Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

22/09/2023

Bà Nguyễn Phương Hằng bị tuyên án 3 năm tù

Tổng hợp

Công luận nói gì về mức án của bà Nguyễn Phương Hằng

RFA, 22/09/2023

Sau 18 tháng tạm giam, hôm 21/9/2023, Bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, bị tuyên án ba năm tù với cáo buộc "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Bốn đồng phạm của bà Hằng cũng bị tuyên từ ít nhất một năm sáu tháng đến hai năm sáu tháng tù.

phuonghang1

Bà Nguyễn Phương Hằng (áo trắng) tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hôm 21/9/2023. Ảnh chụp màn hình phiên toà

Bị bắt mới biết vi phạm !

Dư luận thấy gì từ bản án dành cho bà Hằng và các đồng phạm, khi việc livestream tưởng chừng "vô thưởng vô phạt" như bà Hằng khai trước tòa "bị bắt mới biết mình vi phạm" ?

Một người dân sống ở Sài Gòn không muốn nêu tên đầy đủ vì lý do an toàn, gọi tắt là T., hôm 22/9 cho RFA biết ý kiến :

"Cá nhân tôi phản đối điều 117 (331-pv), vì điều đó cực kỳ mơ hồ, bắt người rất mơ hồ, không có gì cụ thể rõ ràng. Như trường hợp bà Hằng chẳng hạn, chỉ là lên chửi bới nhau trên mạng, nếu dùng tội danh sỉ nhục người khác, chẳng thà là như vậy. Còn đem vào điều luật lợi dụng tự do dân chủ, xâm phạm quyền lợi của tổ chức cá nhân, trong điều luật 117 (331-pv) thì nó vô lý. Nó sẽ làm cho những người muốn nói câu chuyện gì trên mạng thì họ sẽ ngại. Tại vì chị Phương Hằng là một doanh nhân rất nổi tiếng và giàu có, thuộc dạng có thế lực, chứ không phải dân đen mà vẫn bị... thì thử hỏi những người dân thường thì sao ? Nó sẽ làm cho mọi người dân cũng như cá nhân tôi thấy hoang mang, kiểu như họ làm theo cảm hứng, luật không rõ ràng. Chắc nhiều người sẽ hoang mang khi muốn nói gì trên mạng xã hội hay muốn phê phán chỉ trích thì họ sẽ dè dặt".

Bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Đại Nam, hôm 24/3/2022 bị Công an Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố và bị bắt tạm giam về hành vi "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích cá nhân", theo Điều 331 của Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Khởi đầu vụ việc bắt đầu từ năm 2021, hai vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng - ông Huỳnh Uy Dũng nộp đơn tố cáo ông Võ Hoàng Yên về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó, trong các buổi phát sóng trực tiếp nói về chủ đề này trên mạng xã hội, bà Hằng đã chỉ trích các nghệ sĩ như Hoài Linh, vì cho rằng có quen biết với ông Yên nhưng không lên tiếng.

Bà Hằng tiếp tục gây lên cơn sốt trên các mạng xã hội như Facebook, YouTube và TikTok với hàng chục đến hàng trăm ngàn người theo dõi một buổi phát trực tiếp đề cập đến việc mà bà cho rằng các nghệ sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Công Vinh, Đại Nghĩa... ăn chặn tiền từ thiện cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung. Những người này sau đó khởi kiện bà Hằng vì cho rằng bà đã vu khống họ.

Sau khi Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án ba năm đối với bà Nguyễn Phương Hằng, nhiều người tỏ vẻ đồng tình và cũng có không ít người cho là bản án khá nặng khi bình luận rằng tòa cũng nên lấy nhưng việc làm thiện nguyện của bà Hằng nhiều năm qua để giảm án cho bà. Nhận định về vụ bà Nguyễn Phương Hằng, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chi Cộng sản, hôm 22/9, nói với RFA :

"Bà Hằng live stream nói nghệ sĩ ăn chặn từ thiện thì chỉ là hành vi dân sự thôi, kể cả cãi nhau với các ca sĩ nọ kia cũng chỉ là chuyện dân sự. Nhưng cuối cùng bị ghép vào tội hình sự, bị xử phạt 3 năm, khiến người ta cũng bị shock nhiều. Người thấy việc đó rất là trái khoáy, làm cho người dân không dám lên tiếng, thậm chí chỉ là những chuyện nói lên sự thật, nói ra những điều ấm ức của mình... Cho nên rất là tai hại".

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình cũng cho rằng với cùng cáo buộc vi phạm điều 331, thì bản án của bà Hằng còn nhiều bất hợp lý :

"Tất nhiên đối với bà Hằng án chỉ bị ba năm thôi. Còn lại những người đấu tranh dân chủ như anh Nguyễn Minh Sơn sắp tới bị xử theo khoảng 1, điểm A gì đó là từ năm đến 12 năm tù, nhưng cũng có làm gì nhiều đâu, mà vào khoảng đó rất nặng nề như thế. Chuyện của bà Hằng bị ba năm đối với người dân cãi nhau trên mạng là quá nặng, nhưng so với những người lên tiếng cho xã hội, nói lên sự thật, đấu tranh cho bất công thì là nhẹ hơn rất nhiều".

Mức án nhắm đến những tiếng nói đối lập khác

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khi tham dự Hội nghị phối hợp công tác giữa Ban Nội chính Trung ương, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao hôm 31/3/2022 với vai trò Thường trực Ban Bí thư đã cho rằng vụ bà Nguyễn Phương Hằng là sai phạm có tính chất thách thức đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước... cần xử lý nghiêm.

Chánh văn phòng Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mới đây cho rằng vụ bà Hằng là vụ xử hình sự đầu tiên về hành vi "livestream" (phát trực tiếp) nói xấu người khác trên nền tảng mạng xã hội. Và, với mức án ba năm cho bà Hằng và trên một năm đến hai năm sáu tháng cho đồng phạm của bà Hằng mà Tòa Thành phố Hồ Chí Minh vừa tuyên, đang được dư luận đặt nhiều dấu hỏi, rằng liệu mức án đó có hợp lý và có phải thông qua vụ bà Hằng, các cơ quan chức năng Việt Nam muốn "răn đe" những người khác nhất là trong lúc Việt Nam đang khó kiểm soát được việc livestream trên nền tảng mạng xã hội ?

Với câu hỏi mà nhiều người đang "loay hoay" tìm câu trả lời này, Luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức Quốc hôm 22/9 cho biết ý kiến của ông với RFA :

"Tại phiên tòa xét xử đã có hai người là nhà báo Nguyễn Đức Hiển và nhà báo Đặng Thị Hàn Ni tố cáo bà hằng vi phạm pháp luật theo tội danh vu khống người khác và làm nhục người khác, theo điều 155 và điều 156 Bộ Luật Hình sự, đó mới là hai tội danh phù hợp hành vi mà đã được cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cũng như Tòa kết luận một cách công khai. Nhưng mà việc ba cơ quan tố tụng của Việt Nam áp dụng điều 331 thì nó mang tính chất chính trị nhiều hơn là mang tính chất pháp lý. Bởi vì họ đã áp dụng sai điều luật 331, một điều luật mơ hồ để điều tra, truy tố, xét xử những người bất đồng chính kiến hay những người sử dụng mạng xã hội để lên tiếng phê bình chỉ trích chính quyền".

Theo Luật sư Đài, hành vi của bà Hằng không phù hợp với tội danh mà Viện Kiểm sát cáo buộc, việc Tòa áp dụng tội danh này để trừng phạt bà Hằng theo ông Đài không phải nhằm vào cá nhân bà Hằng... Ông Đài giải thích :

"Thực ra chính quyền nhắm đến những người đối lập khác trong nước, họ hăm dọa, khủng bố tinh thần những người tranh đấu, để không được dùng mạng xã hội phê bình chỉ trích Nhà nước Việt Nam. Chính quyền áp dụng đã sai điều luật rồi, nhưng mà khi áp dụng điều luật đấy thì họ xét xử cũng không đúng mức độ vi phạm của bà Nguyễn Phương Hằng. Bởi vì theo cáo trạng, bà Phương Hằng đã sử dụng đến 57 lần live stream làm nhục, vu khống người khác và với nhiều người cùng một lúc, 10 người như vậy mà mức án ba năm tù là không phù hợp mức độ gây ra của bà Hằng. Nếu như Hội đồng xét xử cho rằng họ áp dụng đúng Điều 331, thì mức án đó là quá nhẹ".

Nguồn : RFA, 22/09/2023

***************************

Bà Phương Hằng nhận mức án 3 năm tù

Đan Thuần & Tuyết Mai, Tuổi Trẻ online, 21/09/2023

20g ngày 21/9, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với bà Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm. Theo đó, bà Phương Hằng nhận mức án 3 năm tù, ông Đặng Anh Quân 2 năm 6 tháng tù.

phuonghang2

Bị cáo Nguyễn Phương Hằng tại tòa - Ảnh : A.T.

Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) 3 năm tù ; Đặng Anh Quân (45 tuổi, giảng viên Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) 2 năm 6 tháng tù ; Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, trợ lý tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam), Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên văn phòng Công ty cổ phần Đại Nam), Huỳnh Công Tân (29 tuổi, trưởng phòng truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam) 1 năm 6 tháng tù cùng về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo khoản 2 điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo Hội đồng xét xử, tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, lời khai của các bị cáo phù hợp với nhau, phù hợp với kết luận giám định và các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

Từ đó, Hội đồng xét xử cho rằng có cơ sở khẳng định bị cáo Nguyễn Phương Hằng, Đặng Anh Quân, Lê Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Mai Nhi, Huỳnh Công Tân phạm tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo Hội đồng xét xử, từ tháng 3/2021 đến tháng 3/2022, bà Phương Hằng và 4 bị cáo đã lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích hợp pháp của 10 cá nhân.

Cụ thể, bà Nguyễn Phương Hằng là tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam (tỉnh Bình Dương) được nhiều người trên mạng xã hội biết đến.

Từ tháng 3/2021, bà Phương Hằng đã sử dụng điện thoại di động, máy tính xách tay và máy quay phim, đăng nhập vào 12 tài khoản mạng xã hội do bà này quản lý, thực hiện nhiều buổi livestream phát ngôn trực tiếp trên mạng Internet có nội dung bịa đặt, sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân ; đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của các ông, bà : Võ Nguyễn Hoài Linh, Nguyễn Thị Mỹ Oanh, Đặng Thị Hàn Ni, Nguyễn Đức Hiển, Trần Thị Thủy Tiên, Lê Công Vinh, Huỳnh Minh Hưng, Đinh Thị Lan, Lê Thị Giàu, Trương Thị Việt Hà, trái quy định của pháp luật.

Bị cáo Đặng Anh Quân đã tương tác, tham gia bình luận trực tiếp với bà Hằng trong 11 buổi livestream, cổ vũ về tinh thần, tiếp thêm ý chí cho bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội.

Ngoài ra trong buổi livestream ngày 24/12/2021, ông Quân đã phát ngôn có nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của ông Võ Nguyễn Hoài Linh.

Các bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân đã thực hiện hành vi tạo lập, quản lý các trang mạng xã hội, kết nối các tài khoản mạng xã hội vào Internet ; thông báo thời gian, chủ đề livestream, chuẩn bị nội dung, sân khấu để bà Hằng livestream và đăng tải các bài viết của bà Hằng lên các trang mạng xã hội theo chỉ đạo của bà Hằng.

Do đó, hành vi của Nhi, Hà, Tân và Quân là đồng phạm, với vai trò giúp sức cho bà Hằng.

Theo Hội đồng xét xử, hành vi của các bị cáo vi phạm Luật An ninh mạng năm 2018 và nghị định số 72/2013/NĐ-CP, đã xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, phải xử lý nghiêm để cải tạo, giáo dục riêng và răn đe, phòng ngừa chung.

Tuy nhiên các bị cáo đã thành khẩn khai báo, riêng bị cáo Nguyễn Phương Hằng được tặng nhiều giấy khen, bằng khen về việc thiện nguyện. Các bị cáo Nhi, Hà, Tân có vai trò không đáng kể nên Hội đồng xét xử tuyên các mức án trên.

Đan Thuần & Tuyết Mai

Nguồn : Tuổi Trẻ online, 21/09/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt, Tuổi Trẻ online
Read 309 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)