Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/09/2023

Cán bộ đòi ‘lại quả’ cả tỷ đồng, chỉ bị "rút kinh nghiệm" !

RFA tiếng Việt

 

Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Cà Mau trong kết luận thanh tra về thực hiện các dự án, công trình ở huyện Phú Tân, được truyền thông Nhà nước đăng tải hôm 18/9/2023 cho biết, đã xác định việc để lại 20-30% tổng chi phí thực hiện giải phóng mặt bằng là để hỗ trợ họp, xăng xe, tuyên truyền... nên bảy cán bộ bị tố giác "đòi lại quả" chỉ bị xử lý "phải rút kinh nghiệm".

laiqua1

Ảnh minh họa chụp tại Cà Mau. Courtesy camau.gov.vn

Lại quả hay trục lợi ?

Trước đó, một đoạn ghi âm được cho là giọng nói của Phó chủ tịch huyện Phú Tân Nguyễn Văn Sơn, lan truyền lên Facebook có nội dung ông Sơn nói với nhà thầu chi 20% ở công trình Trung tâm văn hóa thể thao xã Phú Tân là ‘yếu hơn mấy đơn vị khác’. Sau đó nhà thầu được đề nghị ‘chi 30% theo luật chơi’.

Nhận định về vấn đề này với RFA, Luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức Quốc hôm 20/9 nói :

"Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, tất cả những dự án đấu thầu hay những dự án đầu tư công mà có sự tham gia của các doanh nghiệp, thì hoàn toàn không có bất kỳ một quy định nào là doanh nghiệp sẽ lại quả cho chủ đầu tư là các cơ quan nhà nước. Cho nên việc các cán bộ nói rằng lấy lại phần trăm để đưa trả lại ngân sách thì phải có văn bản thỏa thuận ngay từ ban đầu, được công khai minh bạch cho người bỏ thầu dự án. Nhưng ở đây hoàn toàn không có những quy định như vậy".

Do dự án ở Cà Mau không công khai việc lấy lại phần trăm để nộp ngân sách nên Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng các quan chức đó đã hoàn toàn làm sai, làm trái pháp luật. Ông Đài giải thích :

"Bởi vì theo quy định của pháp luật Việt Nam về luật công chức, viên chức, các cán bộ công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép… Nhưng ở đây họ làm những điều mà không được pháp luật cho phép, tức là họ đã làm trái pháp luật. Hành vi đó được coi là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi hoặc là hành vi nhận hối lộ".

Dự án mà ông Sơn đề cập đến trong đoạn ghi âm có tổng vốn đầu tư 6,5 tỷ đồng, hiện đã hoàn thành phần lớn các hạng mục chính.

Sau khi đoạn ghi âm trên được đăng tải lên mạng xã hội, UBND tỉnh Cà Mau đã yêu cầu thanh tra tất cả dự án thực hiện ở địa bàn huyện Phú Tân. Tuy nhiên việc xử lý chỉ dùng lại ở mức ‘rút kinh nghiệm’ (!?).

Dư luận trên mạng xã hội cho rằng, ‘rút kinh nghiệm’ là hình thức né tránh kỷ luật của quan chức Việt Nam. Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết thêm :

"Ở đây thường là do mối quan hệ giữa người lãnh đạo cao nhất ở địa phương với những người vi phạm pháp luật. Nếu như họ không thuộc phe cánh với nhau, thì chắc chắn họ sẽ dùng các cơ quan thực thi pháp luật như cơ quan điều tra, cơ quan công tố là viện kiểm sát, cơ quan xét xử là tòa án… để trừng trị các quan chức như vậy. Còn đối với các quan chức thuộc phe cánh đối với những người đang đang nắm quyền lực thực tế ở địa phương, thì họ có thể dùng những cách kỷ luật như ‘rút kinh nghiệm’ như vậy, để bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật hình sự của các quan chức dưới quyền của mình".

laiqua2

Ảnh minh họa chụp tại Cà Mau. Courtesy camau.gov.vn

Xử lý tùy tiện, không minh bạch

Theo kết luận Thanh tra tỉnh Cà Mau, huyện Phú Tân từ năm 2017 đến tháng 5/2023 đã thực hiện 23 dự án, trong đó 16 công trình có phương án bồi thường, tái định cư. Huyện thỏa thuận để lại cho hội đồng bồi thường 20-30% trên tổng chi phí thực hiện giải phóng mặt bằng được phê duyệt để phục vụ họp, tiền xăng cho các thành viên, in ấn, chi tuyên truyền... (mức "lại quả" được nói thông thường chỉ khoảng 2%/tổng dự án).

Tỉnh Cà Mau trong kết luận thanh tra dù nhìn nhận việc thương thảo tỷ lệ phần trăm để lại cho hội đồng chưa được quy định cụ thể, nhưng lại cho rằng bảy cán bộ đòi ‘lại quả’ là việc làm công khai, minh bạch, được cấp thẩm quyền phê duyệt…

Đây không phải lần đầu tiên cán bộ bị phát hiện vi phạm "nhận hối lộ" tại Việt Nam, nhưng chỉ phải kiểm điểm rút kinh nghiệm. Vào tháng 8/2020, UBND tỉnh Kiên Giang thông báo kết luận thanh tra vi phạm đất đai ở tỉnh Kiên Giang, với tổng số tiền gần 750 tỷ đồng, tuy nhiên cán bộ tỉnh có liên quan vi phạm cũng chỉ bị ‘kiểm điểm rút kinh nghiệm’.

Không chỉ ‘rút kinh nghiệm’, nhiều các bộ sai phạm ở Việt Nam không những không bị truy tố mà còn được thăng chức. Đơn cử như nhiều cán bộ huyện ở tỉnh Bắc Giang có sai phạm liên quan đến Dự án Di dân tái định cư xây dựng Trường bắn Quốc gia khu vực 1 vẫn được thăng chức như thông tin được truyền thông nhà nước đăng tải ngày 12/5/2020.

Trong khi đó, cũng theo thông tin từ truyền thông nhà nước vào thời điểm đó, những người dân do không được bồi thường thỏa đáng nên đã trở về đất cũ trồng cây, canh tác do có xô xát với người đến đào vàng và lực lượng chức năng nên đã bị bắt giữ, xử lý hình sự và bị kết án tù về tội Gây rối trật tự công cộng.

Nhà báo Võ Văn Tạo khi trao đổi với RFA từ Nha Trang liên quan vấn đề "quan vi phạm nhận xử lý nhẹ, dân vi phạm bị phạt nặng", từng nhận xét :

"Chuyện này ở Việt Nam bình thường, nhiều lắm, sai phạm mà cứ thăng chức vèo vèo. Cán bộ khác mà, ngay ông Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ đã nói rồi : ‘dân sai dân chịu trách nhiệm trước pháp luật, cán bộ sai phải rút kinh nghiệm’. Cũng có những trường hợp bị xử lý thật sự. Dù sao so với người dân vẫn không nghiêm khắc lắm, vẫn nhẹ, giơ cao đánh khẽ thôi".

Luật sư Ngô Anh Tuấn ở Hà Nội khi trả lời RFA trước đây liên quan vấn đề này cho biết, mặc dù vậy vẫn còn nhiều "cái lệ" được áp dụng trong đời thực. Ông cho biết :

"Thực tế pháp luật không có ưu tiên với người nào cả, mọi công dân đều ngang bằng như nhau dù là quan chức hay nguời dân. Tuy nhiên có những cái lệ mà ta không vượt qua được, thêm nữa là những quy định riêng đặc biệt đối với đảng viên. Từ những điều đó khiến người ta có phân biệt đối xử đối với các bị can bị cáo hoặc các đối tượng tình nghi trong việc này khi họ đương chức, đương nhiệm hoặc là đảng viên thì có sự ưu ái nhất định".

Theo các nhà báo và giới quan sát tình hình chính trị tại Việt Nam mà RFA từng trao đổi, đều có chung nhận định rằng, quy trình xử lý kỷ luật, quy hoạch cán bộ trong hệ thống Đảng cộng sản Việt Nam rất tùy tiện, không minh bạch. Gần như việc đó tùy thuộc vào sự bảo trợ của ai và thế lực nào đứng sau. Chính điều đó khiến người dân càng ngày càng mất lòng tin vào chính quyền, nhà nước.

"Đây là tội rất lớn, bởi vì các cơ quan công quyền phải được người dân tin cậy thì lúc đó chính quyền mới hoạt động được hiệu quả, để mất đi lòng tin của người dân là mất đi tài sản rất lớn của quốc gia trong sự phát triển của đất nước" - Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng viện nghiên cứu phát triển IDS trong một lần trả lời RFA nhận định.

Nguồn : RFA, 20/09/223

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 220 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)