World Bank : Ngân sách chính phủ Việt Nam ‘tiếp tục thâm hụt’
VOA, 20/09/2023
Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới cho biết rằng thâm hụt ngân sách của Việt Nam "tính đến thời điểm hiện tại ước khoảng 2,3 tỷ USD".
Công nhân dệt may Việt Nam. Ảnh minh họa
Công bố bản cập nhật về tình hình kinh tế Việt Nam hôm 18/9, tổ chức tài chính này nói rằng khi nền kinh tế chậm lại, số thu ngân sách giảm 23,2% trong tháng 8 năm 2023, sau khi giảm 17-36% so với cùng kỳ năm trước trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2023.
Trong khi đó, theo World Bank, chi tiêu công "tiếp tục tăng nhanh", tăng 22,1% trong tháng 8, tương đương với mức tăng trong các tháng 5, 6, 7 "do giải ngân đầu tư công tăng".
Trong bản cập nhật, Ngân hàng Thế giới cũng cho biết rằng trong tháng 8, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa "tiếp tục nằm trong vùng suy thoái", giảm lần lượt là 7,3% và 8,1%.
Cơ quan tài chính này nói thêm rằng "sự suy giảm trong thương mại hàng hóa phản ánh nhu cầu tiếp tục yếu từ các thị trường xuất khẩu chính, bao gồm Mỹ và EU, khiến xuất khẩu giảm lần lượt 19,1% và 8,3% trong 8 tháng đầu năm 2023".
World Bank cũng nhận định rằng "trong khi sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu có thể đã chạm đáy và tiêu dùng trong nước vẫn ổn định, tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục chậm, phản ánh đầu tư tư nhân trong nước và niềm tin của nhà đầu tư yếu".
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hôm 19/9 thừa nhận tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn cho hai quý còn lại của năm trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% đã đề ra cho năm nay.
Theo nhận định của Bloomberg, quốc gia Đông Nam Á vốn phụ thuộc vào xuất khẩu đã không thể lấy lại động lực kinh tế khi nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam bị suy yếu và các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản chống chọi với suy thoái.
**********************
Việt Nam : Chủ tịch Quốc hội thừa nhận mục tiêu tăng trưởng năm 2023 ‘hết sức khó khăn’
VOA, 19/09/2023
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hôm 19/9 thừa nhận tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn cho hai quý còn lại của năm trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% đã đề ra cho năm nay.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hôm 19/9 thừa nhận tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%
Theo nhận định của Bloomberg, quốc gia Đông Nam Á vốn phụ thuộc vào xuất khẩu đã không thể lấy lại động lực kinh tế khi nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam bị suy yếu và các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản chống chọi với suy thoái.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023, ông Vương Đình Huệ nói rằng Việt Nam, quốc gia đang phải đối mặt với những cơn gió ngược của kinh tế toàn cầu, sẽ phải nỗ lực rất lớn để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay.
"Việt Nam sẽ rất khó đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay", Bloomberg dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nói.
Vẫn theo lời ông Vương Đình Huệ, "nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài", VnExpress tường thuật.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục bị suy giảm, giảm 10% trong 8 tháng đầu năm và là mức giảm mạnh nhất trong cùng kỳ 12 năm trở lại đây.
Theo ông Vương Đình Huệ, thị trường trong nước hiện chưa được thúc đẩy hiệu quả, và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản vẫn gặp khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Việc thu hút vốn FDI vẫn gặp nhiều thách thức trong dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa sâu rộng.
Ngoài ra, theo người đứng đầu Quốc hội, tình trạng chậm triển khai các dự án cơ sở hạ tầng do chính phủ tài trợ đang góp phần khiến nền kinh tế của Việt Nam bị chậm lại.
Ông Huệ cho biết chỉ 42,4% giải ngân đầu tư công theo kế hoạch đã được giải ngân trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 8. Việc chậm giải ngân vốn công chủ yếu là do các vấn đề pháp lý liên quan đến giải phóng mặt bằng, bồi thường và tái định cư cho người dân sống tại khu vực dự án.
Chủ tịch quốc hội Việt Nam cho biết hoạt động xây dựng chậm lại cũng là lực cản đối với nền kinh tế.
Ông nói Việt Nam được hưởng thặng dư thương mại chỉ vì các nhà sản xuất nhập khẩu ít nguyên liệu hơn do thiếu nhu cầu sản xuất. Ông cho biết thêm rằng các công ty trong nước đang gặp khó khăn trong việc duy trì khả năng phục hồi trước lượng đơn đặt hàng sụt giảm và nguồn vốn hạn chế.
Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2023 là 6,5%. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, các tổ chức kinh tế quốc tế đã nhiều lần hạ mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống. Vào tháng 7, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 từ 6,5% xuống còn 5,8%, và từ 6,8% xuống còn 6,2% cho năm 2024. Trước đó, cũng trong tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ mức 5,8% xuống còn 4,7% cho năm 2023.
************************
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam giảm tám tháng liên tiếp
RFA, 20/09/2023
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 8/2023 đạt gần 858,8 triệu USD tăng 10,2% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến sẽ tăng trong những tháng cuối năm.
Xuất khẩu cá tra Việt Nam dự báo đạt kim ngạch 1,77 tỷ USD trong năm 2023 - CT
Đó là thống kê của Tổng cục Hải quan được truyền thông loan trong ngày 20/9. Theo số liệu trên, kim ngạch XNK thủy sản của Việt Nam vẫn giảm và là tháng thứ chín liên tiếp giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế tám tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 5,79 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022.
Mức giảm trong tháng 8 được cho là thấp nhất trong các tháng qua, khi việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ (thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam) tăng trưởng dương đầu tiên kể từ tháng 9/2022.
Tuy vậy, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản, thị trường lớn thứ hai, trong tháng 8 lại giảm mạnh 21,9% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 135,1 triệu USD - mức giảm cao nhất kể từ đầu năm.
Trong tám tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 874,36 triệu USD, giảm 17,7% so với cùng kỳ.
Mặc dù vậy, nhận định về thị trường XNK thủy sản của VN trong những tháng cuối năm, bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) – cho rằng, thị trường cuối năm đang có những tín hiệu tích cực, đặc biệt việc xuất khẩu cá tra sang Mỹ, có mức thuế chống bán phá giá giảm so với năm trước.
Bà Lan kỳ vọng đây là cơ sở cho các doanh nghiệp tăng giá bán ở Mỹ và các thị trường khác.
Bà Lan cho biết thêm những tháng cuối năm 2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ phục hồi do thị trường bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ lớn, dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra có thể đạt 1,77 tỷ USD.
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra tháng 8/2023 đạt 170 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022. Mức giảm 12% trong tháng 8 đã thu hẹp so với các tháng 8 đã thu hẹp so với các tháng trước đó (các tháng 5,6,7 ghi nhận giảm 23-36%).
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phùng Đức Tiến cho biết thêm việc Trung Quốc cấm nhập thủy sản từ Nhật Bản khi Nhật tiến hành xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra biển, cũng là thời cơ của Việt Nam.
**************************
Vietnam Airlines có thể lỗ bốn năm liên tiếp, âm vốn chủ sở hữu (RFA, 20/09/2023)
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) có thể lỗ bốn năm liên tiếp khi con số lỗ trong năm 2023 dự kiến có thể lên tới hơn 4.500 tỷ đồng.
Máy bay của Vietnam Airlines ở sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh hôm 1/12/2021 - AFP
Con số lỗ này theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, đã cải thiện nhiều so với con số lỗ 10.091 tỷ đồng mà Vietnam Airlines đã báo trong năm 2022. Truyền thông Nhà nước loan tin trên trong ngày 20/9.
Theo báo cáo, 8 tháng đầu năm năm 2023, sản lượng vận chuyển hành khách của Vietnam Airlines ước đạt hơn hai triệu lượt, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng hóa vận chuyển khoảng 193.300 tấn, giảm 4% so với năm trước đó.
Lý giải việc giảm lỗ so với năm 2022, đại diện Vietnam Airlines cho biết trên tờ Tài chính Tiền tệ rằng, trong thời gian qua, do thị trường vận tải từng bước phục hồi và Vietnam Airlines tiếp tục chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn như điều hành linh hoạt cung ứng tải vận chuyển, cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ... giúp mức lỗ quý II/2023 giảm so với quý II/2022.
Tuy vậy, đại diện đơn vị này cho biết, hoạt động kinh doanh vận tải vẫn chưa cân bằng được thu chi do thị trường quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan và các yếu tố rủi ro tài chính và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh. Lãi gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong báo cáo mẹ và hợp nhất sáu tháng năm 2023 chỉ đạt khoảng 6,4% doanh thu.
Như vậy, sau 14 quý lỗ liên tiếp, Vietnam Airlines lỗ lũy kế tới 35.667 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 11.598 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý II/2023, tổng nợ phải trả của Vietnam Airlines không biến động nhiều so với cùng kỳ, vẫn ở mức hơn 70.700 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đang nằm trong diện bị hạn chế giao dịch do Vietnam Airlines chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Hôm 11/9, Vietnam Airlines và Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing đã ký kết bản ghi nhớ về việc chào bán 50 máy bay thân hẹp Boeing 737 Max với giá trị 10 tỷ USD.
Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa cho biết động thái này nằm trong chiến lược phát triển đội máy bay giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, đầu tư máy bay là dự án trọng điểm để Vietnam Airlines đảm bảo đạt được mục tiêu.
Ông Hòa cũng khẳng định Vietnam Airlines đã và sẽ tiếp tục làm việc với các định chế tài chính để tìm kiếm các cơ hội và giải pháp thu xếp vốn cho dự án phù hợp nhất, bao gồm cả các giải pháp ngắn, trung hạn cho khoản tiền trả trước cũng như giải pháp bán và thuê lại.
************************
Tăng giá điện, EVN vẫn báo lỗ hơn 28.000 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm
RFA, 20/09/2023
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến lỗ hơn 28.700 tỷ đồng trong tám tháng đầu năm 2023, mặc dù giá điện bán lẻ đã tăng ở mức 3% hồi đầu tháng 5.
Thợ điện đang lắp đồng hồ đo điện ở Hà Nội - AFP
Đó là thông tin trong báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các doanh nghiệp do cơ quan này làm đại diện chủ sở hữu và được truyền thông Nhà nước loan trong ngày 20/9.
Ủy ban Quản lý vốn trong báo cáo cho biết với số lỗ trong tám tháng đầu năm của EVN dự kiến là 28.700 tỷ đồng, cộng với khoản lỗ năm 2022 là 26.500 tỷ đồng, tính chung số lỗ từ năm 2022 đến đầu tháng 9/2023, công ty mẹ EVN đã lỗ tổng cộng khoảng trên 55.000 tỷ đồng.
Hôm đầu tháng 5/2023, EVN đã tăng điện bán lẻ 3%, với số tăng này EVN có thêm 8.000 tỷ đồng. Tuy vậy, đại diện EVN cho truyền thông hay với những khó khăn về tài chính rất lớn của năm 2022 và 2023 do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao thì mức tăng doanh thu từ việc tăng giá điện chỉ bù đắp được một phần khó khăn về tài chính của EVN trong năm 2023.
Hôm 1/9/2023, Bộ Công thương đề xuất trong công thức tính giá điện bán lẻ bình quân, sẽ có quy định về việc đưa các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện. Các khoản chênh lệch tỷ giá trong hợp đồng mua bán điện, lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện sẽ nằm trong "chi phí khác". Đề xuất trên không những nhận được phản ứng từ các chuyên gia kinh tế, năng lượng mà còn gây bức xúc trong người dân.
Trong một bài viết liên quan đến đề xuất trên của Bộ Công thương, một người dân sống tại Thành phố Hồ Chí Minh không muốn nêu tên, nói với RFA rằng việc giá điện "cõng" lỗ EVN là hết sức nghịch lý. Người này nói : "Riêng cá nhân tôi là người sử dụng điện cũng thấy rất nghịch lý. Tại sao Việt Nam đầu tư các nơi lời thì họ ăn chia với nhau, còn lỗ thì bắt dân chịu, rất là phi lý. Nhưng bây giờ họ có áp giá điện như thế nào thì người dân cũng phải chịu, chứ không có cách gì khác, chẳng lẽ bây giờ không xài điện nữa, đâu có được, đó là nhu cầu thiết yếu nhất trong cuộc sống hiện nay. EVN là doanh nghiệp độc quyền Nhà nước, rất được ưu tiên, họ được ban phát nhiều đặc ân, cho nên họ áp đặt cái gì thì cuối cùng người dân cũng phải chịu, mặc dù rất bức xúc".
Nội dung trong báo cáo của Ủy ban của Quốc hội hôm 20/9 ghi rõ cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường. Giá mặt hàng này cũng không phản ánh kịp thời chi phí nhiên liệu đầu vào cũng như khan hiếm cung - cầu điện, chưa được hình thành theo từng khu vực địa lý.
Cụ thể, khung pháp lý cho việc tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) vẫn chưa hoàn thiện. Và các nhà máy điện tái tạo được xây dựng theo tư duy "giá FIT" (Feed-in Tarriff – tức biểu giá điện hỗ trợ) nhiều rủi ro khi tham gia chào giá trên thị trường điện cạnh tranh. Bên cạnh đó, chính sách về giá điện còn bất cập.
Ngoài ra, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng việc điều chỉnh giá điện có thể gây tác động lớn tới kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân nên cần được đặc biệt chú trọng.
Do đó, việc điều hành giá điện trong thời gian tới, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế điều chỉnh giá điện. Bảo đảm điều hành minh bạch, không gây ảnh hưởng lớn, đột ngột và tiêu cực đến sản xuất và đời sống của người dân.