Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

13/09/2023

Kết quả chuyến thăm Hà Nội và Tổng thống Biden

RFA tiếng Việt

1. Chú trọng kinh tế hơn an ninh quốc phòng ?

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam vừa kết thúc vào chiều ngày 11/9. Đây được coi là một cột mốc quan trọng mang ý nghĩa lịch sử khi mối quan hệ hai nước đã được nâng cấp lên thẳng mức Đối tác Chiến lược Toàn diện. Chương mới đó sẽ mở ra những cơ hội hợp tác trong các nhiều lĩnh vực nào ? và có thách thức nào phía trước cho cả hai bên ?

biden5

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tuyên bố nâng cấp mối quan hệ - Reuters

Bước ngoặc lịch sử

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), đánh giá chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Biden đã thành công tốt đẹp, hai bên đã đạt được những mục tiêu chính đã đặt ra. Trong đó, mục tiêu lớn nhất là nâng cấp mối quan hệ song phương nên mức cao nhất là Đối tác Chiến lược Toàn diện : 

"Đây là một cột mốc lịch sử trong quan hệ song phương, đánh dấu một đỉnh cao của quá trình hòa giải giữa hai cựu thù thời chiến tranh lạnh. Trải qua gần 50 năm kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, hai bên đã vượt qua rất nhiều sóng gió và thử thách để đi từ việc bình thường hóa tới việc phát triển quan hệ song phương.

Kể từ nay, tôi tin rằng mối quan hệ song phương sẽ ngày càng chín muồi và thực chất, hai bên sẽ thoải mái hơn trong mối quan hệ song phương".

Theo ông Hiệp, việc nâng cấp mối quan hệ song phương lên mức cao nhất sẽ tạo khuôn khổ, nền tảng mới, mang lại những thỏa thuận, những cam kết hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, khoa học giáo dc, y tế, môi trường, an ninh quốc phòng… Điều này đã được làm nổi bật trong Tuyên bố chung của hai nước sau chuyến thăm của ông Biden.

Ông Nguyễn Thế Phương, chuyên gia về an ninh quốc phòng, nhận định rằng cái cách mà Việt Nam gọi tên mối quan hệ mới với Mỹ là "Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững", cho thấy Việt Nam muốn nhấn mạnh rằng quan hệ Đối tác Chiến lược của Việt Nam và Mỹ sẽ tập trung vào yếu tố kinh tế, thương mại và phát triển bền vững, chứ không phải giống như là Đối tác Chiến lược của Việt Nam-Trung Quốc chú trọng vào chính trị và tư tưởng nhiều hơn :

"Nó cũng là một cách để thể hiện cho Trung Quốc biết là tôi chơi với Mỹ, dù cùng là Đối tác Chiến lược Toàn diện, nhưng cái "toàn diện" của tôi là toàn diện về kinh tế, về công nghệ và làm ăn chứ không phải là chúng tôi liên kết về mặt chính trị để chống lại anh.

Nó cũng là một dạng thông điệp, Việt Nam vốn nổi tiếng với việc chơi chữ như vậy. Ví dụ như đối với Nhật Bản là "Đối tác chiến lược sâu rộng"…

Ít đề cập đến an ninh quốc phòng

Trong phần về An ninh và Quốc phòng trong Tuyên bố chung, hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật ; tăng cường hợp tác về thực thi pháp luật và tình báo an ninh ; trao đổi thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác hàng hải… 

Ông Thế Phương cho rằng vấn đề an ninh quốc được đề cập rất ít trong trong Tuyên bố chung. Mặc dù, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu khiến Việt Nam xích lại gần hơn với Mỹ là để cân bằng với Trung Quốc trong mối quan hệ ngoại giao, và nếu Trung Quốc không ngày càng hung hăng trên Biển Đông thì có lẽ Việt Nam và Mỹ sẽ không tiến nhanh như hiện giờ : 

"Cái mảng về an ninh quốc phòng không nổi bật bằng những mảng khác như là đầu tư công nghệ chất bán dẫn, giáo dc y tế…

Nó thể hiện rằng Việt Nam xích li gần Mỹ cái Đối tác Chiến lược Toàn diện này nó chỉ tập trung vào một mảng mà đang rất cần cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai, đó là kinh tế, công nghệ và những yếu tố mang tính thực dụng".

Về quan điểm này, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp lý giải, đối với phía Việt Nam thì các lợi ích kinh tế là mối quan tâm lớn nhất bởi vì nó phù hợp vi các mục tiêu trong nước của Việt Nam và nó cũng là vấn đề cấp bách để Việt Nam phát triển kinh tế và tận dụng các cơ hội mà Mỹ có thể mang lại để giúp việt nam phát triển để trở thành một nước có nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045 - 2050 : 

"Điều đấy giải thích cho việc tại sao trong các văn bản tuyên bố chung công bố thì cũng làm nổi bật hơn các vấn đề về mặt hợp tác kinh tế và các lĩnh vực liên quan thay vì an ninh quốc phòng".

Theo ông Hiệp, các biện pháp hợp tác cụ thể về an ninh quốc phòng có thể được bàn thảo nhiều hơn sau khi Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp được mối quan hệ :

"Theo tôi nghĩ đó là một cách tiếp cận hợp lý và nó cũng là một cách để Việt Nam tự tin nâng cấp mối quan hệ song phương mà không phải lo ngại về các phản ứng của các nước khác, đặc biệt là từ phía Trung Quốc.

Khi nhìn vào các hành động thực chất thì người ta sẽ hiểu rõ hơn là tuyên bố. Bởi vì, Việt Nam rất là kỹ lưỡng và nhạy cảm với các tuyên bố mà có thể gây ra bất lợi về mặt ngoại giao cho Việt Nam và quan hệ đối tác với các nước khác".

Đảng chủ trì chuyến thăm

Ông Lê Hồng Hiệp cho biết, có một điều mà ông cho là khá thú vị của chuyến thăm lần này đó là việc Mỹ làm việc và trao đổi trực tiếp với kênh Đảng nhiều hơn là Chính phủ. Việc này lâu nay chỉ thường xảy ra khi Việt Nam trao đổi với các nước có thể chế chính trị tương đồng như Trung Quốc :

"Trong chuyến thăm này thì phía Mỹ đã quyết định làm việc trực tiếp với Tổng Bí Thư. Về mặt lễ tân thì nó không phải là điều gì đó chính thống và bình thường lắm, cũng hơi đặc biệt.

Tuy nhiên về hiệu quả thì mình nghĩ là đây là một cách tiếp cận khôn ngoan, bởi vì nó giúp nâng cao niềm tin chiến lược giữa hai bên.

Mỹ hiểu được rằng trong hệ thống chính trị Việt Nam thì Tổng Bí thư là người có vai trò quan trọng nhất, và họ cũng hiểu được là về chính sách đối ngoại thì Tổng Bí thư hay bên kênh Đảng thường có quan điểm là đề phòng hơn trong quan hệ với Mỹ.

Khi Mỹ tiếp cận trực tiếp như vậy có thể giúp xóa nhòa, thu hẹp khoảng cách về nhận thức, cũng như phối hợp chính sách giữa phía Đảng và phía Nhà nước, cũng như phía Đảng với phía Chính phủ. Từ ấy có thể nâng cao được niềm tin chiến lược và kể từ nay thì có thể là phía Việt Nam cũng như là phía Mỹ sẽ thoải mái hơn trong quá trình làm việc với nhau và sẽ không có nhiều sự nghi kỵ như trước đây nữa".

Diễn biến bất ngờ

Ngoài ra, ông Thế Phương nhận thấy có hai sự kiện bất ngờ diễn ra liên quan đến chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Biden. Thứ nhất là ông Tập Cận Bình đã không đến Việt Nam trước Biden như lời đồn đoán :

"Bác Tậ(Tập Cận Bình - PV) không tới trước mà bác Tập sẽ tới sau. Lúc đầu, ai cũng nghĩ là bác Tập sẽ phải tới trước nhưng mà lần này là Tập sẽ đến sau.

Việt Nam và Trung Quốc sẽ trao đổi lại một lần nữa kết quả của mối quan hệ với Mỹ và phương hướng trong tương lai, cần phải xác định lại một lần nữa về quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Trung…"

Và thứ hai là việc Việt Nam được cho là bí mật mua vũ khí từ Nga. Theo ông Phương, có thông tin cho biết Tổng thống Nga Putin cũng sắp sửa qua Việt Nam để ký kết một hiệđịnh, trong đó Nga sẽ cung cấp tín dụng cho Việt Nam mua vũ khí của Nga :

"Nó cho thấy một số điều. Thứ nhất là giới lãnh đạo Việt Nam đặc biệt là bác Trọng vẫn muốn duy trì mối quan hệ quốc phòng khăng khít với Nga, mặc cho những gì đang xảy ra ở Ukraine. Cái thứ hai là hiện nay Việt Nam không thể ngay lập tức chuyển từ hệ vũ khí Nga sang phương Tây được, Việt Nam cần phải có một thời gian chuyển giao giữa hệ này sang hệ khác và khi đó vẫn cần phải mua đồ của Nga.

Tôi nghĩ là Việt Nam và Mỹ đã nói chuyện với nhau về vấn đề này rồi, và trong một bài viết trên Reuters thì một ông phụ trách đối ngoại thư ký ổng nói rằng Việt Nam sẽ không mua vũ khí của Mỹ ở thời điểm hiện tại".

2. Cơ hội & thách thức

Dựa trên kết quả chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden, các chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, mối quan hệ hai nước sẽ phát triển cao và xa hơn nữa trên nhiều lĩnh vực, phục vụ tốt hơn cho lợi ích của hai bên.

hkvn1

Tổng thống Joe Biden nâng ly chúc mừng trong buổi quốc yến trưa ngày 11/9 – Reuters

Cơ hội 

Giáo sư Carl Thayer, từ Học viện Quốc phòng Úc, cho biết, dựa theo Tuyên bố chung Việt – Mỹ, cơ hội dành cho Việt Nam là rất lớn, rất đa dạng, ở mức độ sâu rộng, đặc biệt là ở lĩnh vực kinh tế, công nghệ :

"Đầu tư của Hoa Kỳ vào các lĩnh vực điện tử, bao gồm chất bán dẫn và xe điện, chuyển tiếp năng lượng xanh, giáo dục và đào tạo sẽ tăng cường cho sự phát triển của Việt Nam. 

Điều này sẽ được thực hiện bằng cách chuyển giao công nghệ và hợp tác với nhau để phát triển các ngành công nghệ mới nổi này".

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) nhận định phía Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển các ngành công nghệ, bởi nó sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Đài Loan trong lĩnh vực bán dẫn, đề phòng rủi ro có chuyện gì xảy ra với Đài Loan.

Ngoài ra, theo ông Hiệp, khi nâng cấp quan hệ hai bên, Mỹ có nhiều cơ hội hơn để thực hiện chiến lược của mình ở khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương :

"Về phía Mỹ, có thể họ muốn biến Việt Nam thành đối tác trong khu vực để phục vụ các chiến lược về đối ngoại và kinh tế của họ. Đặc biệt là trong việc khai thác quan hệ với Việt Nam để cân bằng lại với Trung Quốc về mặt chiến lược cũng như về mặt kinh tế trong bối cảnh và cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng. 

Về mặt kinh tế, Mỹ cũng muốn có một Việt Nam thân thiện và hỗ trợ cho Mỹ trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, còn có các cơ hội khác như là về an ninh quốc phòng thì họ cũng muốn nâng tầm, phát triển quan hệ an ninh quốc phòng với Việt Nam, đặc biệt là cung cấp cho Việt Nam các hợp đồng vũ khí.

Có thể là Mỹ nhìn thấy ở Việt Nam một thị trường tiềm năng về mặt trang thiết bị vũ khí thì Mỹ có thể muốn tận dụng".

Thách thức 

Theo Giáo sư Carl Thayer, đi đôi với các cơ hội rộng mở là nhiều thách thức ở phía trước mà hai bên phải giải quyết :

"Một thách thức lớn đối với Việt Nam làm sao đào tạo đủ số lượng kỹ sư phần mềm và nhân viên dịch vụ khác để hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực điện tử".

Ngoài ra, về mặt ngoại giao, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng Việt Nam phải đối mặt với những thách thức trong việc cân bằng mối quan hệ đối tác với các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc và Nga, phải làm sao để những "người bạn lớn" không thấy lợi ích của mình bị xâm hại khi Việt Nam "chơi" với nước khác :

"Còn nhìn xa hơn thì đặc biệt là phía Việt Nam thì phải làm sao để vừa phát triển quan hệ với Mỹ nhưng vừa giữ được quan hệ cân bằng với các đối tác khác, trong đó đặc biệt là phải kể tới Trung Quốc, thứ hai là Nga, là các đối tác truyền thống mà Việt Nam vẫn muốn duy trì quan hệ nhưng mà lại đang có các mâu thuẫn chiến lược với Mỹ.

Trong mấy hôm vừa rồi, ngay trước thềm chuyến thăm thì tờ The New York Times có đưa bài về việc Việt Nam được cho là theo đuổi một số thỏa thuận quốc phòng mới với Nga. Câu chuyện đó nó cũng cho thấy sự phức tạp đằng sau mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước lớn".

Chuyên gia quan hệ quốc tế, thạc sĩ Nguyễn Thế Phương, đánh giá nhân quyền vẫn luôn là một vấn đề nhạy cảm, gây khó chịu cho Việt Nam mỗi khi muốn xích gần với Mỹ hơn :

"Vấn đề ngắt ngứ từ trước tới nay giữa Việt Nam và Mỹ đó là nhân quyền. Mặc dù vấn đề đó hiện nay đã bị đặt xuống rất là thấp rồi. 

Bởi vì Mỹ cần Việt Nam trong vấn đề an ninh, xây dựng hệ thống trật tự khu vực và Việt Nam thì cần Mỹ trong vấn đề kinh tế, công nghệ, giáo dục.

Hai bên cùng nhau rất nhiều thứ nhưng vấn đề nhân quyền vẫn như là "cái gai", lâu lâu nó bị nhức lên một cái, lâu lâu Mỹ lại ra báo cáo nhân quyền, lại quan ngại về chuyện bắt người này người nọ…"

Ngoài ra, còn có một yếu tố, mà ông Phương cho rằng có thể làm cho mối quan hệ Việt - Mỹ trở nên bất định, đó là chuyện chính trị nội bộ của Hoa Kỳ :

"Mỹ đang rất mong muốn có được mạng lưới đồng minh và đối tác để tạm gọi là ngăn chặn Trung Quốc, họ muốn lôi Việt Nam gần tới họ từ lâu rồi, nhưng cái thách thức là năm tới là ông nào của Mỹ sẽ nên làm Tổng thống".

Theo ông Thế Phương, Mỹ sẽ bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới vào cuối năm 2024. Khi đó, nếu một chính quyền lập trường về chính trị khác với chính quyền Biden hiện tại về vấn đề ở Châu Á - Thái Bình Dương, thì mối quan hệ Việt - Mỹ có khả năng sẽ bị ảnh hưởng theo. Và đó là một rủi ro mà Việt Nam đã nhìn thấy trước nên đã xúc tiến nhanh việc nâng cấp quan hệ với Mỹ.

Nguồn : RFA, 13/09/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 497 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)