụ VN Pharma với tội danh "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh".
Tháng 10/2019, Cơ quan điều tra khởi tố vụ án "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra ở Cục Quản lý Dược và gọi là "giai đoạn hai" của vụ Buôn bán hàng giả là thuốc trị bệnh. Một cựu Cục phó, một cựu Trưởng phòng, một Phó phòng của Cục Quản lý Dược bị truy cứu trách nhiệm hình sự...Trương Quốc Cường vẫn ngoài vòng tố tụng. Điều đáng nói là tại hai phiên sơ thẩm năm 2017 và 2019, Trương Quốc Cường đều vắng mặt dù được Tòa triệu tập.
Tháng 5/2020, Tòa án Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phúc thẩm lần hai vụ án VN Pharma, tuyên bố giữ nguyên hình phạt mà tòa án cấp sơ thẩm. (6)
Ngày 03/11/2021, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đây là quyết định đột phá hiếm có vì theo quy định của Đảng, chức danh Thứ trưởng của Trương Quốc Cường do Ban Bí Thư, Bộ Chính trị Quản lý, khởi tố thứ trưởng đương chức chưa bị cấp thẩm quyền xử lý về mặt đảng là sai nguyên tắc.
Ngày 19/11 Bộ Chính trị Việt Nam họp, và công bố kỷ luật cảnh cáo, đồng thời miễn nhiệm chức vụ Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương Nguyễn Thị Kim Tiến khai trừ Trương Quốc Cường ra khỏi Đảng.
Một tháng sau Trương Quốc Cường mới bị bắt giam.
Vụ án lẽ ra sẽ không kéo dài đến bảy năm với những thủ tục loằng ngoằng nếu không áp đặt nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện theo điều 4 Hiến Pháp. Nếu các cơ quan tố tụng độc lập xét xử theo quy định pháp luật thì theo kháng nghị của Viện Kiểm sát Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trương Quốc Cường và các quan chức Cục Quản Lý Dược, kể cả cựu Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phải được đưa ra khởi tố, xét xử trong cùng vụ án Buôn ban hàng giả là thuốc trị bệnh chứ không tách thành hai giai đoạn hai vụ á như hiện nay.
Nếu không có ngăn trở, chỉ đạo từ phía Đảng thì vai trò tội phạm cà mức án của các bị cáo cũng khác đi. Người đẹp Kim Tiêm (cựu Bộ trưởng Kim Tiến theo cách gọi của dân mạng) cũng sẽ không thể hạ cánh an toàn vi vu ở chốn trời tây như hiện nay theo lời đồn. Cái lò dựng lên là để đốt củi rừng, với củi nhà dù mục dù tươi có đưa vào lò cũng chỉ là sưởi ấm. Tội danh, mức án tình cảm của Cường các quan tòa chỉ hát theo bai bản có sẵn từ trên đưa xuống, cái mà người quan chuyện bảo là án bỏ túi.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 22/05/2022
Tham khảo :
1. https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1483111145469531
2. https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/5883098005037727
4. https://www.facebook.com/tiengdanbao/posts/377299927749034
5. https://luathoangsa.vn/toi-san-xuat-buon-ban-hang-gia-la-thuoc-chua-benh-thuoc-phong-benh-nd60507.html.
6. https://laodong.vn/phap-luat/khoi-to-thu-truong-bo-y-te-truong-quoc-cuong-970469.ldo
**********************
Việc cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường dính líu đến vụ án buôn thuốc giả công ty VN Pharma mà chỉ bị án bốn năm tù khiến công luận phẫn nộ. Lý do không đồng ý với bản án vì đó là hành vi trục lợi của lãnh đạo ngành y tế trên nỗi đau của những bệnh nhân ung thư.
RFA edited
Chiều ngày 19/5, ông Trương Quốc Cường, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, bị Tòa Hà Nội tuyên bốn năm tù về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada.
Theo bản án, ông Cường là người đồng ý cấp số đăng ký thuốc trong khi hồ sơ không đủ điều kiện. Ngoài ra, sau khi nhận được thông tin cảnh báo về lô thuốc này "không chuẩn", ông Cường cũng không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi hồ sơ cấp số đăng ký thuốc. Hậu quả, hàng triệu hộp thuốc giả được đưa ra thị trường đề điều trị cho người bệnh.
Dư luận phẫn nộ
Ông Lưu Bình Nhưỡng, phó Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hôm 24/5, phát biểu với báo chí Nhà nước rằng mức án như vậy là không có tính răn đe, khiến dư luận bức xúc. Do đó, ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị xem xét lại bản án này.
Theo vị cựu Đại biểu quốc hội này, "Buôn bán thuốc giả là tội ác, nó làm người dân mất niềm tin vào cơ quan bảo vệ chăm sóc sức khỏe, nó đi ngược lại đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước… Việc đề nghị giảm án đã gây sự băn khoăn, bức xúc trong dư luận, cử tri cả nước".
Chị M, sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng bản án này rõ ràng là bất công, đặc biệt đối với vô vàn những bệnh nhân có thể đã vì ông Cường mà khánh kiệt tài sản, chết oan :
"Mình tin rằng đây là một bản án rất bất công. Bao nhiêu gia đình đã là nạn nhân dưới thời của ông này rồi. Người ta đã bị ung thư là đã bước một chân vào cửa tử, tán gia bại sản, làm hết tất cả mọi thứ để mong cứu chữa được mạng sống, nhưng ông lại cướp đi hi vọng của họ.
Bao nhiêu người đã vì ông mà chết oan, vì ông mà mất người thân ? Tội lỗi của ông Cường không thể nào chỉ xét xử trong một bản án bốn năm được ! Thế thì công lý ở đâu ?".
Bác sĩ Đinh Đức Long, nói với RFA rằng vụ án này không chỉ làm dư luận phẫn nộ mà nó có thể gây ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đối với hệ thống Y tế và cả Chính quyền Việt Nam :
"Cái chính là cơ quan quản lý Nhà nước mà không quản lý, lại tiếp tay, thậm chí là người trực tiếp làm việc đó thì trách nhiệm nó lớn hơn so với người bình thường.
Mọi người đều phẫn nộ với việc ấy. Thực ra chuyện thuốc giả này ảnh hưởng tính mạng đến người bệnh, thế rồi còn niềm tin và còn thiệt hại kinh tế cho người ta nữa. Như vậy thì tâm lý chung là ai cũng phản đối.
Thế nhưng tòa có quyền và có lý của người ta. Nếu mình có phản đối thì cũng phải làm theo con đường pháp luật thôi. Ví dụ có thể kháng nghị bản án này. Hay những người nào bị hại trong vụ đấy thì có quyền làm đơn kiện".
Thông tin về vụ việc này được đăng tải trên fanpage của Báo điện tử VTV hôm 19/5, đến này có gần 900 lượt bình luận, rất nhiều trong số đó bày tỏ sự tức giận với việc tòa giảm án dành cho cựu lãnh đạo Bộ Y tế.
Facebooker Trần Hưng bình luận : "Không thỏa đáng. Cái quái gì vậy, như vậy có phải quá nhẹ nhàng ? Luật pháp sao xử kỳ vậy ! Kẻ sát nhân tiếp tay hại hàng nghìn con người vì uống thuốc giả, cướp tài sản, bao nhiêu nước mắt của người dân. Ấy vậy mà bốn năm tù !!".
"Nếu đúng như vậy thì không còn tin vào pháp luật Việt Nam nữa, phải phạt mức án cao nhất mới thỏa đáng" - Người dùng Facebook tên Thùy Dung.
Facebooker Nguyễn Tân Tiến cho rằng : "Án nhẹ quá chắc sẽ còn nhiều Thứ trưởng khác theo anh !".
Ngay sau khi có bản án bốn năm như vừa nên, nhiều người nêu lại trên tài khoản Facebook những bản tin cũ trước đây ‘ Trộm sáu buồng cau, đổi án chín năm tù’, ‘Thanh niên lãnh bảy năm tù vì bắt một con vịt về nhậu’... !
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện ở Hà Nội năm 2017. AFP
Muôn vàn nỗi khổ của bệnh nhân ung thư
Hàng chục năm nay, tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn bị chính báo chí trong nước phanh phui. Đặc biệt ở các bệnh viện lớn, tập trung nhiều ca nặng như Bệnh viện Ung bướu, Chợ Rẫy, Bệnh Viện K Hà Nội…, hình ảnh hai - ba bệnh nhân phải nằm một giường, tràn ra cả hành lan bệnh viện là chuyện không khó tìm kiếm trên các phương tiện truyền thông Nhà nước.
Chị M, cho biết ở Việt Nam, bệnh nhân ung thư khổ vô cùng. Đặc biệt là đối với những gia đình nghèo ở quê lên thành phố chữa trị định kỳ. Mỗi lần như vậy, tiền xe đi lại, tiền nhà trọ, ăn ở trong thành phố và chi phí thuốc men là không hề nhỏ đối với một gia đình thu nhập trung bình ở tỉnh.
Một người quen của chị M, ở Đồng Tháp mắc bệnh ung thư vòm họng giai đoạn hai vào năm 2016, được chỉ định chuyển lên tuyến Ung Bướu ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cả gia đình đã phải bán hai mảnh vườn ở quê để chạy chữa, nhưng sau hơn một năm điều trị, người này đã không thể qua khỏi :
"Bệnh nhân nghèo họ khổ lắm. Bệnh viện Ung Bướu thì luôn ở trong tình trạng quá tải. Bệnh nhân phải nằm tràn ra hành lan, gầm cầu thang…
Những thân nhân của người bệnh ở trong đó cũng rất là đáng thương, họ phải sống nhờ cơm từ thiện hay phải đi xin tiền để chữa trị".
Nguồn : RFA, 23/05/2022
Báo Dân trí đăng tin : Ngày 16/3/2017, Tòa án nhân dân huyện Châu Thành tuyên xử Nguyễn Văn Khang, sinh năm 1997, trú ấp Phước Chung, xã Mong Thọ, 7 năm tù về hành vi "cướp tài sản", là ăn trộm 1 con vịt về nhậu (1).
Không nhận thức đầy đủ về hành vi bắt vịt về làm mồi nhậu của mình là tội "cướp tài sản" nên bị cáo Khang đã nhận 7 năm tù (ảnh minh họa)
Báo Đảng cộng sản, ngày 11/12/2020, viết bài cho biết Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Hà Nội tuyên án 5 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Đức Chung về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước (2). Cạnh đó, ông này còn bị tố cáo những tội như giữ vai trò chủ mưu tham nhũng, buôn lậu ; vi phạm quy định về kế toán, đấu thầu và bảo kê cho gia đình lãnh các gói thầu "ngon ăn" của thủ đô Hà Nội.
Cựu Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị tuyên án 5 năm tù, ngày 11/12/2020.
Quả là éo le cho dân và cho đảng. Khó xử quá, vì giờ đây Đảng cộng sản Việt Nam phải trả lời thế nào cho 90 triệu dân hiểu được thế nào là lòng dân ý đảng, thế nào là sự khác biệt giữa giá trị bí mật Nhà nước và giá trị một con vịt, và thế nào là luật pháp để bảo vệ người dân thay vì hủy hoại đời sống của họ ?
Ở phiên tòa xử Nguyễn Đức Chung, ý đảng thể hiện rõ ràng qua bản án nhẹ hơn gãi ngứa cho một tội lẽ ra phải xử nặng hơn tội ăn cắp 1 con vịt để nhậu.
Ở đây, người viết chưa nói đến điều khoản của luật về tội danh, mà chỉ muốn tập trung đến lý và tình trong hai vụ án kể trên. Nếu xét về mặt giá trị vật chất, tội ăn cắp một con vịt hay mấy ổ bánh mì chả đáng là gì để hưởng hình phạt cao ngất 7 năm tù. Xử như thế khác nào cái tòa, từng một thời bị giai cấp vô sản ầm ĩ lên án, đã xử Jean Valjean (nhân vật chính trong tác phẩm Những Kẻ Khốn Cùng của Victor Hugo) khổ sai, chỉ vì ăn cắp mẩu bánh mì cho mấy đứa cháu đang đói khát. Valjean đã bị tòa ấy xử cho đi tù mọt gông (đúng nghĩa) !
Vậy mà thời nay, luật pháp nghiêm minh của Đảng cộng sản Việt Nam đã xử một người dân 7 năm tù chỉ vì ăn cắp một con vịt. Y hệt phiên tòa đã xử Jean Valjean đã ăn cắp mẩu bánh mì. Bravo ! Vỗ tay hoan hô những đặc tính Công – Chính – Liêm – Minh mà tòa án huyện Châu Thành đã thực hiện "lòng dân", xử phạt người phạm tội ăn cắp con vịt nghiêm khắc như thế, dù người này là một dân đen không biết nhiều về luật.
Nếu xét cả lý và tình thì bản án ấy đã có thời gây xôn xao dư luận. Người dân cho rằng tòa xử quá nặng, thiếu tình người ; còn các đảng viên lại cho rằng tòa án đã không để lọt sàng lọt tội, xét xử khắc nghiệt làm gương cho những ai muốn mưu đồ trộm cắp gây thiệt hại cho người khác phải e dè chùn bước. 7 năm tù chỉ vì trộm một con vịt, biểu tượng cho thứ luật vô cảm thuở xưa, không phù hợp với một thể chế vốn tự xưng danh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Tòa vẫn có thể mở ra cho người trộm vịt cơ hội làm lại cuộc đời, thay vì hủy hoại họ vì bản án thiếu tình người như thế.
Điều đáng lưu ý là khi dân phạm tội, phải chịu những bản án cực kỳ nghiêm khắc, ác nghiệt, chả hề có báo đài nào của đảng lưu tâm. Trong khi đảng viên, quan chức lãnh đạo Nhà nước vi phạm, gây hậu quả gấp trăm ngàn lần một con vịt, lại được tòa xử qua loa, xử kín không cho "dân" biết. Đồng thời, đảng viên được các báo đài của đảng gắng công ra sức gỡ tội cho. Như trường hợp Nguyễn Đức Chung, các báo đảng tranh nhau đăng tải những là : ông này mắc bệnh hiểm nghèo, tâm thần giai đoạn chẩn đoán, sức khỏe kém, phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, nhiệt tình cộng tác, có chiến công vẻ vang v.v… Dân chỉ có trố mắt nhìn mà không hiểu chuyện gì đang xảy ra ?
Đấy là "ý đảng" bừng sáng khi xử 5 năm tù cho một kẻ rành rẽ về luật, là một quan chức cấp cao của Trung ương, gồm đủ lý luận Mác Lê, được các trường quản lý cao cấp Nhà nước, trường Chính trị, trường đảng đào tạo kỹ lưỡng. Thế mà phạm tội chiếm đoạt bí mật Nhà nước chỉ lãnh có 5 năm tù. Vâng, 5 năm cho tội chiếm đoạt bí mật Nhà nước và 7 năm cho tội trộm một con vịt…
Hóa ra ở Việt Nam, bí mật Nhà nước có giá trị kém xa một con vịt. Nếu chiếm đoạt bí mật Nhà nước chỉ nhận bản án kém thua ăn cắp một con vịt những 2 năm, thì nên chăng "lòng" dân cần hiểu "ý" đảng theo kiểu luật chỉ áp dụng cho dân "đen" Nguyễn Văn Khang (người ăn trộm vịt), riêng con "đỏ" Nguyễn Đức Chung (người chiếm đoạt bí mật Nhà nước) vì là đảng viên nên không bị luật chi phối. Xử cho có, xử cho kín và xử cho thỏa lòng đảng, chứ không nhắm thõa mãn lòng dân. Một phiên tòa cấm dân tham gia thì không thể có minh bạch, chính trực và bình đẳng trước luật như bản Hiến pháp Việt Nam thừa nhận.
Tại sao ở Việt Nam tội trộm con vịt, lấy cắp ổ bánh mì, đòi lại nhân quyền, đòi lại đất bị Đảng cộng sản cướp mất, lại chịu những bản án hủy hoại cả cuộc đời người phạm tội ! Đang khi lẽ ra luật phải giúp bảo vệ dân, hướng dẫn họ khi họ không am hiểu luật mà vi phạm hoặc trả lại quyền lợi cho dân theo lẽ công bằng ? Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ, Ronald Reagan, từng nói : "nhiệm vụ của chính phủ là bảo vệ người dân chứ không phải hủy hoại cuộc sống của họ".
Điều này minh chứng luật Việt Nam được ưu ái dành riêng cho nhân dân. Đảng viên đã có "kim bài miễn tử" là thẻ đảng nên càng ngày càng có nhiều đảng viên làm bậy, làm càn, ăn tham uống tạp của dân không từ thứ gì. Mọi lời hứa hẹn dân giàu nước mạnh, dân làm chủ, dân bầu dân cử chỉ là dối trá. Chữ "tín" xem ra quá xa xỉ đối với Đảng cộng sản Việt Nam khi công bố bản Hiến pháp năm 2013 : mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật, dĩ nhiên là ngoại trừ các đảng viên. Các đảng viên có "quyền bình đẳng" ưu đãi hơn dân thường.
Thế nên mới có cái sự hồ đồ, bất minh, bất chính, án oan đầy dẫy ở các tòa án Việt Nam. Việc chạy tội do các thẩm phán, cán bộ tòa án, viện kiểm sát đảm nhiệm, kèm theo những món tiền khổng lồ hầu đổi trắng thay đen các phiên xử án. Giết cụ già Lê Đình Kình chỉ vì mấy chục ha đất ở đồng Sênh, tống giam hàng loạt những người dân oan bị cướp đất ở Dương Nội : Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thị Tâm, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư… (3). Khiến cho "tòa án" ở Việt Nam thường được người dân sửa thành "tà án".
Nó "tà" không chỉ ở sự xét xử bất công, oan khuất mà thêm vào đó, "tà" án Việt Nam là nơi hợp thức hóa tội lỗi của các đảng viên "đã bị lộ". Các tà án này đặc biệt khoan dung, cưng chiều, bảo vệ những kẻ phá hoại đất nước, tham nhũng, ăn trộm ăn cướp hàng chục ngàn tỷ đồng tiền của công, đất đai, tiền thuế nhân dân, như : Tất Thành Cang, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải, Triệu Tài Vinh, Vũ Huy Hoàng v.v… (4), với những hình phạt "cực kỳ nặng nề" và "vô cùng nghiêm khắc" theo kiểu : khiển trách, kỷ luật, phê bình, nghiêm khắc cảnh cáo và… hết thời hiệu. Xong, chấm hết, huề cả làng, đảng vẫn vui, bị can vẫn sống khỏe, hoặc chuyển công tác sang ghế khác, hoặc hạ cánh an toàn ôm núi tiền về làm người "tử tế".
Vì rằng đảng viên "chưa bị lộ" ngồi xử đảng viên "đã bị lộ" nên chỉ giơ cao đánh khẽ, xử theo lệnh anh Ba, anh Sáu hoặc giữ thể diện cho nhau do có ân tình đồng chí, nỡ nào huynh đệ tương tàn. Thành ra trăm dâu đành đổ đầu tằm, đè thằng dân mà xử thật nặng ra vẻ luật pháp nghiêm mình. Chỉ riêng tư pháp, hành pháp và lập pháp đều do đảng cộng sản nắm giữ nên đảng viên được ưu ái.
Trở lại vấn đề con vịt và bí mật Nhà nước, giá trị con vịt ra sao ai cũng đã biết, nhất là khi nó được xếp gọn gàng đẹp đẽ trên dĩa sau khi luộc chín hoặc quay dòn với chén nước chấm thơm phức.
Thế nhưng bí mật Nhà nước là gì mới là điều gây tò mò. Theo Ngô Trường An thì : "bí mật quốc gia là những bí mật mà cả quốc gia đó chẳng ai biết !". Bí mật theo kiểu : Những tử tù khi bị đưa ra pháp trường hành quyết thường bị trói quặt 2 tay ra sau lưng. Nhưng, bằng cách nào anh Nguyễn Văn Trổi lại đưa tay lên giật được tấm vải bịt mắt, còn chị Võ Thị Sáu vẫn đưa tay hái hoa cài lên mái tóc ? Đấy là những bí mật quốc gia được đưa vào sách giáo khoa dạy cho học sinh, sinh viên và cấm nhân dân tiết lộ (5). Hoặc một cách nhìn khác, như của Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc, nói rõ ràng hơn : "Ở Việt Nam, những cái gọi là bí mật quốc gia, phần lớn, đều là những gì ai cũng biết, hơn nữa… lãng nhách" (6).
Quả thế, hiện trạng lộ bí mật Nhà nước ở Việt Nam những năm tháng qua có thể nói là tràn lan và lãng nhách không giống ai. Đan cử trường hợp phóng viên báo Tuổi Trẻ, Lan Anh. Cô bị quản thúc tại nhà, cấm đi ra khỏi nơi cư trú vì công an cáo buộc cô chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước. Tài liệu bí mật ấy là gì ? Thưa là công văn của Bộ Y tế gửi Thủ tướng Chính phủ, đã được chính các quan chức của Bộ Y tế phát ngôn trong một cuộc họp báo công khai trước đó 21 ngày (7). Nguyên do sâu xa vì cô phóng viên này đã dám đấu tranh với Bộ Y tế, để chống lại tình trạng thuốc tây bị Bộ Y nhập khẩu giá rẻ, bán giá trên trời móc túi dân nghèo. Vụ việc sau đấy cũng chìm xuồng, viện kiểm sát đã hủy mọi quyết định cấm rời nơi cư trú và đình chỉ điều tra đối với cô phóng viên này (8).
Một bí mật Nhà nước khác ở Việt Nam là sức khỏe của lãnh đạo (9). Hiển nhiên khi xếp vào hàng bí mật thì không có chuyện dân biết, dân bàn, dân kiểm tra gì cả. Sức khỏe lãnh đạo không ai được phép biết đến để khỏi có lời ra tiếng vào, nhột cho lãnh đạo nếu lỡ nóng sốt, đau bụng nhức chân nằm không yên, hoặc gây dư luận khi vị ấy lỡ vắng mặt thời gian cách bất thường. Nó cũng nhằm tránh nguy cơ đứa đàn em nào đấy tự diễn biến, tự chuyển hóa cướp ghế lãnh đạo gây bất ổn trong đảng chăng ?
Đảng cộng sản Việt Nam đưa ra những loại bí mật mà ở các quốc gia phát triển chả cần giấu diếm chi cho mệt. Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe bịnh viêm đại tràng, ông đã công khai và xin từ chức ; Hoa Kỳ minh bạch hồ sơ sức khỏe của các ứng cử viên tổng thống, chả cần che đậy giấu diếm gì cả. Tổng thống nhiễm Covid-19 là thông báo ngay. Tại sao lại có thứ bí mật Nhà nước về sức khỏe lãnh đạo này ở Việt Nam chứ ? Vấn đề này ai cũng hiểu chỉ lãnh đạo không hiểu, nên đành xếp vào hàng tuyệt mật cho rồi.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng giáo huấn các đảng viên phải tâm niệm rằng : "Lãnh đạo phải biết xấu hổ khi bản thân, người thân tham nhũng" (10). Thế là dân lại có dịp hỏi đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng : ngài có biết xấu hổ khi toàn là đảng viên, thấm nhuần trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, vững vàng trong lý luận Mác – Lê – Mao, được đào tạo trong các trường chính trị cấp cao của Đảng cộng sản Việt Nam trước khi đưa lên làm lãnh đạo… Chính các vị đảng viên này lại là những kẻ tham ô, hối lộ, trộm cướp trắng trợn biết bao tiền của nhân dân không ?
Chưa có câu trả lời, nhưng có thể hiểu : nếu biết, hẳn ngài ấy đã từ chức cho đỡ xấu hổ. Tiếc thay ngài ấy lại không được biết và cứ tưởng "đất nước có bao giờ được như thế này".
Tuy nhiên, lãnh đạo chỉ biết xấu hổ thôi thì chưa đủ. Lãnh đạo khôn ngoan cần biết mau mắn xóa bỏ nguồn gốc gây ra tham ô, hối lộ : là chính hệ thống độc tài toàn trị hàng ngày hàng giờ tàn hại đất nước này. Đáng nói là ở Việt Nam, các quan chức lãnh đạo có quá nhiều "bí mật" khiến cho họ ném chuột sợ vỡ bình, đành để mặc các giá trị bị đảo lộn. Thế là giá trị bí mật quốc gia vẫn tiếp tục bị hạ giá thua cả con vịt.
Hoàng Hoành Sơn
Nguồn : VOA, 14/12/2020
Tư liệu tham khảo :
(2) https://dangcongsan.vn/thoi-su/tuyen-phat-bi-cao-nguyen-duc-chung-5-nam-tu-569731.html
(3) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53160734
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54813935
https://nld.com.vn/thoi-su/bo-chinh-tri-ky-luat-hai-ong-hoang-trung-hai-va-trieu-tai-vinh-20200110171642837.htm
(5) http://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2019/10/bi-mat-quoc-gia-ngo-truong-an.html
(6) https://www.voatiengviet.com/a/tiet-lo-bi-mat-quoc-gia-cong-hay-toi/1850775.html
(7) https://tuoitre.vn/vi-sao-phong-vien-lan-anh-bi-khoi-to-62741.htm
(8) https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien /Đình-chỉ-vụ-án-hình-sự-đối-với-phóng-viên-Lan-Anh %c2%a0 -523993/
Có thể nói quan điểm đường lối kết tội vụ Hồ Duy Hải là một lề lối giải quyết án có tính chất khung, có thể áp dụng trong nhiều vụ án khác. Cho nên nếu nói Hồ Duy Hải bị oan thì chính cái lề lối nhận thức và lối làm án là cái gây oan cho Hồ Duy Hải.
17/17 vị thẩm phán đã biểu quyết tán thành tuyệt đối tỷ lệ 100% cho việc y án tử hình Hồ Duy Hải
Luật sư Ngô Ngọc Trai đưa ra bài bình luận về vụ án Hồ Duy Hải trong bối cảnh những nhận thức cũ mòn của hệ thống tòa án Việt nam.
Ở đây cần thừa nhận một điều là Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao gồm những người có chuyên môn kinh nghiệm xét xử có thể đã thực sự tin rằng việc kết án Hồ Duy Hải có tội là đúng đắn công lý.
Các Thẩm phán đó đã hằn sâu nhận thức về một đường lối làm án, một lề lối nhận thức cũ mòn đã thành thói quen, họ không thấy có vấn đề gì với cung cách đánh giá chứng cứ và kết án như vậy.
Hồ sơ vụ án khi chuyển đến sẽ được thẩm phán nghiên cứu trong vài tháng, khi thấy rằng có nhiều lời khai nhận tội và mọi thứ phù hợp với nhau, thì khi đó đã tạo thành niềm tin nội tâm ở thẩm phán rằng bị cáo có tội.
Vậy giờ đây những người muốn cứu Hồ Duy Hải thì phải cứu bằng cách nào ?
Làm sao để vượt qua được nhận thức đã thành nếp của các thẩm phán ?
Chỉ có một cách, đó là nâng cao tiêu chuẩn xét xử
Tức là đòi hỏi phải nâng cao điều kiện cơ sở kết tội, nhất là án tử hình, yêu cầu phải xác lập được những cơ sở vững chắc cho việc kết tội.
Bằng cách đó một mặt sẽ giữ được thể diện cho ngành Tòa án, động viên họ rằng việc kết tội như đã làm là không sai với những gì đã là truyền thống lâu nay, từ đó tạo khả năng chấp thuận về việc thảo luận và xây dựng một tiêu chuẩn cao hơn cho việc xét xử.
Khi không bị quy trách nhiệm người ta mới có lý do cho sự hợp tác thay đổi.
Rõ ràng là những tiêu chuẩn, quy chuẩn xét xử, lề lối làm án lâu nay, tương thích với một giai đoạn chính quyền chuyên chính, xã hội tương đối lạc hậu, thì cái quy trình tiêu chuẩn đó có môi trường không gian đề tồn tại.
Nhưng khi đời sống kinh tế xã hội đã phát triển, trình độ nhận thức của người dân đã tiến bộ, người dân có ý thức về an ninh an toàn cá nhân và nhu cầu về công lý xã hội, thì sẽ đặt ra đòi hỏi cao hơn ở phía quản lý nhà nước nói chung và công tác xét xử nói riêng.
Không nhận thức ra điều đó ngành Tòa án sẽ lưu giữ những lạc hậu và hành xử lạc điệu với tiến bộ xã hội.
Kết tội chủ yếu do lời khai
Trong vụ Hồ Duy Hải đúng ra cần phải có chứng cứ vật chất, hay nói như ông Lê Minh Trí Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao là phải có chứng cứ trực tiếp mới đảm bảo cơ sở để kết tội.
Ví như đúng ra phải có chứng cứ về vết máu của nạn nhân tìm thấy trên người Hồ Duy Hải, tài sản bị cướp của nạn nhân tìm thấy ở nhà Hải, dấu vân tay của Hải có trên công cụ phương tiện gây án.
Hay như phát hiện mẫu máu của thủ Hồ Duy Hải ở hiện trường, hoặc có nhân chứng nhận ra Hồ Duy Hải hay các dữ liệu camera thu được cho thấy Hồ Duy Hải ở hiện trường hay rời khỏi hiện trường .v.v..
Nếu không có các chứng cứ đó thì không thể kết tội.
Thực tế trong vụ án này chỉ có các chứng cứ lời khai, gián tiếp.
Tòa án dựa vào những cơ sở căn cứ yếu đó để kết tội đã khiến dư luận hồ nghi.
Việc nâng cao chuẩn mực xét xử sẽ đòi hỏi nâng cao tri thức xét xử, và tri thức xét xử là một vấn đề của ngành tòa án lâu nay.
Phía Tòa án cho rằng Hồ Duy Hải có 25 lời khai nhận tội và những lời khai này phù hợp với các chứng cứ khác, nếu không phải là thủ phạm thì không thể biết được.
Nhưng thật ra đó chỉ là 25 biên bản ghi chép lời khai có chữ ký của Hồ Duy Hải mà thôi. Những bản ghi chép đó là những tài liệu xơ cứng khác hoàn toàn với lời khai báo tai nghe mắt thấy trực quan sinh động.
Bản ảnh thực nghiệm điều tra Hồ Duy Hải đang lục ngăn bàn để cướp tài sản. Thế nhưng các dấu tay hiện trường hoàn toàn không phải là của Hồ Duy Hải
Các bản ghi chép lời khai đã qua sự sàng lọc và tác động bởi ý chí nhận thức của nhân viên điều tra nên thành ra sẽ rất khác với lời khai báo thực tế của bị cáo.
Hiện nay Bộ luật tố tụng hình sự mới đã quy định phải ghi âm ghi hình khi hỏi cung. Điều đó mới tạo ra chứng cứ đúng như nguyên nghĩa về lời khai nhận tội, đó là lời nói có âm thanh và hình ảnh nét mặt cử chỉ dáng điệu.
Cho nên cái gọi là lời khai nhận tội lâu nay, nếu là người nước ngoài thì họ sẽ tưởng là lời nói nhận tội, nhưng ở Việt Nam thực ra đó chỉ là các tờ giấy có chữ ký của bị can mà thôi.
Mặt khác, Bộ luật tố tụng hình sự quy định Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Và Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội.
Tức là pháp luật dựa trên kinh nghiệm tư pháp thế giới đã yêu cầu phải nghi ngờ dè chừng với những lời nhận tội của bị cáo.
Vậy 25 lời khai nhận tội kia cứ cho là phù hợp với các chứng cứ khác trong vụ án thì nó cũng chỉ là một chứng cứ buộc tội duy nhất mà thôi. Và theo luật thì không được sử dụng lời nhận tội là bằng chứng duy nhất để kết tội.
Vậy trong vụ án còn có chứng cứ buộc tội nào khác không? Tôi thấy là không.
Vì ngoài chứng cứ lời khai nhận tội của Hồ Duy Hải thì thấy có một nhân chứng khi đến giao dịch buổi tối hôm đó có thấy một thanh niên ngồi ở hàng ghế chờ ngồi nghịch điện thoại, nhưng người đó không quen và không thể khẳng định đó đúng là Hồ Duy Hải.
Hoặc đống tro than đốt ở vườn nhà dì Hải cũng chỉ giám định ra có dấu vết của nhựa và vải, kết quả giám định không khẳng định đó đúng là các Card sim thẻ điện thoại bị lấy mất.
Người có 17 năm tù oan Huỳnh Văn Nén cởi áo trước tòa chỉ ra vết thương do bị tra tấn bức cung, nhưng Hội đồng xét xử đã từ chối xem xét
Tựu chung lại vụ án chỉ có lời khai nhận tội và nếu đánh giá chặt chẽ thì không đủ điều kiện để kết tội theo đúng tiêu chuẩn của Bộ luật hình sự hiện nay.
Cho nên việc nâng chuẩn xét xử giản dị cũng chỉ là đòi hỏi ngành Tòa án phải áp dụng chặt chẽ đúng quy định pháp luật đã có.
Để ý thì thấy ngành tòa án lâu nay có cung cách làm việc xáo mòn đơn điệu, các đánh giá phán quyết chỉ xung quanh các yếu tố về chứng cứ và điều luật.
Trong khi lại rất thiếu các lý lẽ biện giải có tính chất triết lý mà qua đó người dân mong muốn mình bị thuyết phục để rồi đặt để niềm tin công lý vào tầm cỡ của tòa án.
Vụ án Hồ Duy Hải liên quan tới cái chết của hai cô gái và một bản án tử hình, nỗi đau quá lớn đụng chạm tới lương tâm xã hội và chứa đựng trong đó các vấn đề triết lý nhân bản sâu xa. Từ đó đặt ra đòi hỏi về sự xác quyết nhận thức chân lý và thiết lập lại hệ thống quy định pháp luật. Nhưng cách xử lý của Tòa án lại không đáp ứng được kỳ vọng cảm thức công lý của dân chúng.
Cũng không có gì cho thấy ngành Tòa án nhận ra vấn đề nội tại của mình và có kế hoạch cải thiện năng lực, khắc phục sự lạc điệu, đáp ứng với đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.
Tới nay việc xử lý vụ Hồ Duy Hải tiếp theo thế nào sẽ cho thấy các cơ quan nhà nước muốn làm gì với nền tư pháp.
Nếu họ thấy mọi thứ vẫn ổn thì sẽ không có gì thay đổi đối với bản án của Hồ Duy Hải. Còn nếu vì xét đến cảm thức công lý của dân chúng, các cơ quan sẽ phải đánh giá lại vụ Hồ Duy Hải.
Chỉ có một con đường duy nhất để làm việc đó là đòi hỏi phải có bằng chứng vững chắc hơn trong việc kết tội. Nói cách khác là nâng cao tiêu chuẩn xét xử và đặt ra những cải cách sâu rộng đối với ngành tòa án".Luật sư Ngô Ngọc Trai đưa ra kết luận.
Từ Hà Nội, nhà văn Hoàng Quốc Hải lên tiếng : "Không thể câm nín mãi trước bất công và phi lý" !
Không phải mọi người nói Hồ Duy Hải có tội hay không có tội. Vấn đề là ở chỗ bản án được Tòa tối cao xử giám đốc thẩm tuyên tử hình, lại không có bất cứ một vật chứng nào làm bằng cớ, chứng minh cho hành vi gây án của bị án Hồ Duy Hải, thay vào đó dầy đặc những lời cung.
Thẩm phán Lê Quang Hùng, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm xét xử Hồ Duy Hải đã có mặt tại buổi thực nghiệm hiện trường ngày 20/8/2008, mặc dù hồ sơ còn trong tay cơ quan điều tra, chưa đến khâu chuyển giao cho tòa án. Thật kỳ lạ, không ai hiểu nổi vì sao Thẩm phán lại tham gia khâu điều tra cùng với cơ quan công an ? Điều này rõ ràng vi phạm trắng trợn sự độc lập của cơ quan điều tra
Do vậy, bất cứ một người có đầu óc bình thường nào cũng không thể tin được, chứ đừng nói giới luật gia.
Các thành phần xã hội tham gia phản biện như thế tưởng đã quá đủ, bất tất một nhà văn như tôi cần gì phải nói thêm. Bất giác, đọc trên mạng xã hội, thấy mấy dòng chữ đậm đóng khung :
"Cơ quan điều tra khi khám nghiệm hiện trường đã phát hiện cái thớt dính máu nằm cạnh đầu cô Hồng mà Cơ quan điều tra không biết đó là hung khí gây án nên đã không thu giữ. Về cây dao gây án, do sơ suất nên người ta đã vứt đi".
(Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao)
Về nghiệp vụ cán bộ điều tra, thì cán bộ từ cấp xã, phường đều đã được học luật như Luật dân sự, Luật hình sự… nhằm giải quyết các tranh chấp dân sự từ cấp cơ sở.
Công tác điều tra hình sự từ cấp huyện, quận trở lên được xem là nghiệp vụ chuyên trách. Mỗi khi có vụ án xảy ra, việc đầu tiên là cô lập hiện trường, bắt giữ hung thủ, thu thập tang vật, lấy cung những người trực tiếp chứng kiến… Trong trường hợp hung thủ đã tẩu thoát, thì việc giữ nguyên hiên trường, thu thập tang vật là điều tối quan trọng trong nghiệp vụ của cán bộ điều tra.
Vậy mà : "Cơ quan điều tra khi khám nghiệm hiện trường đã phát hiện cái thớt dính máu máu nằm cạnh đầu cô Hồng mà do cơ quan điều tra không biết đó là hung khí gây án nên đã không thu giữ v.v…".
Thế mà đây là vụ án hình sự, giết hai mạng người cùng một lúc với hành vi hết sức dã man. Tất cả đều phơi ra trước hiện trường, nhưng cán bộ điều tra lại vứt hết vật chứng : cái thớt dính máu, chiếc ghế và con dao có liên quan đến việc gây án, kế cả các vết máu… các vật trên đều được gom lại và đều bị vứt đi hết ; đều nằm ngoài hồ sơ vụ án. Nhưng được ông Chánh án Tòa án tối cao biện minh : "Do sơ suất của cán bộ điều tra vì không biết đó là vật gây án". Trong án văn, Chánh án Tòa tối cao Nguyễn Hòa Bình lại nói : "Tuy có sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án". (Vì bản chất của vụ án là phải tìm cho bằng được một người nào đó để giết). Và ông thao thao bất tuyệt đọc như học sinh cấp 1 đọc bài học thuộc lòng trước Hội trường Quốc hội, về các lời khai được cho là của tử tù Hồ Duy Hải nhận tội giết hai cô gái ở Bưu điện Cầu Voi. Ông Nguyễn Hòa Bình cho đó là bằng chứng buộc tội. Và ông kết cho Hồ Duy Hải án tử hình.
Và có kẻ còn đe các đại biểu quốc hội nên thận trọng khi phát biểu kẻo các thế lực thù địch lợi dụng… Tự nhiên tôi chợt nghĩ đến hình ảnh Triệu Cao phát biểu trước triều đình của Tần Nhị Thế (-207 – 163 tr công nguyên) khi y đưa con hươu vào sân triều, nói là con ngựa để tặng nhà vua. Trong khi vua còn ngơ ngác, Triệu Cao chỉ vào con hươu hỏi các quan : Đây là con ngựa đúng không ? Gần hết số các quan có mặt đều đồng thanh đáp : Con ngựa !
Liệu có thể tin được lời ông Nguyễn Hòa Bình nhân danh Chánh án Tòa án tối cao nói không ?
Xin thưa, bất cứ một cán bộ điều tra nào cũng có nghiệp vụ cơ bản. Vậy, điều ông Chánh tòa Nguyễn Hòa Bình nói là không khả tín. Trừ trường hợp chúng ta đang sống vào thời của Tần Nhị Thế.
Song, nếu sự việc xảy ra đúng như ông Chánh tòa tối cao nói, thì nút thắt đầu tiên nằm ở cán bộ điều tra – thủ tiêu tang chứng - đương nhiên là tòng phạm. Tại sao ông Chánh tòa tối cao lại sáng suốt bỏ qua chi tiết này ?
Bên trái là Hồ Duy Hải thực nghiệm hiện trường hành vi giấu con dao gây án với tấm bảng lật mặt phải ra ngoài, bên phải là hiện trường vụ án với tấm bảng quay bề trái ra ngoài. Đây là sự cố ý tạo hiện trường thuận lợi cho con dao vì nếu tấm bảng có mặt trơn quay vào trong thì không có khe để giấu dao. Việc tự ý thay đổi hiện trường vụ án để thực nghiệm điều tra cũng là dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án
Những gì đã được phơi bầy ra trước công luận, thì vụ án này có quá nhiều chi tiết đáng ngờ về phía cơ quan điều tra và cơ quan xét xử.
– Cơ quan điều tra thủ tiêu tang chứng.
– Cơ quan xét xử các cấp từ sơ thẩm, trung thẩm, thượng thẩm và giám đốc thẩm đều nhất trí trọng cung chứ không trọng chứng, và đều thống nhất y án tử hình.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải, 82 tuổi – tác giả của hai bộ Bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ : Bộ "Tám triều vua Lý" gồm 4 tập : viết về nhà Lý từ khi khởi nghiệp đến khi kết thúc (1009–1225) trải dài 216 năm trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Bộ "Bão táp triều Trần" gồm 4 tập : bộ sách liền mạch từ khi nhà Trần ra đời cho đến khi kết thúc sứ mệnh lịch sử 175 năm tồn tại.
Nhân danh một Nhà văn cao tuổi, tôi đề nghị :
1. Điều tra lại vụ án từ đầu, bởi một số thành phần do Uỷ ban tư pháp Quốc hội chỉ định.
2. Quốc hội cho phép một nhóm luật sư do Hội luật gia Việt Nam, tập hợp các luật sư có kinh nghiệm và có trình độ nghiệp vụ, có lương tâm nghề nghiệp, họp thành một nhóm điều tra độc lập trong vụ án Bưu điện Cầu Voi.
3. Phải đưa nhóm cán bộ điều tra vụ án Bưu điện Cầu Voi vào diện điều tra với tội danh tòng phạm trong vụ án giết người này.
4. Phải trả tự do ngay lập tức cho Hồ Duy Hải. Bởi trong cáo trạng đều nêu kẻ giết người đã sờ soạng kích dục nạn nhân, đã bóp cổ nạn nhân, đã cầm hung khí như dao, thớt, ghế đánh vào đầu nạn nhân. Nhưng những vân tay thu được không một vân tay nào trùng hợp với vân tay của Hồ Duy Hải, đó là bằng chứng hùng hồn chứng tỏ Hồ Duy Hải là vô can.
Vả lại :
"Phàm ai bị cáo dưới tội danh gì đều được coi là vô tội cho đến khi tội danh ấy được chứng minh rõ rệt trong một vụ xét xử công khai có đủ bảo đảm cho bị cáo về quyền bào chữa".
(trích Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc công bố ngày 10/12/1948).
Căn cứ vào Tuyên ngôn nhân quyền, quá trình xét xử vụ án Hồ Duy Hải có mấy vấn đề còn chưa ổn:
– Quá trình xét xử và luận tội, Tòa án các cấp đều không dẫn ra được bằng chứng phạm tội của Hồ Duy Hải, mà chỉ căn cứ vào lời cung. Tức là trọng cung hơn trọng chứng. Bởi những gì gọi là chứng, thì cơ quan điều tra đã chủ động thủ tiêu, nhưng được ông Chánh tòa giám đốc thẩm biện minh rằng : "Cơ quan điều tra không biết đó là hung khí gây án nên đã không thu giữ" !
Như vậy Tòa kết án chỉ căn cứ vào CUNG chứ không có CHỨNG. Nhưng cung thì không một ai có thể tin nổi. Vì sự bức cung là một truyền thống đáng kinh ngạc của cơ quan điều tra nước ta. (Nạn nhân của oan sai thì rất nhiều, xin không dẫn thêm vào bài viết này).
– Quá trình tố tụng và xét xử, luật sư bào chữa cho bị can Hồ Duy Hải không được Tòa tôn trọng, không được tham dự và tranh tụng đầy đủ như luật định, mà tùy thuộc vào thẩm phán phiên tòa, lúc cho tham dự, lúc mời khỏi tòa. Vừa đuổi đi hôm trước, hôm sau lại mời lại một cách tùy tiện.
Việc giam giữ công dân vô tội ròng rã 12 năm và khép vào án tử hình, nếu không được thay bằng một vụ án khác có điều tra minh bạch, và trước khi xét xử lại, phải trả tự do ngay cho Hồ Duy Hải; thì còn có cơ hội cứu vãn được nền pháp trị nước nhà. Và rồi vụ xét xử sau, mà có bằng chứng buộc tội Hồ Duy Hải có sức thuyết phục về mặt pháp lý, sẽ được công chúng hoan nghênh.
Còn như bản án giết người không bằng chứng này mà được thi hành, thì nền pháp trị Việt Nam được xem như đã cáo chung, và có nguy cơ, vụ này sẽ là sự mở đầu cho thời kỳ luật rừng lên ngôi".
Nhà văn Hoàng Quốc Hải đưa ra kết luận.
Hoàng Lan (Hà Nội)
Nguồn : Thoibao.de, 28/06/2020
Vụ ấu dâm : Chỉ cần dọa đốt thẻ đảng, dọa tự sát là được giảm án ? (VNTB, 15/05/2018)
Phiên phúc thẩm vào sáng 11/5, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã tuyên bị cáo Nguyễn Khắc Thủy (78 tuổi) 18 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.
Ông Nguyễn Khắc Thủy tại phiên tòa
Ngay lập tức, làn sóng dư luận trên cộng đồng đã bất bình với án mà tòa đã tuyên cho bị cáo Thủy. Đa số đều bất ngờ và không thể tin nổi, tại sao một tòa án nhân dân của một tỉnh lại không bảo vệ được quyền bất khả xâm phạm trẻ em.
Với hành vi dâm ô của bị cáo Thủy, tại phiên sơ thẩm Tòa án nhân dân Thành phố Vũng Tàu, tòa đã kết luận đủ chứng cứ kết thành tội dâm ô, và đã tuyên 3 năm tù giam cho bị cáo Nguyễn Khắc Thủy vì tội dâm ô trẻ em.
Theo đó, tối cùng ngày 17/11, sau khi tòa tuyên 3 năm tù giam, ông Thủy đi ra đường, cầm thẻ đảng của mình ra rồi nói : " Tôi sẽ đốt thẻ đảng rồi tôi tự sát ".
Đây có phải là lý do, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sợ ông Nguyễn Khắc Thủy đốt thẻ đảng và tự sát thiệt, nên mới ra tuyên án theo kiểu cảnh cáo và rút kinh nghiệm như vậy hay không ?
Từ những tố cáo của những phụ huynh có con em bị xâm hại là 9 em.
Tòa phúc thẩm chỉ xác định bị cáo Thủy có hành vi dâm ô với cháu N.N.A.D. (sinh năm 2008). Còn T.H.A. (sinh năm 2003) thì không ? Không hiểu, có luật nào nói tội dâm ô trẻ em từ hai cháu trở lên mới bị tù giam hay không ?
Việc đưa ra tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Thủy, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lý giải rằng :
"Xét thấy bị cáo Thủy tuổi cao sức yếu, là cán bộ đảng viên, có nhiều đóng góp cho địa phương nên quyết định tuyên phạt bị cao Nguyễn Khắc Thủy "Dâm ô với trẻ em" mức án 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo" (theo báo Phụ Nữ).
Vậy thì, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, có khi nào nghĩ tới cán bộ đảng viên thì cần phải gương mẫu, cần phải có nhân cách, đạo đức hơn những người khác hay không ? Nếu có, thì cần phải xử nặng hơn hay chỉ tuyên 18 tháng tù treo cho có, là đã hoàn thành nhiệm vụ của một quan tòa.
Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, có nghĩ tới di chứng tâm lý sẽ để lại cho những đứa trẻ ngây thơ này là như thế nào hay không ?
Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, có khi nào nghĩ tới, với bản án nhẹ tênh như vậy thì sẽ có bao nhiêu trẻ em nữa sẽ bị xâm phạm trong tương lai hay không ?
Quan trọng, thực trạng hiện tại của xã hội, nạn xâm phạm trẻ em đang có dấu hiệu báo động trong thời gian vài năm trở lại đây. Vây sao, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không xem đây là phiên tòa cần phải xử đúng người đúng tội, đúng mức án theo luật, để răn đe và ngăn ngừa cho xã hội.
Tuy người dân hiện tại rất đang thất vọng, nhưng họ vẫn phải hy vọng, vẫn phải chờ một tòa án cao hơn. Một tòa án của lương tri xử đúng theo luật pháp mới xoa dịu được nỗi đau của xã hội ngày nay !
Hải Nguyễn
****************
Xúc phạm Công lý khi tòa nương nhẹ cho Đảng viên ấu dâm (RFA, 14/05/2018)
Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy vốn là một Đảng viên hơn 50 năm tuổi Đảng và từng là cựu lãnh đạo của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, chi nhánh tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Khắc Thủy bị tòa tuyên án 3 năm tù giam đối với hành vi xâm phạm tình dục cùng lúc 4 bé gái vị thành niên tại chung cư Lakesides tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bức hình nhân chứng Vajay (quốc tịch Ấn Độ) chụp bị cáo Nguyễn Khắc Thủy có hành vi dâm ô bé gái ở chung cư. Soha
Mức hình phạt được giảm nhẹ so với mức án được đưa ra tại tòa sơ thẩm khiến gia đình các nạn nhân bức xúc, dư luận xã hội lên án.
Bà Kim Thúy, một Đảng viên nghỉ hưu bày tỏ nỗi thất vọng trước bản án mà bà cho rằng hoàn toàn không thoả đáng.
"Cuộc đời của 4 đứa trẻ sau khi chúng lớn và hiểu được ra chuyện chúng bị xâm hại tình dục đối với bản thân chúng nó, đó là một cái đau đớn mà chúng nó sau này không thể lý giải được đối với tương lai của chúng nó. Dư luận vô cùng bức xúc vì điều đó. Mấy hôm nay vào trang mạng thì thấy người ta phỉ báng, người ta chửi rủa, người ta nói không ra một cái gì cả".
Đồng quan điểm với nhiều người dân, luật sư Võ An Đôn cũng cho rằng mức hình phạt 18 tháng mà tòa phúc thẩm đưa ra là quá nhẹ đối với bị cáo. Luật sư Võ An Đôn cho biết :
"Trẻ em là lứa tuổi cần được bảo vệ đặc biệt, bị cáo là người lớn tuổi mà lại xâm phạm tình dục trẻ em thì cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe người khác trong xã hội".
Trong khi đó, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng quốc hội lại cho rằng, ngoài việc gây ảnh hưởng đến tâm lý của nạn nhân thì chiếu theo một số điều trong khung hình phạt mà Tòa án phúc thẩm đưa ra, mức án treo cũng như thời hạn 18 tháng không vi phạm pháp luật. Luật sư Thuận giải thích :
"Ở đây áp dụng các điều luật là đúng rồi. Trong Bộ luật hình sự thì có quy định là không nên phạt tù giam đối với người trên 70 tuổi. Ông này ông ý già, quấy rối tình dục, làm chuyện linh tinh xấu hổ thì nó là chuyện đạo đức, dâm ô thì hậu quả đó hình phạt xử như thế thì về mặt tình cảm tâm lý người ta cho là nhẹ và nên cầm tù ông đó đi, nhưng tôi cho rằng trong pháp luật thì chỗ đó có thể xử theo mức đó thì cũng là hài hòa".
Tuy nhiên, luật sư Trần Quốc Thuận cũng lên án hành động doạ đốt thẻ Đảng viên của bị cáo và coi đó là một thái độ thách thức. Theo luật sư Thuận, hành vi tỏ ra bất chấp và liều mạng đó cho thấy bị cáo Thủy đã từng làm giám đốc ngân hàng, giàu có nên tỏ thái độ ỷ y là điều đáng trách và cũng là một tình tiết để tăng tội :
"Tôi đã từng làm thẩm phán, nếu tôi là thẩm phán tôi sẽ để bản án 3 năm mà treo thì dễ chịu hơn, đằng này đã để án treo rồi lại còn giảm án nữa cho nên tạo nên phẫn uất trong xã hội. Phẫn uất đó chỉ làm xấu cho cái Đảng thôi và tạo cái phản cảm trong xã hội".
Chia sẻ quan điểm của luật sư Trần Quốc Thuận, luật sư Võ An Đôn cũng lên án thái độ của bị cáo Nguyễn Khắc Thủy :
"Tâm lý của bị cáo bình thường rất sợ pháp luật, dù anh có phạm tội nặng đến mấy hay như thế nào thì khi ra tòa anh cũng rất là sợ, nhưng trong trường hợp này thì thấy bị cáo Thủy là người Đảng viên 50 năm tuổi đảng và hơn 70 tuổi rồi nhưng mà ra tòa thì chống nạnh, thách thức tòa án, cho thấy một sự xem thường luật pháp"
Trước lý do được Hội đồng xét xử đưa ra là Bị cáo được hưởng án treo vì các tình tiết giảm nhẹ như là đảng viên có nhiều cống hiến cho ngành ngân hàng cũng như tuổi cao và mắc các chứng bệnh tuổi già như cao huyết áp.. bà Thuý cho rằng đây tư cách một người Đảng viên như thế là hoàn toàn không thể chấp nhận được.
"Nếu anh là một đảng viên tốt, một đảng viên thực sự thì không bao giờ anh được phép lôi thẻ đảng ra để khống chế bất kỳ một ai cả. Cái thứ hai nữa là đem sức khỏe ra để khống chế thì lại càng không được. Tại sao sức khỏe anh yếu mà dục vọng của anh lại lớn thế ? Dục vọng của anh lớn có nghĩa là sức khỏe của anh quá mạnh mẽ, quá là dư thừa chất thì nó mới xảy ra chuyện như thế".
Tiến sĩ tâm lý Phạm Mạnh Hà, trưởng khoa Tâm lý xã hội học, trường Đại học Khoa học, xã hội và nhân văn Hà Nội giải thích bức xúc của dư luận trong những ngày qua và nêu ra những tác động xã hội từ bản án nói trên :
"Xã hội bao giờ người ta cũng căm ghét và lên án những hành vi dâm ô đặc biệt là của người lớn tuổi đối với trẻ vị thành niên thì người ta cực kỳ căm phẫn. Do đó, khi mà bất kỳ bản án nào mà lại không thoả mãn được một cái tâm lý hay dư luận chung thì nó sẽ gây ra những bức xúc, bức bối và tất nhiên sẽ gây những ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của người dân và người ta cảm thấy không còn tin cậy vào hệ thống luật pháp hay cơ quan bảo vệ an ninh nữa và sẽ dẫn đến việc người ta sẽ tự xử
Trong ngày 14/5, một số cơ quan chức năng Việt Nam gồm Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Ủy ban Bảo vệ Phụ nữ & trẻ em, Tòa án nhân dân tối cao… vào cuộc và yêu cầu xem xét lại đối với bản án phúc thẩm cũng như yêu cầu tiếp tục xử giám đốc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Khắc Thủy.
*****************
Vụ Nguyễn Khắc Thủy ấu dâm : gia đình nạn nhân kháng án (RFA, 12/05/2018)
Gia đình nạn nhân ấu dâm ở Vũng Tàu quyết định sẽ nộp đơn lên giám đốc thẩm sau khi tòa phúc thẩm hôm 11/5 tuyên án tù treo đối với ông Nguyễn Khắc Thuỷ, 78 tuổi, vì tội dâm ô trẻ em.
Phiên tòa xử ông Nguyễn Khắc Thủy hôm 17/11/2017 tại Thành phố Vũng Tàu - Courtesy tintucnamdinh.vn
Chị Th, mẹ một nạn nhân cho đài Á Châu Tự Do biết về quyết định này qua điện thoại vào sáng ngày 12/5 :
"Sau bản án hôm qua thì dư luận xã hội đều ủng hộ kháng cáo vụ án này lên giám đốc thẩm, đồng thời những nhân chứng và bị hại trong vụ án thì tất cả mọi người đều họp nhau lại và thống nhất đi đến giám đốc thẩm. Sáng thư hai này tôi sẽ làm hồ sơ để gửi về Sài Gòn để kháng cáo bản án của tòa án tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu".
Ngày 11/5, tòa án Nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên phạt ông Nguyễn Khắc Thủy 18 tháng tù cho hưởng án treo về tội dâm ô với một bé gái.
Theo Hội đồng xét xử, trong hai vụ dâm ô với hai cháu gái ở Vũng Tàu hồi năm 2014 được đưa ra trước tòa phúc thẩm, chỉ có một trường hợp có đủ chứng cứ buộc tội ông Thủy dâm ô. Trường hợp còn lại không đủ chứng cứ vững chắc để quy kết bị cáo.
Ông Thủy được hưởng án treo vì các tình tiết giảm nhẹ như là đảng viên có nhiều cống hiến cho ngành ngân hàng. Ngoài ra bị cáo đang có bệnh và có nơi cư trú rõ ràng nên Hội đồng xét xử áp dụng cho hưởng án treo.
Nói về bản án của tòa phúc thẩm, chị Th cho biết sự búc xúc của mình : "Cảm giác nói chung không phải chỉ có mình tôi đâu mà tất cả những người dự phiên tòa cảm thấy hụt hẫng và rất bức xúc với bản án gần như là cho không như vậy đó".
Ngay sau khi bản án được tuyên, dư luận trên mạng cũng lên tiếng chỉ trích cho rằng bản án không đúng, quá nương nhẹ đối với tội của ông Thuỷ.
Luật sư Lê Ngọc Luân, người từng theo đuổi vụ án cho đến trước khi vụ án được khởi tố vào năm ngoái, viết trên Facebook cá nhân vào ngày 11/5 "mức án 18 tháng tù, cho hưởng án treo là "sự phỉ báng vào công lý" nên tôi buộc phải lên tiếng và tiếp tục".
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm ở Vũng Tàu vào ngày 17/11 năm ngoái, ông Thủy bị tuyên án 3 năm tù vì tội dâm ô với 3 bé gái từ năm 2014 đến năm 2016.
Ông Thủy trong cả hai phiên tòa đều khẳng định mình vô tội. Sau khi bị tuyên án tại phiên sơ thẩm năm ngoái, ông Thủy đã lớn tiếng phản đối bên trong và ngoài toà, nói rằng mình vô tội, tòa không cân nhắc ông đã 51 năm tuổi đảng, và doạ đốt thẻ đảng.
Vụ án của ông Thủy lần đầu tiên bị tố giác lên công an phường Nguyễn An Ninh, thành phố Vũng Tàu vào năm 2014, nhưng đã không được những người thực thi luật pháp tại địa phương chú ý. Chị Th sau đó vào ngày 26/6/2017 đã đưa đơn kiện ông Thủy lên công an phường Nguyễn An Ninh sau khi phát hiện con gái chị lúc dó 6 tuổi bị ông Thủy dâm ô. Chị Th cũng công khai video cuộc nói chuyện với con gái trên mạng. Vụ việc tới lúc đó đã khiến dư luận chú ý và bất bình. Tuy nhiên, việc điều tra và khởi tố ông Thủy lại chậm trễ. Chị Th cho biết :
"Những ngày tháng đầu tiên khi mà bắt đầu đơn tố cáo với bị cáo Nguyễn Khắc Thủy tức vào đầu năm 2016, khi tôi phát hiện hành vi dâm ô của ông Nguyễn Khắc Thủy đối với một số cháu bé ở chung cư ở thành phố Vũng Tàu thì lúc đó tôi có nhận một số áp lực từ công an của phường Nguyễn An Ninh. Họ muốn giữ hồ sơ vì có một số vấn đề không được trôi chảy cho lắm vì khi tố cáo ông Nguyễn Khắc Thủy thì lại liên quan đến phường An Ninh mà xảy ra vụ án".
Chính bản thân luật sư Luân trên Facebook cũng viết "Nếu ai đã theo dõi vụ này từ đầu chắc chắn biết có những thời điểm, tất cả nhận định sẽ không bao giờ khởi tố được Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy ra tòa và ông ấy sẽ thoát vòng lao lý vì là Đảng viên cấp cao, Nguyên Giám đốc CN Ngân hàng Nhà nước".
Trước phiên phúc thẩm diễn ra, chị Th cho biết gia đình chị đã không nhận được thông báo nào từ tòa cho đến khoảng một ngày trước khi phiên tòa diễn ra. Điều này khiến chị và những gia đình nạn nhân có liên quan bức xúc.
Ngoài ra, chị Th cũng cho biết khi vụ án xảy ra, chị đã gặp khó khăn từ chính quyền địa phương trong việc tiếp xúc với báo chí, đặc biệt là báo nước ngoài. "Trước đây một số phóng viên từ đài BBC và đài Mỹ ban Việt ngữ gọi điện cho tôi phỏng vấn nhưng chính quyền địa phương không muốn báo chí quốc tế đưa tin. Tôi đã giữ kẽ hết sức để lên tiếng tìm công lý cho con một cách bình yên vì mình không muốn xáo trộn gì. Nhưng hiện nay nếu được sự giúp đỡ của các cơ quan truyền thông để lên tiếng bảo vệ các cháu thì tôi xin được cảm ơn", chị Th nói.
******************
Đảng viên cộng sản hưởng án treo gây bức xúc (BBC, 12/05/2018)
Trưa 11/5, Tòa phúc thẩm đã tuyên án ông Nguyễn Khắc Thủy tội "Dâm ô trẻ em" nhưng hưởng 18 tháng tù treo, gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.
Ông Nguyễn Khắc Thủy dọa đòi đốt thẻ Đảng và tự thiêu sau khi bị tuyên 3 năm tù tội ấu dâm ở phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 11/2017.
Trước đó, hồi tháng 11/2017, ông Thủy, 77 tuổi, nguyên giám đốc Ngân Hàng Nhà Nước tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bị kết án 3 năm tù giam vì tội dâm ô đối với hai cháu bé hồi 2014.
Khi đó, mạng xã hội xôn xao vì một video clip cho thấy ông này giận dữ dọa đốt thẻ Đảng viên Đảng Cộng sản và tự sát sau phiên tòa sơ phẩm.
Ngay trong phần tranh luận phiên tòa 17/11/2017, ông Thủy đã tuyên bố rằng "nếu tuyên bị cáo phạm tội thì ngay lập tức đốt thẻ Đảng viên và sau đó sẽ tự thiêu", theo báo Dân Trí.
Báo này cũng dẫn lời Hội đồng xét xử rằng "Căn cứ vào hồ sơ vụ án, kết quả thực nghiệm hiện trường, lời khai các bên cũng như lời trình bày tại phiên tòa hôm nay của điều tra viên, có đủ căn cứ truy tố bị cáo Nguyễn Khắc Thủy tội dâm ô trẻ em với nhiều tình tiết tăng nặng như phạm tội nhiều lần".
Khi đó, Hội đồng xét xử cân nhắc các tình tiết và vì ông Thủy là người cao tuổi, nên Hội đồng xét xử quyết định tuyên mức án 3 năm tù.
Hôm 11/5, Đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị y án sơ thẩm nhưng Hội đồng xét xử sau khi nghị án vẫn quyết định sửa bản án sơ thẩm, cho rằng chưa xác định được hành vi phạm tội của ông Thủy đối với một trong hai nạn nhân.
Tuy nhiên, các luật sư bào chữa cho bị cáo Thủy cho rằng thân chủ của mình không phạm tội, bị truy tố là oan, sai và đề nghị tòa tuyên không phạm tội, theo báo Tuổi Trẻ.
Trong lời nói sau cùng, Tuổi Trẻ tường thuật, bị cáo 51 tuổi Đảng vẫn nói lớn : "Tôi bị oan".