Tử tù Lê Văn Mạnh bị thi hành án tử hình vào sáng ngày 22/9
RFA, 23/09/2023
Trong ngày 23/9 một ngày sau khi Việt Nam thi hành án tử hình với Lê Văn Mạnh, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trong tuyên bố về việc xử tử Lê Văn Mạnh đã yêu cầu Chính phủ Việt Nam cần ngay lập tức giảm bớt tất cả các án tử hình để ngăn chặn những vụ xét xử sai lầm và tiến tới bãi bỏ án tử hình ngay lập tức.
Tử tù Lê Văn Mạnh khi còn ở với gia đình - Công An Thành phố Hồ Chí Minh
"Việt Nam cố gắng che giấu sự thật rằng họ là một trong những quốc gia sử dụng án tử hình nhiều nhất ở Châu Á và trên thế giới, nhưng vụ hành quyết Lê Văn Mạnh là một ví dụ nổi bật về mọi điều sai trái trong hệ thống tư pháp Việt Nam. Việc công an thường xuyên sử dụng biện pháp tra tấn và hệ thống tòa án độc lập khác xa với hệ thống tòa án độc lập dẫn đến hình phạt cuối cùng không thể thay đổi được trong trường hợp này chứng tỏ bằng chứng ngoại phạm mạnh mẽ của bị cáo bị coi thường", ông Phil Robertson viết.
Tử tù Lê Văn Mạnh đã bị thi hành án tử hình vào sáng ngày 22/9 sau hơn 18 năm kêu oan trong một vụ án có nhiều tình tiết, bằng chứng không rõ ràng mà theo các luật sư là không đủ để kết tội.
Luật sư Lê Văn Luân thuộc Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long ở Hà Nội - nơi gia đình tử tù Lê Văn Mạnh đã đến nhờ nộp đơn kêu oan hôm 20/9 - vừa đăng dòng trạng thái trên Facebook cá nhân với nội dung : "Tin và văn bản chính thức cho biết, bị án Lê Văn Mạnh đã bị thi hành án tử hình vào sáng ngày 22/9/2023".
Trên các trang mạng Facebook đồng thời đăng tải một văn bản "Trích lục khai tử" đề ngày 22/9/2023 của UBND xã Thu Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình cho biết tử tù Lê Văn Mạnh (sinh năm 1982) đã chết vào 8 giờ 45 phút ngày 22/9/2023 tại nhà thi hành án tử hình, Công an tỉnh Hòa Bình, xã Thu Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
Trích lục khai tử
Trước đó, vào ngày 18/9, gia đình tử tù Lê Văn Mạnh đã nhận được giấy báo có chữ ký của Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc đối với Lê Văn Mạnh.
Ngay sau khi nhận được tin này, gia đình tử tù Lê Văn Mạnh đã nói họ không chấp nhận bản án vì đây là án oan sai và tiếp tục ra Hà Nội để kêu oan cho con.
Năm 2005, khi mới 23 tuổi, Lê Văn Mạnh bị kết tội tử hình về hành vi "hiếp dâm và giết" một nữ sinh ở cùng thôn 4, xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa trong vụ án xảy ra hồi đầu năm đó.
Mẹ của Mạnh là bà Nguyễn Thị Việt cho biết, trong đúng ngày xảy vụ án, bà cùng Mạnh giúp chuyển đồ cho con gái bà cả ngày, và khi trở về nhà vào chiều muộn thì mới nghe tin thiếu nữ ở cùng thôn tên Lan bị giết chết. Bà đã giục con trai và chồng ăn cơm rồi cùng bà con trong thôn đi mò xác của người xấu số trên con sông ở làng.
Bà cho biết vì quần áo của con trai mình đã đem đi giặt trước đó nên Mạnh buộc phải mặc quần đùi rách để đi phụ giúp.
Người trong thôn mò được xác, Mạnh lên bờ với cái quần rách đó nhưng sau đó cởi ra vứt vào bụi cây để mặc quần khác vì bị trêu.
Khi công an về khám nghiệm tử thi và khám nghiệm hiện trường, họ tìm thấy cái quần đùi rách của Mạnh cách đó không xa, cho rằng đó là quần của thủ phạm và từ đó họ bắt người thanh niên này.
Vụ án xảy ra từ ngày 21/3/2005 nhưng đến ngày 20/4 công an Thanh Hóa mới bắt Mạnh về cáo buộc "cướp tài sản" trong một vụ án khác xảy ra ở Đồng Nai.
Sau bốn ngày bị tạm giam, Lê Văn Mạnh tiếp tục bị khởi tố bị can về cáo buộc "giết người, hiếp dâm trẻ em" vì một lá thư gửi cho gia đình thú nhận hành vi phạm tội.
Bà Việt cho biết, con trai bà kể lại là bản thân đã bị điều tra viên tra tấn, đánh vào chỗ hiểm để buộc phải nhận tội, và Mạnh phải viết giấy nhận tội theo ý của điều tra viên nếu không khó có thể bảo toàn tính mạng.
Trong các phiên tòa, Mạnh liên tục kêu oan. Luật sư của Mạnh yêu cầu giám định thân thể của bị cáo để xác định liệu có bị tra tấn trong quá trình điều tra không nhưng tòa bác bỏ.
Hôm 21/9, Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu (EU) cùng với Đại sứ quán của Canada, Vương quốc Anh và Vương quốc Na Uy tại Việt Nam ra tuyên bố chung kêu gọi Hà Nội dừng việc thi hành án đối với ông Lê Văn Mạnh.
Tuyên bố chung đăng tải trên trang Facebook của Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam, đại diện ngoại giao của khối 27 quốc gia và ba quốc gia khác viết :
"Chúng tôi cực lực phản đối việc áp dụng hình phạt tử hình trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, đây là một hình phạt tàn ác, vô nhân đạo, hạ thấp nhân phẩm và không bao giờ có thể biện minh được, đồng thời vận động Việt Nam hoãn thi hành tất cả các án tử hình".
Đây là tuyên bố chung thứ hai của EU và Anh quốc, Na Uy và Canada về án tử hình ở Việt Nam trong hai tháng gần đây. Cuối tháng trước, các quốc gia trên đã ra tuyên bố kêu gọi nhà chức trách Việt Nam dừng thi hành án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng, người cũng bị kết tội giết người trong một vụ án hình sự ở Hải Phòng năm 2007.
Nguồn : RFA, 22/09/2023
**************************
Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi Việt Nam dừng thi hành án tử hình Lê Văn Mạnh
RFA, 22/09/2023
Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu (EU) cùng với Đại sứ quán của Canada, Vương quốc Anh và Vương quốc Na Uy tại Việt Nam ra tuyên bố chung kêu gọi Hà Nội dừng việc thi hành án đối với ông Lê Văn Mạnh, người bị kết án tử hình từ năm 2005 nhưng liên tục kêu oan.
Fb Nguyễn Trường Chinh
Tuyên bố được đưa ra trong ngày 21/9, là thời hạn chót Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa yêu cầu gia đình tử tù Lê Văn Mạnh đăng ký nhận xác người thân cho dù cơ quan này không ấn định thời điểm thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.
Trong Tuyên bố chung đăng tải trên trang Facebook của Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam, đại diện ngoại giao của khối 27 quốc gia và ba quốc gia khác viết :
"Chúng tôi cực lực phản đối việc áp dụng hình phạt tử hình trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, đây là một hình phạt tàn ác, vô nhân đạo, hạ thấp nhân phẩm và không bao giờ có thể biện minh được, đồng thời vận động Việt Nam hoãn thi hành tất cả các án tử hình".
Tuyên bố cũng nói hiện nay án tử hình được bãi bỏ trong luật pháp hoặc trên thực tiễn của hơn hai phần ba các quốc gia trên thế giới và ủng hộ việc bãi bỏ án tử hình là xu hướng toàn cầu.
Theo đó, không có bằng chứng nào cho thấy hình phạt tử hình có tác dụng răn đe tội phạm hiệu quả hơn hình phạt tù.
Tuyên bố chung cho rằng khi áp dụng án tử hình thì bất kỳ sai sót nào- điều có thể xảy ra với mọi hệ thống luật pháp, đều không thể đảo ngược.
Các phái đoàn ngoại giao cũng cho biết, "sẽ tiếp tục tích cực nỗ lực để thúc đẩy xu hướng chung hướng tới loại bỏ hình phạt tử hình và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trên con đường tiến tới việc xóa bỏ này".
Đây là tuyên bố chung thứ hai của EU và Anh quốc, Na Uy và Canada về án tử hình ở Việt Nam trong hai tháng gần đây. Cuối tháng trước, các quốc gia trên đã ra tuyên bố kêu gọi nhà chức trách Việt Nam dừng thi hành án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng, người cũng bị kết tội giết người trong một vụ án hình sự ở Hải Phòng năm 2007.
Phóng viên gửi email tới Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về Tuyên bố chung nói trên, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Như tin đã đưa, ngày 18/9, gia đình nhận được thông báo của tòa án về việc thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh.
Kể từ hôm đó tới nay, mẹ của ông Mạnh là bà Nguyễn Thị Việt, cùng những người thân trong gia đình ra Hà Nội kêu oan cho người tử tù sinh năm 1982.
Bà Việt cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết bà đã đưa đơn đề nghị xem xét lại bản án tới Văn phòng Quốc hội và nhiều cơ quan trung ương khác.
Trong ngày 22/9, bà cùng ba con gái đến Ban tiếp dân của Chủ tịch nước. Bà nói qua điện thoại :
"Gia đình có nguyện vọng gặp Ban tiếp dân của Chủ tịch nước để đề nghị xem xét lại bản án, xem xét lại hồ sơ vụ án của Lê Văn Mạnh, xét xử cho nó một cách minh bạch đúng người đúng tội.
Qua bảy phiên tòa, vừa sơ thẩm vừa phúc thẩm và giám đốc thẩm vẫn chưa đưa ra được cái bằng chứng thuyết phục (nào) để gia đình tôi cảm thấy vụ án đó xử nghiêm minh. Bảy phiên tòa đó đang còn nhiều uẩn khúc".
Thỉnh nguyện thư gửi Chủ tịch nước
Cũng trong ngày 21/9, Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long ở Hà Nội gửi Thỉnh nguyện thư tới Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với đề nghị người đứng đầu nhà nước ra quyết định tạm dừng/tạm đình chỉ việc thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh.
Trong bức thư, trưởng văn phòng luật sư cho rằng trong vụ án của Lê Văn Mạnh có những sai sót và vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng hình sự, bao gồm việc chứng minh và việc đánh giá các chứng cứ buộc tội trong vụ án này.
"Việc kết tội tại các bản án vốn còn chưa bảo đảm sự chắc chắn sẽ cần phải được xem xét lại ; và do đó, chúng tôi khẩn thiết đề nghị Ngài ra quyết định tạm dừng/tạm đình chỉ việc thi hành án tử hình đối với bị cáo/bị án Lê Văn Mạnh trong thời hạn rất ngắn ngủi còn lại, bởi đó là một điều cấp thiết đầu tiên và hiển nhiên cũng thuộc thẩm quyền ngay lập tức của Ngài".
Luật sư Nguyễn Hà Luân, người đứng đầu Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long, cũng là người đã đề nghị Chủ tịch nước hoãn thi hành án tử hình Lê Văn Mạnh trong năm 2015 sau khi Tòa án Thanh Hóa gửi thông báo cho gia đình với yêu cầu đăng ký nhận thi hài.
Việc tử tù Lê Văn Mạnh kêu oan với những sai sót trong tố tụng nhận được sự chú ý của cộng đồng quốc tế, bên cạnh hai trường hợp của hai tử tù Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng.
Năm 2015, Ân xá Quốc tế gửi thư ngỏ kêu gọi Chủ tịch nước khi đó Trương Tấn Sang dừng thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh và ra lệnh điều tra cáo buộc tra tấn đối đối với ông này.
Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa sau đó đã dừng quyết định thi hành án để rà soát lại vụ án.