Việt Nam đề nghị Mỹ hạn chế việc điều tra và áp thuế chống phá giá lên hàng xuất khẩu của Việt Nam
RFA, 22/09/2023
Lãnh đạo Việt Nam đề nghị phía Mỹ hạn chế các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng dệt may, da giày, đồ gỗ và nông sản của Việt Nam, đồng thời sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Nguyễn Hồng diên gặp bà Gina Raimondo, Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ - vnbusiness
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Mỹ đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tại New York hôm 20/9. Trong cuộc gặp này, ông Chính đã đưa ra đề nghị trên với phía Mỹ.
Cũng trong chuyến thăm Mỹ của đoàn Việt Nam, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra đề nghị tương tự đối với Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ là bà Gina Raimondo trong cuộc gặp mới đây.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam trích lời Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại cuộc gặp nói rằng ông quan ngại sâu sắc trước tần suất ngày càng gia tăng của các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ, nhất là các vụ việc nhắm vào các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Hai vụ gần đây nhất được nói đến là sản phẩm ống thép của Hòa Phát và sơ mi rơ moóc.
Hồi tháng 8 năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ mở cuộc điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép nhập từ Việt Nam theo đơn đề nghị từ phía các công ty của Mỹ. Các công ty Mỹ cáo buộc Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng – nguyên liệu chính để sản xuất ra ống thép – từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, sau đó gia công, chế biến đơn giản thành ống thép và xuất khẩu sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại mà Mỹ đang áp dụng với các nước trên.
Việc Việt Nam chưa được Mỹ công nhận là nước có nền kinh tế thị trường khiến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam liên tục phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá và thậm chí phải chịu mức thuế trừng phạt.
Theo dữ liệu sơ bộ của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC), trong năm 2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 32,7 triệu USD sản phẩm bị đề nghị điều tra sang Mỹ, chiếm khoảng 15,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước vào Mỹ.
Trong tuyên bố chung Mỹ - Việt Nam nhân dịp hai nước nâng quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa qua, hai bên cũng đặt ra mục tiêu hướng tới việc Mỹ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
***********************
Tôm hùm Việt Nam bị chặn nhập khẩu vào Trung Quốc, gây thiệt hại nặng
VOA, 22/09/2023
Các xe tải chở tôm hùm Việt Nam trên đường xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái, đã bị chặn lại sau khi nước này đột ngột ra lệnh hạn chế nhập khẩu, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng, truyền thông trong nước dẫn thông tin từ Chi cục Hải quan Móng Cái cho biết.
Tôm hùm bông của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (Ảnh chụp màn hình báo Thanh niên)
Ngày 21/9, cơ quan này đã thông báo với báo chí rằng tình trạng này đã diễn ra ba ngày qua do Trung Quốc bất ngờ hạn chế nhập khẩu tôm hùm khiến nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay. Tờ Thanh niên cho biết có khoảng 6 tấn tôm hùm đã chết.
Tôm hùm là một mặt hàng hải sản đắt giá ở Việt Nam với giá bán hàng triệu đồng mỗi ký. Chi cục Hải quan Móng Cái được Thanh niên dẫn lời cho biết mỗi ngày có khoảng 100 xe hải sản tươi sống lẫn đông lạnh được làm thủ tục xuất nhập khẩu qua Lối mở Km3+4.
Tuy nhiên, cũng có xe tải đã kịp đưa hàng trở lại các đầm nuôi hay kho đông lạnh để bảo quản, còn số tôm hùm đã chết được rao bán giải cứu trên mạng xã hội với giá khoảng 400.000 đồng mỗi ký, cũng theo Thanh niên.
Trang mạng Dân trí dẫn lời lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh cho biết nguyên nhân việc này là do phía Trung Quốc ‘tăng cường kiểm soát dịch bệnh’ mà không báo trước.
Tuy nhiên, đến 15h ngày 22/9, toàn bộ các xe chở tôm hùm bị kẹt đã được xuất sang Trung Quốc trở lại, Dân trí dẫn nguồn từ Chi cục Hải quan Móng Cái cho biết, và hiện không còn xe hàng nào tồn đọng tại khu vực cảng.
Cụ thể, trong ngày 22/9 đã có 65 xe hàng thủy sản tươi sống cũng như đông lạnh xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu này, trong đó có 45 xe tôm hùm, 20 xe cua, ngao, ốc, theo Dân trí.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu chủ lực của các mặt hàng nông sản cũng như thủy hải sản nước này. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường nhiều rủi ro. Trong quá khứ, Trung Quốc đã nhiều lần đóng cửa khẩu vì nhiều lý do khiến nông sản Việt Nam phải bán đổ bán tháo hay đổ bỏ hàng loạt như trường hợp của thanh long hay mít.
Nguồn : VOA, 22/09/2023
************************
Hàng tấn tôm hùm xuất khẩu chết ở cửa khẩu Móng Cái do Trung Quốc hạn chế nhập
RFA, 22/09/2023
Khoảng sáu tấn tôm hùm xuất khẩu của Việt Nam đã chết ở cửa khẩu Móng Cái khi chờ xuất khẩu sang Trung Quốc vì nước láng giềng đột ngột hạn chế nhập mặt hàng này.
Lối mở Km34+5 Hải Yên, nơi xuất khẩu tôm hùng sang Trung Quốc - Hải quan Móng Cái via VnExpress
Báo Nhà nước dẫn thông tin từ Chi cục Hải quan TP Móng Cái hôm 21/9 cho biết, Trung Quốc mới chỉ bắt đầu hạn chế nhập khẩu mặt hàng tôm hùm từ khoảng ba ngày nay.
Việc Trung Quốc ngừng nhập đột ngột các mặt hàng tôm hùm đã khiến hàng tấn tôm hùm xuất khẩu của Việt Nam không về kịp các kho đông lạnh và chết. Số tôm hùm này đã phải bán tháo ra thị trường trong nước với giá mỗi kg từ 200.000 đến 400.000 đồng, thấp bằng 1/3 giá xuất khẩu, theo truyền thông trong nước.
Đến sáng ngày 22/9, lãnh đạo Chi cục Hải quan Móng Cái cho biết, phía Trung Quốc đã nhận nhập khẩu tôm hùm. Các xe đã di chuyển ra khỏi kho đông lạnh để làm thủ tục xuất, nhập khẩu.
Theo Chi cục Hải quan TP.Móng Cái, tại đây, mỗi ngày trung bình có khoảng 100 xe hải sản tươi sống, đông lạnh được làm thủ tục xuất nhập khẩu qua Lối mở Km3+4.
Theo thông kê của Hải quan Móng Cái, trong chín tháng qua, tổng trọng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tại địa phương này đạt hơn một triệu tấn, tăng 80% so cùng kỳ năm 2022 ; kim ngạch xuất nhập khẩu tính đến ngày 15.9 đạt 47 triệu USD, tăng 0,44% cùng kỳ 2022.
Các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu là hàng sản xuất, gia công, linh kiện điện tử, thiết bị khai thác mỏ, hàng nông sản, trái cây, hải sản tươi sống, khô và ướp lạnh…
Nguồn : RFA, 22/09/0023