Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

14/09/2023

Việt Nam mua vũ khí Nga : không ảnh hưởng đến quan hệ với Mỹ

RFA tiếng Việt

Tờ New York Times vào ngày 9 và ngày 10/9/2023, trước và trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam để công bố nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, đăng liên tiếp hai bài về việc Việt Nam bí mật mua sắm vũ khí Nga của tác giả Hannah Beech.

vukhi1

Những người lính Việt Nam đứng trước giàn tên lửa tại một triển lãm quốc phòng tại Hà Nội hôm 8/12/2022 (minh họa)

Nhà báo của New York Times ở Bangkok cho biết bà lấy thông tin từ một nguồn riêng bị rò rỉ từ Việt Nam. Tuy nhiên, bài báo không tiết lộ văn bản này.

Nếu thông tin Việt Nam tiếp tục mua vũ khí Nga là thật, liệu việc này có ảnh hưởng đến quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong tương lai ? Quốc hội Hoa Kỳ năm 2017 đã thông qua "Đạo luật chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt" (Caatsa) cho phép bên Hành pháp trừng phạt kinh tế và chính trị những nước mua vũ khí của Nga, Iran và Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis thời ông Trump đã kiến nghị Quốc hội Mỹ miễn trừ cho một số đối tác của Mỹ vốn có lịch sử lâu dài lệ thuộc vào vũ khí Nga như Ấn Độ và Việt Nam. 

Trong buổi họp báo diễn ra trên chiếc chuyên cơ Air Force One của Tổng thống Mỹ trên đường bay tới Hà Nội hôm 10 tháng 9, 2023, ông Jon Finer, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ đã tỏ ý rằng thỏa thuận mua sắm vũ khí Nga này của Việt Nam sẽ không dẫn tới một lệnh trừng phạt từ phía Mỹ. 

Một mặt, ông Jon Finer khẳng định rằng Hoa Kỳ "không khuyến khích các quốc gia có quan hệ đối tác an ninh, quan hệ quân sự với Nga vì nhiều lý do rõ ràng". Nhưng mặt khác, đối với Việt Nam, ông nói rằng để hiểu thỏa thuận mua sắm vũ khí mới của Việt Nam với Nga thì cần hiểu một chút về bối cảnh lịch sử. Theo ông, Hoa Kỳ hiểu rằng Việt Nam đã có "mối quan hệ quân sự kéo dài hàng chục năm với Nga. Nhưng chúng tôi cũng biết rõ là Việt Nam ngày càng không thoải mái với mối quan hệ đó". 

Ông Jon Finer nhấn mạnh rằng để giải quyết mối quan hệ ràng buộc do lịch sử để lại này, Hoa Kỳ đang làm việc không chỉ với Việt Nam mà với cả những nước "quan hệ đối tác quân sự và an ninh chặt chẽ với Nga". Mục đích của Hoa Kỳ là giúp các nước này đa dạng hóa mối quan hệ quân sự và an ninh hiện có của mình. Ông cho biết "chúng tôi nhận thấy không chỉ họ tiếp thu những ý tưởng của chúng tôi về vấn đề này, mà nhiều người trong số họ đang tìm kiếm những cơ hội để một lần nữa đa dạng hóa, thoát khỏi chính nước Nga". Vị Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nhấn mạnh điều này "nằm trong chương trình nghị sự của chuyến thăm của ông Joe Biden tới Hà Nội hôm 10/9 vừa qua. 

Việt Nam không coi Mỹ là nguồn duy nhất để đa dạng hóa vũ khí. Tiến sĩ Nagao Satoru ở Hudson Institute nói với RFA rằng việc mua bán vũ khí mới sẽ tạo ra mối quan hệ mới và lâu dài về mặt an ninh. Vũ khí quân sự hiện đại là một cỗ máy cao cấp, nhạy cảm nhưng được sử dụng trong điều kiện khắc nghiệt. Nó rất dễ bị hao mòn và cần lực lượng bảo trì, cần các bộ phận sửa chữa và vận hành vũ khí. Vì vậy, việc cung cấp linh kiện sửa chữa cho vũ khí là rất quan trọng. Nếu Việt Nam chấp nhận vũ khí của Nhật Bản thì Nhật Bản có thể là nhà cung cấp và tạo dựng quan hệ lâu dài giữa hai nước. Ông Nagao nhấn mạnh : Nhật Bản sẽ cung cấp các thiết bị cảm biến và radar cùng với cơ sở hạ tầng như sân bay, hệ thống thông tin liên lạc, v.v., thiết bị này sẽ tạo ra sự hợp tác đôi bên. Nhật Bản cũng sẽ cung cấp bí quyết sử dụng các cỗ máy quân sự này.

Trả lời câu hỏi của RFA về sự tương thích giữa vũ khí Nhật Bản và vũ khí Mỹ, Tiến sĩ Nagao cho biết Nhật Bản sử dụng nhiều thiết bị do Mỹ sản xuất nhưng đồng thời, Nhật có nhiều vũ khí nguyên bản của riêng mình như thiết bị cảm biến, radar, xe tăng và tàu ngầm. Ông cho biết tuy là vũ khí nguyên bản của Nhật Bản nhưng những thiết bị do Nhật Bản sản xuất này có thể hoạt động tương thích với vũ khí do Mỹ sản xuất. Trong một số trường hợp, Mỹ nhập khẩu những thiết bị này từ Nhật Bản để làm linh kiện cho vũ khí của họ. 

Về chất lượng của vũ khí Nga mà Việt Nam vẫn đang phải tiếp tục mua sắm, ông Nagao Satoru cho rằng vũ khí của Nga có một số điểm yếu. 

Thứ nhất, thiết bị của Nga không còn được tích hợp với các công nghệ cao cấp. Sau khi Liên Xô sụp đổ, vũ khí Nga vẫn không được phát triển lên một hệ hình mới. Chính quyền Xô Viết đã phân bố và tách các nhà máy sản xuất vũ khí ở mỗi nước khác nhau thuộc Liên Xô (như Nga, Ukraine, Uzbekistan, v.v.) nên họ không thể hợp tác sau khi Liên Xô sụp đổ. So sánh với vũ khí Nga thì vũ khí Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu thuộc loại cao cấp vì đã phát triển ổn định trong thời gian dài. 

Ngoài ra, chuỗi cung ứng cũng là vấn đề được quan tâm. Để chế tạo vũ khí, cần có chất bán dẫn cấp cao. Hiện tại, 90% chất bán dẫn tiên tiến đến từ Đài Loan. Điều này có nghĩa là Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu có thể sử dụng chất bán dẫn cao cấp để chế tạo vũ khí mới của mình. Nhưng Nga và Trung Quốc thì không thể, do các lệnh trừng phạt từ Mỹ và đồng minh.

Do đó, ông Nagao Satoru cho rằng về lâu dài, vũ khí của Nhật, Mỹ, Châu Âu tốt hơn rất nhiều vũ khí Nga vì có chuỗi cung ứng cao cấp và ổn định.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học Canberra, Úc, nói với RFA rằng Việt Nam cần có thêm thời gian để chuyển đổi hệ vũ khí. Vấn đề là Việt Nam quyết định tiếp tục mua vũ khí Nga trong ngắn hạn hay dài hạn. Trong ngắn hạn thì Việt Nam vẫn phải tiếp tục mua vũ khí Nga vì nhu cầu phòng thủ. Việt Nam không thể để thiết bị, phụ tùng vũ khí và đạn bị thiếu hụt dẫn đến bị hở sườn về mặt phòng thủ. Nhưng nếu Việt Nam vẫn muốn mua vũ khí Nga trong dài hạn thì mất cơ hội thoát phụ thuộc Nga và chuyển đổi hệ vũ khí. Ông Phương suy đoán rằng Việt Nam có khả năng cao là sẽ cố gắng giảm phụ thuộc vào vũ khí Nga, tức là có thể chỉ tiếp tục mua vũ khí Nga trong ngắn hạn. 

Về con số "8 tỷ USD trong 20 năm" mà Việt Nam định chi ra mua vũ khí Nga, ông Nguyễn Thế Phương Phương cho rằng phải biết cụ thể Việt Nam mua những gì thì mới đoán được chính sách của Việt Nam : mua vũ khí Nga vì tình thế ngắn hạn hay vẫn muốn lệ thuộc Nga trong dài hạn. Ông lấy ví dụ phi đội máy bay của Việt Nam là cần phải mua mới càng sớm càng tốt do đã xuống cấp. Công chúng sẽ không được biết trong số vũ khí Việt Nam định mua từ Nga trong 20 năm tới, như bài báo trên New York Times viết, thì có bao nhiêu phần trăm là vũ khí phi động năng (không sử dụng đạn và các lực tương tự để tấn công.)

Theo Global Data, năm 2022, Việt Nam chi 5,8 tỷ USD cho quân sự. Nếu nước này mua vũ khí Nga 8 tỷ USD trong 20 năm tới thì tính trung bình sẽ là khoảng 400 USD/năm, tức chiếm khoảng 7%. Trả lời câu hỏi của RFA về tỷ lệ 7% ngân sách quân sự sẽ dành chi mua vũ khí Nga hàng năm, ông Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh rằng trong tình trạng thông tin còn thiếu như hiện nay thì chưa nhận xét cụ thể được, tuy nhiên, có thể đoán là tỉ lệ nói trên sẽ còn giảm hơn nữa, do dự toán mua bán vũ khí sẽ dao động từ 30% đến 40% tổng ngân sách quốc phòng, và ngân sách quốc phòng Việt Nam có thể từ nay sẽ tăng theo từng năm.

Nguồn : RFA, 14/09/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 267 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)